Văn hóa / Thế giới văn hóa

Khi ai cũng có thể là người sáng tạo nghệ thuật

Khi nào một tác phẩm trở thành nghệ thuật? Bức tranh nàng Mona Lisa liệu có đắt giá đến thế nếu chỉ được treo trong nhà kho? Tại sao quả chuối dán lên tường có thể gây chú ý như vậy? Đó là những câu hỏi không ít người đã nghĩ đến khi nói về nghệ thuật. Và dù sao người ta cũng không lảng tránh một sự thật: Nghệ thuật chỉ tồn tại khi có khán giả.

Cùng tiến trình của lịch sử, khán giả ngày càng trở nên gần hơn với các tác phẩm nghệ thuật. Từ lúc ban đầu, khi nghệ thuật chủ yếu để phục vụ cho các nghi lễ và niềm tin tôn giáo, khán giả buộc phải đứng từ xa mà ngưỡng vọng. Thế rồi, dần dần, những tác phẩm nghệ thuật bắt đầu xuất hiện trong các gia đình, dù ở hình dạng hội họa hay âm nhạc. Các tác phẩm sau đó lại rời khỏi các không gian riêng tư, được trưng bày trong các bảo tàng để ai ai cũng có thể đến và chiêm ngưỡng. Thậm chí, chúng được đưa ra các không gian công cộng, để người ta có thể sờ, chạm và soi ngắm bản thân trong chúng.

Tuy nhiên, phải đến thời của nghệ thuật tương tác, khán giả mới thực sự trở thành một phần cơ yếu của nghệ thuật. Họ không còn là người ngắm nhìn, chiêm ngưỡng hay chụp ảnh cùng tác phẩm. Họ là người góp phần biến nghệ thuật thành nghệ thuật. Nói một cách khác, họ chính là người đồng sáng tạo.

sáng tạo tác phẩm Flowers and People
“Flowers and People – Dark” của TeamLab mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.

Nghệ thuật tương tác của thời đại công nghệ

So với các thể loại nghệ thuật khác, nghệ thuật tương tác sinh sau đẻ muộn hơn, nhưng đến giờ lại là một trong những con đường giúp các nghệ sĩ sớm khẳng định được tên tuổi nhanh nhất. Điều đặc biệt của loại hình nghệ thuật này là khả năng biến hóa của tác phẩm, khiến cho mỗi khán giả lại có một trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Tác phẩm nghệ thuật tương tác đầu tiên được công nhận xuất hiện từ thập niên 1960, khi nghệ sĩ Allan Kaprow cho sắp đặt một khu vườn chất đầy những lốp xe cũ và khán giả có thể tùy nghi tạo ra tác phẩm của mình khi bước vào đó.

sáng tạo tác phẩm khu vườn lốp xe
Tác phẩm nghệ thuật tương tác là khu vườn chất đầy những lốp xe cũ của nghệ sĩ Allan Kaprow năm 1960.

Tuy nhiên, phải cho đến thập niên 1990, loại hình này mới trở nên phổ biến và dần trở thành con cưng trong các bảo tàng nghệ thuật đương đại. Đó là nhờ việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học điện tử phát triển như vũ bão trong giai đoạn này, khiến cho việc tạo ra những tác phẩm sắp đặt có cảm ứng để đón bắt chuyển động, tâm trạng và cho phép những thao tác của khán giả can thiệp vào tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Một ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật tương tác là tác phẩm Pixel của Jamie Zigelbaum. Tác phẩm là một bức tường cho phép gắn ngẫu nhiên những ô đèn led pixel, mỗi ô đèn lại cho phép người ta chạm vào để tạo ra những hiệu ứng ánh sáng khác nhau. Tùy theo mỗi khán giả và khả năng sáng tạo của họ, bức tường có thể tạo ra vô vàn ấn tượng ánh sáng, và kéo khán giả vào thế giới lấp lánh đầy mê hoặc.

sáng tạo tác phẩm Orbit
Tác phẩm “Orbit” của Tomás Saraceno

TeamLab, một trong những tổ hợp sáng tạo nghệ thuật nổi tiếng nhất hiện nay, cũng khai thác triệt để công nghệ cho phép khán giả đồng sáng tạo. Với tác phẩm Flowers and People – Dark, các nghệ sĩ mời khán giả bước vào một căn phòng với những hình ảnh trừu tượng chuyển động trên tường. Điều thú vị là, tùy vào nơi họ đứng và chuyển động, thiết bị cảm ứng và máy tính sẽ điều chỉnh những hình ảnh ấy theo một lối riêng. Vậy nên, hàng trăm khán giả có mặt trong căn phòng ấy sẽ có hàng trăm trải nghiệm khác nhau.

Biến nghệ thuật thành sân chơi

Quay trở lại với sự tham gia của khán giả, chính vì đặc tính này, nghệ thuật tương tác cũng thường yêu cầu những không gian trưng bày đặc biệt so với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Dù có lệ thuộc vào công nghệ hay không, để khán giả có thể đồng sáng tạo, các nghệ sĩ phải tính toán không gian giúp họ có thể bước vào và trở thành một phần của nó. Trong rất nhiều trường hợp, một tác phẩm nghệ thuật tương tác sẽ yêu cầu một gian khổng lồ.

sáng tạo tác phẩm nghệ thuật Pixel
Tác phẩm “Pixel” của nghệ sĩ Jamie Zigelbaum.

Tác phẩm Orbit của Tomás Saraceno là một công trình xây dựng nên thế giới giữa những tầng mây. Ở đây, khán giả có thể ngồi hoặc dạo bước trên những hình khối vừa mang tính vị lai, vừa có chút gì đó gợi nhắc về những tác phẩm hoạt hình, lại như lạc vào thế giới của những mạng nhện nhân tạo hay trong một bộ não khổng lồ. Họ bước vào nơi đó như bước vào thế giới của những câu hỏi triết học về ý nghĩa của sự tồn tại, mà mỗi phần họ tương tác lại gợi ra một ý nghĩ mới hay một câu hỏi mới.

sáng tạo tác phẩm nghệ thuật The Event of a Thread
Tác phẩm “The Event of a Thread” của Ann Hamilton đưa khán giả trở về tuổi thơ.

Tương tự, tác phẩm The Event of a Thread của Ann Hamilton trưng dụng một không gian để treo lên những tấm màn khổng lồ, kết nối với những chiếc xích đu mời gọi khán giả trở lại với tuổi thơ của họ. Việc đu đưa những chiếc xích đu cũng đủ khiến các tấm màn rung động, tạo ra cảm giác về những cơn gió thinh lặng, cho phép khán giả có cơ hội lắng nghe suy nghĩ của họ, và được thiền trong chuyển động. Cách họ chuyển động với xích đu được phản chiếu qua tấm màn, cho họ được nhìn thấy phản chiếu của nội tâm mà không phán xét.

Một vài ví dụ đó cho thấy điều tạo nên sức hút mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Vì dù có thực sự hiểu những thông điệp ẩn sau các tác phẩm hay không, có một điều chắc chắn là khán giả sẽ không bao giờ thấy nhàm chán. Họ sẽ không phải trải qua cảm giác choáng ngợp hay mỏi gối chồn chân như khi dạo bước qua những bảo tàng mênh mông để ngắm nhìn những tác phẩm kinh điển. Việc được cùng sáng tạo, dù trong vô thức hay có ý thức với nghệ sĩ, khiến khán giả được trở lại với đứa trẻ đầy hiếu kỳ có thể đã bị bỏ quên từ rất lâu. Và có thể vì thế, họ sẽ cảm thấy nghệ thuật và cuộc sống thực ra là một, và bất kỳ ai cũng có một nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào, miễn là có người trao cho họ cơ hội.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)