[Review phim] Juvenile Justice: Bản án đáng suy ngẫm về tội phạm vị thành niên
Ra mắt vào ngày 25/2/2022, bộ phim Juvenile Justice với đề tài mới lạ về tội phạm thiếu niên đã gây sốt toàn cầu, đưa khán giả đến với thế giới chìm trong bóng tối tội ác nhưng cũng không khỏi xót xa của những phạm nhân trẻ tuổi.
Juvenile Justice (Tựa tiếng Việt: Tòa án vị thành niên) là bộ phim truyền hình dài tập Hàn Quốc xoay quanh vấn đề pháp luật và tội phạm vị thành niên trong bối cảnh Hàn Quốc hiện thời. Tuyến nhân vật chính bắt đầu với Shim Eun Seok (Kim Hye Soo) – nữ thẩm phán được mệnh danh là “Judge Max”, cái tên hà khắc hàm ý rằng đứa trẻ phạm tội nào do cô đảm nhận cũng đều phải nhận mức án cao nhất. Cha Tae Joo (Kim Mu Yeol), đồng nghiệp của Eun Seok, thì ngược lại, có sự thấu cảm sâu sắc với những đứa trẻ sa ngã. Bộ phim kể lại quá trình hai vị thẩm phán có quan điểm xung đột này phải cùng nhau giải quyết 5 vụ án liên quan đến thiếu niên tại quận YeonHwa dưới sự chỉ đạo của thẩm phán trưởng Kang Won Jung (Lee Seung Min).
Gói gọn trong 10 tập phim, Juvenile Justice khiến người xem cảm thấy “sởn gai ốc” với tội ác từ những đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành – những người đã lợi dụng kẽ hở trong luật pháp để thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Mang tinh thần giống với bộ phim D.P (Truy bắt lính đào ngũ, 2021), có thể thấy Juvenile Justice không ngại phô bày khía cạnh đen tối và trần trụi của thế giới tội phạm khi đưa vụ án kinh hoàng nhất (phỏng theo vụ việc có thật gây chấn động Hàn Quốc năm 2017) vào tập đầu tiên, tạo nên sự kịch tính và ấn tượng mạnh cho phim ngay từ những phút đầu. Người xem sẽ bị thách thức niềm tin khi thấy một cậu bé 13 tuổi phạm vào tội ác vô nhân tính đến mức không thể được coi là hành động từ con người, càng không thể là từ một đứa trẻ vị thành niên. Đáng sợ hơn, trước mặt thẩm phán, cậu ta vẫn có thể bình tĩnh nói: “Cháu nghe nói trẻ em dưới 14 tuổi, dù giết người cũng không phải đi tù?”. Điều này khiến người xem một lần nữa vừa rùng mình, vừa tự chất vấn tại sao những đứa trẻ lại biến chất như vậy. Liệu chúng có đáng bị pháp luật trừng trị hay không? Nếu cho chúng cơ hội, liệu chúng sẽ hối lỗi?
Đây cũng là lúc những luồng tư tưởng khác nhau, mà đại diện là 3 vị thẩm phán chính tại quận YeonHwa, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bộ phim đặt ra: Đâu là bản án hợp lý cho tội phạm vị thành niên?
Khác với Việt Nam, nơi không có tòa án xét xử riêng cho tội phạm dưới 18 tuổi, ở Hàn Quốc, trẻ vị thành niên phạm tội sẽ được xét xử bởi các thẩm phán mà không cần sự can thiệp của công tố viên. Họ có quyền tra hỏi, tự điều tra, tuyên án và theo dõi quá trình phục hồi cũng như hối lỗi của những phạm nhân dưới 14 tuổi. Như vậy, động cơ chính của luật pháp không phải trừng trị thiếu niên, mà là để giáo dục, cho chúng cơ hội trở thành một công dân tốt.
Điều này dường như không áp dụng với nhân vật chính và cũng là người đóng vai trò quan trọng trong cách triển khai cốt truyện của phim – thẩm phán Shim Eun Seok. Là người luôn lặp lại câu “Tôi căm ghét tội phạm vị thành niên”, cô tin rằng cho dù phạm nhân là một đứa trẻ, một khi đã phạm tội thì sẽ “ngựa quen đường cũ” và đáng phải chịu án phạt cao nhất. Với diễn xuất của Kim Hye Soo, nữ thẩm phán với thái độ kiên quyết và đôi mắt luôn chứa đầy nỗi căm phẫn mỗi khi đối diện với tội phạm trẻ tuổi được thể hiện một cách hoàn hảo.
Tuy nhiên, trong khi vị trí của một thẩm phán mang trọng trách liên tục cân nhắc và giữ cân bằng cho mối quan hệ phức tạp giữa luật pháp, giáo dục, lương tâm… thì Shim Eun Seok lại thể hiện thái độ căm ghét và cái nhìn cương quyết của mình với tội phạm vị thành niên một cách quá cứng nhắc. Điều này thể hiện rõ nét khi cô áp đặt quan điểm của mình lên đồng nghiệp là thẩm phán Cha Tae Joo, vốn là người có niềm tin sâu sắc vào trách nhiệm của người lớn trong việc dạy bảo trẻ em, và nói anh quá ngây thơ khi tin vào lời nói của lũ trẻ tội phạm. Không khó để nhận ra đằng sau thái độ “đanh thép” và ghét bỏ với trẻ vị thành niên của Shim Eun Seok ẩn giấu lý do cá nhân, đặc biệt là khi cô nói “Trong số 3.000 vị thẩm phán ở đất nước này, chỉ có 0,6% người đảm nhận tòa án vị thành niên”, thể hiện quyết tâm trở thành một thẩm phán tại tòa án cho tội phạm trẻ của cô.
Mặc dù đạo diễn Hong Jong Chan chọn lối kể chuyện chậm rãi khiến nhịp phim không gay cấn bằng các bom tấn trước đó của Netflix như Hellbound (2021) và Squid Game (2021), các vụ án tiếp theo của Juvenile Justice vẫn phần nào giữ được sự kịch tính, hấp dẫn với nhiều màn suy luận và quá trình điều tra tội phạm. Tuy nhiên, Juvenile Justice có quá nhiều cảnh quay bạo lực thay vì đấu trí tại phiên tòa, khiến người xem chưa thực sự thỏa mãn mong đợi với một bộ phim khai thác đề tài pháp luật.
Dẫu vậy, Juvenile Justice vẫn thể hiện được tinh thần nhân văn khi không dồn ép trẻ vị thành niên để luận tội, thay vào đó, bộ phim đặt những đứa trẻ “hư hỏng” vào bức tranh xã hội hiện đại và đi tìm nguyên nhân đằng sau sự sa ngã của chúng. Thay vì mô tả một cách nhẹ nhàng hậu quả của việc trẻ em không được gia đình và xã hội quan tâm như bom tấn gần đây là All Of Us Are Dead (2022), Juvenile Justice đưa đến góc nhìn tăm tối, trần trụi và đẫm nước mắt hơn: chúng có thể hoàn lương, hoặc không. Ngoài ra, phim sở hữu nhiều cảnh khóc mang hơi hướng melodrama và các yếu tố quen thuộc trong phim Hàn như tình cảm gia đình, thông điệp về con người… tuy không tạo hiệu quả cao cho một bộ phim pháp lý nhưng góp phần thể hiện tốt tâm lý nhân vật, khơi gợi cảm xúc nơi người xem và nhắc nhở chúng ta rằng cảm xúc là một phần của con người.
Ngoài ra, việc xây dựng nhân vật thẩm phán trưởng Kang Won Jung như một người trung hòa giữa hai luồng quan điểm khác biệt mà đại diện là Shim Eun Seok và Chae Tae Joo đã góp phần tạo nên góc nhìn đa chiều đối với tội phạm vị thành niên – điều Juvenile Justice đã làm rất tốt. Đây cũng là nhân vật được biên kịch cài cắm để phát triển vai trò của thẩm phán Eun Seok, tạo sự hấp dẫn cho phim, vừa bóc tách những che đậy chính trị thường thấy trong các bộ phim hình sự Hàn Quốc, vừa vạch trần vấn đề chèn ép trong hệ thống cấp bậc hà khắc.
Mặc dù có mở đầu kịch tính và lôi cuốn, càng về sau, tình tiết phim có phần gượng ép và khép lại một cách quá nhanh, chưa đủ sâu. Bù lại, với đề tài thu hút sự quan tâm của xã hội, dàn diễn viên chính, phụ thể hiện tốt tâm lý nhân vật và cách tiếp cận vấn đề pháp luật đa chiều thông qua xung đột niềm tin và tính cách của các vị thẩm phán, Juvenile Justice là một bộ phim truyền hình đáng xem, khiến ta phải suy ngẫm về tội phạm vị thành niên cũng như lương tâm của chính mình.
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: thereviewgeek, readysteadycut, smcp, leisurebye, zingnews