Làn sóng chặn người nổi tiếng trên mạng xã hội và phong trào biểu tình phản chiến ở Gaza
Hàng trăm người nổi tiếng, trong đó có những cái tên quen thuộc như Taylor Swift, Zendaya, gia đình nhà Kardashian… đang đối mặt với làn sóng tẩy chay từ đông đảo người dùng mạng xã hội. Làn sóng này được cho là một phần của nỗ lực buộc những người nổi tiếng dùng sức ảnh hưởng của mình để lên tiếng về những hành động phi nhân đạo đang diễn ra ở Dải Gaza.
Trong nhiều tháng, các nhà hoạt động ủng hộ Palestine đã gây áp lực lên những người nổi tiếng nhằm buộc họ lên tiếng ủng hộ nhiều hơn đối với thường dân ở Dải Gaza. Phong trào này đạt đỉnh điểm khi sự kiện thời trang Met Gala 2024 diễn ra trùng với thời điểm Israel tấn công thành phố Rafah của Palestine, nằm ở phía Nam Dải Gaza. Theo đó, nhiều người dùng đã lập danh sách và tiến hành chặn các ngôi sao trên các nền tảng mạng xã hội. Trong danh sách gồm nhiều cái tên đình đám như Taylor Swift, Selena Gomez, Zendaya, vợ chồng nhà Bieber, gia đình Kardashian…
Met Gala và “Let Them Eat Cake” – Hai cụm từ thổi bùng làn sóng phẫn nộ
Nhiều khán giả từng so sánh Met Gala với The Hunger Games – loạt sách nổi tiếng của tác giả Suzanne Collins nêu bật sự phân tầng xã hội giữa giới thượng lưu giàu có và những công dân nghèo khó sống dưới sự áp bức của nhà nước Panem. Tuy nhiên, những chỉ trích về sự phô trương, hào nhoáng của Met Gala chỉ thực sự bùng nổ khi những hình ảnh, video clip mô tả khung cảnh đối lập giữa sự kiện và thành phố Rafah được đăng tải khắp các mạng xã hội.
Không dừng lại ở đó, phản ứng dữ dội đã trở thành cơn phẫn nộ khi người mẫu kiêm nhà sáng tạo nội dung Haley Kalil đăng một video về Met Gala lên TikTok (video hiện đã bị xóa). Trong video, cô đang tạo dáng trong bộ váy xa hoa tại sự kiện và nói “Let Them Eat Cake” – một câu nói nổi tiếng được cho là gắn liền với vương hậu cuối cùng của Pháp Marie Antoinette, thể hiện cho thái độ thờ ơ, coi thường của giới quý tộc đối với những người kém may mắn hơn.
Phong trào đưa các ngôi sao lên “máy chém kỹ thuật số”
Nhà sáng tạo nội dung TikTok với tài khoản tên Rae (ladyfromtheoutside) đã khởi động phong trào đưa các ngôi sao lên “máy chém kỹ thuật số” (digital guillotine) bằng lời kêu gọi trong một video của cô: “Đã đến lúc mọi người nên tiến hành sử dụng ‘máy chém kỹ thuật số’… Đã đến lúc chặn tất cả những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng và những người giàu có trong xã hội, những người không sử dụng nguồn lực của họ để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn”. “Chính chúng ta đã trao cho họ các nền tảng (mạng xã hội). Giờ đây đã đến lúc chúng ta lấy lại các nền tảng đó, lấy lại quan điểm, lượt thích, lượt bình luận và cả tiền bạc của chúng ta” – nữ TikToker nói thêm. Hiện tại, video của Rae đã thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem với gần 600 nghìn lượt yêu thích.
Trong một diễn biến khác, sau video gây tranh cãi, người mẫu Haley Kalil đã lên tiếng xin lỗi, giải thích rằng cô chỉ được mời làm người dẫn chương trình của tờ E! News cho buổi tiệc trước khi Met Gala diễn ra (pre-Met Gala) và không tham gia sự kiện chính. Tuy nhiên, lời giải thích của Kalil không thuyết phục được những người dùng mạng xã hội. Thậm chí, cô còn gây ra phản ứng dữ dội hơn khi nói rằng không phát biểu về Gaza vì “không đủ thông tin để nói về nó (Gaza) một cách có ý nghĩa và mang tính giáo dục”.
Xem thêm
• Đấu Trường Sinh Tử và loạt phim sinh tồn hay nhất mọi thời đại
• Dấu ấn tính nữ của điện ảnh 2023
• [Review sách hay] Vận mệnh người lính tốt – Giễu nhại sự man rợ của chiến tranh
Phát ngôn của Kalil đã khiến một số người nhớ đến rapper Macklemore – người đã từng chia sẻ vào tháng 10/2023 rằng anh không phải một chuyên gia về quan hệ Israel – Palestine. Song, nam rapper vẫn tiếp tục tìm hiểu về cuộc xung đột và lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn. Gần đây nhất, Macklemore cũng đã phát hành bài hát Hind’s Hall nhằm thể hiện sự ủng hộ của anh đối với người dân Palestine.
Đến hiện tại, làn sóng chặn người tiếng dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo số liệu từ công ty phân tích mạng xã hội Social Blade, nhiều người nổi tiếng trong danh sách chặn đã mất hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người theo dõi mỗi ngày kể từ khi “máy chém kỹ thuật số” được đưa vào hoạt động. “Tất cả chúng ta hãy chặn những người mà ta đã khiến họ nổi tiếng và giàu có… những người đang sống trong một thế giới giả tưởng… đang phá hủy môi trường, xã hội, sự hòa hợp và cả nền kinh tế. Họ thậm chí không bỏ chút nỗ lực nào để giáo dục chính họ về chúng ta – 99% dân số thế giới đã tạo ra họ” – nhà báo kiêm nhà hoạt động xã hội người Palestine Bisan Owda kêu gọi trên Instagram của cô.
Phong trào biểu tình phản chiến ở Gaza và tính hiệu quả của “máy chém kỹ thuật số”
Trước khi làn sóng chặn người nổi tiếng bùng nổ, sinh viên từ khắp các trường đại học trên toàn nước Mỹ đã tiến hành các cuộc biểu tình nhằm gây áp lực lên chính phủ, buộc Nhà Trắng phải thoái vốn khỏi Israel. Phong trào này đã dẫn đến việc hàng loạt sinh viên và một số giảng viên bị bắt giữ.
Trở lại với chiến dịch chặn người nổi tiếng nói chung và những người tham gia Met Gala 2024 nói riêng, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện nhiều quan điểm đối lập xoay quanh làn sóng này. Theo đó, nhiều người đã chỉ ra rằng các khách mời thường không phải trả tiền để xuất hiện tại Met Gala, khác với quan niệm sai lầm rằng họ phải chi 75.000 USD để tham dự sự kiện. Thêm vào đó, cư dân mạng cũng dẫn chứng một số người tham gia Met Gala đã lên tiếng cho người dân Palestine, chẳng hạn như nam diễn viên Rachel Zegler, cũng đã nêu lên tiếng nói về tình hình ở Gaza.
Một quan điểm khác cho rằng, người nổi tiếng không nên trở thành tâm điểm cho phong trào ủng hộ Palestine. Thay vào đó, người dùng mạng xã hội nên ưu tiên nói về Gaza. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra tác động mà một người có ảnh hưởng có thể tạo ra chỉ bằng một bài đăng trên mạng xã hội. Ví dụ, chiến dịch One GoFundMe đã đạt mục tiêu 200.000 USD chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi nhà sáng tạo nội dung TikTok Yuval Ben-Hayun đăng tải video kêu gọi người xem quyên góp để giúp đưa gia đình một người bạn của anh rời khỏi Gaza.
Mặt khác, kể từ khi làn sóng tẩy chay bùng nổ, một số người nổi tiếng trong danh sách chặn, như rapper Lizzo và ngôi sao mạng xã hội Chris Olsen cũng đã đăng tải các video khuyến khích những người theo dõi họ quyên góp nhằm hỗ trợ các gia đình ở Gaza cũng như các tổ chức viện trợ người Palestine. Dù vậy, các video vẫn bị một số khán giả lên tiếng chỉ trích, cho rằng chúng xuất hiện quá muộn và không chân thật. Song, nhiều người vẫn dành lời khen cho các ngôi sao trên và dùng những video đó làm bằng chứng cho thấy phong trào đang phát huy tác dụng.
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: NBC News