Những điểm khác biệt trong đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle
Cuối cùng đám cưới mà cả thế giới ngóng chờ cũng đã đến. Hãy cùng điểm lại sự khác biệt trong đám cưới của công nương mới nước Anh Meghan Markle.
Là một phụ nữ Mỹ với dòng máu đa chủng tộc, bản thân Meghan Markle đã là một sự khác biệt lớn với cuộc sống Hoàng gia đầy những lễ nghi, phép tắc lâu đời. Đám cưới với Hoàng tử nước Anh Harry là một ngày trọng đại đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời cô gái này. Và buổi lễ chào mừng Meghan đến với cuộc sống vương giả chắc hẳn sẽ rất khác với những đám cưới Hoàng gia trước.
Vương miện
Theo truyền thống, các nàng dâu của Hoàng gia thường mượn đồ trang sức của các tiền nhân để diện trong lễ cưới của mình.
Theo dự đoán, để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố của Hoàng tử Harry, Meghan Markle đã có thể đội chiếc vương miện nổi tiếng Spencer của Công nương Diana. Đây là chiếc vương miện được Công nương Diana sử dụng khi bà kết hôn với Thái tử Charles năm 1981.
Thế nhưng, trong đám cưới vừa qua, Công nương mới của nước Anh đã chọn chiếc vương miện bằng kim cương của Hoàng hậu Mary. Chiếc vương miện được chế tác năm 1932 và được Hoàng hậu Mary đội khi kết hôn với Vua Georger V, kỵ nội của Hoàng tử Harry. Chiếc vương miện đi kèm với trầm cài tóc được làm từ năm 1893.
Năm 2011, Công nương Kate Middleton đã đội chiếc vương miện Cartier Halo Scroll. Chiếc vương miện này là món quà của cha Nữ hoàng Elizabeth, Vua Geroge VI tặng cho bà trong lần sinh nhật thứ 18.
Nhẫn cưới
Đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle đánh dấu một sự đổi mới trong truyền thống của Hoàng gia Anh. Hoàng tử Harry sẽ đeo nhẫn cưới, điều không phải chú rể nào ở chế độ quân chủ lập hiến nước Anh cũng làm. Lý do cho truyền thống này là vì theo nghi thức Hoàng gia, đàn ông trong giới quý tộc thường không đeo trang sức.
Thái tử Charles và Hoàng tử William cũng tuân theo truyền thống, họ không đeo nhẫn cưới sau khi đã kết hôn. Nhưng Hoàng tử Harry sẽ là người phá vỡ tập tục lâu đời này. Ngay sau khi trao nhau lời hẹn ước và chính thức thành vợ chồng, Hoàng tử Harry đã đeo nhẫn cưới cùng người vợ của mình. Đây có thể được coi là một hành động hướng đến sự bình đẳng trong hôn nhân của Hoàng gia.
Bánh cưới
Claire Ptak, chủ tiệm bánh Violet Bakery tại London là đầu bếp được Hoàng gia Anh giao trọng trách thực hiện chiếc bánh cưới trong ngày trọng đại.
Theo truyền thống bắt nguồn từ đám cưới của Nữ hoàng Victoria, bánh cưới Hoàng gia sẽ có vị trái cây và được làm từ những nguyên liệu hảo hạng, đắt tiền nhất. Hoàng tử Harry và Meghan đã chọn cho mình chiếc bánh có vị chanh thanh tao và tươi mát cho lễ cưới.
Cô Claire Ptak chia sẻ: “Chiếc bánh cưới này được thiết kế vô cùng đáng yêu. Nó mang hương vị tươi mát của mùa Xuân và tinh túy của ẩm thực Anh quốc”. Cô Ptak và 6 thợ làm bánh đã mất 5 ngày để thực hiện chiếc bánh này. Chiếc bánh làm từ 500 quả trứng gà hữu cơ Suffolk, 20 kg bơ, 20 kg bột mì, 20 kg đường, 200 quả chanh Amalfi và 10 lọ siro hoa cơm cháy có xuất xứ từ khu điền sản Sandringham của Nữ hoàng Victoria. Điểm lên trên là 150 bông hoa hồng trắng và mẫu đơn để trang trí cho chiếc bánh.
Nụ hôn
Do được xếp ở hàng thừa kế đầu nên đám cưới của Hoàng tử William cũng như Thái tử Charles được tổ chức tại Tu viện Westminster, thủ đô London. Do vậy nên nụ hôn đầu tiên của cặp đôi sau khi chính thức thành vợ chồng được diễn ra ở ban công điện Buckingham trước sự chứng kiến của quần chúng vương quốc Anh.
Về phần Hoàng tử Harry, đám cưới của anh được tổ chức tại nhà nguyện St. George, thị trấn Windsor nằm cách London 34km về phía Tây. Trong đám cưới này, cặp uyên ương đã hôn nhau không chỉ một lần mà những hai lần. Lần đầu là khi cặp đôi trao nhau lời hẹn ước trước sự chứng giám của Tổng giám mục. Lần hai là trước thềm của nhà nguyện St. George, phía sau là cổng cưới trang trí bằng những bông hoa hồng trắng đầy lãng mạng và tinh khôi. Hoa hồng trắng cũng là một biểu tượng cho sự có mặt của Công nương quá cố Diana trong ngày lễ trọng đại của con trai mình, vì lúc sinh thời bà rất yêu thích loài hoa này.
Khách mời
Do vị trí thừa kế ngai vàng chỉ sau Thái tử Charles nên đám cưới của Hoàng tử William có rất nhiều khách mời trong giới chính trị như các thủ tướng, đại sứ quán đến từ các nước. Trong khi đó, đám cưới của Hoàng Tử Harry chỉ có ngài John Major là nhân vật chính trị cấp cao duy nhất xuất hiện. Kể từ khi Công nương Diana qua đời, đây là nhân vật bảo hộ chính thức cho hai anh em Hoàng tử William và Harry. Chính vì lẽ đó mà Harry không thể không mời nhân vật đặc biệt này.
Mặt khác, với xuất phát điểm là một diễn viên, đám cưới của Meghan Markle có sự góp mặt của rất nhiều nhân vật trong làng giải trí cùng gia đình và bạn bè thân thiết. Có thể kể đến các khách mời như “bà hoàng truyền thông” Oprah Winfrey, vợ chồng George Clooney, vợ chồng nhà Beckham, hoa hậu Priyanka Chopra…
Người dắt cô dâu vào lễ đường
Với phong tục kết hôn của các nước phương Tây, nghi thức dắt tay cô dâu vào lễ đường là một nghi thức trang trọng và đong đầy cảm xúc. Trong cuộc đời của người phụ nữ, hai người đàn ông quan trọng nhất phải kể đến đó là người cha đã có công sinh thành và người chồng sẽ cùng xây dựng cuộc sống mới. Dắt tay con gái mình vào lễ đường trong ngày cưới là một nghi thức đánh dấu sự thay đổi của cuộc đời người con gái, cuộc đời mà giờ đây sẽ có thêm một người đàn ông cùng đồng hành đó là chồng.
Không may mắn cho Meghan khi trước ngày cưới, cha của cô, ông Thomas Markle, bất chợt lên cơn đau tim và phải phẫu thuật. Chính vì vậy, Meghan không có cha tham dự trong lễ cưới cũng như để nắm tay vào lễ đường. Thay vào đó, Thái tử Charles đã đảm nhận vai trò này thay cho thân phụ của Meghan.
Xem thêm
Toàn cảnh đám cưới hoàng gia Anh của Hoàng tử Harry và Meghan Markle
Victoria Beckham, Oprah Winfrey và khách mời mặc thanh lịch khi đến dự đám cưới Hoàng gia
Chia sẻ của Hoàng tử Harry về Meghan Markle sẽ khiến bạn tin tình yêu đích thực là có tồn tại
Tổng hợp: Trần Ánh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)