Truyền thông Mỹ hậu #MeToo: Nạn nhân quấy rối tình dục tiêu tan sự nghiệp vì vào “danh sách đen”
“Chính những người từng công khai vỗ tay tán thưởng vì bạn dám lên tiếng tố cáo hành vi quấy rối tình dục đồi bại sẽ không bao giờ thuê bạn làm việc trong công ty của họ. Với họ, bạn mãi mãi là một tên chỉ điểm, một kẻ gây rối. Sau này khi hấp hối trên giường bệnh, có thể bạn sẽ thấy việc mình dám tố cáo là đúng đắn và đạo đức. Nhưng chừng nào bạn còn sống, chừng đó bạn còn ý thức sâu sắc rằng cái giá phải trả cho quyết định dũng cảm lên tiếng của mình chính là cả cuộc đời và con đường sự nghiệp”.
#MeToo là phong trào chống lại nạn bạo hành và quấy rối tình dục, dùng hashtag đơn giản, ngắn gọn trên mạng xã hội – #MeToo, “Tôi cũng thế” – để tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân đang cam chịu trong im lặng, giúp họ can đảm cất tiếng vạch trần kẻ quấy rối và đòi sự công bằng.
Đỉnh điểm của phong trào #MeToo là sự “thất thủ” của hàng loạt nhân vật quyền lực bậc nhất ngành truyền thông thế giới: Harvey Weinstein – “ông trùm” sản xuất điện ảnh Hollywood bị hơn 100 phụ nữ tố cáo lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp; Bill Cosby – danh hài huyền thoại phải vào tù với hơn 60 lời tố cáo quấy rối tình dục; giám đốc đài truyền hình CBS Lee Moonves; nam diễn viên hai lần đoạt giải Oscar Anthony Rapp…
Tháng 5/2017, nữ phóng viên Diana Falzone đệ đơn kiện lên tòa án tối cao New York, cáo buộc kênh tin tức Fox News phân biệt giới tính và khuyết tật. Sau bài viết, Diana tiết lộ mình mắc phải một chứng bệnh gây vô sinh và bị ban điều hành Fox News “cấm sóng”. Diana không được phép dẫn chương trình của chính mình, thậm chí không được phỏng vấn hay lồng tiếng cho các bản tin. Về sau, nữ phóng viên đã đồng ý dàn xếp vụ kiện với Fox News và ký thỏa thuận không tiết lộ – một văn bản pháp lý ngăn cô thảo luận thêm bất cứ điều gì liên quan đến vụ việc.
Không lâu sau khi các bê bối #MeToo “càn quét” kênh tin tức Fox News, NBS và CBS, hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong ngành công nghiệp truyền thông, một phụ nữ từng làm trong lĩnh vực truyền hình (tạm gọi là A.) đã liên lạc với Diana Falzone để chia sẻ góc tối khác của câu chuyện.
Người này cho rằng, kiểu hợp đồng dàn xếp pháp lý – như Diana đã làm – sau các cáo buộc #MeToo không có khả năng thay đổi sự sai trái, xuống cấp hiện có trong văn hóa làm việc của ngành truyền thông. Trong nhiều trường hợp, những thỏa thuận pháp lý chỉ góp phần “kích động” một hình thức ghi thù, trả đũa khác quỷ quyệt hơn từ những kẻ nắm quyền lực trong tay: sự cô lập.
“Danh sách đen” – Cái giá của lòng can đảm
Nhân vật A. chia sẻ với Diana Falzone trên Vanity Fair: “Chính những người từng công khai vỗ tay tán thưởng vì bạn dám lên tiếng tố cáo hành vi đồi bại sẽ không bao giờ thuê bạn làm việc trong công ty của họ. Với họ, bạn mãi mãi là một tên chỉ điểm, một kẻ gây rối. Sau này khi hấp hối trên giường bệnh, có thể bạn sẽ thấy việc mình dám tố cáo là đúng đắn và đạo đức. Nhưng chừng nào bạn còn sống, chừng đó bạn còn ý thức sâu sắc rằng cái giá phải trả cho quyết định dũng cảm lên tiếng của mình chính là cả cuộc đời và con đường sự nghiệp”.
A. từng là một nhân vật truyền hình nổi bật và đầy triển vọng. Nhưng sau quyết định cất tiếng “Tôi cũng thế” của mình, giờ đây, cô không cách nào tìm được một công ty quản lý ổn định, cũng không nhận được bất cứ công việc nào đòi hỏi xuất hiện trước máy quay.
Dù không có “danh sách đen” chính thức nào, rất nhiều nạn nhân – những người từng chấp nhận hòa giải, dàn xếp các vụ kiện cao cấp, tốn tiền tốn của chống lại những kẻ quấy rối tình dục – nay lại đang phải đấu tranh để tiếp tục sự nghiệp của mình trong ngành.
Một cựu phát thanh viên truyền hình chia sẻ, sau khi tin tức về việc cô đồng ý thỏa thuận vụ kiện quấy rối tình dục được công bố, cô bị đối xử không khác gì “persona non grata” – trong tiếng Latinh nghĩa là “nhân vật không được hoan nghênh”, dùng để chỉ những nhân vật ngoại giao bị chính quyền nước sở tại trục xuất.
“Tôi có trao đổi với một đồng nghiệp cũ, hiện đang là giám đốc tin tức ở một đơn vị lớn. Người đó nói tôi nên quay lại tìm họ sau vài năm nữa, khi mọi chuyện đã lắng xuống”, cô cay đắng kể, “Lý do đã quá rõ ràng. Vậy mà có thời họ từng hứa hẹn sẽ cho tôi gia nhập đội ngũ hàng đầu nếu tôi quyết định hợp tác với họ”.
Số tiền hòa giải trị giá 20 triệu đô la giữa Fox News và Gretchen Carlson dễ khiến người ta quên rằng: đa số những nữ nhân viên khởi kiện ông chủ chẳng việc gì phải đánh đổi sự nghiệp hái ra tiền của mình cho một khoản đền bù béo bở không đảm bảo. Cựu phát thanh viên bức xúc: “Tốn cả gia tài để hòa giải, thuê luật sư, đóng thuế, tôi chẳng còn đồng nào cả. Bao nhiêu người như tôi giờ còn không kiếm được việc làm trong ngành truyền hình nữa. Như thế thì chúng tôi được lợi cái gì đây? Không một chút nào”.
Dù xã hội hiện đại luôn tôn vinh những người phụ nữ kiên cường, táo bạo, vẫn còn nhiều mặt tối cần được phơi bày và nhìn nhận thấu đáo. Trở lại với công việc, với cuộc sống bình thường sẽ không bao giờ dễ dàng với những nhân viên đã chấp nhận cách giải quyết ôn hòa, ký thỏa thuận không tiết lộ, không phỉ báng cho vụ kiện quấy rối tình dục của họ. Con đường sự nghiệp của nhiều nạn nhân bị gián đoạn vô thời hạn, thậm chí bị hủy hoại hoàn toàn. Nếu kịch bản phổ biến bất đắc dĩ này không sớm thay đổi, các “danh sách đen” có khả năng sẽ trở thành “chiến trường” kiện tụng mới, sau làn sóng #MeToo.
Những ông chủ bất an: “Nếu cô ta cũng kiện mình thì sao?”
Luật sư nhân sự Martin Hyman – người từng đại diện cho cả Diana Falzone và Gretchen Carlson trong vụ kiện với Fox News – không ngạc nhiên với việc các nạn nhân kiện quấy rối tình dục bị đưa vào “danh sách đen” khi họ muốn trở lại làm việc.
Ông nói thẳng: “Chỉ cần nhìn vào những người đàn ông đã hoặc đang nắm quyền lực trong ngành truyền thông. Hãy nhìn thứ văn hóa mà họ đã tạo ra, duy trì và dung túng. Hãy nhìn những ai đã làm ngơ trước những kẻ quấy rối, cả các công ty quản lý đã ngần ngại, từ chối đại diện cho những người đồng ý dàn xếp vụ kiện. Có phải vì những người phụ nữ này đột nhiên mất đi tài năng, động lực hay danh tiếng của họ không? Có phải vì việc làm trong ngành truyền thông bỗng nhiên trở nên khan hiếm? Hay là vì có gì đó nham hiểm, bất chính đang diễn ra trong môi trường làm việc của ngành này?”.
Câu hỏi của Martin Hyman thật khó làm sáng tỏ, nhất là trong tình hình những lời đồn thổi lại có khả năng ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của ngành truyền thông. Một phụ nữ kể lại trải nghiệm phỏng vấn xin việc thất bại của mình với trang Vanity Fair. Khi người phỏng vấn hỏi tại sao cô đâm đơn kiện rồi lại chấp nhận hòa giải với công ty cũ, cô trả lời: “Những việc đó đã xảy ra với tôi, nhưng đều ở trong quá khứ. Tôi chỉ muốn làm việc thôi. Tôi muốn được làm công việc mình yêu một lần nữa”. Người phỏng vấn đột nhiên gắt lên: “Vâng, tôi tin những gì chị nói, nhưng tôi sẽ hỏi han xung quanh xem danh tiếng của chị thật sự thế nào”.
Những người có quyền đưa ra quyết định then chốt trong ngành luôn cùng nhau tham dự các hội nghị, triển lãm, tiệc tùng sau giờ làm. Họ gặp gỡ, trò chuyện, thiết lập quan hệ, không quên “ngồi lê đôi mách” chuyện này chuyện kia, rồi được thêm cả công cụ tìm kiếm Google – kẻ không bao giờ chịu quên một thứ gì. Những lời bàn tán bên lề khiến một người từng đâm đơn kiện công ty, ông chủ cũ trở thành mối rủi ro tiềm tàng trong mắt những “người gác cổng” của nhiều lĩnh vực truyền thông.
Chuyên gia thương hiệu và tiếp thị Scott Pinsker nhận định: “Thật tệ khi phong trào #MeToo lại mang đến hậu quả không mong muốn: các nhà tuyển dụng trở nên hoang tưởng và sợ kiện tụng đến mức họ âm thầm cô lập, đẩy những nạn nhân đã mạnh mẽ, can đảm đứng lên vì quyền lợi chính mình vào “danh sách đen”. Tôi hy vọng mọi chuyện không phải thế, nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại”.
“Không may, kể cả khi lời tố cáo của nạn nhân quấy rối tình dục đã được chứng minh là sự thật, vẫn sẽ có ai đó hoài nghi. Nghiên cứu cho thấy những người khiếu nại thường bị xem là những kẻ làm đảo lộn dòng chảy tự nhiên”, tiến sĩ Caren Goldberg cho biết, “Nhiều vấn đề quan trọng do phái nam đưa ra quyết định. Họ sẽ băn khoăn chuyện liệu cô ta lại kiện công ty mình, hay tệ hơn là kiện mình, thì sao”.
Không ai trong số những nạn nhân chia sẻ với Vanity Fair chịu chấp nhận để vụ kiện quấy rối tình dục trở thành “di sản” của đời họ. Nhiều người cố gắng chịu đựng môi trường làm việc độc hại vì tiếc hàng năm trời lao động chăm chỉ, nỗ lực, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp mới đủ sức trụ vững trong các công ty truyền thông hàng đầu.
Nếu quyết định lên tiếng, gần như chắc chắn, họ sẽ đánh mất mọi thành quả phải rất vất vả mới đạt được từ trước đến nay, đánh mất nguồn chu cấp cho cuộc sống bản thân và gia đình trong hiện tại, đánh mất danh tiếng và sự nghiệp của mình trong tương lai. Những trái tim dũng cảm dám hiên ngang đối đầu với nạn quấy rối tình dục xứng đáng nhận được điều tốt đẹp hơn thế – tốt đẹp hơn những tràng pháo tay tuyên dương hình thức để che giấu cho loại “danh sách đen” cô lập ngấm ngầm.
—
Xem thêm
Lạm dụng tình dục – Khi quyền lực đặt không đúng chỗ
Quấy rối tình dục ở Hollywood: Khi nạn nhân không chỉ là phái yếu
Lược dịch: Thùy Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Vanity Fair