Cùng một lúc chị đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là một nhà giáo, nhà hoạt động xã hội, là mẹ… Vai trò nào khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất?
Tôi thấy mình hạnh phúc nhất khi được là chính tôi. Đó là khi tôi hoàn thành vai trò của một người phụ nữ trong gia đình nhỏ, được sống trọn vẹn mỗi ngày với những công việc nghệ thuật tôi đam mê, được gặp gỡ và chia sẻ với những người thân, người bạn tâm giao nhất, được tự do khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, được có những khoảnh khắc lắng đọng chỉ riêng mình.
Đang trong vai trò của một giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, phải chăng chị đã có những nhận định khác khi quyết định làm dự án ươm mầm nghệ thuật cho các em từ lứa tuổi nhi đồng? Có lẽ, năng khiếu nghệ thuật nên được khơi gợi, ươm mầm từ những bậc mầm non, tiểu học phải không chị?
Với vai trò là một nhà giáo dục nghệ thuật (mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng), tôi cho rằng đây là một môn học rất cần thiết, đóng vai trò hỗ trợ giáo dục toàn diện và tiên tiến. Tuy nhiên hiện nay, trẻ em Việt Nam trong các cấp học phổ thông còn đang ít nhiều gặp phải sự thiệt thòi và thiếu hụt với môn học này. Tôi tin vào quan điểm, tư duy cũng như phương pháp giáo dục nghệ thuật và thẩm mỹ của mình sẽ giúp ích được cho trẻ em ngay từ lứa tuổi nhi đồng, cũng như cảm thấy rất hứng thú với dự án đào tạo này. Mong muốn của tôi vẫn là cải thiện mạnh mẽ về tư duy thẩm mỹ và làm phong phú đời sống tâm hồn cho trẻ em Việt Nam. Tôi đã sáng lập nên dự án ươm mầm nghệ thuật – Vitamin ART Academy – để giúp các bé tiếp cận với những kiến thức nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật toàn diện, chuyên sâu qua các trò chơi nghệ thuật (play based learning), thẩm thấu tự nhiên. Các bé được tự do sáng tạo, thể hiện cá tính riêng của mình dựa trên những nền tảng, nguyên lý nghệ thuật hàn lâm và phương pháp tư duy sáng tạo khoa học, văn minh.
Từ trước đến nay, cấp bậc tiểu học đã được tiếp cận với nghệ thuật qua các môn học như vẽ, múa, hát… Thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ để các bạn nhỏ thực sự yêu thích và vui thú với những môn học ấy. Qua quá trình làm việc với các em từ lứa tuổi nhi đồng, chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm để khuyến khích, khơi gợi trẻ có hứng thú hơn với nghệ thuật bởi đó cũng là cách giúp trẻ có những hiểu biết về cuộc sống xung quanh một cách thực tế chứ không phải qua “lăng kính” ảo của thời đại số như hiện giờ.
Câu hỏi nêu ra không chỉ tồn tại với việc giáo dục nghệ thuật cho trẻ em mà gần như là vấn đề tồn tại với tất cả các môn học khác trong nhà trường phổ thông ở bối cảnh đó. Tôi cho rằng, việc giáo dục trẻ em cần tuân theo nguyên tắc gợi mở, trực quan, “thẩm thấu tự nhiên”, kích thích khả năng đặt vấn đề, quan sát, phân tích và giải quyết vấn đề theo tư duy nội tại với nhân sinh quan của mỗi đứa trẻ chứ không nên theo lối áp đặt, khô cứng và giáo điều, bởi mỗi con người ngay từ thơ ấu đã là một thế giới hoàn toàn riêng biệt. Như thế, tự chúng sẽ có ham muốn được chinh phục những “thử thách” của môn học. Từ đó, chúng sẽ dần cảm thấy yêu thích, vui thú với quá trình học và tự hào với kết quả chúng đạt được trong từng bài học.
Nếu có thêm một vài giờ đồng hồ cho quỹ thời gian thường nhật của mình, điều chị mong ước làm sẽ là gì?
Đây là một giả định không thể xảy ra, bởi mỗi người chỉ có từng đó quỹ thời gian mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi cũng thường “sống thêm” trong chiều thời gian và không gian của tâm tưởng. Tôi tự cảm thấy mình có thể sở hữu thêm nhiều quỹ thời gian hơn là chỉ với 24 giờ mỗi ngày. Những khi như thế, tôi mong ước được sống thêm nhiều cuộc đời khác nhau, để từ những lăng kính cuộc đời đó tôi có thể hiểu và bao dung hơn những người dẫu thân quen hay xa lạ với tôi, và để tôi có thể soi lại chính mình.
Câu nói yêu thích và là phương châm sống của chị là gì?
Đó là “Sống trong từng Sát Na” – theo triết lý của đạo Phật ý chỉ con người sống thức tỉnh, sống và ý thức về sự sống trong từng phút giây.
Xin cảm ơn và chúc chị luôn nhiều năng lượng để tận hưởng từng phút giây cuộc sống ban tặng!
• Vitamin ART Academy, Trung tâm giáo dục nghệ thuật tạo hình và ứng dụng dành cho trẻ em lứa tuổi từ 4 trở lên đã hoạt động được 10 năm.
• Ngoài các hoạt động về giáo dục nghệ thuật trẻ em, trung tâm còn tổ chức các hoạt động nghệ thuật cộng đồng phi lợi nhuận dành cho trẻ em trong các dự án hợp tác với các đơn vị văn hóa, xã hội như viện Goethe Hà Nội.
—
Xem thêm
Tìm hiểu Ikebana: Nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản
Khám phá tính nữ trong bộ tranh nghệ thuật của nữ họa sĩ da màu Charlotte Edey
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: Chu Lân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE