Khim Đặng – Con cọp không của riêng ai
Dành ra hơn 3 năm để tập trung vẽ hổ, sáng tác hơn 10 bộ tranh độc đáo và ứng dụng trên nhiều sản phẩm, người vẽ hổ như Khim Đặng nhanh chóng khơi mở một cách nhìn đáng ngạc nhiên trước những mặc định hàng thế kỷ dành cho linh vật dân gian vốn sở hữu nhiều giá trị tưởng chừng bất biến.
Khim Đặng bắt đầu cuộc trò chuyện ẩn mặt từ xa với ELLE bằng một chất giọng sảng khoái, dồi dào năng lượng vào thời điểm mà lẽ ra anh đã có thể thả mình trong giấc ngủ say sau một ngày dài miệt mài lao động. Khim Đặng là tên gọi tắt của Đặng Công Khiêm. Anh hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình ở rất nhiều vai trò: vẽ, chỉ đạo nghệ thuật hình ảnh, chế tác… Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu về chủ đề hổ với cách đặt vấn đề trong mỗi tác phẩm đầy dí dỏm, ngẫu hứng mà cũng lắm ngẫm suy. Ở anh là một tâm hồn luôn biết cách tận hưởng trọn vẹn sự tự do của hiện tại và tận dụng nguồn cảm hứng bản địa như chất liệu sáng tạo vô tận. Nếu Jonathan Hoefler từng cho rằng “hài hước là một cách thiết kế tuyệt vời” thì có thể xem đó như một trong những phẩm chất gần với mô tả về phong cách của Khim Đặng.
Dấu ấn của tôi không phải là con cọp. Tôi rất thích động vật hoang dã và chỉ là người vẽ cọp. Khởi đầu vẽ cọp chỉ là vẽ chơi. Sau đó, tôi thấy thích và thay đổi cấu trúc sinh học của nó. Chỉ mất vài tháng tôi đã thay đổi tư duy và định hướng của mình, ít khi nào tôi vẽ con cọp 4 chân, tôi thích vẽ con cọp 6 chân, nhiều hơn hoặc kéo dài nó bất tận. Những gì tôi đã thể hiện sẽ không dừng lại. Hoặc là tất cả những thứ sẽ theo tôi suốt cuộc đời chỉ có bấy nhiêu.
Truyện về cọp tôi thích nhất là “Trí khôn của ta đây”. Không phải vì nó hay mà vì nó vô lý đến không thể chấp nhận được. Tôi khó chịu và buồn cười tới mức vẽ ra loạt chủ đề liên quan như Trí Khôn Của Ta Đâu, tiếp theo đó là Đả Hổ (người nông dân và con cọp) và gần đây nhất là Con Cọp Mãi Mãi (chỉ có cọp, không còn người nông dân). Mặc dù tên gọi sau đó đã được đổi thành Con Cọp Vĩnh Cửu nhưng tôi vẫn thích từ “mãi mãi”, nó ở giữa lưng chừng trạng thái của một vòng lặp không tiến, không lùi.
“Con Cọp Mãi Mãi” là con cọp không bao giờ kết thúc. Nó là một sự hứa hẹn không xác định hoặc chỉ là điều gì đó viển vông. Nếu bạn chú ý, sẽ thấy cọp của tôi thường chui qua một cái vòng và một cái lỗ từ dưới lên, mình chỉ có thể nhìn thấy một phần cơ thể của nó. Hoặc sẽ nhìn thấy một con cọp rất dài. “Con cọp mãi mãi” tôi nói là sự mất đi, sự đang mất đi và vẽ là một cách níu kéo. Tôi chỉ muốn níu kéo thôi chứ chưa biết là níu kéo điều gì. Vì đâu chắc những thứ mình muốn níu kéo nó đã ở lại với mình. Vấn đề ở đây không chỉ có con cọp.
Vẽ cọp như phản ánh mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên. Không có đúng sai khi nhìn nhận về tác phẩm của tôi. Cũng không ai có quyền định đoạt số phận tác phẩm của tôi.
Chân là chi tiết tôi thích nhất ở con cọp. Tôi rất hay vẽ miệng con cọp sai. Miệng nó to hơn với thực tế. Con cọp tôi vẽ không phải tả thực. Cũng không hoàn toàn đúng về cấu trúc vật lý và sinh học. Tôi không bao giờ chỉnh lại cho đúng. Nó hiện hữu trong phút giây tôi tạo tác và khi kết thúc tôi thường không thay đổi nhiều.
Con cọp và chúng ta không cùng loài để hiểu. Tôi đã đọc và vẫn đang tìm hiểu rất nhiều về cọp. Nhưng tất cả những tính cách chúng ta nghe về nó đều là cảm quan của một ai đó chứ không phải của nó. Vì nó đâu có cách nói hoặc truyền đạt suy nghĩ. Tối thiểu mình chỉ hiểu được tập tính, đặc trưng của loài. Chẳng ai hiểu được tính cách của một con cọp đâu. Để hiểu tính cách của một đối tượng, bạn phải lắng nghe, đối thoại và sống cùng. Con người còn không thể hiểu nhau, sao lại có thể định nghĩa về cá tính của một con thú chỉ dựa trên sự quan sát? Tôi không thể nói với con mình rằng cọp là con vật dũng mãnh hay hung dữ. Tôi chỉ có thể nói là con hãy tự cảm nhận. Tôi nghĩ cảm nhận của mỗi cá nhân rất quan trọng.
Con cọp tôi vẽ không phản chiếu hình ảnh của tôi. Tôi là người có thể quan sát được bản thân. Không ai có thể nhìn mình bằng mình. Tự quan sát bản thân là một thứ năng lực mà ai cũng có. Sớm hay muộn thì người ta cũng thấy. Hoặc đến khi rời bỏ cơ thể vật lý của mình rồi thì họ sẽ nhận ra.
Tôi vẫn hay tự họa mình bên cạnh con cọp. Tôi không cần phản chiếu từ ai hay từ bất kỳ điều gì. Khi tôi vẽ bản thân mình là tôi hiểu mình. Tôi luôn tin tưởng mình là ai.
Tôi không sở hữu con cọp hay bất kỳ chi tiết nào. Tôi không có cái gì của riêng mình cả. Không có cái gì là của riêng ai, đừng ai vô tình hay cố tình lấy nó đi thôi.
Định nghĩa sáng tạo của tôi rất bình dân. Mỗi người đều có thể sáng tạo trong nhiều cách, nhiều tình huống, lĩnh vực khác nhau. Sáng tạo là tư duy mình phải nghĩ, phải thu thập kiến thức và ứng dụng. Ngành sáng tạo không phải là ngành đặc thù riêng biệt. Nghĩ ra cái gì đó mới, cải thiện được cái cũ thì đã là sáng tạo. Sáng tạo không chỉ dành riêng cho nghệ thuật. Sáng tạo là quá trình nghĩ ra cách để tồn tại. Nó không phải là gì đó to lớn.
Tôi không bao giờ muốn bán rẻ những thứ mình làm ra. Tôi luôn làm ra mọi thứ một cách xứng đáng. Xứng đáng với bản thân mình trước thì mới xứng với người chi trả cho nó.
Bất kỳ khoảnh khắc nào người đàn ông cũng có thể trở nên yếu đuối. Đàn ông không phải sinh ra để mạnh mẽ. Giống như con cọp không phải sinh ra để làm mãnh hổ.
Tận hưởng từng khoảnh khắc là sống một cách giàu có. Tôi thấy thoải mái nhất là mình không giữ cái gì lại cho riêng mình. Những gì liên quan đến sở thích, tôi không bao giờ bị lệ thuộc về tiền bạc. Kể cả danh xưng.
Đồ họa hay minh họa là những công việc tôi quá thích nên đặt cả tâm tư để theo đuổi. Tôi không muốn vẽ những thứ chỉ để đó, suy ngẫm và đánh mất nó. Nghệ thuật nên được ứng dụng trên một thực thể nào đó.
Mỹ thuật kỹ thuật số càng nên được ứng dụng nhiều. Tôi muốn mở rộng phạm vi ứng dụng của những thứ mình vẽ ra. Đó là lý do tôi theo đuổi mỹ thuật công nghiệp, theo đuổi giá trị thực tiễn của cái đẹp.
Bài: May Ngô
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE