Thử thách đầu tiên khi Hồ Trâm Anh nhận ra đam mê của mình là gì?
Vào độ tuổi 12-13 khi tôi chưa đủ chín chắn để hiểu được điều mình muốn truyền tải. Kỹ thuật và nền tảng là những thách thức đầu tiên, buộc mình phải tìm hiểu thêm và đào sâu bên trong để xem rốt cuộc mình là ai? Nội dung mình muốn truyền đạt là gì? Và mỗi ngày nó càng trở nên rõ ràng hơn.
Ở tuổi 12-13 mà đã đặt những câu hỏi như vậy, bạn có cảm thấy quá sức và cô đơn?
Từ bé đến giờ tôi đã ít bạn. Cũng có vài bạn bè chơi nhạc nhưng không ai có cùng câu hỏi như mình ngay lúc ấy. Sự cô đơn luôn thường trực, không thể tránh. Tâm sự đó chỉ có mình với mình. Nếu có thể nói ra một phần cũng có rất ít người bày tỏ, chưa chắc nói người ta hiểu, nên mình phải tự xoay xở.
Có vẻ từ sau Nhà thiếu nhi, bạn không theo học lớp âm nhạc chuyên nghiệp nào khác?
Tôi không học trường nhạc. Lúc đầu tôi có nghĩ đến chuyện này nhưng thực tế môi trường ở Việt Nam không cho phép tôi đi theo âm nhạc chuyên nghiệp để có được một sự nghiệp ổn định. Âm nhạc mình muốn theo đuổi quá cá biệt, không dành cho số đông. Nếu như vậy, làm sao mình có thể tìm được chỗ đứng và sống với nó? Kiếm tiền và danh tiếng cũng không phải là điều tôi tha thiết nên chọn học một ngành nghề khác để kiếm tiền và ổn định.
Và vì vậy bạn quyết định trở thành người chơi nhạc “part time”?
Trên danh nghĩa có thể là vậy, thậm chí bị xem là một người chơi nhạc amateur. Vì tôi đang không dành trọn tất cả cho âm nhạc. Tôi vẫn có bổn phận hằng ngày phải hoàn thành ở lĩnh vực khác. Đổi lại tôi không cần thỏa hiệp trong việc viết nhạc. Nhưng âm nhạc chưa bao giờ có nghĩa là “part time” với tôi. Trong bản thân, tôi hiểu công sức dành cho đam mê không hề ít. Theo cách này, mọi thứ đang hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát. Tôi được tự do với âm nhạc. Tôi sống với âm nhạc mỗi ngày như hơi thở và viết nhạc như viết nhật ký.
Nghĩa là bạn không đeo đuổi khán giả mà để cho người nghe tự tìm thấy mình?
Hiện tại thì là đúng như vậy. Có thể cách tiếp cận này sẽ bị đánh giá là cực đoan. Nhu cầu cấp thiết nhất của mình vẫn đang là mình diễn tả bên trong mình, tôi không mưu cầu được tìm thấy và được khen ngợi vì nỗ lực của bản thân.
Tự do theo cách của bạn khiến sự nghiệp âm nhạc trở nên rõ ràng hơn hay xa tầm tay hơn?
Định nghĩa sự nghiệp của mỗi người sẽ rất khác nhau. Có người là bảng thành tích. Có người đó là công việc kiếm tiền để nuôi sống. Có người đơn giản sự nghiệp là cái nghiệp mà mình phải gánh, cái không thể không làm. Tôi hiện tại không kiếm tiền từ việc làm nhạc, nhưng âm nhạc đang là nguồn lương thực hằng ngày và là lẽ sống của tôi. Bây giờ nếu không làm nhạc, tôi không biết mình là ai? Vì sự đeo đẳng này mà tôi vẫn luôn thấy âm nhạc trong tầm tay với mình.
Là người lớn lên ở thế hệ nghệ sĩ chủ động, bạn phải tự làm mọi khâu để sản xuất tác phẩm?
Vâng tôi tự học hết, cứ nghe rồi bắt chước. Bắt chước một thời gian thì bắt đầu mày mò. Thực ra thì việc tự học rất thú vị, tôi được chọn lựa thứ gì gần với mình nhất. Về mặt sản xuất, tôi có một ekip đắc lực là những người bạn của mình. Nhưng mọi người cũng có công việc riêng và không thể toàn tâm toàn ý và việc này. Bản thân lịch của tôi và lịch của mọi người không thể thống nhất được trong một thời gian ngắn. Bất chấp những khó khăn đang tồn tại thì quá trình phát hành album vẫn tương đối suôn sẻ.
Gánh nặng của một người nghệ sĩ độc lập ở thế hệ của bạn là gì?
Tôi không muốn nói nó là gánh nặng, đó là thử thách thôi. Thách thức nhất là làm sao có đủ điều kiện tài chính để trang trải cho điều mình muốn làm, mua nhạc cụ, đi thu âm, làm sao xây dựng ý tưởng cho một album, làm sao để mình huy động nguồn lực hỗ trợ của mọi người… Thách thức này không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người trong cộng đồng nghệ sĩ độc lập. Bởi họ luôn là những người tự thân vận động. Họ hầu như theo cách anh chị em bạn bè giúp nhau là chính. Nhưng không có nghĩa là thấy thách thức mà không làm, vẫn phải làm chứ.
Phải tự xoay xở hết có lúc nào bạn thấy mệt? Mệt về thể chất đơn giản là nghỉ ngơi, hồi phục. Nhưng mệt về sự thất vọng và nỗi hoài nghi của bản thân thì sẽ phải làm thế nào?
Tôi phải thừa nhận rất khó để vượt qua, bản thân tôi biết rất rõ khó khăn. Tôi chưa bao giờ hoàn toàn tự tin vào âm nhạc của mình. Mặc dù tôi khẳng định tôi viết nhạc cho chính mình. Nhưng không thể chối bỏ khao khát có những người nghe và thấy nó là âm nhạc có giá trị. Quá trình chờ đợi mọi người thừa nhận đôi khi khiến mình lại nghi ngờ giá trị bản thân. Nhiều lần tôi nghĩ là nhạc của mình rất dở vì không có nhiều người nghe, buồn cười là bộ não luôn có nhiều cách để hợp lý hóa những tiêu cực. Trong những thời khắc mình tự nghi hoặc bản thân thật sự rất tệ, vì sẽ không một ai thúc giục, nâng đỡ mình dậy được cả. Sau những lần như thế thì câu trả lời vẫn quay về với âm nhạc thôi. Vì sao ngày xưa mình viết nhạc mà chẳng mưu cầu gì cả? Giữa mong đợi từ những hồi đáp khác thì sự kỳ vọng vào bản thân vẫn là lựa chọn tốt hơn. Chẳng phải được chơi nhạc đã là niềm hạnh phúc to lớn rồi sao?
Trong những lúc chán nản, buồn bã, để níu mình lại với mình bạn sẽ chọn nghe nhạc của ai?
Ôi nhiều lắm! Có lẽ Rachmaninoff và Chopin là hai người tôi luôn tìm đến. Âm nhạc của họ là cái buồn của cả cuộc đời thế nhưng không gây cho người nghe cảm giác tuyệt vọng. Cuộc đời buồn như thế thì bây giờ mình làm gì với nó? Có thể tạo cho nó ý nghĩa riêng. Còn có một số nghệ sĩ khác như Slowdive, Radio head, Bjork hay Soap & Skin, âm nhạc của tôi khá giống chị gái này, cũng chơi piano cổ điển và màu sắc khá là u tối. Âm nhạc nghe có vẻ u tối hoàn toàn không phải là thứ gì đó tiêu cực. Có một hiện tượng gọi là “được tẩy trần”, ý là qua giai đoạn buồn bã cực điểm rồi thì người ta được hiểu bản thân hơn, hiểu trong sự u tối của người khác có sự hiện diện của họ. Họ không hoàn toàn cô đơn, cơ thể họ được trải qua quá trình thanh lọc và trở về trạng thái cũ. Lúc buồn mình có thể nghe nhạc để buồn hơn và thậm chí là khóc, xong đâu đấy rồi lại quay về sống tiếp.
BÀI LIÊN QUAN
Bạn thích bài nào nhất trong số những ca khúc đã ra mắt?
Tôi sẽ không dùng từ thích mà sẽ chọn đâu là bài hát được là mình nhất, nó là Low và sau đó là bài Ngủ. Hai ca khúc đã đi theo tôi suốt chặng đường âm nhạc. Ngủ được sáng tác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là lúc tôi không có nhiều hi vọng trong cuộc sống. Tôi viết bài này từ tâm trạng mất ngủ của một người bạn vì bạn ấy lo âu nhiều quá. Viết tặng bạn ấy cũng là viết tặng cho chính mình vì những lo âu của bản thân. Chẳng may viết xong người ta còn than phiền viết bài gì tên Ngủ mà nghe xong chẳng ngủ được. Đó có thể là bài được nhiều người biết nhất. Người nghe chia sẻ rằng họ đã khóc. Khi mình viết ra một bài hát có thể làm người ta rung động đến mức đấy thì một món quà vô giá. Bài Low thì rất là cá nhân. Nhiều người không thích vì tại sao tôi lại làm một ca khúc trầm và u tối như thế. Để tìm một người chơi cello cho bài ấy cũng không phải là dễ, có một số người họ từ chối vì họ không muốn chơi bài này. Thế nhưng sau mọi thứ, tôi đã hoàn thành và cảm thấy nó nói lên tiếng lòng của mình nhiều nhất.
Đối diện với sự u tối của mình và bộc lộ nó cần thiết như thế nào?
Tôi nghĩ rất cần, vì nó là một phần mình không nên chối bỏ. Dù mình có cố gắng chối bỏ, sự u tối ấy vẫn xâm chiếm lấy mình và có khả năng khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Theo thời gian chỉ có sự u tối này ở lại với mình. Thà rằng, mình chấp nhận để mình sống cùng và cảm thấy thoải mái với sự có mặt của nhau, để thấy sự tồn tại ấy là cần thiết, để làm cuộc sống phong phú.
Bạn có đồng ý với nhận định rằng giới trẻ ngày nay có nhiều điều kiện tốt hơn, nhiều cơ hội hơn nhưng lại sống u tối hơn?
Tôi không nghĩ chúng tôi sống u tối hơn. Thế hệ trẻ bây giờ chỉ đơn giản là thấy rõ hơn sự cô đơn và thừa nhận nó, chấp nhận nói về nó nhiều hơn. Thời nào, cô đơn cũng ở đó. Chúng tôi có thể rất năng động trên mạng xã hội nhưng khi lột bỏ tất cả thế giới sinh động ấy thì phải thừa nhận rằng mình cô đơn. Thừa nhận để tìm giải pháp đối mặt. Âm nhạc là một phương thức tuyệt vời để bộc lộ và giải tỏa.
Và âm nhạc có thể là một con đường để tìm thấy ánh sáng?
(Cười) Chưa biết ánh sáng ở đâu, nhưng thôi thì cứ đi mãi… Bản thân tình yêu dành cho nó đã là một chất liệu thắp sáng sự tin tưởng bên trong mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Hạ
Ảnh: Huy Vũ Lê
Sản xuất: Hellos
Trang điểm: Psi
Stylist: Jin Juin
Trợ lý: Sam Sam
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE