Văn hóa / Thế giới văn hóa

Khi phụ nữ khởi nghiệp từ một giấc mơ lãng mạn

Trong cuộc trò chuyện cùng ELLE, ngoài câu chuyện khởi nghiệp đầy “mộng mơ”, chị Trang còn chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ làm việc trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.

Hơn 10 năm trước, khi có dịp làm việc với dự án Inspiration TV, một chương trình truyền hình truyền thông, giải trí dành cho phụ nữ của Úc, người phụ nữ sáng lập series truyền hình khi ấy ngoài 70 tuổi đã động viên nhóm chúng tôi rằng: “Ở Úc, phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp khi họ về hưu, khi họ thực sự có thời gian riêng cho hoài bão, mơ ước của mình”. Còn ở Việt Nam thì sao, chúng ta thường nghĩ độ tuổi khởi nghiệp là lứa thanh niên còn đang mang trong mình đầy khát vọng, đúng vậy nhưng chưa đủ. ELLE Việt Nam có cơ hội được tiếp xúc với nhiều phụ nữ tài năng, họ khởi nghiệp ở lứa tuổi 40-45, khi đã dần ổn định sự nghiệp của mình.

Đơn cử là chị Nguyễn Huyền Trang – Founder & CEO Mimosa Communications – người có gần 15 năm làm việc tại các công ty truyền thông và quan hệ công chúng. Với chị, thành công được đo bằng sự trưởng thành trong đội ngũ nhân sự. Dành thời gian cho việc chia sẻ các kiến thức kinh nghiệm chuyên môn với các bạn trẻ là một trong những mục tiêu mà chị theo đuổi. Câu châm ngôn yêu thích của chị là: “Hãy là sự thay đổi bạn muốn nhìn thấy trên thế giới” (Mahatma Gandhi).

Từng công tác ở một tập đoàn báo chí lớn, lý do gì chị chuyển sang mở công ty truyền thông? Những kinh nghiệm làm việc đã giúp ích cho chị khi khởi nghiệp chứ?

Với tính cách hay thay đổi, chạy theo những điều khác biệt, những thách thức mới mình được trải nghiệm, tôi đã có một hành trình nhiều biến động. Những nơi ấy đã dạy tôi rất nhiều, tạo nên hình ảnh của tôi trong hiện tại. Tôi làm ở các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông khá lâu. Đó là những nơi tôi được rèn luyện một tố chất rất đặc biệt là Entrepreneurship – Tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Chữ “Làm chủ” ở đây không hẳn là phải mở một doanh nghiệp riêng, mà là tinh thần vượt qua mọi thứ, xoay chuyển mọi điều, tận dụng mọi nguồn lực để hoàn thành bằng được dự án mình đang theo đuổi. Trải nghiệm nhiều ở các agency đã giúp tinh thần “làm chủ” đó của tôi lớn dần lên theo năm tháng. Và rồi đến một ngày, tôi chợt nghĩ đến một agency của riêng mình. Đó chính là lý do tôi quyết định thành lập Mimosa Communications. Ngày ấy, tôi không nghĩ quá sâu về các áp lực doanh nghiệp. Có vẻ như đó thực sự là một giấc mơ lãng mạn mà tôi đã nghĩ đến.

Khởi nghiệp từ một giấc mơ – nghe thật thú vị! Giấc mơ đó đã đến như thế nào, chị đã xoay xở ra sao với cuộc cạnh tranh trên thương trường để nuôi giấc mơ ấy thành hiện thực?

Bạn biết đấy, nếu một doanh nghiệp được bắt đầu bằng một giấc mơ lãng mạn thì bạn sẽ sớm tỉnh giấc thôi. Không quá lâu sau đó, tôi bắt đầu vấp phải những thực tế khắc nghiệt của môi trường kinh doanh. Bài toán doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Bài toán tìm kiếm khách hàng, phát triển kinh doanh, làm sao thực hiện được gói dịch vụ như đã cam kết. Bài toán nhân sự và các khoản chi phí cố định. Tôi học lý thuyết quản trị kinh doanh ở trường. Tôi theo nghề truyền thông khá lâu. Tôi làm việc ở các agency đủ dài để hiểu về cách vận hành của một công ty truyền thông. Nhưng khi mở một agency cho chính mình, tôi nhận ra mình đang làm theo bản năng và đam mê nhiều quá. Tôi thiếu nhiều thứ: khả năng tính toán trọn vẹn một mô hình kinh doanh dài hạn, khả năng cân bằng giữa những nguyên tắc quản lý và việc thấu hiểu tâm lý con người, thiếu một hệ sinh thái nâng đỡ trong công việc, thiếu vốn, thiếu tính kỷ luật… Tôi cho rằng mình đã vấp phải tất cả các vấn đề mà mọi người thường gặp khi mở công ty.

May mắn là tôi rút kinh nghiệm và thay đổi khá nhanh. Tôi chấp nhận chạy đua cùng thời gian: cứ sai là sửa ngay để tiếp tục tiến về phía trước. Song song đó, tôi gặp gỡ nhiều người, lắng nghe các câu chuyện và những lời khuyên. Tôi luôn tiến về phía trước. Công ty là điểm bắt đầu hành trình khởi nghiệp của tôi. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia giảng dạy và chia sẻ cho các bạn sinh viên.

Khi ở vai trò giảng viên truyền thông, chị nhận thấy điều gì trong cách các bạn trẻ tiếp cận với ngành công nghiệp này?

Tôi có khá nhiều trải nghiệm với các bạn sinh viên các trường đại học như Học viện Báo chí, Đại học RMIT, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học FPT. Tôi thấy các bạn sinh viên ngành truyền thông bây giờ rất sáng tạo và năng động. Khi tôi giao cho các bạn một yêu cầu ngắn gọn, các bạn sẽ nghĩ ra rất nhiều ý tưởng khác biệt, đặc sắc. Khi tôi giao cho các bạn một dự án để theo đuổi, các bạn sẽ có những cách tiếp cận rất năng động, không ngại việc, không ngại khó. Các bạn thông minh, học và hiểu nhanh, đặc biệt trong việc nắm bắt các xu hướng truyền thông mới.

Vậy đâu là trở ngại, thách thức với các bạn trẻ khi ra trường muốn theo đuổi ngành công nghiệp này?

Theo tôi, đó là sự thiếu kiên nhẫn. Tôi tin giới trẻ bây giờ rất giỏi. Các bạn có thể nhanh chóng học và áp dụng tất cả những điều các bạn muốn. Nhưng thường các bạn quá nôn nóng. Các bạn sẽ đến và đi rất nhanh, không đủ kiên trì để học mọi khía cạnh trong nghề. Bạn biết đấy, ngành truyền thông giống như nguyên lý tảng băng trôi, một phần nổi, bảy phần chìm. Đằng sau những giây phút tỏa sáng là vô số những công việc tỉ mẩn, chăm chỉ, góp nhặt hằng ngày. Tuổi trẻ thường nóng vội nên có thể sẽ có nhiều bạn trẻ không đủ kiên nhẫn theo đuổi nghề đến tận cùng. Từ việc có tố chất đến việc trở thành chuyên nghiệp là một khoảng cách không hề nhỏ.

khởi nghiệp 2

Thế giới luôn vận động, xoay chuyển và đặc biệt ngành truyền thông, báo chí đang thay đổi không ngừng trong thời đại 4.0 này. Những xu hướng truyền thông mới sẽ là gì, thưa chị?

Theo tôi, đó là tính tương tác, tính cá nhân hóa, internet và mobile phone. Tính tương tác giúp rút ngắn khoảng cách giữa kênh truyền thông và công chúng. Công chúng có thể giao lưu trực tiếp, chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân, tạo ra các cuộc thảo luận đa chiều. Tính tương tác sẽ làm cho kênh truyền thông trở nên khách quan và được yêu thích hơn.

Về tính cá nhân hóa, để có thể tương tác sâu với công chúng, các thương hiệu phải liên tục lắng nghe, hiểu các nhu cầu cá nhân và xây dựng những trải nghiệm khác biệt. Có rất nhiều những thông tin về công chúng và mục tiêu cần phân tích là: công chúng của bạn là ai, với các loại tính cách, thái độ và sở thích như thế nào… Internet sẽ là môi trường truyền thông ngày càng phổ biến và thách thức tất cả các kênh truyền thông truyền thống. Điện thoại thông minh được dự đoán là có nhiều lợi thế để trở thành kênh truyền thông tương lai vì tính chất tiện lợi và tính công nghệ.

Quỹ thời gian trong ngày được chị phân chia thế nào để vừa hoàn tất công việc ở công ty vừa chăm lo được cho gia đình, lại vừa có thời gian yêu chiều bản thân mình? Và khi ấy, chị sẽ muốn làm những gì?

Tôi là người sống khá cân bằng giữa gia đình, công việc và sở thích cá nhân. Cách của tôi là đan xen. Khi không có nhiều dự án, tôi chơi nhiều hơn. Khi có nhiều dự án, tôi làm nhiều hơn. Cộng vào chia đôi thì cũng đạt điểm cân bằng như mọi người. Tôi hiểu đa phần chúng ta bị quá tải là do cá nhân phải tự làm nhiều việc quá. Khi bắt đầu một dự án, hãy kích hoạt ngay việc sắp xếp và phân công nhân sự. Đa phần tôi gặp áp lực không phải do quá bận mà là do tìm chưa đúng nhân sự phù hợp, hoặc phân công công việc chưa hợp lý. Khi có thời gian riêng, tôi thích đi du lịch và khám phá thế giới một mình để nhìn thấy thật sâu vào chính mình, suy ngẫm về những gì mình đang có, trân trọng hơn hiện tại.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh Ảnh: Chu Lân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)