Loài vẹt Carolina có nguồn gốc từ lục địa Hoa Kỳ đã tuyệt chủng như thế nào?
Trước đây, Hoa Kỳ là một nơi rực rỡ màu sắc khi những đàn vẹt đuôi dài Carolina bay lượn trên bầu trời như pháo hoa ban ngày, những chùm màu cam, vàng và xanh lục nhấp nháy. Tuy nhiên, con vẹt đuôi dài cuối cùng đã chết trong điều kiện nuôi nhốt vào năm 1918. Ngày nay, dựa vào kết quả của phân tích di truyền, các nhà khoa học đã tiết lộ nguyên nhân khiến loài chim này tuyệt chủng.
Các loài vẹt bản địa của đất nước này sống trải dài từ miền nam New England xuống Florida, xa về phía Tây như Colorado. Loài cuối cùng đã chết trong điều kiện nuôi nhốt tại sở thú Cincinnati vào năm 1918. Kể từ đó, loài vẹt đuôi dài Carolina đã trở thành biểu tượng cho sự tuyệt chủng của động vật ở Hoa Kỳ.
sơ lược về loài Vẹt đuôi dài carolina
Phân loại: Chim
Thức ăn: Ăn tạp
Tuổi thọ trung bình: Lên đến 80 năm
Kích thước: 3,5 inch đến 40 inch
Trọng lượng: 2,25 ounce đến 3,5 pound
Sự tuyệt chủng đột ngột của loài vật này
Một thế kỷ sau khi con vẹt đuôi dài cuối cùng bay lượn trên bầu trời nước Mỹ, một câu hỏi bí ẩn được đặt ra: Có phải sự tàn lụi của loài chim này hoàn toàn do con người điều khiển? Nông dân, những người coi chúng là loài gây hại cây trồng, dễ dàng loại bỏ cả đàn vì chúng có thói quen tập trung xung quanh một “đồng đội” đã ngã xuống. Các thợ săn thì giết những con vẹt vì bộ lông của chúng có thể làm ra một loại phụ kiện mũ phổ biến trong thế kỷ 20. Việc giải phóng mặt bằng cho nông nghiệp cũng đã loại bỏ những cây xanh mà chúng sử dụng hoặc làm tổ, từ đó khiến chúng mất đi môi trường sống.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia đã suy đoán các nguyên nhân khác đang diễn ra: Thiên tai, như hỏa hoạn và lũ lụt, có thể làm phân tán môi trường sống của loài chim này, đồng thời chúng có thể đã bị phơi nhiễm với các bệnh nguy hiểm do gia cầm lây lan.
Tuy nhiên, theo một bài viết được công bố gần đây trên tạp chí Current Biology, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã quan sát trình tự bộ gen của những chú vẹt đuôi dài Carolina và chứng thực rằng sự can thiệp của con người là nguyên nhân chính đã dẫn đến sự tuyệt chủng. Theo Kevin Burgio, nhà sinh thái học tại Viện nghiên cứu hệ sinh thái Cary, kết luận này rất có giá trị bởi vì nó có thể giúp các nhà bảo tồn hiện đại dự đoán và tìm cách giảm thiểu những mối đe dọa đối với các loài đang trong tình trạng “báo động đỏ” hiện nay.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu xương đùi và ngón chân của một mẫu vẹt Carolina được thu thập vào đầu thế kỷ 20. Chúng được bảo quản kỹ càng trong một bộ sưu tập tư nhân ở Ginora, Tây Ban Nha, nhưng DNA của nó quá rời rạc nên rất khó để nghiên cứu. Vì vậy, các nhà khoa học trước tiên phải lý giải trình tự bộ gen của loài họ hàng gần gũi – vẹt mặt trời Nam Mỹ – để sắp xếp lại DNA của vẹt Carolina.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tìm kiếm các dấu hiệu cận huyết có thể dễ dàng quan sát trong gen của động vật và là đầu mối chứng tỏ sự suy giảm chậm của một loài. Sau đó, họ kết luận rằng mẫu vật vẹt đuôi dài Carolina không có dấu hiệu cận huyết. Trên thực tế, bộ gen của chúng đa dạng về mặt di truyền hơn so với nhiều loài chim còn sống hiện nay. Quần thể loài vật này đã không gặp phải bất kỳ sự cố lớn nào trong hàng triệu năm qua, do vậy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quá trình tuyệt chủng của chúng phải là một thứ gì đó đột ngột và không để lại bất cứ dấu vết nào trong bộ gen.
Ngăn chặn sự tuyệt chủng trong tương lai
Vì thông minh và hòa đồng, vẹt được xem là loài chim thú cưng phổ biến nhất. Nhưng chúng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm vì tình trạng buôn bán thú cưng và sư hủy hoại môi trường sống, khiến chúng trở thành một trong những loài chim bị đe dọa nhiều nhất.
Nhiều người cũng đồng ý với kết quả của các nghiên cứu về loài vẹt đuôi dài Carolina: cả hoạt động trực tiếp và gián tiếp của con người đều dẫn đến sự diệt vong của loài này. Burgio đã nghiên cứu các ghi chép lịch sử và mẫu vật của bảo tàng để mô hình hóa hệ sinh thái của những loài bị tuyệt chủng. Sau đó, ông phát hiện ra phạm vi sinh sống của vẹt đuôi dài Carolina thực sự nhỏ hơn so với trước đây.
Trong một bài viết khác, Burgio tuyên bố hai phân loài của vẹt đuôi dài Carolina có khả năng bị tuyệt chủng cách nhau ít nhất 30 đến 40 năm. Nó cũng đề cập đến các điều kiện khi loài này rơi vào tình trạng diệt vong, chẳng hạn như sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, tốc độ đô thị hóa tăng trưởng liên tục… Đó là lý do tại sao nghiên cứu này nhấn mạnh một nhu cầu cấp thiết về việc xem xét những hành vi của con người đang làm giảm quần thể của các loài sinh vật khác nhau.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Flopmee
Lược dịch: Thu Trang