Nếu bà Khuê khô khan như nam giới, ngắn gọn, súc tích, không vòng vèo cheo leo mà thẳng thắn cay nghiệt và tinh tế, ông Thái cứ như bà nội trợ phố cổ. Sáng dậy, ông xách làn đi chợ, ghé hàng bún riêu chút, hàng xôi chè chút, hàng hủ tiếu chút, hàng táo hàng lê… ông ngồi khề khà ê a hàng quán ông buôn không hồi kết không chấm phẩy. Đó là giọng văn của Hồ Anh Thái. Có gì đó nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm yểu điệu thục nữ, ông thoải mái, hít hơi thật sâu rồi tuôn ra nhiệt thành, không cần đề phòng cẩn trọng hay khách sáo nhạt toẹt. Giọng văn kiểu “buôn chuyện”, nhiều người hợp, nhiều người dị ứng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Hồ Anh Thái duyên, giỏi soi xét, lan man có chủ ý. Ông viết khỏe, truyện ngắn truyện dài tiểu thuyết khảo cứu tản văn… đủ chủ đề. Tất nhiên, ông viết cả về xứ Ấn. Thậm chí, ông viết về Ấn Độ rất cuốn hút, sinh động, rung cảm. Lý do tại sao ông có duyên với Ấn, và tràn trề cảm hứng với Ấn, ai thích Hồ Anh Thái, đều rõ.
Nhiều người tôi quen “ác cảm” đất nước Ấn Độ, con người Ấn Độ. Những người chỉ mới làm quen với Ấn Độ qua vài ba bộ phim truyền hình lúc lắc cái đầu vài nghìn tập, những thạc sĩ tiến sĩ đi Đông đi Tây như ông Thái xách làn đi chợ hàng sáng, mỗi khi tôi nhắc đến xứ Ấn, hay rủ đi ăn đồ Ấn, đều nhìn tôi bằng cặp mắt quan ngại sâu sắc. Tôi không hiểu lý do tại sao người ta lại có thể dễ dàng ghét một vùng đất đến vậy. Ấn Độ “phức tạp” đến thế sao?
Tôi thường nói đùa, người Ấn Độ tồn tại ở London, hay bất kì nơi nào khác ngoài xứ Ấn, họ không nhìn thấy dân tộc nào khác, ngoài chính bản thân họ. Đi thang máy, nhóm người Ấn vào xong hết là họ giữ nút đóng thang máy, mặc cho tôi cách đó vài bước chân đang hì hụi chạy đến. Kể thêm chuyện nữa, vui hơn, đó là hồi đi Melacca – Malaysia, một thành phố nhỏ kiểu như Hội An ta, tôi vốn nghiện đồ ngọt, thấy hàng chè xanh đỏ tím vàng ở góc chợ, sướng quá sà vào. Quán người Ấn. Anh chủ quán béo nhẫy nhụa mồ hôi, tay thoăn thoắt như Jacki Chan liến thoắng võ rắn, chọc sục bát đậu này bát bột kia. Chưa đầy 2 phút, tôi đã có tác phẩm – cốc chè kiểu Ấn, cốt dừa nước đường vung vãi “chảy dãi” bảy màu quanh thành miệng bát, nếm thử thì thấy… mằn mặn, không hiểu vị mặn kiểu chè Ấn, hay mặn từ mồ hôi tay của “võ sư” kia? Đơn giản dễ hiểu nhất, người Ấn nói tiếng Anh, anh có ấn kiểu gì, cũng không thể nhồi được vào đầu người nghe “ngoại đạo”, chỉ người Ấn mới hiểu người Ấn thôi. Những bề nổi đó dễ dàng khiến người ta vội vã định kiến, kết luận vội vàng, quên mất cái duyên riêng rất riêng của Ấn Độ. Nét duyên sâu sắc kết tinh từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, yoga… cho đến tinh hoa của gia vị, ẩm thực, công nghệ cao.
BÀI LIÊN QUAN
Chúng ta sẽ gặp cái duyên đó trong cuốn truyện ngắn Tiếng Thở Dài Qua Rừng Kim Tước của ông Thái. Tập truyện ngắn này, với cá nhân người viết, là tác phẩm lấy cảm hứng Ấn Độ đẹp nhất, đầy rung cảm, trong số các tác phẩm viết về Ấn Độ của tác giả Hồ Anh Thái. Một cuốn sách đáng đọc, đáng để lưu giữ, đáng để đọc đi đọc lại.
Vẫn với giọng văn xuề xòa “buôn chuyện” thân thiện, Hồ Anh Thái nhẹ nhàng uyển chuyển lôi kéo người đọc ngồi nhà từ trạng thái thụ động bất thân xứ Ấn, ra đến sân bay, gặp những người Ấn Độ đầu tiên, với ấn tượng ban đầu, thường là… khó chịu. Đúng như tác giả nhận định, người Ấn đi chung với nhau, họ tạo thành một thế giới riêng và duy nhất, thế giới đó ào ào ồn ã. Tuy nhiên, tách họ ra, mỗi người Ấn Độ là một vũ trụ. Họ không có nhu cầu kết thân hay bắt chuyện với bất kì ai. Họ may mắn sở hữu một tài sản tinh thần vô giá của văn hóa Ấn Độ, ăn sâu vào máu thịt vào tâm thức.
Từ sân bay, lên máy bay, rong chơi đến xứ Ấn, bước vào khu rừng kim tước, và nghe tiếng thở dài.
Tiếng Thở Dài Qua Rừng Kim Tước, truyện ngắn nổi bật trong tập sách, kể về khu rừng độc nhất vô nhị. Độc nhất vô nhị không phải bởi nó độc đáo hay là điểm du lịch tâm linh. Khu rừng mới đầu chỉ trơ trọi một cây kim tước, sau, người ra trồng thêm nhiều cây kim tước, rồi thành một rừng kim tước. Mỗi cây kim tước là nơi ẩn náu một linh hồn đã bị tước đi sự tồn tại trên Trái Đất này. Và người ta thở dài mỗi khi có một cây kim tước được trồng thêm. Chỉ riêng truyện ngắn này thôi, đã khiến cho cả cuốn sách trở nên đáng giá và lay động lòng người. Câu truyện dìu dặt dịu dàng sóng đôi cùng người đọc bước chậm từng bước, quan sát những thân phận mang danh nghĩa người Ấn Độ, khổ sở ra sao, thiệt thòi ra sao, song cũng tràn đầy tình yêu thương và rung cảm. Tiếng thở dài qua rừng kim tước là hiện thực đầy thấm thía, thương cảm và ám ảnh viết riêng cho phụ nữ và trẻ nhỏ Ấn Độ.
Ấn Độ hiện tại bớt khép kín. Người ta hồ hởi tìm về Ấn Độ để hành hương tẩm bổ đời sống tinh thần, để mua saffron (nhụy hoa nghệ tây) tẩm bổ sắc đẹp da dẻ, để cảm thụ nền ẩm thực vẫy vùng hoang dại các loại gia vị đặc trưng đầy phấn khích. Tôi tự hỏi, người Ấn Độ giờ đã bớt khổ, và khu rừng kim tước, liệu có rộng lớn thêm không?
Xem thêm:
Nhóm thực hiện
Bài: CHQCQ (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)