Văn hóa / Thế giới văn hóa

Mùi hương – Chất xúc tác của chuỗi bi kịch trong phim Ký Sinh Trùng

Chỉ thông qua chi tiết "mùi hương", Bong Joon Ho đã chứng minh mình là bậc thầy cài cắm biểu tượng để thể hiện diễn ngôn điện ảnh, tạo nên một tác phẩm giàu ẩn dụ sâu cay mà đồng thời vẫn đủ gay cấn, hài hước để chinh phục khán giả đại chúng.

Nhắc đến Ký sinh trùng (Parasite) – bộ phim vừa đoạt giải Oscar của đạo diễn Bong Joon-ho, người yêu phim chắc chắn không cần phải dè xẻn những lời ngợi khen. Ngoài việc sở hữu tính giải trí cao, tác phẩm điện ảnh xứ kim chi còn “gieo rắc” nỗi ám ảnh bởi những hình ảnh đầy tính biểu tượng. Trong đó, nổi bật hơn là yếu tố “mùi”, cũng chính là “kẻ chủ mưu” dẫn đến tấn bi kịch ở cảnh cao trào của bộ phim.

Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc.

Tại lễ trao giải Oscar năm nay, điện ảnh Hàn Quốc đã chạm được cột mốc mới đầy tự hào: Không chỉ Bong Joon-ho (Đạo diễn của The Host, Snowpiercer) được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất, mà tác phẩm Ký sinh trùng do anh cầm trịch cũng là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên trong lịch sử được nhận giải cao quý Phim xuất sắc nhất.

đạo diễn bong joon ho nhận giải oscar
Ảnh: Amy Sussman

Không quá ngạc nhiên, khi ẩn trong thời lượng hơn 2 tiếng của tác phẩm là câu chuyện châm biếm sâu cay về sự phân tầng xã hội, nơi người giàu tựa như những vị thần thảnh thơi, còn kẻ nghèo tựa bầy “ký sinh” trườn bò lặng lẽ trong bóng tối. Trong phim, có một chi tiết khá đắt giá và mang đến nhiều tranh cãi là việc ông chủ Park (Lee Sun-kyun) liên tục đề cập đến một “mùi lạ” phát ra từ tài xế Kim (Song Kang-ho). Việc liên tục bị chê “bốc mùi” có thể xem là nguyên nhân dẫn đến việc ông Kim đâm chết ngài Park ở cảnh cuối phim.

Hầu hết khán giả sẽ hiểu mùi mà ngài Park nói đến chính là “mùi người nghèo” – thứ mà ông Kim có dùng bao nhiêu nước hoa cũng không che giấu được. Nhiều người xem cảm thấy bất hợp lý và cho rằng cảnh quay quan trọng này bị “làm lố”, bởi không ai điên rồ giết người chỉ vì bị chê… nặng mùi. Thực chất, không chỉ có một mà đến bốn mùi hương lần lượt được Bong Joon-ho cài cắm hợp lý xuyên suốt tác phẩm, khiến cho việc ông Kim “tức nước vỡ bờ” trở nên hợp lý và gần như không thể tránh khỏi.

gia đinh ông Kim trong Ký sinh trùng
Ảnh: The Nation

Mùi của sự đồng lõa

Điện ảnh luôn cố chứng minh rằng trẻ em sở hữu những siêu năng lực mà người lớn không có được. Nếu như cậu bé nhân vật chính trong The Sixth Sense (1999) có thể nhìn thấy linh hồn, nhóc Cody trong Before I Wake (2016) biến mơ thành thực thì cậu con út Da-song của nhà Park trong Ký sinh trùng có thể “ngửi mùi”. Trước sự ngơ ngác của vợ chồng ông Kim lúc này đang hóa thân thành hai người làm công xa lạ của nhà Park, Da-song nhanh chóng chỉ ra rằng hai ông bà tưởng-chừng-tốt-bụng ấy, thêm cả “thầy Kevin” và “cô Jessica”, cùng toát ra một cái mùi giống nhau.

cậu bé Da Song
Ảnh: The Criterion Collection

Nhìn theo hướng tích cực, đó là mùi của tình thân, của những người vốn chung một mái nhà nay phải chật vật lo kế sinh nhai, như cách giải thích khoa học và có-vẻ-có-lý của “cô Jessica”: Chẳng qua là cả nhà cứ sống dưới tầng hầm, nên ám mùi tầng hầm mà thôi! Nhưng ở khía cạnh khác, đó chính là mùi của sự đồng lõa, của những kẻ nghèo hèn đang dùng mánh khóe nhỏ mọn để lừa gạt một gia đình “tốt bụng và giàu có” (hay là do họ giàu có nên mới tốt bụng?).

Mùi người nghèo

Chính xác hơn, đây là mùi của những người thuộc tầng lớp lao động chân tay, mỗi ngày trôi qua phải vật lộn với gã đối thủ ngoại hạng mang tên “Cơm-Áo-Gạo-Tiền”. Khi đang ân ái với vợ mình trên ghế sofa, ngài Park vẫn không quên quả quyết rằng từ người ông Kim toát ra cái mùi đặc trưng ấy.

vợ chồng ông Park
Ảnh: The Playlist

Thế lại chẳng quá đúng ư? Bởi sự phù phiếm của cả nhà ông Kim đều do họ tự trát lên mặt để che giấu cái nghèo hèn đấy thôi! Thực chất, dù đây không phải là mùi hương xuất hiện đầu tiên theo mạch phim, nhưng lại là chi tiết quan trọng giới thiệu với khán giả khái niệm “mùi hương” trong Ký sinh trùng. Đây cũng chính là tiền đề để dẫn đến mùi hương thứ ba.

Mùi quần áo ẩm

Nếu mặt nước trên một chiếc ly đủ tĩnh lặng, chúng ta có thể nhẹ nhàng đặt một chiếc kim lên bề mặt mà không khiến cấu trúc nước vỡ tan. Song, giả sử, ai đó thực sự muốn mặt nước vỡ tan, tất cả những gì họ cần là một giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Trước ngày diễn ra tiệc sinh nhật của cậu con trai nhà Park, gia đình ông Kim đã được một trận “tắm mưa” ngoài ý muốn, phải ngủ ở trung tâm cứu trợ xã hội và dù đã thay quần áo từ thiện, họ cũng không thể che giấu cái mùi ẩm mốc, hôi hám. Khi ông Kim làm tài xế cho bà Park đi siêu thị mua đồ ăn, cái mùi đặc trưng này dễ dàng lan xuống ghế sau của bà chủ.

cảnh trong phim ký sinh trùng
Ảnh: GeekTyrant

Nếu để ý kỹ, người xem sẽ thấy bà Park là người không có chính kiến và dễ bị tác động bởi chồng mình. Chỉ một lời nói của chồng cũng có thể khiến bà đuổi việc anh tài xế trẻ và chỉ một mẫu khăn dính màu đỏ cũng khiến bà tin rằng người quản gia lâu năm bị bệnh nan y. Lẽ dĩ nhiên, việc ông Park liên tục đề cập đến cái “mùi lạ” của tài xế Kim cũng không thể thoát khỏi tâm trí bà. Chính bởi lẽ đó, khi gặp ông Kim, bà nhận thấy mùi ẩm mốc ngay lập tức và vội vàng bịt mũi. Ông Kim rất nhạy cảm trước hành động này, ông cho rằng bà Park bịt mũi vì “khinh bỉ” cái mùi nghèo khổ của mình.

cảnh trong phim ký sinh trùng
Ảnh: Gena Radcliffe Does Things

Có thể thấy, tuy không mang nhiều tính hình tượng như các mùi còn lại, nhưng mùi quần áo ẩm lại chính là điềm báo cho một cơn thịnh nộ không gì kiểm soát được.

Mùi người chết

Sau khi chồng của bà quản gia cũ dùng dao đâm “cô Jessica”, bản thân ông này cũng bị đâm chết. Lúc này, ngài Park vừa bịt mũi vừa cố đào bới chìa khóa xe bên dưới xác của người đàn ông điên. Tình tiết này đã khiến ông Kim dâng cơn thịnh nộ, dùng chính con dao vừa đâm con gái mình kết liễu cuộc đời ngài Park. Thực chất, lúc này, ngài Park bịt mũi không phải vì mùi người nghèo như trước đây, mà là vì một người đàn ông lâu ngày không tắm, sống dưới tầng hầm và vừa mới chết, cả thi thể nồng nặc mùi tử khí, mùi máu quyện với mùi mồ hôi.

Như vậy, mọi thứ đã sáng tỏ! Trong khi người xem được trải nghiệm bốn mùi hương khác nhau thì ông Kim vẫn bị cái “mùi nghèo” ám ảnh. Ông Kim được xây dựng là rất sĩ diện hảo và hay ganh tị với ông Park, nên không quá ngạc nhiên khi ông phản ứng mạnh mẽ trước thái độ của người khác về sự nghèo hèn của mình. Tuy nhiên, quyết định đâm chết ông Park ở cuối phim không hẳn là phản ứng thái quá của một kẻ sĩ diện, mà xuất phát từ sự hỗn loạn trong cảm xúc của một người vừa nhận thức được sự rẻ rúng của gia đình mình, hay nói rộng ra là của “tầng lớp” mình.

sự bùng nổ của ông Kim
Ảnh: Altao

Có thể thấy, mức độ phản ứng với “mùi” của gia đình nhà Park ngày càng rõ ràng hơn, từ cậu con trai Da-song thấy họ có “mùi giống nhau”, ông Park nói với vợ (khi tưởng rằng không có mặt gia đình ông Kim) về “cái mùi kì lạ”, bà Park tỏ thái độ ngay khi có mặt ông Kim, và cuối cùng là hành vi bịt mũi, nhăn mặt không che đậy của ông Park trước mặt tất cả mọi người. Tương đương với diễn thế đó là diễn thế nhận chân rõ cái sự nghèo không thể thay đổi của ông Kim. Ở lần cuối cùng, trước mặt ông Park không chỉ có một cái xác, mà bên cạnh người đàn ông điên còn có cả con gái ông Kim, vậy nên, cái bịt mũi đó không chỉ thể hiện khoảng cách giàu nghèo, mà còn là khoảng cách giữa người với người, chính điều đó mới là giọt nước làm tràn cơn phẫn nộ của ông Kim.

ông Kim trong phim Ký sinh trùng
Ảnh: GeekTyrant

Chỉ thông qua chi tiết “mùi hương” trong Ký sinh trùng, Bong Joon Ho đã chứng minh mình là bậc thầy cài cắm biểu tượng để thể hiện diễn ngôn điện ảnh, tạo nên một tác phẩm giàu ẩn dụ sâu cay mà đồng thời vẫn đủ gay cấn, hài hước để chinh phục khán giả đại chúng.

Nhóm thực hiện

Bài: Phúc Nguyễn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)