Vẽ màu nước là một kỹ thuật phổ biến sử dụng dung dịch có màu để vẽ trên nền chất liệu như giấy, cói, nhựa, giấy da, gỗ… Những tia sáng xuyên qua các lớp màu mỏng được đặt trên giấy cùng cường độ đậm nhạt khác nhau đã làm nên đặc điểm trong suốt, nhẹ nhàng và thuần khiết của thể loại tranh vẽ này. Ngoài các dụng cụ cơ bản để vẽ màu nước như màu, nước, giấy và cọ vẽ, bạn có thể tận dụng một số đồ dùng trong nhà để áp dụng một số kỹ thuật dưới đây cho các bức tranh màu nước của mình.
Tận dụng vật có hình thù đẹp làm “con dấu”
Bạn hãy thử tìm kiếm xung quanh mình xem. Chắc chắn đâu đó sẽ có một vật nào có hình thù thật đẹp mà bạn có thể tận dụng để làm một “con dấu” cho các bức vẽ màu nước của mình. Một chiếc lá dương xỉ, một nhành hoa lavender, một quả táo cắt đôi hay thậm chí bàn chân be bé của chú mèo yêu nhà bạn cũng có thể là một chiếc khuôn xinh xắn đấy. Lợi thế của kỹ thuật thú vị này là tạo nét cực kỳ sắc sảo và giống hệt “bản chính”. Bạn có thể áp dụng kĩ thuật này để làm các bức tranh treo tường theo phong cách “photocopy” đơn giản mà ấn tượng vô cùng.
Cách sử dụng kỹ thuật này rất đơn giản. Bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt tiếp xúc với giấy của những “khuôn in tự nhiên” để đảm bảo màu bám tốt, dùng cọ phết màu nước lên và in lên bề mặt bạn muốn (giấy, gỗ, vải…). Khả năng cao kết quả in sẽ không được đều màu, chỗ đậm chỗ nhạt. Nhưng đừng lo lắng, bạn có thể dùng cọ dặm thêm màu để hoàn thiện chúng sau.
Kỹ thuật Wet-on-dry
Wet-on-dry là kỹ thuật tô màu thường dùng để tô các chi tiết nhỏ. Bước đầu, bạn dùng màu ướt tô thẳng lên giấy, tạo thành những nét sắc, đậm và mảnh. Tiếp theo, để tạo hiệu ứng nổi khối sống động, bạn dùng cọ thấm nước loang nhẹ vệt màu đã khô ra để tạo các sắc độ nhạt dần đến trong suốt đến mức có thể nhìn thấy đường viền phía dưới màu. Thêm một lưu ý nhỏ, hãy tính toán lượng nước thêm vào vừa phải, tránh tình trạng giấy bị thấm quá nhiều nước gây cong vênh, thậm chí rách giấy nhé. Dưới đây là video ngắn mô tả chi tiết cách thực hiện kỹ thuật này.
BÀI LIÊN QUAN
Wet-on-wet
Ngược lại với Wet-on-dry, kỹ thuật Wet-on-wet dùng cọ phết lên giấy (hoặc bề mặt bạn muốn) một lớp nước mỏng, sau đó dùng màu ướt tô lên để tạo hiệu ứng loang màu nhẹ nhàng. Kỹ thuật này làm cho các bức tranh của bạn mang lại cảm giác mơ mộng, bay bổng hơn. Để màu loang như ý muốn, bạn nên chấm ít màu ướt rồi tăng sắc độ dần dần nhé.
Kỹ thuật tạo hiệu ứng chuyển màu
Kỹ thuật này có nhiều điểm tương đồng với kỹ thuật Wet-on-wet phía trên. Kỹ thuật tạo hiệu ứng chuyển màu cũng sử dụng cọ để quét một lớp nước mỏng lên bề mặt giấy rồi dùng cọ chấm màu rồi giảm sắc độ dần dần. Điểm khác biệt ở chỗ: trong khi Wet-on-wet tạo nên hiệu ứng màu loang bất kỳ. thậm chí khó kiểm soát thì kỹ thuật này tạo nên vệt chuyển màu êm ái và “có tổ chức” hơn. Để đạt được điều này, cùng ELLE Việt Nam xem video hướng dẫn dưới đây nhé.
Kỹ thuật dùng cọ khô chấm màu tô thẳng lên bề mặt giấy
Kỹ thuật táo bạo này có thể áp dụng khi muốn mô tả lông hoặc tóc. Bạn chỉ cần dùng cây cọ khô nhúng màu nước nguyên chất không pha thêm nước rồi quét thẳng từng vệt màu song song lên bề mặt giấy là được.
Dùng băng dính hay hồ dán tạo “khoảng trống” như ý muốn
Bạn có thể áp dụng kỹ thuật này cho những vị trí bạn không muốn xuất hiện chút vệt màu nước nào nhằm tạo ra một số vệt trắng. Băng keo sẽ thích hợp cho hình dạng đường thẳng. Nếu muốn linh hoạt biến hóa với các hình thù sáng tạo hơn, bạn có thể sử dụng hồ dán (keo lỏng) để phết thật dày lên vị trí mình muốn và bóc ra đến khi hồ dán khô.
Dùng muối để hút bớt màu
Muối có khả năng hút màu khá tốt. Bạn có thể tận dụng tính chất này để tạo hiệu ứng bãi cát khi vẽ các bức tranh về biển. Sau khi bạn tô màu nước lên tờ giấy xong, hãy rắc một ít muối lên đó và đợi đến khi chúng khô lại (tốt nhất là để qua đêm) rồi loại bỏ muối ra khỏi trang. Bạn sẽ bất ngờ trước hiệu ứng tuyệt đẹp của kỹ thuật này mang lại đấy.
Dùng cồn để tạo hiệu ứng đặc biệt
Mối quan hệ của cồn và màu nước giống như mối quan hệ giữa dầu và nước vậy. Sau khi tô màu nước lên giấy, bạn có thể dùng một chai cồn có đầu nhỏ từ từ rắc nhẹ từng giọt lên bề mặt đang còn ẩm ướt để chúng cộng hưởng cùng nhau tạo thành hiệu ứng vô cùng quyến rũ tựa như hiệu ứng nhuộm vải kiểu tie-dye.
Dùng túi nylon vò nát hoặc xốp bong bóng để tạo hình thù ngẫu nhiên, thú vị
Kết hợp giữa kỹ thuật tạo khuôn và kỹ thuật rắc muối, kỹ thuật dùng túi nylon nhàu nát hoặc xốp bong bóng có các hình tròn đáng yêu vừa tạo nên hình thù thú vị vừa hút bớt màu nước ở một số vị trí vô cùng ngẫu nhiên. Cùng xem video dưới đây để hình dung rõ hơn về kỹ thuật này nhé.
Hiệu ứng cào xước
Một chiếc kim may bé xíu trong bộ kim chỉ nhà bạn cũng có thể góp phần để bức tranh màu nước sống động hơn đấy. Sau khi tô màu nước nguyên chất pha với ít nước lên giấy, hãy dùng một chiếc kim (hoặc một vật nhọn bất kì) để tạo thành các vệt xước mạnh mẽ trên các lớp màu này. Màu nước sẽ lấp đầy bề mặt bị lõm và làm những vết xước này trở nên sẫm màu hơn.
—
Xem thêm:
Cung hoàng đạo nào có khả năng theo đuổi sự nghiệp về nghệ thuật và sáng tạo?
Những bức tranh nghệ thuật được làm từ rau củ đẹp đến khó tin
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ngọc Võ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ mymodernmet