Là một trong những bộ phim khai thác về đề tài chiến tranh nhưng Jojo Rabbit (Jojo Thỏ đế) lại không quá chú trọng vào những cảnh chết chóc đẫm máu mà thiên về tái hiện những mâu thuẫn tâm lý của con người trong những khoảnh khắc đen tối và ảm đạm.
JOJO – VẺ ĐẸP CỦA MỘT ĐỨC TIN
Jojo Rabbit là bức tranh châm biếm khắc họa thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II diễn ra tại Đức. Tại đây, cậu bé Johannes “Jojo” Betzler (do Roman Griffin Davis thủ vai) sinh ra và lớn lên với niềm tôn sùng chế độ phát xít Đức và Nhà Lãnh tụ Adolf Hitler. Kể cả hình ảnh người bạn tưởng tượng của Jojo – Adolf (Taika Waititi) – cũng chính là một trong những mảnh ký ức sống động mà cậu tạo dựng về Adolf Hitler. Từ các tác phẩm Hunt for the Wilderpeople (Cuộc đi săn kỳ lạ) với cậu bé mồ côi Ricky, Boy (Cậu bé) với người cha phạm tội hay Thor: Ragnarok (Thor: Tận thế Ragnarok) với những bất hòa trong gia đình, có thể thấy đạo diễn Taika Waititi dường như có thiên hướng xây dựng hình tượng nhân vật chính có hoàn cảnh gia đình phức tạp.
Từ nhỏ, Jojo đã sống cùng với mẹ, cậu thiếu vắng tình thương của cha và người chị đã khuất. Nhưng những đau thương và mất mát mà Jojo trải qua không thể ngăn cản cậu nhóc 10 tuổi chưa biết thắt dây giày này đánh mất đi lý tưởng sống của bản thân và khát khao thực hiện ước mơ trở thành bậc quân tôi trung thành của Adolf Hitler. Khoảnh khắc mà Jojo hô lớn câu chào “Heil Hitler” và lao mình vào những con phố ở đầu phim, chúng ta như được quay ngược lại thời gian và đắm mình trong những niềm tin ngây thơ của một thời thơ ấu đã qua. Trong chúng ta, ai cũng có một Jojo đã từng lạc quan và “cuồng tín” như vậy.
Tuy nhiên, trong lăng kính màu hồng của cậu bé Jojo vẫn còn những góc khuất khiến cậu luôn ngờ vực về bản thân. Do đó mà Adolf – cậu bạn tưởng tượng của Jojo – chính là sợi dây cậu bám víu để tìm lại điểm tựa và niềm tin vào chính mình.
Và lần tham gia trại Hè Thiếu niên Quốc xã cũng chính là con đường để Jojo thử thách giới hạn và kiểm chứng năng lực của bản thân. Tại đây, cậu được huấn luyện dưới sự chỉ huy của Đại úy Klenzendorf (Sam Rockwell) và huấn luyện viên Rahm (Rebel Wilson). Và thật châm biếm khi trại Hè Đế Quốc xã cho rằng người da trắng chính là chủng tộc văn minh nhất nhưng ngay sau đó lại tổ chức đốt sách ngay tại trại.
Cũng tại trại Hè, một thử thách được đề ra cho Jojo là cậu phải tự tay kết liễu sinh mạng bé nhỏ của một chú thỏ. Cho dù có chối bỏ, Jojo cũng không thể che dấu đi bản chất lương thiện của mình và điều này đã khiến cậu không thể nhẫn tâm ra tay với sinh vật này. Từ đó mà cái tên Jojo Thỏ đế (Jojo Rabbit) ra đời, kéo theo là những lời dè bỉu, chế nhạo của mọi người xung quanh – những lời đã trở thành chất xúc tác làm dấy lên những ngờ vực về bản thân của Jojo, rằng liệu cậu có đủ phẩm chất và năng lực để “được” phục vụ trong Đế quốc xã?
Một lần nữa, Adolf xuất hiện với vai trò là người từng “chinh chiến”, khuyên nhủ và khuyến khích cho Jojo trở thành chú Thỏ dũng cảm và mạnh mẽ nhất mà Hitler có thể tin tưởng. Có thể nói, đức tin mãnh liệt của Jojo vào chủ nghĩa Đế Quốc xã đã trở thành vũ khí cùng cậu chiến đấu vượt qua những hoài nghi của mọi người xung quanh và của chính bản thân mình.
Cuộc đời của Jojo được thể hiện bằng những mảnh ghép hài hước nhưng cũng không kém phần đau thương khi mà vừa thoát khỏi bóng đen tâm lý của việc sợ hãi và thiếu niềm tin về mình, cậu lại rơi vào “hố đen” tự ti ngoại hình do sự cố đánh bom ở trại Hè để lại. Lúc này, mẹ của Jojo – Rosie Betzler (Scarlett Johansson) – đã ở bên và nhắc nhở Jojo trân trọng vẻ ngoài đặc biệt mà cậu sở hữu.
Đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ, bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ là hình mẫu và là những chân giá trị mà một đứa trẻ hướng tới. Nhưng đối với Jojo, mẹ cậu như một tấm gương phản chiếu trái ngược với thế giới quan và niềm tin của cậu. Thật khó để Jojo có thể chấp nhận những mặt trái xấu xa của một đất nước mà cậu luôn tin tưởng và hy vọng. Những niềm tin của Jojo chỉ đơn thuần xuất phát từ lòng yêu nước và sự tôn kính dành cho Lãnh tụ Adolf Hitler. Ngược lại, mẹ Jojo – một người phụ nữ có trái tim nhân hậu và giàu sức sống – luôn không ngừng đấu tranh chống lại chế độ phát xít tàn nhẫn của Đức thời bấy giờ.
Điều này khiến hai mẹ con họ trở nên bất hòa. Để có thể ăn cơm trong hòa bình, mẹ Jojo đã phải ra điều kiện chiếc bàn ăn chính là đất nước Thụy Sĩ và không chấp nhận bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra giữa hai mẹ con. Mẹ Jojo luôn cố gắng bảo vệ tâm hồn ngây thơ của Jojo trước những sự thật xấu xa và định kiến tàn nhẫn của xã hội. Nhưng nếu không thể hiểu được những điều tàn nhẫn đang xảy ra thì có lẽ Jojo sẽ mãi đắm chìm trong niềm tin mù quáng của bản thân. Tuy nhiên, nếu hiểu được thì cậu có thể giữ mãi sự hồn nhiên và thơ ngây của mình?
Liệu thế giới mà Jojo tin tưởng có thể cho cậu đáp án cần tìm
Niềm tin giống như ánh sáng dẫn lối cho con người trong những thời khắc đen tối và mịt mù. Nhưng nếu ánh sáng do Hitler tạo ra – thứ ánh sáng mà Jojo luôn tin tưởng bỗng chốc lụi tàn – thì Jojo sẽ ra sao? Những quy chuẩn mà cậu dựa trên thứ ánh sáng đó để phân định ranh giới đúng sai sẽ thay đổi như thế nào?
Để chứng minh “lòng quả cảm và tinh thần chiến binh” của mình, Jojo đã cướp lấy quả bom trong tay Đại úy Klenzendorf, nhưng không may sự cố nổ bom xảy ra và cậu buộc phải rời khỏi trại Hè để dưỡng thương tại nhà. Nhờ vậy, chúng ta có dịp được quan sát tâm lý của Jojo qua cuộc chạm trán với cô nàng Do Thái Elsa (Thomasin Mckenzie) – người đang phải trốn tại nhà Jojo để tránh sự truy sát của Đế Quốc xã. So với tính cách rụt rè của Jojo, Elsa là một cô gái mạnh mẽ và quyết đoán, một dáng vẻ thiện lương khiến Jojo phải e sợ và tò mò.
Đáng lẽ với đức tin và lòng trung thành tuyệt đối vào chủ nghĩa Đế Quốc xã, Jojo sẽ tố cáo Elsa ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhưng nỗi sợ bị tố cáo ngược lại vì bao che cho dân Do Thái cùng với ước muốn đánh bại chiêu trò tâm lý của Elsa để khiến cô nàng rời đi đã ngăn cản ý nghĩ tố cáo trong Jojo. Jojo đã không biết rằng, sự tò mò và hiếu chiến ban đầu đã đưa cậu vào cuộc chiến khác – cuộc chiến nội tâm giữa đúng và sai, giữa thiện và ác, những cuộc chiến đòi hỏi cậu phải đánh đổi những điều cậu vốn tin tưởng bấy lâu.
Không chỉ là bạn thân của người chị gái đã mất của Jojo, Elsa còn đóng vai là người bạn dẫn lối và dần dần tiến bước vào cuộc sống đầy mâu thuẫn của cậu. Nếu không có sự xuất hiện của Elsa, cuộc sống của Jojo sẽ giống như những trang bản thảo nằm chờ đóng khung vào tập sách những người sùng bái chủ nghĩa Đế Quốc xã.
jojo rabbit – câu chuyện của những đứa trẻ mới lớn
Từ mục đích lợi dụng Elsa để thực hiện một cuốn sách mô tả về người Do Thái, Jojo đã bắt đầu tiếp cận vào thế giới của cô nàng lém lỉnh và thông minh. Ban đầu, cậu luôn tỏ ra phòng vệ và khó chịu với cô, nhưng sau đó Jojo Rabbit đã dần dần mở lòng hơn, cậu sẵn sàng trộm những cây bút màu từ văn phòng của Đại úy Klenzendorf để Elsa có thể hoàn thành bức tranh nàng đang dang dở. Thậm chí, những “cánh bướm” đầu tiên trong lòng Jojo Rabbit cũng bắt đầu dập dìu và có lẽ lúc này cậu đã biết yêu.
Nhưng ngay khi vừa bước ra khỏi ngưỡng của an toàn của bản thân, Jojo phải đối diện với một thực tại tàn nhẫn phía trước – sự ra đi của mẹ, người thân duy nhất mà cậu còn lại trên thế giới này. Cho dù có trút giận lên Elsa, mẹ cậu cũng không thể nào quay trở lại, hơn nữa, trong thâm tâm Jojo biết rằng Elsa không phải là người có lỗi, mà người có lỗi ở đây chính là Chủ nghĩa Đế Quốc xã tàn bạo. Đây cũng là một trong những mắt xích đánh dấu sự trưởng thành của Jojo Rabbi, bởi sau tất cả, cậu vẫn kiên trì và tiếp tục sống.
Không chỉ Jojo, Elsa cũng rơi vào trạng thái hoài nghi về mục đích sống và giá trị của bản thân. Đế Quốc xã đã tước đi tất cả mọi thứ của cô, từ người thân cho đến quyền sống và hạnh phúc như một con người bình thường. Cô bắt đầu đặt ra những dấu hỏi về sự tồn tại của bản thân, liệu xuất thân từ Do Thái có phải là điều sai trái trên thế giới này và rằng những điều mà Thực dân Đức đang tuyên truyền bấy lâu có chăng là sự thật?
Những chi tiết nhỏ nhưng được lặp đi lặp lại một cách khéo léo trong Jojo Rabbit như hình ảnh thắt dây giày và điệu nhảy tự do đều mang những ý nghĩa đặc biệt. Những chi tiết này được truyền tải như một hiệu ứng xuất phát từ mẹ của Jojo – người luôn quan tâm, chăm sóc và chỉ bảo cho cậu. Sau đó, những điều mà Jojo nhận được từ mẹ lại trở thành dấu hiệu cho sự trưởng thành của Jojo khi mà cậu bắt đầu học cách quan tâm và chăm sóc Elsa, từ việc cẩn thận thắt lại dây giày cho nàng và cùng nàng nhảy vũ điệu ăn mừng tự do trước cửa nhà.
Ngoài mang lại tiếng cười châm biếm về hệ thống phát xít tàn bạo và phi nhân tính trong thời chiến, Jojo Rabbit còn là bức tranh khắc họa những chuyển biến tâm lý của con người khi phải đối diện với cái ác và sự thật. Theo thời gian, tam quan của con người cũng sẽ dần thay đổi trước tác động từ xã hội và những biến cố xảy ra trong cuộc đời. Không có gì là tuyệt đối, đúng sai cũng vậy, ranh giới giữa hai điều ấy rất mong manh. Một niềm tin tốt đẹp có thể dẫn lối con người đến cái chân mỹ thiện, nhưng nếu mù quáng tin vào những điều sai trái, con người sẽ rơi vào “cửa quỷ” lúc nào không hay.
Các tác phẩm của đạo diễn Taika Waititi luôn ẩn chứa những bài học ý nghĩa được thể hiện khéo léo qua các chi tiết hài hước và bình dị. Dù cho thời bình hay thời chiến, tình yêu chính là đóa hoa nở mãi không tàn và chúng ta luôn có thời gian cho sự lãng mạn.
Nhóm thực hiện
Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE