Là nhà văn có tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa, trang viết của Vũ Thị Huyền Trang đầy ắp những tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản tâm hồn nhiên, chân thành, thuần hậu. Trong những câu chuyện của chị, nơi gửi gắm, đại diện cho sự trong lành của tâm hồn chính là thiên nhiên, và thương núi rừng cây cỏ chính là để thương mình, thương người quanh mình.
Nghịch cảnh chẳng chôn vùi được tình thương
Lật giở cuốn sách, ta sẽ bắt gặp những con người rất đỗi nhỏ bé của đời thường, những người mà có lẽ ta từng bắt gặp, từng lướt qua trong đời. Đó là anh tài xế lái xe đường dài, là người phụ nữ quê ra chợ bán rau, là cô nhân viên tiệm spa làm đẹp, là người đàn ông đi xuất khẩu lao động… Đó là những con người trôi giạt, cầu bất cầu bơ, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về. Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân để nuôi lấy hai đứa con…
“Thuận thèm cảm giác được ai đó chờ mong nhưng chỉ có căn phòng trọ, bản nhạc buồn và những bữa cơm bụi ven đường”.
“Vạc đã có bao nơi gọi là “nhà cũ”? Có bao người đã trở thành cố nhân”.
“Cứ đến bữa cơm là Sa ôm con khóc. Miếng cơm chưa kịp đưa vào mồm thì bà Bảy đã ra rả chửi. Bà chửi từ bàn thờ chửi ra, từ ngã ba ngã bảy chửi vào. Bà chửi cha cái giống đàn bà đã đẻ toàn con gái còn “người chẳng ra người”. Thứ đàn bà sống không có đức nên con mới phải gánh tai ương. Rồi bà lôi bố mẹ Sa ra mà chửi, cái thứ người không biết dạy con. Bà chửi cho đến khi cục cơm nghẹn ứ trong cổ họng con dâu thì thong thả ngồi xuống mâm ăn uống một mình”.
Tất cả bọn họ đều vật lộn với cuộc sống: với đói nghèo, với cảm giác lạc lõng, với nỗi ân hận vì tội lỗi… Họ lầm lũi, đau đớn, bị giằng xé và dằn vặt.
“Đói nghèo như một lưỡi dao”.
“Ơn lầm lì không thích nói cười, thằng bé ôm nỗi buồn chôn chặt trong lòng như đã từng ôm chặt chiếc ba lô hình con gấu”.
“Nửa đêm thức giấc Xiu thấy mình hệt con thú hoang lạc lõng. Những lúc ấy Xiu thường tự hỏi thật ra là mình đến từ đâu? Nơi nào mới thuộc về mình?”.
“Nếu phải chết, thằng Núi nhất định phải chết nghẹn vì tiền chứ không thể chết nghẹn vì sắn luộc. […] Núi bị đâm sau lưng nhiều vố trí mạng. Càng hung hăng thì càng dễ bị thương. Càng bấn loạn thì càng mù quáng”.
Họ muốn thoát ra, vươn tới một nơi tốt hơn, bình yên hơn, để sống theo cách khác, sống đúng với chính mình.
“Tụi mình phải sống khác đi. Phải khuấy động cái đời sống lúc nào cũng muốn nhấn chìm mình”.
“Bật dậy khỏi cơn mê, Sa biết mình đã đến lúc phải trở về nhà”.
“Phải cho nó học để sau này người ta không bắt nạt nó”.
Họ bấu víu vào một điều gì đó, để giữ lấy những điều tốt đẹp còn sót lại bên trong con người mình, để bảo vệ lấy nhân phẩm và bảo vệ người thân thương. Trong những câu chuyện của Vũ Thị Huyền Trang, những điều con người níu lấy chỉ là những cái giản dị nhất, bé nhỏ nhất của đời người: món canh rau sắn, chút mứt gừng, tiếng càm ràm của người quan tâm ta, đứa con luôn ôm sách vở, ký ức… Mà giữ chặt nhất, chính là giữ lấy nhau. Những người nghèo khổ, trôi giạt, bơ vơ tạo nên một chốn về, một nơi nương tựa cho người cùng khổ.
“… một người mẹ điên không bao giờ rời bỏ con mình. Tất cả sự tỉnh táo nhất Tú cũng đều hướng về con”.
“Nghèo nên dễ thương nhau, có củ khoai lang sống cũng bẻ ra chia”.
“Lần nào tiễn Thuận bà cụ cũng dặn: “Đi rồi về”, hệt như dặn đứa cháu trước khi đi mua chục trứng, mớ rau hay vác rổ ra đồng bắt tép. Gần gũi và thân thuộc khiến Thuận thấy mình được trở về nhà”.
“Anh chợt nghĩ nếu không có tiếng lia kéo tanh tách, tiếng càm ràm của Sao chắc buổi chiều cuối năm sẽ vắng vẻ hơn nhiều”.
BÀI LIÊN QUAN
Thương núi rừng, cây cỏ để thương mình, thương người
Một chủ đề lớn trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang là thông điệp bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của con người. Thiên nhiên hoang sơ dường như là đại diện cho những điều trong lành, thiện lương nhất.
“Nhìn núi nhìn cây mà sống. Hiên ngang và ngay thẳng”.
Tội lỗi lớn nhất trong cuốn sách là tội hủy diệt thiên nhiên. Trong nhiều truyện ngắn, những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều bị những hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng. Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng để đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn nhủi, đi đâu cũng gặp “những cánh rừng trọc lốc” “không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn”. Đó là Nhẫn với vườn rau trước và vườn rau sau nhà, cái để bán cho người khác, cái để cho gia đình mình ăn. Đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ.
“Cơn lũ giằng đứa nhỏ tuột khỏi bàn tay nắm níu của một người mẹ khốn khổ nào đó. Giằng ông già khỏi cái cột nhà. Giằng sự chào đời của một sinh linh nào đó còn nằm trong bụng mẹ. Giằng người chồng khỏi vợ. Giằng người mẹ khỏi con. Như cách mà chúng ta giằng sự sống của rừng. Giằng vùng biển sạch của cá tôm. Giằng sự trong lành của bầu khí quyển. ‘Loài người đến trái đất này để tàn phá rồi đi”.
“Điện lại bị cắt đột xuất, những cái bất thường dẫn trở nên bình thường đến mức chẳng ai buồn kêu than, chửi rủa. Như trong phiên chợ sáng mai, người ta sẽ thôi hỏi người bán hàng là rau này có sạch không? Có phun thuốc hay không? Bởi họ biết câu trả lời mà mình nhận được thường là lời lừa phỉnh. Khuất mắt khôn coi, người mua đành tặc lưỡi mà can đảm sống”.
Vũ Thị Huyền Trang nuôi mơ ước màu xanh, thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì nơi đó là nơi gửi gắm những tình cảm tốt lành, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai.
“Phải có vài tán cây cho tụi nó lớn lên nô đùa chạy chơi. Cho chim chóc kéo về làm tổ. Cho trẻ thơ biết niềm vui ngóng mùa quả chín”.
“Thằng nhỏ Ơn sẽ lớn lên bình yên trong tình yêu thương đùm bọc của xóm làng. Nó sẽ quên dần nỗi buồn ở phố. Sẽ yêu những con dốc cao, những sườn núi hẹp và đỉnh trời bát ngát mây bay”.
“Tới đây mình phải cải tạo đất thôi chị ạ. Đất lành cây cối mới sinh sôi, con người mới khỏe mạnh, vui tươi được”.
Lưng người thăm thẳm là một tập truyện nhỏ chất chứa những tình cảm và tâm nguyện bé nhỏ, dịu dàng của những con người khốn cùng, bé nhỏ. Được viết bằng sự chăm chút, chân thành và những lời văn tinh tế như thơ, cuốn sách sẽ lay động mỗi con người, thúc giục ta thương mình, thương người, thương màu xanh của chúng ta.
“Cũng giống như một vết thương, trong quá trình bôi thuốc chữa lành ta phải chịu rất nhiều đau đớn. Bởi không muốn là người đứng bên lề hơi thở thời đại, tôi cố gắng đi qua bề mặt của niềm vui để đào sâu vào góc khuất nội tâm từng nhân vật mình sáng tác. Với mong muốn được cùng họ đối mặt với chính mình. Ngay cả sự cô đơn cũng sẽ được thắp lên lấp lánh như ngọn nến” – Tác giả Vũ Thị Huyền Trang.
Xem thêm
• [Giới thiệu sách hay] Thịnh Vượng – Con đường dẫn đến sự giàu có và hạnh phúc từ bên trong
• [Giới thiệu sách hay] “Đập chắn Thái Bình Dương”: Tiếng thét của con đập vỡ
• [Giới thiệu sách hay] “Ôm giữ không gian” – Nghệ thuật yêu thương không phán xét
Về tác giả
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình Văn học tại trường ĐH Văn hóa Hà Nội, tới nay đã có hàng nghìn trang sách thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, tản văn. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là cây bút quen thuộc với các báo, tạp chí như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ TP. HCM, Kinh tế Sài Gòn…
Một số tác phẩm đã xuất bản: Cánh sóng mùa xuân (2021), Bố tôi (2021), Đô thị ảo (2021), Hái trăng trên đỉnh núi (2021), Những đám mây ngoan (2024).
Các trích dẫn từ tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang đã được đưa vào sách giáo khoa.
Một số giải thưởng:
- Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ chủ đề Người đô thị do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2014 – 2015.
- Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Hội Văn học Nghệ thuật 3 tỉnh Phú Thọ – Yên bái – Lào Cai tổ chức với tác phẩm Dấu ấn quê hương năm 2018.
- Giải “Tác giả trẻ” – Giải thưởng văn học 2022 của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam
Nhóm thực hiện
Ảnh: NXB Trẻ