Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Cảm thức Hoa] Mai Lâm: Rừng mai vàng lộng gió

NTK Mai Lâm tên thật là Nguyễn Thị Kim Mai - cái tên thuần Việt do mẹ đặt cho chị. Chữ "Kim" mang ý nghĩa là một đứa con quý giá. "Mai" là bông hoa mai vàng, tuy có vẻ ngoài mong manh nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt. Mẹ mong cho Kim Mai lớn lên có thể vượt qua được mọi thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống.

Kim Mai sau này được biết đến với tên Mai Lâm. Một cái tên đầy kỷ niệm và ý nghĩa khác. Mai là tên mẹ đẻ, Lâm là họ của chồng nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa là cánh rừng. Mai Lâm – rừng mai vàng – như nghệ danh của chị trong quãng đời trở thành nhà thiết kế thời trang, hay một nghệ sĩ với các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

tác phẩm thêu hoa mai

MAI LÂM

NTK Mai Lâm sáng lập thương hiệu thời trang Mai Lam không chỉ giới thiệu các BST trang phục, phụ kiện mang cái nhìn độc đáo về văn hóa và tinh thần Việt Nam, mà còn thiết kế các sản phẩm nội thất. Những khách hàng của Mai Lam ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nói về cơ duyên với thời trang, NTK bày tỏ: “Khi ở Úc, để hỗ trợ chồng trong công việc, cả nhà chuyển tới một khu dân cư thượng lưu. Ở đó, những buổi tiệc xã giao cần có một cách tiếp cận xứng tầm. Tôi tự mua vải, tự may, tự thêu, trang trí, đính kết. Và thú vị là nhận được sự tán dương của mọi người. Những “thiết kế” chị tự làm cho mình trở nên “lady like” để hòa nhập với xã hội thương lưu lại chính là một cách bắt đầu với đam mê thời trang”.

tác phẩm nghệ thuật thêu mai vàng

Đặc trưng thời trang Mai Lâm là thủ công, càng cũ càng đẹp. Mai Lâm xử lý vải cho ra diện mạo cũ và độc bản, tận dụng những gì có sẵn ở xung quanh, từ khắp Việt Nam, biến chế những thứ có sẵn để tạo nét riêng. Chị tìm cách làm cũ vải bằng phương pháp vật lý, hay nhuộm bằng trà, cà phê… NTK có quan điểm “những thứ càng gắn bó với ta thì càng có giá trị cao”. Thời trang không cần chạy theo mốt.

MAI TỨ QUÝ

Trong quá trình tự thiết kế đồ cho mình, Mai Lâm cũng mày mò làm đồ cho các con. Chị bắt đầu khám phá “smocking” là kỹ thuật khâu trên vải để tạo nên những kiểu trang trí bằng nếp gấp cho trang phục. Thành thạo từng đường kim, mũi chỉ, chị bắt đầu với thêu thùa. “Tôi tự học, tự tìm hiểu các kiểu thêu. Khi về Việt Nam, tôi tìm đến những người thợ và muốn họ thêu theo ý mình. Trải qua một quá trình đầy say mê, tôi nghĩ ra một kiểu thêu của riêng mình và đặt tên là “Mai tứ quý”. Đó vẫn là một ý tưởng từ hoa mai. Nhưng không chỉ là Kim Mai – hoa mai vàng mẹ thương đặt tên cho tôi mà còn có những loại hoa mai khác như mai tứ quý, khiến cho tôi nảy ra ý tưởng về một kiểu thêu vừa đẹp, có ý nghĩa lại vừa thao tác nhanh”, NTK Mai Lâm chia sẻ.

tác phẩm nghệ thuật mai vàng lộng gió

Nét chỉ của kỹ thuật thêu Mai tứ quý trải ra như hàng ngàn hàng vạn cánh mai bung nở với điểm nhấn là những bông mai bằng kim loại đính lên, được lấy từ một hình ảnh đầy kỷ niệm khác. Đó là sự lan tỏa của bong bóng nước dưới ánh trăng trên mặt nước. NTK nhớ về kỷ niệm sinh tử trên chuyến tàu đêm mà chị trải qua khi còn đôi mươi. “Khi có một em bé ngã khỏi chiếc tàu nhỏ của chúng tôi, tôi nhảy xuống để cứu, tay tôi quạt nước và thấy bong bóng nước lan tỏa xung quanh. Trăng trên cao thì rất sáng, ánh trăng chiếu vào bong bóng nước đẹp lạ kỳ. Khoảnh khắc đó, tôi ghi nhớ mãi và sau này truyền cho tôi cảm hứng để sáng tạo kiểu thêu Mai tứ quý”. Mai tứ quý với các nét chỉ như cánh hoa mai nhưng cũng hiển hiện như các bóng nước dạt trôi. Kiểu thêu được ứng dụng lên trang phục, phụ kiện, trong trang trí, nội thất như một họa tiết đặc trưng của Mai Lâm.

tác phẩm nghệ thuật trang phục việt nam

Hoa mai với Mai Lâm không chỉ là tên mẹ đặt, mà còn như một sự dẫn dắt trong suốt cuộc đời. Ngoài kỹ thuật thêu Mai tứ quý đặc trưng trong thời trang, Mai Lâm cũng thể hiện Mai tứ quý như họa tiết nền trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. BST tranh mang tên Vườn Mai được giới thiệu năm 2019 sau 6 năm Mai Lâm du lịch vòng quanh thế giới là các tác phẩm như vậy. Tranh Vườn Mai sử dụng kỹ thuật thêu 3D và Mai tứ quý, gồm năm bộ tranh; xoay quanh chủ đề hoa mai, chuồn chuồn và trên nền những gam màu từ mỗi khảnh khắc khác nhau của bầu trời trong ngày. Mai Lâm tự sự: “Tôi muốn thể hiện một lối thêu vụng về, không quá sắc nét, tỉ mỉ và chặt. Tôi muốn người xem nhìn từ xa đã có cảm giác là thêu tay. Những mũi thêu vụng về không hoàn hảo để cho cảm giác tự do hơn; ngẫu hứng chứ không phải là sự đều đặn, khuôn mẫu”. Cách thêu, cách tạo nên tác phẩm cũng chính là căn tính Mai Lâm – đóa mai vàng trong rừng mai lộng gió.

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Trang

Các tác phẩm tranh "Vườn mai" của Mai Lâm

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)