Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian: Huy động ký ức để sống sót

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là lời thủ thỉ, là khúc giãi bày, là những lời tâm can đầy ập ký ức của một người con viết cho người mẹ vẫn còn đang sống.

Trong Nhật ký khóc thương, nhà phê bình học nổi danh người Pháp, Roland Barthes viết, “Nhà văn là người chơi đùa với thân thể mẹ mình, hòng tôn vinh nó, tô điểm nó”. Ocean Vương, nhà thơ trẻ gốc Việt với những bài thơ cháy bỏng, một tài năng văn chương đương đại, đã khẳng định vị thế nhà văn của mình, bằng Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – cuốn tiểu thuyết tự thuật dưới dạng một lá thư đọc như một tập nhật ký rời rạc vừa chiêm nghiệm về thân thể mẹ mình, vừa để tụng ca nó.

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Sài Gòn vào năm 1988, năm hai tuổi, Ocean Vương cùng gia đình di cư sang Mỹ, đầu tiên sống trong trại tị nạn ở Philippines rồi được tị nạn chính trị và đến Hartford, Hoa Kỳ. Câu chuyện mà Vương kể trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian phần lớn lấy từ những chuyện có thật xảy đến với gia đình anh, là những lát cắt lấy ra từ đời ông ngoại, bà ngoại, mẹ anh. Tác phẩm như một lịch sử của ký ức, được truyền lại qua những câu chuyện bà và mẹ kể, qua những hồi tưởng của nhân vật chính, người có tên gọi ở nhà là Chó Con. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một loạt những ký ức được lựa chọn để kể, mà ở nhiều trường đoạn, ký ức tràn ngập trong dòng văn tưởng chừng không cản nổi, như cơn lũ.

Đó là ký ức của một thằng bé xa lạ tìm một mối liên hệ với đất nước mới xa lạ, mà nó gần như trở nên vô hình. Đó là những trận đánh đập từ những kẻ bắt nạt ở trường mà nó phải chịu đựng khi tìm cách hòa nhập vào đời sống ở Mỹ. Đó là những sự kiện vụn vặt dở khóc dở cười của một gia đình nhập cư chỉ có đứa con đi học và biết nói, biết đọc, còn người mẹ “mồ côi” cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, chỉ bập bõm vài từ để giao tiếp. Đó là hình ảnh sống động của tiệm làm móng nơi người mẹ kiếm ăn độ nhật, nơi bà cả ngày cúi đầu vào chân người khác, nói xin lỗi, nơi ước mơ Mỹ được xây đắp và cũng tan vỡ, nơi bọn trẻ con Mỹ gốc Việt lớn lên, làm bài tập, ăn phở, chơi đùa. Đó là ký ức về cậu bạn trai đầu tiên, Trevor, người Chó Con quen khi đi làm thêm thu hoạch cây thuốc lá ở một trang trại ngoại ô Hartford. Mối tình ấy giờ đây khi nhớ lại khiến lá thư đầy ứ những hoài niệm vừa đẹp đẽ, vừa đau buồn.

một thoáng ta rực rỡ tác phẩm mới

Chiến tranh Việt Nam hằn dấu lên ký ức của bà của mẹ Chó Con, để lại sang chấn lên hành vi của họ. Những đám mây napalm trong tuổi thơ Việt Nam của bà mẹ vẫn trùm đen kịt bầu trời nước Mỹ. Mẹ Chó Con lúc nào cũng sợ tiếng súng và nhầm lẫn những tiếng động lớn, bao gồm cả tiếng pháo hoa, với tiếng súng. Và quả thực, cuộc chiến ấy, vẫn diễn ra hằng ngày trong đời sống của cả gia đình.

Mối quan hệ mẹ – con trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một mối quan hệ rất phức tạp: đầy yêu thương, mà cũng đầy bạo lực; đầy cảm thông, mà cũng đầy sang chấn. Người mẹ ấy có thể tát con tới tấp, có thể nhốt con dưới tầng hầm ẩm ướt, nhưng người mẹ ấy bao bọc cho đứa con khi dám bộc lộ giới tính thật của mình bằng vài câu nói đầy tình yêu: “Con khỏi cần đi đâu hết. Có con với mẹ thôi, Chó Con à. Mẹ còn ai đâu”. Họ chỉ có nhau trên đời.

Chó Con liên tục trích dẫn Barthes trong lá thư của mình. Barthes viết: “Không đối tượng nào ở trong mối quan hệ thường trực với khoái cảm. Tuy nhiên, đối với nhà văn, tiếng mẹ đẻ chính là một thứ như thế”.

Câu chuyện của Vương là câu chuyện mà đứa con của chiến tranh nào cũng có, chính vì thế, rất nhiều người đọc thấy mình trong Vương, cảm thấy anh nói thay cho họ, gây được sự thấu cảm với hàng bao nhiêu độc giả. Chó Con từng chiêm nghiệm lúc ngắm bình minh, “Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng”. Dường như suy nghĩ ấy áp dụng được cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết này, một nơi chứa đựng gần như tràn lề tất cả những chủ đề lớn của văn chương: tình mẫu tử, tuổi mới lớn, chiến tranh, nhập cư, LGBT+, và vượt lên tất cả, đó là một suy tư đau đáu về sự rực rỡ thoáng chốc ấy của cái đẹp, của kiếp người phù du.

a8208e9019c8510e8a8eebe06f50299c.jpeg

Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn
Hình ảnh: Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)