Nếu như Broker có sự phân cực trong cách đón nhận của khán giả đại chúng, thì Monster được coi như thành công tiếp theo của Kore-eda, nối tiếp Shoplifters 5 năm trước đó. Nhận tràng vỗ tay 6 phút tại LHP Cannes 2023, cũng như chiến thắng hạng mục Queer Palm cho tác phẩm có liên quan đến cộng đồng LGBTQ+ và Kịch bản gốc xuất sắc nhất, đây là bộ phim ấn tượng ở nhiều mặt, hứa hẹn thành công ở đường đua giải thưởng năm nay.
Vấn đề mang tính thời sự
Cũng như 2 tác phẩm trước đó, Monster vẫn là góc nhìn sâu sắc của vị đạo diễn về các vấn đề mang tính xã hội trong bộ ba có hậu tố “-er”: Shoplifters – Broker – Monster. Không còn bức tranh nghèo đói và những hệ lụy của Shoplifters, không còn vấn nạn buôn người và những tia hy vọng của Broker, Monster là một bộ phim vượt trên tất cả, cho thấy tài năng của Kore-eda trong việc truyền tải những phức cảm. Theo dõi Monster, khán giả như bị cuốn vào một mê cung cảm xúc mà ở đó, họ dường như chắc mẩm về những gì mình chứng kiến ở những phút ban đầu, để rồi càng về sau, họ bất ngờ nhận ra, đằng sau những vấn đề phức tạp của người lớn là câu chuyện hồn nhiên và vô tư của những đứa trẻ. Monster chứa đựng những nỗi giận dữ, sự cay nghiệt, nhưng cũng không thiếu những vẻ đẹp, sự trong trẻo và cả ánh sáng hy vọng của tương lai.
Tác phẩm có thể được chia ra làm 3 phần, nhưng không tuyến tính theo kiểu mở đầu, đẩy lên cao trào và rồi kết thúc. Nói đúng hơn, bộ phim theo mô típ của hiệu ứng Rashomon từ người tiên phong là đại văn hào người Nhật Akutagawa, và sau đó là vị đạo diễn huyền thoại Akira Kurosawa. Monster sở hữu tuyến phim đi theo vòng tròn, nơi “chúng ta đều đáng thương trong câu chuyện của mình và trở thành kẻ phản diện trong câu chuyện của người khác”. Do đó, chỉ bằng cách xem toàn bộ tác phẩm, ta mới có được cái nhìn mang tính toàn diện về vấn đề được đề cập.
Trong Monster, 3 tuyến nhân vật có thể định hình cho 3 mạch truyện xoay quanh cậu bé Minato: người mẹ một mình nuôi con (do Ando Sakura thủ vai, cô cũng đóng chính trong Shoplifters), thầy giáo Hori bị cáo buộc gây ra bạo lực học đường, và cuối cùng là bản thân cậu bé Minato cùng người bạn thân Yori của mình. Tất cả đều bị cuốn vào một vấn đề, mà dưới góc nhìn của mỗi người, nó lại mang những sắc thái hoàn toàn khác biệt.
Kore-eda có cách xử lý vô cùng tài tình khi khắc họa các vấn đề xã hội thông qua lăng kính nghệ thuật. Những vấn đề như bạo lực học đường, việc thiếu lắng nghe tiếng nói con trẻ, định kiến với những cá thể mang tính “ngoài lề” như mẹ đơn thân, người thuộc cộng đồng LGBT, hay những cô gái làm việc trong các quán rượu tiếp viên… đã được vị đạo diễn tái hiện hết sức ý nhị và nhẹ nhàng. Đó là mẹ của Minato một mình nuôi con mà không có cha, người cha đơn độc của Yori luôn khiến cậu bé cảm thấy tồi tệ khi gọi Yori là “đồ não lợn”. Một người chịu sự phán xét của cả xã hội, một người cay nghiệt với chính con mình vì sự khác biệt… Họ bị mắc kẹt giữa những định kiến và không có lối thoát. Tình trạng này cũng xuất hiện với thầy giáo Hori – người có bạn gái làm việc ở một quán rượu tiếp viên, dẫn đến thứ mà anh nhận lại là sự trêu chọc cũng như nghi kỵ về tư cách nhà giáo khi ở trong mối quan hệ với một người được cho là thiếu đứng đắn…
Kore-eda như đang tiến hành một cuộc tiểu phẫu lên cuộc sống, để mỗi nhát rạch sẽ cho người xem hình ảnh rõ hơn của thứ ẩn sâu trong nội tâm họ. Đó là sự thật bị bẻ cong, là nỗi sợ hãi sẽ bị phát hiện, là lòng kiêu hãnh quá lớn… Họ đều cố gắng bảo vệ thứ mà bản thân mình xem là quý giá, thế nhưng chính trong quá trình cố níu giữ nó, họ bỗng nhận ra mình là “quái vật” bị tước đi quyền chủ động kiểm soát và không thể thoát khỏi những chiếc hộp mà mình dựng nên.
“Quái vật” trong tác phẩm này không là thây ma bẹo hình bẹo dạng, mà đó là sự sai lệch trong chính tâm trí của mỗi một người. Kore-eda đã khuếch đại chính từ ngữ này, để người xem có thể nhìn sâu vào các nhân vật, từ đó phản chiếu lên chính mình. Con người, xét về bản chất, là một sinh vật vô cùng khó hiểu và đầy phiến diện. Họ luôn cho rằng mình tường tận mọi thứ, rằng những gì họ được chứng kiến, được nghe đều phản ánh đúng suy nghĩ của họ mà chẳng mảy may tìm hiểu, đào sâu bản chất của sự việc. Kore-eda đã rất khéo léo trong việc dẫn dắt cảm xúc của khán giả khi để họ theo dõi câu chuyện dưới góc nhìn của từng nhân vật, khiến họ phẫn nộ, căng thẳng, giận dữ, để rồi hoài nghi và cảm thấy lung lay với những suy đoán của mình.
Hình tượng đường hầm trải dài trong bộ phim – nơi hai cậu bé Minato và Yori ẩn mình khỏi thế gian – như một thử thách khắc nghiệt, nhưng khi dũng cảm vượt qua nó, cả hai đứa trẻ sẽ đến với một thế giới riêng – đó là nơi toa tàu mà chúng được sống là chính mình. Thế nhưng, trong xã hội đầy những định kiến, liệu ta có dám vượt qua cõi tối tăm ấy, hay mãi hoảng sợ với sự nghi kỵ của những người xung quanh?
BÀI LIÊN QUAN
Phong cách Kore-eda
Bộ ba tác phẩm có hậu tố “-er” của Kore-eda xét đến cuối cùng vẫn xoay quanh câu nói “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Đó là ánh mắt lưu luyến của cô em gái với người anh trai không máu mủ ruột rà của Shoplifters, là sự yên bình của một sinh linh đang được bồng bế bởi tình người trong Broker, và bây giờ là sự hòa hợp của những đứa trẻ chịu sự tổn thương và mang trong mình nhiều tâm sự trong Monster.
Nếu đã theo dõi hai bộ phim trước đó của vị đạo diễn người Nhật, ta có thể thấy Kore-eda dường như đã lên kế hoạch để 3 tác phẩm đều hướng đến hoàn thiện một tình cảm chung theo nhiều quan niệm của các triết gia Hy Lạp. Nếu ở Shoplifters là tình yêu đam mê (Eros) bùng lên giữa người đàn ông và người đàn bà trong một đêm mưa, ở Broker là Agape (tình yêu phổ quát) hướng đến nhân sinh, thì ở Monster là tiếng gọi của tình bằng hữu – Philia, một kiểu tình cảm trong sáng, ngây thơ và không vụ lợi.
Ở phần cuối phim, khung cảnh nắng gắt và hai đứa trẻ chạy trên cánh đồng dưới nhạc nền của nhà soạn nhạc Ryuichi Sakamoto là một phân đoạn khiến người xem vỡ òa cảm xúc. Cây cầu ở cảnh cuối cùng như biểu tượng cho sự tái sinh, nhưng cũng có thể là đại diện cho sự chấp nhận và rồi vượt qua. Kore-eda không mang đến cái kết thật sự rõ ràng, để rồi ẩn dưới tiếng piano du dương chậm rãi, người xem bất giác rơi lệ và mỉm cười bởi sự viên mãn mà hai đứa trẻ đã đạt được. Khúc nhạc cuối cùng ấy cũng là lời tri ân gửi đến Ryuichi – người vừa qua đời tháng 3 vừa qua. Ryuichi và căn bệnh ung thư, Yori và Minato, người mẹ mất con và người thầy mất đi niềm tin… tất cả tìm thấy sức mạnh từ phía bên kia, để cùng bắt đầu lại và rồi tái sinh trong thế giới mới.
Không chỉ gây ấn tượng khi thể hiện một kịch bản quá đỗi ý nghĩa, Kore-eda cũng đã để lại những khung cảnh phim mang tính thẩm mỹ cao. Đó là phân cảnh của hai đứa trẻ áp tai xuống đường nghe tiếng mèo kêu, là hai cậu bé đi dưới tán anh đào rực rỡ, là cảnh quay ngược phía dưới kính xe khi bùn vùi lấp như một vũ trụ mới được hình thành hay cô hiệu trưởng cùng Minato thổi hết muộn phiền qua những chiếc kèn… Những sự liên tưởng và các tưởng tượng vô cùng nên thơ, cho thấy một sự tinh tế trong việc khai thác rất nhiều mỹ cảm của Kore-eda.
Có thể thấy rằng Monster ẩn chứa sức mạnh của nhiều thông điệp chồng lớp. Một bộ phim giàu tính nghệ thuật, một mê cung cảm xúc khiến khán giả lạc lối trong những cảm nhận của mình. Giận đó rồi lại thương đó, bật khóc đó rồi lại mỉm cười đó. Đến cuối cùng, Monster đã thay Kore-ede truyền tải thông điệp: “Chúng ta luôn nghĩ hạnh phúc là đích đến, nhưng quên rằng hạnh phúc chỉ là một phần của hành trình tìm kiếm bản thân, trong hành trình đó, có cả hạnh phúc lẫn khổ đau”.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát