Cùng soi 10 điểm khác biệt giữa Aladdin bản điện ảnh và bản hoạt hình
Chàng Aladdin, “chú chuột đường phố” thành Baghdad tinh ranh, láu lỉnh, bước vào thế giới tuổi thơ của hàng triệu người từ bộ phim hoạt hình Disney năm 1992. Gần 30 năm sau, năm 2019, khán giả một lần nữa được tái ngộ Aladdin, Thần Đèn, công chúa Jasmine và tên phản diện Jafar bằng xương bằng thịt trên màn ảnh, nhờ nỗ lực làm lại hàng loạt bộ phim thời thơ ấu của hãng Disney.
Chỉ sau vài ngày công chiếu, Aladdin (2019) đã trở thành bộ phim ăn khách nhất cuối tuần qua, doanh thu vượt xa thành tích trong tuần của John Wick 3, Avengers: Endgame và Pokémon: Detective Pikachu. Phiên bản mới của đạo diễn Guy Ritchie giữ nguyên phần lớn câu chuyện trong nguyên tác, các ca khúc nhạc phim vẫn tuyệt vời như trong bản hoạt hình ta xem thời bé, nhưng các nhà sản xuất có điều chỉnh một số chi tiết cho phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội ngày nay.
Nếu bạn đã đến rạp xem Aladdin, hãy cùng ELLE điểm lại 10 khác biệt tiêu biểu giữa bản live-action có “Thần Đèn” Will Smith với phiên bản hoạt hình thời thơ ấu nhé!
1. Những nhân vật mới
Ngay từ nguyên tác, Aladdin đã có sẵn một hệ thống nhân vật kỳ quặc, từ con vẹt biết nói đến tấm thảm ma thuật biết bay. Bản điện ảnh năm 2019 lại tiếp tục mở rộng hệ thống này bằng cách thêm vào chuyện phim một số nhân vật mới. Nghệ sĩ hài người Mỹ gốc Iran Nasim Pedrad xuất hiện trong vai diễn Dalia, cô hầu gái hóm hỉnh và trung thành của Jasmine. Nam diễn viên Billy Magnussen vào vai chàng hoàng tử ngốc Anders. Nỗ lực tán tỉnh Jasmine của Anders tuy không thành công, nhưng lại mang đến cho Aladdin rất nhiều cảnh phim hài hước.
2. Thần Đèn thường xuyên xuất hiện dưới hình dáng con người
Người hâm mộ Aladdin phải thầm cảm ơn trời phật vì nhân vật Thần Đèn của Will Smith xuất hiện thường xuyên dưới hình dáng con người, vì tạo hình CGI của vai diễn này khá kỳ quặc, thậm chí từng gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt khi phim vừa tung trailer. Thần Đèn trong live-action không chỉ được đội chiếc mũ xanh, tự do tung tăng trong vương quốc Agrabah dưới dạng người mà còn có hẳn câu chuyện tình riêng với người hầu gái của Jasmine.
3. Thần Đèn có vợ con
Phim mở đầu với cảnh Thần Đèn trong hình dạng con người ngồi trên một chiếc thuyền, bảo hai đứa con nhỏ của anh ngồi xuống bên cạnh nghe cha kể chuyện. Khuôn mặt vợ của Thần Đèn lúc này còn chưa được tiết lộ, khán giả chỉ được thấy cô đang phơi quần áo ở phía sau. Về sau, ta phát hiện người vợ của Thần Đèn chính là cô hầu Dalia của công chúa Jasmine. Có lẽ hai vợ chồng đã chọn sống cuộc đời ngư phủ nghèo khổ nhưng hạnh phúc, đi du lịch khắp thế giới cùng con cái mình.
Chi tiết này có thực sự cần thiết hay không? Tất nhiên là không rồi. Dù Thần Đèn có người yêu hay không thì mạch phim vẫn diễn tiến bình thường, không hề ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu chuyện tình cảm lạ lùng của Thần Đèn và Dalia lại là một trong những điểm sáng thú vị, hài hước nhất trong phim.
4. Câu chuyện về người mẹ của Jasmine
Khán giả chưa bao giờ được thấy người mẹ quá cố của công chúa Jasmine, nhưng bà có xuất hiện lờ mờ trong bối cảnh phim ngay từ đầu. Jasmine gặp Aladdin khi cô đang cải trang đi lại trong một khu chợ trời. Giống như bản hoạt hình, cô cho hai đứa trẻ vài ổ bánh mì vì chúng rõ ràng đang rất đói. Tất nhiên, tên chủ gian hàng đòi cô phải trả tiền. Đó là lúc chàng Aladdin xuất hiện để cứu nguy, đề nghị cho hắn chiếc vòng tay đắt tiền của Jasmine thay tiền bánh mì, để rồi lấy trộm lại chiếc vòng cho cô vài giây sau đó.
Về sau, khán giả biết rằng chiếc vòng tay bằng vàng và ngọc lam này có ý nghĩa vô giá với Jasmine, vì nó từng thuộc về mẹ cô. Mẹ của Jasmine – nữ hoàng quá cố – xuất thân từ quốc gia láng giềng, được gả sang Agrabah để thúc đẩy hòa bình giữa hai vương quốc. Phim không tiết lộ vì sao bà qua đời, nhưng rõ ràng ảnh hưởng mạnh mẽ từ mẹ đã thúc đẩy Jasmine chống lại Jafar.
5. Jasmine tham gia vào chính trị quốc gia
Phần lớn câu chuyện của Jasmine trong Aladdin thể hiện quá trình cô nỗ lực “huy động” sự tự tin, can đảm trong mình để lên tiếng vì những điều mình tin tưởng, và đảm bảo chúng sẽ được vua cha nghe thấy. Jafar là trở ngại lớn nhất trên hành trình ấy, bởi hắn căm ghét phụ nữ, quỷ quyệt và sở hữu con rắn ma thuật có thể thôi miên bất cứ ai.
Jasmine thường xuyên đối đầu với Jafar khi hắn khăng khăng cho rằng Agrabah phải gây chiến với các nước đồng minh. Dù Jasmine trong bản hoạt hình cũng dũng cảm không kém, công chúa Jasmine của Naomi Scott còn có thêm khía cạnh thông minh và hiểu biết. Nhiều lần cô đứng lên trước những người đàn ông, thông tuệ nào bản đồ, nào binh pháp đánh trận, khuyên nhủ vua cha đâu là điều đúng đắn nên làm, điều dân chúng Agrabah xứng đáng được hưởng.
6. Ca khúc ballad mới của Jasmine
Trong bản live-action, công chúa Jasmine thể hiện một ca khúc hoàn toàn mới: Speechless, bài hát hoàn hảo cho giọng ca trời phú ấn tượng của nữ diễn viên Naomi Scott.
7. Cách Jafar và Aladdin gặp nhau hoàn toàn khác
Trong bản gốc, Jasmine rời bỏ hoàng cung để trốn khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép, đi đến chợ trời và gặp được Aladdin. Aladdin bị lính của Jafar bắt giam vì Jafar đã dùng ma thuật tìm ra ai là người có thể lấy cho hắn cây đèn thần từ hang Kỳ Quan. Hắn cải trang thành lão ăn mày để dụ dỗ chàng giúp hắn tìm đèn thần.
Tuy nhiên, trong bản điện ảnh, Jasmine đi đến chợ trời vì cô muốn nhìn thấy cuộc sống thực của dân chúng, theo đuổi ước mơ trở thành nữ hoàng kế nhiệm (Sultan) thấu hiểu, giỏi giang. Aladdin chỉ bị bắt khi lẻn vào cung điện để gặp Jasmine. Jafar nhận thấy khả năng di chuyển nhanh nhẹn, khéo léo của Aladdin nên tìm cách thuyết phục anh mang về cho hắn cây đèn thần, tưởng thưởng bằng vàng bạc châu báu dùng cả đời không hết.
8. Con vẹt Iago khá kiệm lời
Iago không còn là con vẹt nhiều chuyện, suốt ngày cằn nhằn về mấy cái bánh quy mốc meo bằng tiếng nói the thé đặc trưng của diễn viên lồng tiếng Gilbert Gottfried nữa. Thay vào đó, Iago phiên bản 2019 khá kiệm lời, chỉ chêm vào vài câu châm biếm lúc này lúc kia bằng chất giọng khàn khàn của diễn viên Alan Tudyk.
9. Jasmine trở thành nữ hoàng (Sultan)
Trong bản 1992, Jasmine và vua cha suốt ngày tranh cãi về một trong những nguyên tắc của vương quốc: công chúa buộc phải kết hôn khi đến tuổi gả chồng. Nhà vua (hay còn gọi là “Sultan”) đương thời rất yêu thương con gái nhưng luôn tha thiết muốn gả Jasmine đi để con vẫn được sống thoải mái dù không có cha. Thậm chí ông từng nói Aladdin sẽ trở thành một “Sultan” kế nhiệm tuyệt vời, khi còn tưởng anh là hoàng tử Ali.
Lý do bất đồng của Jasmine và vua cha có phần tham vọng hơn nhiều trong phiên bản 2019: công chúa muốn trở thành “Sultan” kế nhiệm cha mình, nhưng luật đã định rõ ngôi báu tuyệt đối không dành cho phụ nữ. Nhà vua vẫn muốn Jasmine kết hôn, nhưng mục đích là để xây dựng một liên minh mới chứ không đơn thuần là trao con gái cho người đàn ông khác chăm lo như bản cũ. May mắn thay, chứng kiến sức mạnh tiềm ẩn trong cô con gái qua trận chiến với Jafar, ông đã đồng ý để Jasmine kết hôn với Aladdin và trở thành “Sultan”, nữ hoàng mới của Agrabah.
10. Một số thay đổi về phục trang
Trang phục của Jasmine không còn là chiếc áo lam hở eo quen thuộc mà đã được thiết kế lại cho kín đáo hơn. Chàng Aladdin bản hoạt hình chỉ mặc mỗi chiếc áo khoác tím khoe ngực trần, bên dưới mặc quần thụng với thắt lưng đỏ. Tuy nhiên, phiên bản Aladdin của diễn viên Mena Massoud lại mặc áo sơ mi dài tay bên dưới chiếc áo vest đỏ phiên bản cải tiến.
Nhà thiết kế phục trang cho bộ phim, Michael Wilkinson, giải thích rằng khác với hình vẽ hoạt hình, việc để cho các diễn viên ăn mặc hở hang hơn nửa bộ phim là không phù hợp và có khả năng khiến người xem bị “mất tập trung”.
Lược dịch: Thùy Anh | Ảnh: Disney
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: PopSugar