Văn hóa / Thế giới văn hóa

Hãy cùng đưa đôi bàn tay, những người phụ nữ ấy sẽ thay đổi thế giới!

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 12/2018] Với mục tiêu truyền cảm hứng, thắp sáng triển vọng mới và chia sẻ cách thức thúc đẩy đổi mới ở phụ nữ, hội thảo TED Fellows với chủ đề Phụ nữ trong Đổi mới đã diễn ra ngày 6/9/2018 tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ.

phụ nữ 8

Đây là lần thứ 2, TED phối hợp với tập đoàn khách sạn Marriott tổ chức các buổi nói chuyện truyền cảm hứng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với chủ đề “Phụ nữ trong đổi mới”, hội thảo có sự góp mặt của ba hội viên của TED đến từ 3 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Họ đã chia sẻ những câu chuyện cá nhân và nghề nghiệp xung quanh chủ đề này. Tại đây, ELLE Việt Nam đã gặp gỡ và có cuộc trò chuyện cùng hai đại diện diễn giả đang góp sức cùng với những hoài bão lớn thay đổi thế giới từ chính những việc làm gần gũi với cuộc sống. Điều tôi khâm phục không phải bởi họ làm những việc lớn mà chính những việc nhỏ bé nhưng có tác động vô cùng mạnh mẽ với cộng đồng. “Hãy cùng đưa đôi bàn tay của bạn, họ sẽ thay đổi thế giới “, đó là thông điệp mà tôi cảm nhận và tin rằng những người phụ nữ này đang nỗ lực hằng ngày với trái tim và khối óc “đổi mới” mạnh mẽ.

phụ nữ 1
Hội thảo TED được diễn ra tại thành phố được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ.

Trang Trần – Đi xa bằng con đường bền vững

Làm trong lĩnh vực nông nghiệp và là nhà đồng sáng lập của Fargreen, Trang Trần đã chia sẻ về cách thức làm việc với những người nông dân và khuyến khích họ trồng nấm trên rơm để xây dựng các cộng đồng bền vững. Đại diện của Việt Nam xuất hiện trong trang phục giản dị, như chính câu chuyện cô chia sẻ về việc trồng nấm trên rơm, giảm thải tác động tới môi trường từ hành động đốt rơm sau mỗi vụ thu hoạch. Chia sẻ về sự xuất hiện lần này ở TED Fellows, Trang Trần cho biết cô vô cùng tự hào khi chia sẻ câu chuyện về nỗ lực giải quyết vấn đề xã hội đang có ảnh hưởng xấu đến môi trường ở Việt Nam với thế giới. Bởi không chỉ Việt Nam, câu chuyện về việc đốt rơm trên đồng ruộng sau mỗi vụ mùa đang xảy ra ở rất nhiều các quốc gia trong khu vực và điều đó gây ra tác động rất lớn đến môi trường.

phụ nữ 2

Tham dự hội thảo với tinh thần “đổi mới”, Trang cho rằng, việc cô và Fargreen làm đang thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề đã tồn tại rất lâu theo một hướng mới – nghĩ khác đi, làm khác đi nhưng dựa trên yếu tố cốt lõi “Going far by going green – đi xa bằng con đường bền vững”. Khởi động dự án từ 3 năm trước và bắt đầu tại quê lúa Thái Bình – nơi Trang cho biết cộng đồng sẽ nhìn thấy sự chuyển biến rõ rệt nhất. Dự án không chỉ dừng lại ở việc trồng nấm để giải quyết vấn nạn đốt rơm, đó còn là một vòng tròn khép kín trong đó nấm được đưa vào để sử dụng phụ phẩm là rơm sau vụ lúa, rơm thải ra được quay trở lại đồng ruộng làm phân bón hữu cơ. Bức tranh toàn cảnh cần nhìn rộng hơn việc sản xuất lương thực, tạo thành một vòng tròn khép kín để giảm thiểu các chất thải độc hại ra môi trường và mang lại các giá trị bền vững cho cộng đồng nông nghiệp, không chỉ là trồng nấm mà còn các loại lương thực khác như gạo, rau…

phụ nữ 4
Dự án trồng nấm trên rơm tạo thành một vòng tròn khép kín giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Đó là câu chuyện sâu xa mà Trang Trần đã nỗ lực thực hiện trong suốt 3 năm qua và được cộng đồng quốc tế đón nhận. Đối mặt với rất nhiều thách thức của một doanh nghiệp khởi nghiệp như thị trường, nguồn vốn, hiểu và làm từ những đối tác là người nông dân… nhưng với cô, điều thay đổi lớn nhất đó là “đổi mới” được chính bản thân mình. Cô được kết nối với cộng đồng, san sẻ, đưa cánh tay giúp đỡ để phát triển dự án ở Việt Nam và nhìn thấy tiềm năng thực hiện dự án ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trồng lương thực.

Zubaida Bai và nỗi niềm “2 phút có 1 người mẹ qua đời khi sinh con”

Có 3 lý do khiến cứ 2 phút có 1 người mẹ qua đời trong khi sinh con, đó là: trình độ y tế, độ tuổi người mẹ quá trẻ, điều kiện vệ sinh an toàn. Xuất phát từ thực tế ấy, Zubaida Bai, chuyên gia tư vấn sức khỏe phụ nữ đến từ Ấn Độ đã tạo ra sản phẩm “Birth Package – Túi sinh nở”. Tuy đơn giản nhưng sản phẩm mang tính cách mạng, để cho mỗi ca sinh đẻ an toàn hơn dành cho những người phụ nữ nghèo khó ở những nước đang phát triển.

phụ nữ 6

Bai đứng giữa sân khấu quy tụ hơn 200 nhà lãnh đạo, doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhưng vẫn điềm tĩnh, ánh lên trong mắt đó là niềm hạnh phúc của một người mẹ, người phụ nữ mong muốn những đứa con được sinh ra trong điều kiện sạch sẽ, vệ sinh nhất. Câu chuyện bà chia sẻ gây ngỡ ngàng cho những người tham dự, bởi trên thế giới này, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ vẫn có những nơi dùng lưỡi liềm hoặc thanh sắt để cắt dây rốn cho bé trong một ca sinh nở. Vậy nhưng, điều đó vẫn đang tồn tại, thậm chí xảy ra ở rất nhiều nước đang phát triển và những vùng phụ nữ và trẻ em chưa được quan tâm về mặt y tế. Đó là nỗi đau! Nỗi đau của người mẹ và cũng là nỗi trăn trở lớn của cộng đồng.

“Túi sinh nở” rất đơn giản, chỉ với 2 đô la , người mẹ sẽ được tiếp nhận một túi nhỏ màu hồng, trong đó có các vật dụng vô cùng thiết yếu để đảm bảo điều kiện an toàn và vô trùng tại thời điểm sinh con. Được đưa ra thị trường năm 2012, đến nay, hơn 250.000 bộ dụng cụ đã được cung cấp cho hơn 300 cơ sở y tế tại 20 quốc gia châu Phi và giúp ích cho cuộc sống của hơn 500.000 mẹ và bé.

phụ nữ 7
“Túi sinh nở” chứa các vật dụng y tế thiết yếu vô trùng.

Một chiến dịch mang tên Indiegogo đã được Bai khởi động với mong muốn quyên góp 50.000 đô la để tài trợ cho hai sáng kiến: “Phân tích tác động” cùng trường Đại học Harvard nhằm cung cấp dữ liệu khoa học về cách “Túi sinh nở” ngăn ngừa nhiễm trùng và cứu mạng sống cho mẹ và bé; và Chương trình đào tạo qua điện thoại di động cho nhân viên y tế nông thôn thông qua tin nhắn bằng giọng nói kết hợp với Vườn ươm công nghệ và kinh doanh nông thôn.

Hy vọng, những nỗ lực này sẽ cùng Bai mang đến sức khỏe cho những người phụ nữ, nâng cao vị thế của họ trong xã hội khi được quan tâm chăm sóc đúng mực và truyền thêm sức mạnh cho họ khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng – trở thành một người mẹ.

Với tư cách là đơn vị phối hợp và hỗ trợ tổ chức hội thảo, bà Peggy Fang Roe – Giám đốc Bán hàng & Marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Marriott Quốc tế nhận định: “Đổi mới và sáng tạo là chìa khóa cho thành công của chúng tôi với tư cách là một công ty lữ hành – thương hiệu nhắm đến những thế hệ người đi du lịch mới, những người không tìm kiếm nguồn cảm hứng tươi mới và những ý tưởng sáng tạo trong những hành trình làm thay đổi cuộc sống của chính họ trên toàn thế giới. Mỗi sáng kiến của các nhân viên đều được khuyến khích, ghi nhận và có cơ hội trở thành hiện thực. Làm việc trong môi trường quốc tế, vai trò của người phụ nữ được đặt ngang bằng với nam giới, bởi tôi cho rằng, khi chúng ta nỗ lực trong bất cứ việc gì, ai cũng có thể đổi mới, sáng tạo và ranh giới “giới” sẽ không còn”.

Xem thêm:

Phụ nữ – những viên kim cương tự do và hạnh phúc

Lo lắng tác động đến phụ nữ như thế nào?

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh Ảnh: Tư liệu BTC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)