Văn hóa / Thế giới văn hóa

Khi hội họa là tuyên ngôn xã hội

Hội họa phục vụ cho cái đẹp hay cho những vấn đề xã hội? Câu hỏi ấy có lẽ chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng.

Có lẽ bạn đã từng được nghe về cuộc chiến giữa hai con đường sáng tạo: Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, nghệ thuật chỉ nên phục vụ cho cái đẹp, cho mỹ cảm của tác giả. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ khác lại cho rằng, nghệ thuật luôn và nên luôn là một phát ngôn chính trị xã hội, mà hội họa là ví dụ rõ ràng nhất.

tác phẩm của Johannes Vermeer
Bức tranh “The Glass of Wine” (1658-1660) của Johannes Vermeer.

Là phát ngôn chính trị của họa sĩ

Tuy nhiên, dù theo con đường nào đi chăng nữa, một tác phẩm nghệ thuật về cơ bản vẫn chứa đựng một ý nghĩa nào đó. Các tác phẩm hội họa dù đi theo trường phái nào, cuối cùng vẫn chứa đựng một câu chuyện. Đôi khi, chính câu chuyện ấy góp phần khiến tác phẩm trở nên nổi tiếng và sống mãi với thời gian. Một bức vẽ dù đẹp, nhưng chẳng có ý nghĩa hay câu chuyện gì trong đó, nếu may mắn sẽ được treo trong nhà như một vật trang trí không hơn. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Thế thì hội họa thường nói lên những điều gì?

hội họa tác phẩm của Pablo Picasso
Tác phẩm “Guernica” (1937) của họa sĩ Tây Ban Nha Pablo Picasso.

Điều thú vị là nếu ngẫm nghĩ kỹ, phần lớn các tác phẩm nghệ thuật nói lên vị trí của con người trong xã hội, trong hệ thống tự nhiên và trong vũ trụ này. Các tác phẩm hội họa vĩ đại nhất, bên cạnh là kết quả của những bàn tay kỹ thuật điêu luyện, cũng thường là những phát ngôn quan trọng về con người. Chúng khơi gợi lên trong lòng khán giả những cảm xúc sâu xa mà đôi khi chính họ không hề nhận biết là mình có trước đây, về sự tồn tại, về chuyện họ là ai.

hội họa tác phẩm của họa sĩ đường phố Banksy
Một trong những bức tranh trong chuỗi “The World of Banksy: The Immersive Experience” của họa sĩ đường phố Banksy.

Hội họa, trên bước đường phát triển của nó, dần chuyển từ các đối tượng thiêng liêng (thần linh, nhân vật tôn giáo) sang con người trần thế, từ những con người ở đẳng cấp xã hội cao sang, nhóm thuộc đẳng cấp xã hội thấp hơn; từ những cá nhân đại diện cho chuẩn mực hoàn chỉnh thành những con người chân thực, đa chiều. Nếu nhìn lại chặng đường phát triển ấy, chẳng phải chúng chính là sự thay đổi trong tư tưởng chính trị xã hội của nhân loại hay sao?

hội họa tác phẩm chân dung tự họa
Chân dung tự họa “Self-Portrait with Thorn Necklace and Hummingbird” (1940) của nữ họa sĩ Frida Kahlo

Hãy lấy ví dụ từ một họa sĩ mà có lẽ ai yêu hội họa cũng từng nghe tên: Johannes Vermeer. Họa sĩ người Hà Lan này tập trung vào hai chủ đề chính khi sáng tác: phố phường và người Hà Lan trong căn phòng của họ. Tất nhiên, ông nổi tiếng bởi nhiều lý do, nhưng vai trò lịch sử của ông được nhấn mạnh ở chỗ ông nỗ lực miêu tả mọi tầng lớp xã hội qua tranh của mình. Từ những người thuộc giới quý tộc cho đến nhà thiên văn học, cho đến cả những người hầu lao động chân tay và một cô gái làng chơi, tất cả đều là nhân vật trong tranh của Vermeer. Họ xuất hiện trong tranh khi đang làm những việc thường ngày họ vẫn làm. Sự thay đổi trong việc chọn ai là người mẫu cho thấy phát ngôn về quyền của con người và sự chuyển biến trong giai tầng xã hội tại châu Âu thế kỷ 17.

Hay một ví dụ khác, bức họa “Guernica” của Picasso, tác phẩm được coi là một trong những kiệt tác của nhân loại về đề tài chiến tranh. Là một trong những ví dụ tiêu biểu của chủ nghĩa lập thể, nhưng điều khiến “Guernica” được biết đến nhiều hơn bất kỳ tác phẩm nào khác của Picasso chính là sự thật xã hội đương thời mà tác giả muốn khắc họa lại. Sự tàn bạo, hỗn loạn và tang thương của cuộc nội chiến Tây Ban Nha được miêu tả bằng những hình khối đơn giản, sự tương phản mạnh giữa ánh sáng và bóng tối. Và nhờ thế, nó trở thành phát ngôn chính trị vĩ đại của họa sĩ.

Miêu tả thế giới qua lăng kính hội họa

Từ thế kỷ 20, hội họa trở thành một phần của đời sống thương mại khi các họa sĩ ít lệ thuộc vào các mạnh thường quân. Thay vào đó là sự chủ động, đôi khi đến từ phía họa sĩ, đôi khi lại hoàn toàn nằm ngoài ý định của họ.

chân dung Frida Kahlo
Bức ảnh chân dung họa sĩ Frida Kahlo được chụp bởi cha đẻ nhiếp ảnh gia Guillermo Kahlo.

Cho trường hợp thứ nhất chúng ta có thể thấy một ví dụ điển hình: Banksy, nghệ sĩ hội họa đường phố nổi tiếng được biết đến với tư cách một nhà phát ngôn chính trị cũng nhiều như việc ông là một họa sĩ. Ngay cả việc chọn vẽ tranh trên các bức tường giữa phố cũng là một tuyên ngôn chính trị của ông, như chính ông từng phát biểu: “Một bức tường là một vũ khí rất lớn. Đó là thứ kinh khủng nhất bạn có thể quăng vào bất kỳ ai”. Sự hài hước chua chát trong các bức tranh được phun sơn lên tường của Banksy thể hiện cái nhìn giễu nhại vào chủ nghĩa tư bản, cuộc sống hiện đại, chiến tranh và các vấn đề chính trị quốc tế.

Trong khi đó, Frida Kahlo là nữ họa sĩ rất chủ động trong việc đưa những tuyên ngôn về vấn đề giới, chủng tộc hay đẳng cấp xã hội vào tác phẩm của mình. Bà là biểu tượng của một người làm cách mạng thông qua các bức tranh, đòi sự chú ý cho những giá trị văn hóa bị bỏ quên. Tuy nhiên, tranh của bà trước hết là một phát biểu cá nhân, một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng chịu đựng quá nhiều đau đớn, vật lộn với việc mình là ai trong xã hội và sự cô đơn.

tác phẩm The Girl with the pearl earring
Tác phẩm “The Girl with the Pearl Earring” (1665) của Johannes Vermeer

Ví dụ về Frida Kahlo có thể giúp ta tìm ra câu trả lời phần nào thỏa mãn cho câu hỏi: Cuối cùng thì hội họa phục vụ cho cái gì? Như mọi loại hình nghệ thuật khác, hội họa trước hết là tiếng nói của tác giả, là thế giới được miêu tả lại qua lăng kính, qua tư duy, cảm xúc và qua cả kỹ thuật của một họa sĩ. Thế nhưng, khi nỗ lực miêu tả lại cảm xúc của chính mình, suy nghĩ về cuộc đời của chính mình, họa sĩ đã vô tình hay cố ý thể hiện ra những thông điệp chính trị. Vì chính trị thực ra chẳng có gì cao xa đặc biệt, nó chính là việc mỗi cá nhân được đứng ở đâu trong thế giới này, quyền lực và tiếng nói của họ đi tới đâu, và hình dung về tương lai của họ thế nào.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)