Văn hóa / Thế giới văn hóa

Hình ảnh thiên thần đã thay đổi như thế nào trong chiều dài lịch sử nghệ thuật thế giới?

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật vào thế kỷ thứ 4, cho tới ngày nay, hình ảnh thiên thần đã trải qua một quá trình thay đổi về mặt mỹ thuật, thể hiện sự thay đổi trong cảm nhận và tư duy của con người về biểu tượng tôn giáo.

hình ảnh thiên thần trong nghệ thuật

Từ những bức tượng, điêu khắc và tranh vẽ thời cổ đại cho tới những tác phẩm hiện đại sau này, dấu ấn của hình ảnh thiên thần luôn xuất hiện như một mạch nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật vào thế kỷ thứ 4 cho tới ngày nay, hình tượng này đã trải qua một quá trình thay đổi về mặt mỹ thuật, thể hiện sự thay đổi trong cảm nhận và tư duy của con người về biểu tượng tôn giáo.

Những minh họa đầu tiên mang hình ảnh thiên thần 

Theo các nhà nghiên cứu, những hình ảnh thiên thần đầu tiên có hình tượng một vị thần có cánh được tìm thấy trong văn hóa Assyria cổ đại và Hy Lạp cổ đại.

Assyria

elle việt nam hình tượng thiên thần
Hình ảnh lamassu kết hợp từ con người, bò, ngựa và đại bàng – được cho là tiền thân của hình ảnh thiên thần.

Trong văn hóa Assyria cổ đại (nhà nước tồn tại từ đầu thế kỉ 24 trước Công nguyên đến năm 608 trước Công nguyên), lamassu là một vị thần bảo vệ. Thường được gọi với cái tên “bò đực có cánh”, lamassu là hình tượng được lai giữa con người, bò, ngựa và đại bàng. Hình tượng này được cho là những miêu tả đầu tiên trong lịch sử của thiên thần.

Vì lamassu có vai trò là người bảo vệ nên thường xuất hiện tại các lối vào cung điện tại Assyria.

Hy Lạp cổ đại

Hình ảnh thiên thần trong nghệ thuật cổ đại Hy Lạp là thần Eros và nữ thần chiến thắng Nike.

hình ảnh thiên thần Eros
Hình ảnh của Eros

Theo thần thoại, Eros (sau này được người La Mã gọi với tên thần Cupid) là con trai của Aphrodite và thần tình yêu. Nghệ thuật thời Cổ điển (510 BCE – 323 BCE) mô tả Eros là một thanh niên có đôi cánh lớn.

Trong thời kỳ Hy Lạp (323 BCE – 31 CE), các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch hết sức được ưa chuộng. Nhiều nghệ sĩ Hy Lạp cổ đại đã điêu khắc hình tượng thiên thần với chất liệu này, nổi tiếng nhất là bức tượng thần chiến thắng Samothrace.

Tượng thần chiến thắng Samothrace
Tượng thần chiến thắng Samothrace – Ảnh: Muratart

Đây là bức tượng đá cẩm thạch được khắc nhằm kỷ niệm trận chiến thắng trên biển vào đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Tác phẩm này cao 328 cm, miêu tả nữ thần Nike – vị thần tượng trưng cho chiến thắng.

Quá trình thay đổi của hình ảnh thiên thần trong lịch sử nghệ thuật

Rome

Một trong những minh hoạ sớm nhất về thiên thần được tìm thấy trong hầm mộ của Priscilla – hầm mộ xây bằng đá được sử dụng trong tập tục chôn cất của Ki-tô giáo vào thế kỷ thứ 3.

hình ảnh thiên thần bên trong hầm mộ
Bên trong hầm mộ – Ảnh: Mymodernmet

Người ta tìm thấy trong hầm mộ những bức tranh khắc trên tường kể lại những cảnh trong Cựu Ước và Tân Ước, trong đó, có cảnh thiên thần Gabriel báo rằng Mary sẽ sinh con trai của Chúa. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài người ta mới có thể khẳng định rằng hình vẽ này chính là thiên thần Gabriel bởi hình vẽ trong hầm mộ không có cánh.

Đông La Mã

Hình ảnh thiên thần có hình dáng giống con người nhất lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới là vào thế kỷ thứ 4 tại phía Đông La Mã – gần Thổ Nhĩ Kì ngày nay. Các hình ảnh này được khắc trên các quan tài cẩm thạch.

Bức tranh khảm đá vàng được làm từ thế kỷ 13 của nhà thờ Santa Maria dell’ Ammiraglio
Bức tranh khảm đá vàng được làm từ thế kỷ 13 của nhà thờ Santa Maria dell’ Ammiraglio – Ảnh: Renata

Tới các thế kỷ tiếp theo, hình tượng thiên thần bỗng nhiên quay lại, trở thành chủ đề trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các bức tranh khảm mạ vàng hay các biểu tượng Công giáo La Mã.

Thời Trung Cổ

Bức tranh "Madona and Child with Angles"
Bức tranh “Madona and Child with Angles” của Pietro di Domenico da Montepulciano (1420)

Kế thừa những minh họa của các nghệ sĩ Đông La Mã, nghệ sĩ trung cổ tiếp tục khắc họa hình tượng thiên thần trên các bức tranh có nền màu vàng. Tương tự như những tác phẩm trước đó, hình tượng thiên thần luôn xuất hiện bên cạnh các nhân vật trong Kinh Thánh như Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, chúa Giêsu… Tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ có thể kể đến là bức “Madona cùng đứa con bên các thiên thần” (Madona and Child with Angels) hoàn thành năm 1420.

Thời kỳ Phục Hưng tại Ý

Hình ảnh thiên thần chịu sự ảnh hưởng bởi phong trào tìm kiếm những cách biểu đạt hiện thực và gần với tự nhiên hơn trong nghệ thuật thời kỳ này. So với tất cả những hình tượng trước đó, thiên thần trong nghệ thuật Phục Hưng được mô tả với hình ảnh giống người thật hơn, dẫu vậy, đề tài trong tranh vẫn gắn chặt với các điển tích kinh thánh.

hình ảnh thiên thần trong bức "Madonna With Child and Two Angels"
Bức “Madonna With Child and Two Angels” của Fra Filippo Lippi

Một trong những ví dụ cụ thể nhất là tác phẩm “Madonma with Child and Two Angels” của Fra Filippo Lippi. Vẫn chung đề tài với tác phẩm thời Trung Cổ đã nhắc đến ở trên nhưng cách biểu đạt hình ảnh có sự thay đổi rõ rệt.

Thiên thần trong trường phái Tân cổ điển

hình ảnh thiên thần trong bức "Song of the Angels"
Bức “Song of the Angels” của William-Adolphe Bouguereau (1881)

Lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ Phục Hưng, nghệ sĩ Tân cổ điển tiếp tục sử dụng hình tượng thiên thần với lối biểu đạt ngày càng gần với tự nhiên hơn. Hình ảnh thiên thần trong thời kỳ này thường sở hữu vẻ ngoài mềm mại của người phụ nữ. Bên cạnh đó, những tác phẩm hội họa trong thời kỳ này không quá bám sát chi tiết và điển tích kinh thánh mà chỉ dựa vào kinh thánh làm cảm hứng hay sử dụng những chi tiết kinh thánh như phép ẩn dụ. Ví dụ như tác phẩm “Birth of Venus” của William Bouguereau.

Tác phẩm "Birth of Venus" của William-Adolphe Bouguereau
Tác phẩm “Birth of Venus” của William-Adolphe Bouguereau (1879)

Thiên thần trong trường phái nghệ thuật hiện đại

Tới thế kỷ 20, dù tôn giáo và Kinh Thánh không còn là đề tài chủ đạo trong nghệ thuật nhưng hình ảnh thiên thần vẫn là nguồn cảm hứng trong sáng tạo. Trong đó, nổi bật nhất là Marc Chagall – một nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại gốc Do Thái thường xuyên sử dụng hình ảnh thiên thần trong các sáng tác của ông. Nói về nguồn cảm hứng lớn này, Marc từng chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy hứng thú về Kinh Thánh từ hồi còn bé. Từ trước tới nay và cả mãi sau này, Kinh Thánh đối với tôi luôn là nguồn cảm hứng văn chương tuyệt vời nhất trên thế gian này. Và từ bấy giờ, tôi luôn cố tìm cách thể hiện triết lý này trong cuộc sống và nghệ thuật”.

Trần nhà hát Opera quốc gia (Opera National de Paris Garnier) do Marc Chagall thực hiện năm 1964
Trần nhà hát Opera quốc gia (Opera National de Paris Garnier) do Marc Chagall thực hiện năm 1964

Nghệ thuật đương đại

Rõ ràng sang thời kỳ đương đại, các ranh giới nghệ thuật dường như bị phá vỡ, đồng thời chào đón nhiều biểu đạt hết sức mới mẻ và phá cách. Các nghệ sĩ có toàn bộ quyền tự do trong việc trộn lẫn, làm mới hay tái tạo các hình tượng nghệ thuật, trong đó có tôn giáo.

Angel Icon của Keith Haring
Angel Icon của Keith Haring (1990)

Nhóm thực hiện

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: TN Tham khảo: My mordern met
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)