Văn hóa / Thế giới văn hóa

Màu sắc ảnh hưởng đến quá trình xem phim của bạn như thế nào?

Không chỉ mang tính thẩm mỹ, màu sắc mà bạn nhìn thấy trong các bộ phim, các MV ca nhạc còn là công cụ kể chuyện đắc lực của các nhà sản xuất phim.

Màu vàng rực rỡ mang lại cảm giác tươi vui. Màu đỏ gợi cảm giác bạo lực, quyết liệt còn màu ngọc lam gợi cảm giác trầm lắng của nội tâm nhân vật. Bất cứ màu sắc nào bạn nhìn thấy khi xem phim đều không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên. Đó đều là sự tính toán kỹ lưỡng của các nhà làm phim. Họ cẩn thận biên tập mỗi khung hình để quyết định màu sắc nào sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Cùng ELLE Việt Nam khám phá tác động của màu đến quá trình xem phim của bạn nhé.

Xây dựng cảm giác khi xem phim

Ánh sáng và màu sắc là một phần của cảm xúc. Thật vậy, mỗi màu sắc đem lại cho chúng ta cảm giác khác nhau. Màu xanh dương mang đến cảm giác êm dịu và xoa dịu nỗi buồn. Màu tím là màu của sự huyền bí, những điều dị thường và sự chết chóc. Màu xám thể hiện sự mệt mỏi, nhàm chán, tiêu cực. Màu cam mang đến cảm giác xưa cũ, thần thoại. Màu vàng lại mang đến cảm giác đa dạng, vừa diễn tả cảm giác vui tươi, hạnh phúc thư giãn, vừa là màu sắc của ghen tuông và phản bội, thậm chí mang ý nghĩa phán xét và kết tội…

Bên cạnh đó, tuy cùng một màu nhưng hiệu ứng lại hoàn toàn khác biệt khi đặt trong các bối cảnh khác nhau. Điển hình trong số đó là màu đỏ. Màu đỏ giống như một chất kích thích thị giác. Nó cung cấp năng lượng, tạo ra ham muốn, thèm khát tình yêu trong bối cảnh một cuộc gặp gỡ lãng mạn. Thế nhưng, trong một bối cảnh khác, khi chiến tranh và hành động xảy ra, màu đỏ lại gợi lên cảm xúc hồi hộp, gay cấn và nguy hiểm. Các nhà làm phim đã tận dụng tiềm thức về màu sắc để khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi màn hình.

Trong bộ phim The Incredibles (2004), khu vực làm việc của Mr. Incredible ở Insuracare mang màu sắc đậm và xám để truyền đạt cảm giác chán nản của nhân vật này.

Một ví dụ khác, trong bộ phim Toy Story 3 (2010), bối cảnh và màu phim khi nhân vật chú gấu bông Lots-o’-Huggin xuất hiện luôn có màu vàng và xanh lá cây như một lời báo trước rằng đây không phải là một chú gấu đáng yêu như bạn nghĩ.

Đối với bộ phim này, các nhà làm phim, điển hình là hãng phim Pixar, đã tạo ra một “mã màu” để hoạch định cho tất cả các cảnh sao cho chúng phù hợp với bối cảnh của toàn bộ phim. Điều này nhằm mục đích khiến các khoảnh khắc quan trọng trở nên sôi nổi hoặc u sầu. Được biết, trong quá trình thực hiện bộ phim hoạt hình Wall-E, nhà thiết kế sản xuất đã kiên quyết không dùng màu xanh lá cây ở bất cứ đâu, bởi họ muốn khuếch đại màu sắc này vào thời điểm Wall-E lần đầu tiên nhìn thấy một cái cây xanh khiến khán giả hứng khởi sau khoảng thời gian dài đắm chìm vào bảng màu cam sậm.

Màu sắc thể hiện hành trình của nhân vật

Màu sắc có tiềm năng tạo ra giai điệu, thay đổi ý nghĩa một cảnh quay và cảnh báo cho khán giả một điều gì đó quan trọng trong khung hình. Tiềm năng đó giúp các nhà làm phim thể hiện hành trình của nhân vật qua các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Trong bộ phim Moonlight, bộ phim đạt giải Oscar cho phim xuất sắc năm 2017, đạo diễn Barry Jenkins đã kể câu chuyện về cậu bé Chiron lớn lên trong một khu phố xáo trộn và đấu đá. Bối cảnh sống của cậu là một môi trường đầy rẫy dịch bệnh và sự bắt nạt.

Moonlight kể câu chuyện của Chiron trong ba lát cắt: Từ một Chiron nhỏ bé ít nói với bối cảnh lạnh lẽo nhuốm màu xanh lam đến một cậu thiếu niên lúng túng mơ hồ về tương lai trong tông màu xám xịt buồn bã. Sau tất cả, một Chiron trưởng thành, chín chắn và trải đời trở lại sắc sảo, mạnh mẽ trong màu phim đặc trưng của Kodak Film.

Đơn giản hóa những câu chuyện phức tạp

Các tông màu khác nhau giúp bạn dễ hiểu hơn khi theo dõi những câu chuyện phức tạp xảy ra giữa các nhân vật và địa điểm khác nhau. Trước đây, trong những bộ phim đen trắng thời kì đầu, điển hình là bộ phim Intolerance (1916), chỉ có một tông màu duy nhất được dùng cho tất cả bối cảnh. Để đạt được màu sắc như thế, các nhà làm phim đã đắm chìm trong những dải phim với thuốc nhuộm và hóa chất hoặc vẽ thủ công bằng tay. Ngày nay, Technicolor tạo ra cách thức in tráng phim màu mới cùng nhiều kỹ thuật màu hiện đại khác giúp quá trình sáng tạo màu sắc cho phim trở nên ấn tượng, phong phú và mượt mà hơn.

 

Màu sắc truyền đạt ý tưởng của bộ phim

Nhà làm phim Lewis Bond từng đúc kết: “Khi một màu lặp lại, nó liên quan đến ý tưởng. Khi màu sắc thay đổi, nó cho thấy khái niệm này đã thay đổi” hay nhà quay phim Roger Deakins​ đã từng nói: “Khá dễ dàng để làm cho màu sắc trông có vẻ đẹp, nhưng để làm cho nó truyền đạt cho câu chuyện thì lại khó hơn nhiều”. Những thông điệp nhắn gửi của họ cho thấy rằng, màu sắc góp phần giúp chúng ta thấy được tầng lớp ý nghĩa sâu xa của bộ phim hơn. Trong phim Vertigo (1958) của Alfred Hitchcock, màu xanh lá cây bao quanh nhân vật Madeleine thể hiện sự ám ảnh của nhân vật chính đối với cô ấy.


Để cảm nhận rõ ràng hơn, video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về cách mà màu sắc tác động đến bạn khi xem phim.

Xem thêm:

Những bộ phim tình cảm cổ điển dành riêng cho mùa Hè

10 bộ phim về thiên nhiên khiến bạn say đắm vẻ đẹp hùng vĩ của Trái Đất

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ngọc Võ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ ideas.ted
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)