BÀI LIÊN QUAN
Cách nay chừng 15 năm, tôi có thực hiện 1 phóng sự dài kỳ về nạn quấy rối tình dục. Loạt bài này sau đó đã được đưa vào tập sách Phóng sự Tình do NXB Trẻ ấn hành năm 2014 và tái bản năm 2016. Câu chuyện bắt đầu để tôi có ý tưởng thực hiện loạt bài này, là từ tin nhắn gửi tới hàng ngày của số máy lạ. Ban đầu, người đàn ông này xưng danh là K, 1 bạn đọc của báo. Những tin nhắn rất bình thường, hỏi thăm xã giao. K sau đó còn vài lần lấy điện thoại bàn để điện thoại cho tôi, cũng là câu chuyện xã giao. Gọi chừng 2 lần như vậy, thì K soạn tới tấp các tin nhắn thô thiển, miêu tả các hành động quan hệ tình dục, gửi vào điện thoại.
Có được số điện thoại bàn, tôi tìm được nơi làm việc của K. Chẳng ngờ đó là 1 cơ quan công quyền nổi tiếng. Tôi xin gặp cán bộ cao cấp tại đây, đưa ra các tin nhắn cũng như số điện thoại bàn mà K đã dùng để nhắn tin quấy rối. Tuy nhiên, số máy bàn là số tổng đài, nên cũng không rõ ai đã xài ở thời điểm ấy. Còn sim số di động thì luôn trong tình trạng tắt máy. Có lẽ, người tên K này chỉ sử dụng số điện thoại ấy nhằm cho việc quấy rối người khác, rồi sau đó tắt liền.
Khi loạt bài phóng sự này được in, rất nhiều nữ độc giả quan tâm. Họ viết thư về tòa soạn cho tôi, kể về nỗi sợ hãi và bí mật của họ, khi bị người thân quen ở công sở hoặc bà con dòng họ hàng xóm quấy rối tình dục. Có rất nhiều người đã phải đi làm xa, hoặc nhanh chóng nhận lời kết hôn với ai đó để rời khỏi môi trường cũ, cũng như thoát ra sự đe dọa của người đã thực hiện các hành vi bỉ ổi kia. Họ không dám nói ra, vì mắc cỡ và cũng vì nhiều lý do riêng tư khác nữa.
Chuyện các em bé ở Vũng Tàu bị ông lão 77 tuổi xâm hại tình dục mà tôi đã đeo bám đề tài trong hơn 1 năm qua, cho thấy sự thờ ơ của rất nhiều người trong xã hội trước vấn nạn này. Các anh cảnh sát điều tra CA TP. Vũng Tàu cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc với gia đình các nạn nhân. Thậm chí, có người nhà của nạn nhân còn chửi bới các điều tra viên khi họ đi thực thi nhiệm vụ lấy thông tin về vụ án. Vì điều gì mà người ta lại muốn chôn vùi tội lỗi của người khác với chính người thân và thậm chí chính bản thân mình?
Sự vụ nam đạo diễn lừng danh Hollywood bị phanh phui scandal về việc quấy rối tình dục các nữ diễn viên trẻ đẹp ở Mỹ, cho thấy những mảng tối mang đậm phần “con” trong mỗi “người”. Tỉnh thức, khi bắt đầu chạm tới mảng tối đó, đòi hỏi sự hiểu biết, văn minh, tinh thần không lệch lạc, bệnh hoạn và vượt qua các ham muốn dục vọng không lành mạnh. Cưỡng đoạt bất cứ điều gì với người khác, kể cả vật chất hay tinh thần, thì đều là kẻ cướp, đáng bị lên án và cách ly khỏi xã hội.
BÀI LIÊN QUAN
Cùng lúc với vụ việc nhà sản xuất phim Harvey Weinstein bị phanh phui lịch sử quấy rối tình dục là một vụ việc tương tự, nhưng xảy ra trong một bối cảnh khác. Rohit Varma – Hiệu trưởng Keck School of Medicine, thuộc USC cũng bị cho nghỉ việc sau khi vụ việc ông quấy rối tình dục một nhà nghiên cứu trẻ được tiết lộ. Điều đáng kể là Rohit Varma được chọn làm hiệu trưởng để thay thế cho Carmen A. Puliafito – một người cũng dính dáng vào hàng loạt vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục khác.
Điểm chung của những người đàn ông này là gì? Họ đều là những tài năng trong lĩnh vực họ làm việc. Nếu Harvey Weinstein đã sản xuất ra hàng loạt bộ phim xuất sắc, nâng đỡ cho hàng loạt đạo diễn và diễn viên lừng danh, thì Rohit Varma và Carmen Puliafito đều là những nhà khoa học tên tuổi và quản lý giỏi giang. Puliafito làm vai trò hiệu trưởng Keck School đã xấp xỉ 10 năm, mang về cho nhà trường hàng trăm triệu đô và tuyển dụng những nhà khoa học kiệt xuất.
Tài năng mang lại cho những người đàn ông này quyền lực và vị trí xã hội. Tuy nhiên, nó không đi kèm với việc họ là những người đứng đắn. Trái lại, nếu nhìn vào nạn nhân của họ, ta sẽ thấy phần lớn đó là những người nằm trong giới hạn mà quyền lực của họ có thể chi phối.
Và cũng bởi tài năng và quyền lực, những hành vi của họ thường được giúp đỡ để che đậy, giấu kín, hay nhận được thỏa hiệp của các bên liên quan. Harvey Weinstein đã nhiều lần chi tiền để các nữ diễn viên bị ông ta quấy rối im lặng. USC đã chi ra 100.000 USD cho nạn nhân để dàn xếp vụ việc của Varma, và sau một thời gian bị cảnh cáo, ông ta vẫn tiếp tục ở lại làm việc rồi được để bạt làm hiệu trưởng. Còn trường hợp của Pulifaito, dù đã có nhiều phàn nàn tố cáo, không hiểu tại sao USC không có một động thái nào. Lý do khiến Pulifaito buộc phải rời khỏi trường là vì một cô gái trẻ ở chung phòng khách sạn với ông ta đã sử dụng ma túy quá liều, suýt chết và cảnh sát phải can thiệp khiến vụ việc rùm beng ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.
Khi vụ việc Harvey Weinstein bị phanh phui, nó đã trở thành một tin tức toàn cầu. Những cái tên diễn viên lừng lẫy liên quan đến vụ việc, cũng như chính tên tuổi của Weinstein đã khiến vụ việc thu hút nhiều sự chú ý. Lại một lần nữa, chúng ta nói về mặt trái của Hollywood, về việc đánh đổi thân xác để đạt tới danh vọng, về những con quỷ dâm ô của lĩnh vực giải trí. Nhưng vấn đề quấy rối tình dục không giới hạn trong lĩnh vực giải trí, nạn nhân không nhất thiết phải là những nữ diễn viên nóng bỏng. Nó xảy ra ở khắp nơi, ngay cả trong môi trường khoa học hay giáo dục.
Lĩnh vực không quan trọng, sự lạm dụng quyền lực mới là điều đáng kể. Vấn đề không nằm ở chỗ nạn nhân có xinh đẹp hay không; và cũng không phải ở nhu cầu tình dục, mà là ở chỗ gã đàn ông sở hữu quyền lực có biến những người dưới quyền thành công cụ để xoa vuốt thêm vào sự ngạo mạn quyền lực đó hay không. Và nạn nhân, không nhất thiết luôn luôn là phụ nữ.
Chuyện bê bối của của ông trùm phim ảnh ở Hollywood Harvey Weinstein làm cá nhân tôi liên tưởng đến scandals lạm dụng tình dục giữa nhà sản xuất âm nhạc Dr.Luke và ca sĩ Kesha Rose Sebert xảy ra cách đây chưa lâu. Sau các trận chiến pháp lý, mặc dù Kesha nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các ngôi sao nổi tiếng khác nhưng nữ ca sĩ vẫn không tránh khỏi kết cục bi thảm. Tôi không biết các ngôi sao và những gương mặt trẻ đang dấn thân vào lĩnh vực giải trí khốc liệt đã, đang và sẽ rút ra cho bản thân họ bài học gì. Nhưng những gì tôi nghe thấy từ thế giới xung quanh mình chỉ là sự im lặng đáng sợ.
Chúng ta đều hiểu Kesha không phải là trường hợp duy nhất, không phải là nỗi ám ảnh cá biệt. Ta cũng thừa hiểu lý do tất cả đồng loạt im lặng và chỉ biết im lặng. Vì chúng ta sợ hãi quyền lực. Những gì chúng ta biết qua truyền thông sau đó về các vụ lạm dụng gần như là một sự đã rồi, hoặc cũng là thời điểm “quyền lực” của kẻ lạm dụng không còn đủ lớn để chi phối và che lấp tất được tất cả. Những người từng là nạn nhân hoặc nhân chứng đang lên tiếng, đang được lắng nghe đều là nhân vật có tên tuổi, có tầm ảnh hưởng. Vậy, có hay không những nạn nhân chưa từng được biết đến, không có khả năng để cất tiếng nói?
Suốt ba thập kỷ, các nạn nhân vô danh đã phải chịu đựng hậu quả gì từ một “cuộc trao đổi” như cách mà Harvey Weinstein đã thực hiện? Tôi không nghĩ ai đó có thể thanh thản chấp nhận thỏa hiệp với kiểu lạm dụng của Harvey Weinstein và rất nhiều kẻ lạm dụng có thế lực khác đang tiếp tục lộng hành trong xã hội này. Kể cả với một con người tài năng và thành danh thì động thái chấp nhận và nhắm mắt cho qua sẽ luôn là một vết nhơ đáng xấu hổ đối với họ.
Và không chỉ có Hollywood hay các trung tâm công nghiệp giải trí lớn mới có cái gọi là “văn hóa trao đổi”. Chuyện lạm dụng diễn ra hằng ngày xung quanh chúng ta, trong bất kỳ lĩnh vực nào mà ở đó, người nam lẫn người nữ trong quá trình chinh phục các mục tiêu cá nhân của mình đều vấp phải “một điều kiện” mang tính đáp ứng nhu cầu cho một cá nhân khác.
Tôi tin, phụ nữ chỉ là đối tượng hay được nhắc đến nhiều, là nam giới không có nghĩa là họ sẽ thoát khỏi vấn nạn chịu đựng những lời đề nghị khiếm nhã. Điều tôi trăn trở là chúng ta cần phải làm gì để chống lại nỗi sợ hãi quyền lực. Sự im lặng của chúng ta không chỉ thừa nhận quyền lực của đối phương mà còn tiếp sức cho quyền lực ấy lớn mạnh. Chấp nhận lối ứng xử bất thường, khiến chúng trở thành bình thường sẽ tạo ra những hệ lụy không lối thoát.
Tôi nghĩ, một khi chúng ta ghép một hoạt động nào đó gắn với từ văn hóa nghĩa là chúng ta đã thừa nhận đó là hoạt động cần thiết và tốt đẹp, nên ngay cả cách gọi chuyện đổi chác bất thường, có tính lạm dụng trong nhiều trường hợp là “văn hóa trao đổi” thì ta đã bộc lộ sự ngầm đồng thuận nguy hiểm. Riêng với phụ nữ, để vượt qua nỗi tự ti, mặc cảm, định kiến và lên tiếng trước mọi sự xâm phạm là không hề dễ dàng. Nhưng đến khi nào chúng ta còn tin tưởng vào sự đấu tranh, sự hợp lực giữa phụ nữ, vào những quyền mà chúng ta xứng đáng có thì tiếng nói của chúng ta không thể bị dập tắt.
Nhóm thực hiện
Bài: Thu Hiền, Phương Huyên, Kiều Hạnh Ảnh: NVCC, Nhân Huỳnh