Kong: Đảo Đầu Lâu, bom tấn mãn nhãn dành cho số đông

Đăng ngày:

Khung cảnh thiên nhiên trong phim hiện ra còn tuyệt vời hơn những gì được khen ngợi từ các trailer trước đó, là sự nhào nặn và lồng ghép nhuần nhuyễn từ bàn tay điêu luyện thấm đẫm tinh thần duy mỹ của Hollywood.

Lấy bối cảnh vào năm 1973, khi công nghệ vệ tinh vừa bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, hàng loạt bức ảnh chụp lại chứng minh sự tồn tại của một hòn đảo bí mật ở Nam Thái Bình Dương có biệt danh là “Đảo Đầu Lâu”. Điều này gây hứng thú và thôi thúc 2 nhà khoa học Mỹ tiến hành một cuộc thám hiểm tới vùng đất đó.

Cũng vào thời điểm này khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, chính phủ Mỹ bận rộn cho quy trình rút quân khỏi Việt Nam và chỉ một toán lính nhỏ được giữ lại giúp 2 nhà khoa học trong chuyến hành trình.

Mạch phim diễn ra khá nhanh so với những dòng phim về đề tài quái vật khác khi ngay từ những phút đầu tiên nhân vật chính đã lộ diện khá hoành tráng. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà ít nhiều khiến bộ phim mất đi tính cao trào và sự hồi hộp.

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 2

Đầu phim là sự khắc họa ngắn ngọn, không đi sâu nhưng tạm đủ chi tiết đặc trưng về một góc miền ký ức thời chiến của Việt Nam. Sắc màu chủ đạo của phân đoạn đầu là ánh nâu vàng ấm nóng của khói bụi chiến tranh, của khí hậu vùng đất nhiệt đới pha trộn với sắc xanh mướt bạt ngàn của những cánh rừng mưa đặc trưng tại khu vực Đông Nam Á. Âm nhạc cũng là một trong những yếu tố đặc trưng để gợi nhớ về một thời kỳ với những ca khúc rock bất hủ như White RabbitParanoidRun Through the JungleZiggy, Mặt trời đen; đi kèm những khẩu hiệu chiến đấu quen thuộc phát ra từ radio liên lạc của binh đoàn không vận Hoa Kỳ. Chiến tranh Việt Nam không còn là mảnh đất màu mỡ để khai thác như những năm 70-80, nhưng mỗi khi có cơ hội thì Hollywood đều muốn gợi lại một trong những đề tài hot nhất trong lịch sử nền điện ảnh Hoa Kỳ. Từ giữa phim bạn lại tưởng mình đang xem một bản sequel nào đó của Jurrasic Park với những khung cảnh thám hiểm, rượt đuổi giữa sự sống và cái chết quen thuộc; bên cạnh đó là màn debut của các loài sinh vật khổng lồ với tạo hình kì dị nhưng cũng đẹp tuyệt vời.

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 6

Nhện khổng lồ trong phim xuất hiện trong khu rừng tre đậm chất phương Đông.

 

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 7

Thảm thực vật và các loài động vật tuy dị biệt nhưng đều được “thiết kế” mang yếu tố sinh học điển hình cùa vùng nhiệt đới Nam Thái Bình Dương.

 

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 9

Skullcrawler, loài thằn lằn ăn thịt khủng khiếp sống trên đảo mà chỉ có Kong mới tiêu diệt được.

Nếu để miêu tả sơ lược về cảm hứng của bộ phim, Kong: Đảo Đầu Lâu như một “nồi lẩu thập cẩm” được chắt góp từ một vài cái tên đình đám như Apolcalyse Now, Jurrasic Park với chút ảnh hưởng của vở nhạc kịch Miss Saigon. Bộ phim sẽ khiến những khán giả khó tính cảm thấy “nhàm chán và bội thực” nhưng nếu đến với tâm thế tưởng thưởng một sản phẩm điện ảnh giải trí đơn thuần với kỹ xảo nịnh mắt nịnh tai thì bạn sẽ thấy mọi thứ dễ chịu hơn.

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 4

Trong poster của 2 bộ phim, Kong chỉ khác tác phẩm chiến tranh kinh điển của đạo diễn tài danh Coppolla “một con vượn khổng lồ”.

 

Kong Dao Dau Lau - kong apocalypse now - elle vietnam 5

Trong khung hình này ta cũng thấy được sự tương đồng.

Đoạn combat giữa Kong và Skullcrawler khiến liên tưởng đến King Kong 2005.

Khung cảnh thiên nhiên trong phim hiện ra còn tuyệt vời hơn những gì đã được khen ngợi từ các trailer trước đó, là sự nhào nặn và lồng ghép nhuần nhuyễn từ bàn tay điêu luyện thấm đẫm tinh thần duy mỹ của Hollywood. Nhưng để tạo nên những thước phim tuyệt đẹp ấy, chính khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vịnh Hạ Long, Quảng Bình và Ninh Bình là điều khiến các nhà làm phim Hollywood phải lòng yêu. Nếu không phải là Kong thì ta cứ tưởng mình đang xem một chuyên mục truyền hình thực địa đặc biệt nào đó quảng bá riêng cho Việt Nam của National Geographic hay Discovery. Đây cũng là điều tôi rất ưng từ các nhà làm phim Hoa Kỳ khi họ rất biết cách nịnh nọt những quốc gia được chọn làm địa điểm ghi hình, và lần này đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng đã thể hiện rất thành công.

Với tựa đề là Đảo Đầu Lâu, bộ phim như “một cuộc dạo chơi cảm giác mạnh” về khởi nguyên ra đời và quê hương của Kong để làm tiền đề cho những dự án điện ảnh theo phong cách Kaiju (quái vật đấu quái vật) sau này, nên nếu mong chờ những diễn biến nội tâm và tình yêu phức tạp đã gây được tiếng vang như trong King Kong bản 2005 thì sẽ không tránh được thất vọng. Xuyên suốt mạch phim, các diễn viên không có nhiều đất diễn mà những màn “combat” cực mượt, cực đã mắt giữa Kong và loài người, giữa Kong và loài thằn lằn Skullcrawler mới là tâm điểm. Điều đó khiến tôi không khỏi thắc mắc rằng dụng ý của Jordan khi lôi cả dàn sao hạng A như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L.Jackson vào đây là gì? (chắc ai cũng hiểu lý do).


Thông điệp bộ phim gửi gắm đầy ý nghĩa nhưng lại không hề mới lạ: “Bảo vệ thiên nhiên trước sự xâm hại của loài người”. Viên Đại Úy Packard (Samuel L.Jackson) là đại diện cho những tội lỗi của nhân loại: hiếu chiến, sa ngã và quá ảo tưởng vào trí tuệ cũng như sức mạnh đến mức coi thường và sẵn sàng tiêu diệt mọi sinh vật khác cũng như tàn hại thiên nhiên thay vì lòng nhân từ và cảm thông.

Kong: Đảo Đầu Lâu không được đánh giá cao về nội dung kịch bản cũng như không tạo được bản sắc như bản 2005. Tuy nhiên như đã nói, nếu chỉ mong muốn giải trí đơn thuần, để thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam tuyệt đẹp đến nhường nào qua lăng kính của kinh đô điện ảnh hàng đầu thế giới, Kong: Đảo Đầu Lâu là một tác phẩm điện ảnh khó có thể bỏ qua.

Xem thêm:

Buổi lễ ra mắt phim Kong: Đảo Đầu Lâu tại Việt Nam bị cháy rụi do gặp sự cố

Nữ chính duy nhất trong phim “bom tấn” Kong: Brie Larson

Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu) – Siêu phẩm Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam

Nhóm thực hiện

Đức Nguyễn (Tạp chí Phái Đẹp – ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more