Gen Z gợi ý cách đăng ảnh “dump” lên Instagram nhưng đầy tính nghệ thuật
Trong những đợt dịch vừa qua, nếu dùng Instagram, bạn hẳn không còn xa lạ với trào lưu đăng một lần loạt ảnh ngẫu nhiên, không qua chỉnh sửa và đôi khi được cho là “xấu xí, lộn xộn” (dump). Tuy nhiên, việc “quăng đại” (dump) những bức ảnh lên mạng xã hội như vậy, theo Gen Z, lại ẩn chứa nhiều thông điệp và cần một chút “thẩm mỹ” mới tạo được loạt ảnh này đấy.
Instagram nổi tiếng là nền tảng đem đến cho người dùng cảm giác “đã mắt” trước những hình ảnh đẹp, chất lượng, được chỉnh sửa một cách kỹ lưỡng, gọn ghẽ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dùng sẽ bắt gặp xu hướng chụp và đăng loạt ảnh ngẫu nhiên, thậm chí được cho là hơi “thiếu thẩm mỹ” so với một mạng xã hội hình ảnh như Instagram. Dẫu vậy, theo Gen Z, việc đăng loạt ảnh bừa bộn đó không hề “xấu xí”. Hơn hết, tính nghệ thuật của ảnh dump rất khó để phát hiện và nó có mục đích rõ ràng: đem đến cho người xem một trạng thái cảm xúc, một rung cảm (vibe) nhất định về nhiều điều trong cuộc sống thường ngày mà đôi khi chúng ta bỏ quên.
Ảnh dump là gì?
Ảnh dump là một loạt những bức ảnh được “chụp đại”, thô ráp, không qua chỉnh sửa hay ghép filter, trông như một slide trình chiếu lộn xộn, rời rạc và được đăng chung trong một bài đăng trên Instagram. Nó có thể là tấm ảnh selfie mặt mộc của ai đó, bầu trời chiều, ổ bánh mì đang ăn dở, đường phố chằng chịt dây điện… tất cả ghép lại với nhau, nói lên cảm xúc của người đăng. Tuy nhiên, những tấm ảnh ngẫu nhiên này cũng được cân nhắc một cách kỹ lưỡng (về mặt văn hóa hay không quá thiếu thẩm mỹ), đảm bảo tính nghệ thuật riêng của nó.
Không khoác lên vẻ hào nhoáng, khuôn khổ, ảnh dump như một cuộn phim mở ra những hình ảnh sau hậu trường vui nhộn, mộc mạc và chân thực. Hơn nữa, theo Gen Z, để thành thạo trong việc tạo ra ảnh dump thực sự, bạn cũng cần một chút năng khiếu thẩm mỹ và một “tay nghề” khá chắc chắn.
Cách tạo ảnh dump trên Instagram
- Đầu tiên, nhấn vào biểu tượng dấu cộng (phía bên phải trên cùng ở trang Instagram của bạn) và chọn biểu tượng hình vuông xếp chồng Select Multiple (Chọn nhiều ảnh) nằm bên trái biểu tượng camera phía trên thư viện ảnh của bạn.
- Chọn các bức ảnh theo thứ tự bạn muốn chúng được hiển thị (nhấn vào ảnh lần thứ hai nếu bỏ chọn).
- Nhấn “Tiếp theo” hoặc biểu tượng mũi tên ngang để chuyển đến trang chỉnh sửa, nơi bạn có thể áp dụng các bộ lọc hoặc chỉnh sửa từng ảnh riêng lẻ. (Nếu muốn xóa ảnh, bạn nhấn giữ và kéo ảnh đến biểu tượng thùng rác).
- Nhấn “Tiếp theo” một lần nữa để ghi chú thích và chia sẻ bài đăng của bạn.
Nên đăng bao nhiêu ảnh dump trong một lần?
Chloe (20 tuổi) gợi ý rằng bạn chỉ nên đăng bốn bức ảnh một lần. Đương nhiên, bạn có thể đăng cả 10 bức nếu thích, nhưng để tạo ảnh dump một cách nghệ thuật, những bức ảnh nên được chọn lọc cẩn thận, như vậy mọi người sẽ chú tâm đến chúng hơn.
Chọn ảnh nào cho bài đăng ảnh dump trên Instagram?
Chloe gợi ý một kho ảnh lộn xộn chỉ thể hiện tính nghệ thuật khi những bức ảnh đó không chỉ kể về bạn, mà còn về cuộc sống của bạn hay những điều bạn thích làm trong suốt một khoảng thời gian.
Bạn có thể đăng một hoặc hai bức ảnh selfie, một vài bức về bạn bè, những nơi bạn đã đến, điều gì đó thu hút ánh mắt bạn, bữa ăn bạn thích… Tuy nhiên, chúng phải trông hợp với nhau, chẳng hạn như có cùng tông màu hay đem đến một cảm xúc giống nhau.
Việc tập trung vào tính nghệ thuật của ảnh dump cũng khiến bạn trở thành một người quan sát nhạy bén hơn vì bạn phải chú tâm đến mọi thứ xung quanh, chẳng hạn như tông màu của bầu trời ngày hôm đó ra sao, nó khiến bạn cảm thấy như thế nào… Ngoài ra, chụp ảnh cho một bài đăng ảnh dump thúc đẩy bạn suy nghĩ sâu xa hơn, thay vì chụp những thứ dường như quá hiển nhiên thường ngày, một bức ảnh dump vẽ nên bức tranh cuộc sống đầy đủ, chi tiết và đầy cảm xúc hơn.
Bartool (24 tuổi) chia sẻ thêm, việc tạo một ảnh dump chính là bạn đang trân quý điều mộc mạc, nhỏ bé trong cuộc sống, giống như một vlog vậy. Ngoài ra, tập hợp ảnh lộn xộn là một cách thể hiện khá tốt những suy nghĩ và cảm xúc hiện tại của bạn.
Chỉnh sửa ảnh dump
Bạn cần hạn chế chỉnh sửa ảnh nếu muốn đăng ảnh dump vì sẽ làm mất đi tính nghệ thuật của ảnh. Chúng ta chiêm ngưỡng quá nhiều những bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng, và đôi khi, một bức ảnh ngẫu nhiên về bầu trời, chiếc bàn làm việc chưa kịp dọn dẹp… nhắn nhủ ta đều là những con người sống trong một cuộc sống không hoàn hảo.
Điều đặc biệt quan trọng khiến xu hướng chụp ảnh dump trở nên gần gũi và chân thực chính là sự ngẫu nhiên, không chuẩn bị trước. Nếu bạn chụp những bức ảnh đã ở sẵn trong đầu, đó không phải là ảnh dump. Bài đăng ảnh dump trên Instagram chỉ gồm những bức ảnh nổi bật được chọn ngẫu nhiên, phản ánh tâm trạng của bạn vào thời điểm đó.
Thêm chú thích (caption) ảnh dump cho bài đăng instagram
Có lẽ caption là phần khó nhằn nhất khi đăng một bức ảnh nào đó lên mạng xã hội. Tuy nhiên, với ảnh dump, đừng nghĩ sâu xa quá. Điều khiến ảnh dump thú vị chính là việc nó mang tới cảm giác bí ẩn, vì vậy, bạn không cần ghi chú thích dài dòng, giải thích chi tiết bức ảnh có gì. Thay vào đó, một biểu tượng cảm xúc, một câu trích dẫn hoặc thậm chí một từ là đủ, chẳng hạn như bạn muốn người xem biết tuần trước bạn có một chuyến đi về miền quê yên ả, bạn có thể chú thích “tuần trước” hay “hít thở”…
Tóm lại, bạn có thể viết những gì mình thích, không có quy tắc chung nào cho việc này cả. Điểm nhấn quan trọng của ảnh dump không phải caption, mà là những bức ảnh.
Gợi ý chủ đề cho ảnh dump
Về bản chất, chụp và đăng ảnh dump lên Instagram không cần bạn phải đắn đo suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn là “tân binh” chụp ảnh dump và không có thói quen ghi lại cuộc sống thường ngày của mình, đây là những chủ đề gợi ý, mang đến cho bạn một kho ảnh dump tuyệt vời nhất.
- Chủ đề làm việc tại nhà (WFH – Working From Home): cốc cà phê đang uống dở, không gian bàn làm việc, danh sách việc cần làm, ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện với đồng nghiệp (nhớ hỏi sự đồng ý của họ trước khi chụp và đăng ảnh nhé).
- Chủ đề sách: cuốn sách bạn đang đọc dở, một đoạn văn bạn đánh dấu để đọc lại, bìa sách, kệ sách…
- Chủ đề ăn uống: một bữa thường ngày, căn bếp lộn xộn sau lần trổ tài nấu ăn, khăn trải bàn, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, rổ trái cây…
- Chủ đề ánh sáng: một vệt nắng ấm buổi sáng chạm vào bàn tay bạn, ánh sáng nhạt dần của bầu trời xế chiều…
- Chủ đề POV (Point of View: quan điểm cá nhân) ví dụ như Ở nhà với tôi (Stay home with me): tấm chăn chưa gấp, xấp đồ giặt được gấp gọn gàng, một chú bọ rùa trên đèn bàn học…
- Chủ đề không gian xung quanh: hàng cây thay lá trước cổng nhà, lá cây với những đường gân như lòng bàn tay, mặt đất xếp đầy những viên đá không hề giống nhau, thế giới nhộn nhịp của kiến, chim chóc…
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: bustle