Văn hóa / Thế giới văn hóa

Lì xì Tết xưa và nay: Khi phong tục cũng có “mệnh giá”

Nếu như trẻ con chỉ mong đến Tết để được nghỉ học, để được lì xì thì với người lớn chúng ta, Tết đã bớt đi phần ngọt ngào vì nỗi lo cơm áo. Còn mấy ngày nữa thôi là một năm mới sắp đến, thế bạn đã chuẩn bị tiền lì xì chưa?

Đã là phong tục đẹp thì chắc chắn sẽ được gìn giữ. Tôi tin phong tục lì xì cũng vậy, vì mỗi phong bao đỏ được trao là một lời chúc tốt đẹp được gửi gắm. Với người lớn thì luôn là những lời chúc may mắn, sức khỏe, thành công. Còn với trẻ con lại là mong muốn các em hay ăn chóng lớn, học hành chăm chỉ. Đây là một cử chỉ tốt đẹp để ai ai cũng có khởi đầu năm mới thêm phần vẹn tròn.

lì xì 2
Ảnh: Shutterstock

Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, ít nhất là trong ánh mắt của một người trưởng thành, dường như những ý nghĩa tốt đẹp của lì xì đang dần trở nên mờ nhạt. Chúng ta vẫn trao nhau lời chúc đấy nhưng sẽ chẳng còn được coi trọng như xưa nếu thiếu đi mệnh giá của lì xì.

Quay trở lại với nguồn gốc của lì xì, phong tục này được biến thể từ tục “đặt áp tế tiền” được lưu truyền từ Trung Quốc, khi những đồng tiền được xâu lại thành hình con rồng hoặc cây kiếm để xua đuổi tà ma khỏi quấy nhiễu giấc ngủ của lũ trẻ. Sau này, mọi người mới để tiền trong bao đỏ vào năm mới, như một cách để lưu giữ nét đẹp của phong tục xưa. Giờ đây, cứ đến ngày Tết thì người già và trẻ em sẽ được nhận lì xì trước, với số tiền trong bao đỏ được tượng trưng cho may mắn, tài lộc, sức khỏe và những lời chúc tốt đẹp để bắt đầu năm mới.

lì xì 4
Ảnh: viettravel

Thế mới hiểu được rằng giá trị của phong bao lì xì chưa bao giờ được định trên những tờ tiền giấy. Có chăng, chúng ta đang áp đặt mục đích của mình lên một nét văn hóa thân thương, trong sáng của ngày Tết. Người lớn nay thêm nỗi lo không biết mừng tuổi bao nhiêu cho đủ, còn trẻ con có khi lại bị làm hư. Đâu còn cái thời lì xì chỉ để lấy may. Tiền thì cũng quý thật nhưng nó đang khiến chúng ta quên mất rằng những lời chúc mới là vô giá.

Chẳng suy đâu xa, đám trẻ vẫn mong chờ đến Tết để nhận lì xì. Còn nhớ ngày xưa, một bao lì xì có tờ 500 đồng thôi cũng đủ khiến lũ trẻ chúng tôi vui vẻ, vì kèm theo đó là những thức quà bánh dân dã, vì những câu chuyện trên quãng đường xa đến nhà họ hàng mới thú vị làm sao. Ngày nay, người ta lì xì con trẻ ít nhất là 50 ngàn, có khi lên đến 500 ngàn hay cả triệu đồng. Số tiền mừng tuổi gộp trong mấy ngày có khi bằng cả lương tháng của một người lao động. Dần dà lũ trẻ sẽ coi mừng tuổi là trách nhiệm của người lớn, rồi sau mỗi dịp Tết lại so nhau xem ai được nhiều tiền lì xì hơn. Đó là hệ lụy của một nền kinh tế mất giá hay do chính người lớn đã áp “mệnh giá” chung cho mỗi phong bao lì xì? Hay vì ngày nay người ta còn có thêm nỗi sợ bị đánh giá, sợ mừng tuổi ít quá sẽ bị chê cười là bủn xỉn? Nếu như ngày xưa tiền cơm, tiền áo mới là nỗi lo lớn thì ngày nay phải dành ra một khoản kha khá để mừng tuổi suốt mấy ngày Tết. Có người còn nói vui rằng phong tục này chẳng khác gì đi đổi tiền, đổi đi đổi lại cho gọi là đáp lễ chứ có khi còn không nhớ câu chúc đã trao đi.

lì xì 3
Ảnh: Dân Trí

Trẻ con đã là vậy, với người lớn, chẳng thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh văn hóa lì xì. Những khi khá giả thì không nói nhưng nhỡ lúc khó khăn, chuyện phải ở nhà “lánh nạn” mấy ngày Tết là không hiếm. Dĩ nhiên không có cái luật nào bắt phải chuẩn bị phong bao mừng tuổi nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ nó đã trở thành gánh nặng vô hình, buộc số đông phải tuân theo.

Thế rồi từ những đồng tiền trao may mắn, tiền lì xì đã dần trở thành công cụ để người ta toan tính với mục đích riêng. Tết lại trở thành dịp để người ta đưa hối lộ, đưa phong bì nhưng lại được núp dưới bóng của một phong tục. Nếu như ai cũng chỉ vì những ham muốn vụ lợi riêng thì còn đâu nét đẹp của văn hóa ngày Tết nữa?

lì xì 1
Ảnh: forum.vietdesigner.net

Vậy liệu chúng ta có nên gìn giữ phong tục lì xì hay không? Câu trả lời chắc chắn là có chứ, đâu thể vì hành động cá nhân mà phủ nhận cả một phong tục văn hóa được. Chỉ là mong rằng từ nay mỗi người hãy trao và nhận lì xì với một tâm thế khác, đó là giải phóng áp lực cho bản thân, là gửi gắm những mong muốn tốt đẹp ngày đầu năm mới, chứ không phải số tiền được cất bên trong.

Xem thêm: 

Gợi ý 15 địa điểm lý tưởng thích hợp cho chuyến “đi xa” dịp Tết 2018

Tự tin đón Tết với bài tập thể dục giảm mỡ bụng chỉ mất 15 phút

Nhóm thực hiện

Nguyễn Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)