Mối quan hệ “dựa hơi” giữa thời trang & nghệ thuật đương đại
Bạn có hay tự hỏi tại sao các bảo tàng nghệ thuật lại thường xuyên mở những buổi triển lãm thời trang?
Ngoài lý do các hãng thời trang lớn luôn tài trợ tiền mặt và bảo trợ cho bảo tàng, các sản phẩm thời trang thường có giá thành thấp hơn các tác phẩm nghệ thuật cả về mặt tổ chức triển lãm lẫn chi phí bảo hiểm, đồng thời là một phương án thu hút lượng lớn công chúng tương đối dễ dàng hơn. Nếu như thời trang được xem là một nhánh của lĩnh vực nghệ thuật nói chung thì ngược lại, trong phạm vi của thời trang, nghệ thuật đương đại có thể là cội nguồn cho cảm hứng sáng tạo của NTK thời trang, đôi khi là “điểm xuyết” như trang sức hay phụ kiện. Tuy vậy, những “điểm xuyết” này lại phần nào giúp các nhà mốt lớn tạo được vị thế trên thị trường, cả về mặt branding (thương hiệu) lẫn storytelling (kể chuyện).
phiên đấu giá của Prada tại Sotheby’s
Giữa tháng 7 vừa qua, thương hiệu Prada đã đánh tiếng về buổi đấu giá BST Thu-Đông 2020 trên website của Sotheby’s – một trong những sàn đấu giá uy tín lớn nhất thế giới.
Sự kiện thú vị này nằm trong chiến dịch Tools of Memory, nhằm tôn vinh sự nghiệp thiết kế của Miuccia Prada, cũng như đánh dấu cột mốc NTK tài ba Raf Simons về chung một nhà với vai trò đồng sáng tạo. Không chỉ những bộ trang phục trình diễn mà cả catalogue, ấn phẩm in ấn, thư mời, đồ vật trưng bày của show đều sẽ được đấu giá trực tiếp trên trang web. Sau đó, số tiền thu về sẽ được quyên góp cho Quỹ Dự án Giáo dục của tổ chức UNESCO.
Giới mộ điệu thời trang đang rất háo hức chờ đón sự kiện đặc biệt này, bởi từ trước đến nay, túi xách hay trang sức thời trang cao cấp đã qua sử dụng được bán đấu giá tại các sàn đấu giá là chuyện rất bình thường. Nhưng lần đầu tiên một BST mới ra mắt lại được bán đấu giá ngay trong năm trên sàn giao dịch danh tiếng Sotheby’s lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Ngoài ý nghĩa marketing thời trang cộng hưởng với đấu giá nghệ thuật, nó còn mang một ý nghĩa thú vị không kém. Việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật vốn là một cuộc chơi lớn xét trên thực tế chỉ dành riêng cho giới siêu giàu. Sự kiện này như tuyên ngôn vững chắc một lần nữa khẳng định rằng lĩnh vực thời trang cao cấp cũng như nghệ thuật chỉ dành cho giới thượng lưu. Cả hai luôn khiến người ta ao ước sở hữu để khẳng định gu thẩm mỹ, tiền bạc và trên hết là tinh thần địa vị của bản thân.
Sự hợp tác giữa Nhà mốt và Nghệ sĩ Đương đại
Thực ra mối quan hệ gắn bó giữa hai lĩnh vực thời trang – nghệ thuật đã có từ rất lâu nhưng tồn tại chủ yếu dưới dạng cộng tác giữa nhà mốt với các nghệ sĩ đương đại. Có một số trường hợp đã thực sự thúc đẩy doanh số bán hàng thời trang hoặc nâng tầm danh tiếng của cả hai bên.
Nếu là một tín đồ đam mê tìm hiểu lịch sử thời trang, chắc hẳn bạn đã biết về Yves Saint Laurent và Elsa Schiaparelli. Còn nếu là một người yêu thích nghệ thuật, bạn sẽ chẳng còn lạ lẫm với Piet Mondrian hay Salvador Dalí. Những cái tên này là ví dụ điển hình cho mối quan hệ gắn bó, tương hỗ giữa thời trang và nghệ thuật đương đại.
Năm 1937, NTK haute couture Elsa Schiaparelli đã cộng tác với người bạn là họa sĩ chủ nghĩa siêu thực Salvador Dalí và cho ra đời vải organza in hình tôm hùm “trứ danh” của ông. Con tôm hùm trong series tác phẩm của Dalí là biểu tượng cho bản năng giới tính, khi được in dập trên những bộ váy của Schiaparelli chính là sự khẳng định mạnh mẽ một lần nữa tính chiếm hữu bản năng của người phụ nữ sở hữu nó. Hay chiếc váy bằng vải jersey pha len có in hình tác phẩm trừu tượng của danh họa người Hà Lan Piet Mondrian là thiết kế được chuyển thể vào năm 1965 của Yves Saint Laurent, đã tạo nên danh tiếng cho ông mãi tới sau này.
Trước đó, Mondrian chỉ là một họa sĩ bình thường, nhưng cũng chính nhờ chiếc váy được nhiều người ví von như tác phẩm nghệ thuật trừu tượng di động của Yves Saint Laurent mà sau này tên tuổi của Mondrian mới được công chúng biết tới. Xét về phương diện tạo dựng tên tuổi cho họa sĩ lẫn NTK, sự kết hợp này đã rất thành công. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ kinh doanh, hai ví dụ này lại không thực sự giúp cho nhà mốt Yves Saint Laurent và Elsa Schiaparelli bán được sản phẩm vào thời kỳ đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng đây là một thời kỳ khá bấp bênh của nghệ thuật đương đại.
“Tôi không nghĩ rằng Murakami có được sự thành danh như bây giờ nếu không có sự cộng tác với Louis Vuitton” – cây viết nghệ thuật và thời trang Mitchell Oakley Smith đã từng nói như vậy. Dù sao, để minh chứng cho câu nói “Tương lai lúc nào cũng tươi sáng hơn”, điển hình là vào năm 2007, giám tuyển Paul Schimmel đã đặt một pop-up store Louis Vuitton ngay tại trung tâm triển lãm của nghệ sĩ Nhật Bản Murakami Takashi tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles (MOCA). Báo cáo chỉ ra rằng mỗi ngày Louis Vuitton bán được trung bình khoảng 10 chiếc túi cầm tay, trong đó mỗi chiếc có giá khởi điểm là 960 USD với hình dập hoa anh đào, họa tiết “jellyfish eye” và tất nhiên là kèm một chiếc logo LV. Sau thành công vượt sức mong đợi này, Marc Jacobs cũng đã mời Murakami tiếp tục hợp tác thiết kế cho một số dòng sản phẩm túi cao cấp khác của nhà Louis Vuitton. Một vài tên tuổi đương đại khác như Damien Hirst, Yayoi Kusama… hay thậm chí cả Andy Warhol cũng kết hợp với lĩnh vực thời trang theo những cách khác nhau.
Xét cho cùng thời trang cao cấp lẫn nghệ thuật đương đại luôn là một mối quan hệ tương hỗ và ngày càng trở nên thân thiết hơn. Bạn cũng đừng quên rằng giá bán một chiếc túi Birkin của nhà mốt Hermès luôn tăng trưởng đều trong khoảng 42% trong nhiều năm qua, và những tác phẩm của Banksy cũng tăng dao động trong khoảng 23% trong một vài năm trở lại đây. Cả hai đều được dự đoán không có dấu hiệu giảm giá trị trong tương lai.
Bài: Linh An
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE