[Review sách hay] “Ngây thơ như nàng” – Sân khấu của sự bạc nhược
Mang trong mình nhiều dòng máu hợp lưu khi là người Mỹ gốc Nhật – Anh – Trung Quốc, Rowan Hisayo Buchanan đã có màn chào sân văn chương vô cùng ấn tượng với Ngây Thơ Như Nàng. Đây là cuốn sách độc đáo xoáy sâu vào cuộc truy tìm căn tính cũng như tình trạng yếm thế của những cá thể nhạy cảm đặc biệt.
Bám theo cuộc đời của người nghệ sĩ gốc Nhật Yuki Oyama vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngây thơ như nàng có cốt truyện song tuyến được kể bởi hai nhân vật cũng đồng thời là hai mẹ con, nói về quá khứ, mất mát cũng như tổn thương còn đó trong ngày hiện tại. Với cuốn sách này, Rowan Hisayo Buchanan đã khắc họa một cách sáng rõ tình thế bạc nhược của những con người “lệch chuẩn” vẩn vơ trong đời sống xô bồ và cuối cùng là bị nhấn chìm trong đó.
KHÚC HÁT CỦA LOÀI THIÊN DI
Ngây thơ như nàng tái hiện bi kịch của một gia đình bị phân tán trong thời hiện đại, tuy không bị buộc theo dòng lịch sử như Pachinko của Min Jin Lee, thế nhưng những tổn thương mà nó để lại vẫn còn nguyên vẹn. Có cha là đại diện của một hãng ô tô Nhật tại Mỹ, nhà Oyama sống trong đất nước của tự do và dường như ngay từ tấm bé, Yuki đã quên mất quê hương của những miếng lươn ăn vào mùa Hè. Nằm trong dòng chảy của những cá thể “lệch chuẩn” khỏi khuôn khổ hiện tồn, cuốn tiểu thuyết này cũng đã khắc họa những đối kháng Đông – Tây trong lối sống và cách thể hiện, của sự giữ vững văn hóa trước nền móng hòa tan. Và Yuki là người chịu nhiều ảnh hưởng nhất của thế lưỡng nan chân trong chân ngoài này.
Với vẻ ngoài của người phương Đông, cô không ngừng bị trêu ghẹo chỉ bởi đường nét khuôn mặt hay khung xương nhỏ bé. Sự yếm thế của cô bị kẹp giữa một bên là những truyền thống được giữ nguyên vẹn từ gia đình, và phía bên kia là mong muốn hòa nhập nhưng không thể được. Cô cô độc trong con người mình và cảm thấy bất lực, khi ngay cả gã đàn ông phô dâm trên phố cũng không quan tâm đến mình, hay với những nhận thức về dục vọng đầu tiên, cô cũng cảm thấy bản thân thua xa Naoki trong cuốn tiểu thuyết của Tanizaki, dẫu đó chỉ là một nhân vật tưởng tượng.
Trạng thái ấy giải thích cho lý do vì sao khi quen Odile, cô cảm thấy đó như vầng mặt trời để cô vây quanh. Odile – một con ngựa bất kham, nhận thấy thứ gì đó ở cô, và để cô trở thành bạn thân của mình. Lần đầu có sự quan tâm, Yuki bị cuốn vào những trò ăn cắp tiền, quyến rũ đàn ông… và cuối cùng là quyết định ở lại Mỹ với cao vọng vươn đến nghệ thuật, mặc cho cô cảm thấy trống rỗng và không có ai kề bên, nhưng đó là hy vọng, cũng là niềm tin chực chờ nhen nhóm. Hành động đổ hết những hộp đồ ăn mà mẹ cô đã nấu hàng tiếng đồng hồ cho mình như là chỉ dấu cho sự tuyệt giao để bắt đầu một cuộc đời mới, một lối sống mới.
Và đỉnh điểm là cuộc tình với Lou, người đàn ông mà cô đã lấy khỏi tay Lillian – mẹ của Odile, để rồi trở thành tình nhân bé bỏng, mặc cho tính nam độc hại, với bạo lực, sỉ nhục và trạng thái phụ thuộc một cách tàn nhẫn. Vì sao một cô gái trẻ như Yuki, với ước mơ tiến đến nghệ thuật, lại bị bóp nghẹt bởi một người đàn ông hoàn toàn không xứng đáng? Đó là bởi trạng thái cô độc và sự chênh vênh. Cái yếm thế và những xung đột văn hóa dường như nằm sẵn trong gen của loài thiên di, và thật không may cô cũng sở hữu nó. Nước Mỹ vĩ đại với nhiều con người, nhưng họ lướt qua như một ngọn gió không gợn bóng mây.
Như những suy tư cô nói: “Nhưng, Lou đối xử với cô như một con người, ông ta hỏi thăm cô ra sao, ăn uống thế nào, cô thấy mình không vô hình khi ngồi đây, trên chiếc ghế này, cùng nhau ăn thịt hun khói, và cô ước sao họ cứ ngồi như thế mãi đến khi thành phố thắp lên những ngôi sao neon”. Đó là câu giải thích cho việc cô trở thành một cô gái bé nhỏ vô hại, cứ như không thể phản kháng cũng là phẩm hạnh, và nó làm nên Ngây thơ như nàng. Cô là người bạn diễn cho tính nam độc hại của Lou, cô vờ như sống đời sống màu mè, nhưng dĩ nhiên, phía dưới chẳng có vị khán giả nào. Và khi Lou bỏ cô, mọi thứ chấm dứt, tròng trành như thể nước sánh ra ly, nhưng là a-xít ăn mòn lên da – lớp da của thứ mặt nạ bao che cho mọi tính từ đặc tả thể trạng yếm thế của một con người mất hết kết nối.
NỖI ĐAU CÒN MÃI
Được kể song song giữa hai mạch truyện, ngoài việc đặc tả tuổi trẻ bạc nhược của một cô gái cố vươn đến cao vọng, Rowan Hisayo Buchanan cũng hướng người đọc đến một mảnh ghép khác, là phía sau tấm màn nhung hào nhoáng của vở diễn trên, với những cá thể bị ảnh hưởng, là những phôi thai đã thành hình và gián tiếp bị bỏ rơi bởi trạng thái cô độc, bởi nỗi ám ảnh không thể chịu nổi của việc sợ mất đi, không tồn tại hay là xác tín.
Đó là Jay – con trai của Yuki. Là một người con không được mong muốn, Yuki bỏ rơi con mình để mơ về một người mẹ có phần hoàn hảo, với sự nghiệp nghệ thuật, với nỗi ám ảnh sẽ dần tan biến và từ đó chỉ còn lại người vợ – người mẹ một cách đơn thuần. Thế nhưng, điều đó gần như không thể đạt được. Jay là phần nối dài của Yuki, là thế hệ thứ hai không còn yếm thế bởi những vấn đề sắc tộc, di cư, nhập cư; thế nhưng tiếp tục sở hữu một căn bệnh khác, đó là những tổn thương vì bị bỏ rơi bởi người đáng nhẽ đã nuôi nấng mình.
Luôn phải mang theo chú mèo trị liệu vì những tổn thương tâm lý, khi có Eliot, Jay khó lòng cảm nhận được sự kết nối với con gái mình. Dường như mối dây giao cảm đã bị cắt đứt vào ngày Yuki rời bỏ cậu, và nó truyền lại một cách bí ẩn trong những dạng thể ta không hề biết. Với Jay, Eliot là một “bị thịt” với những mạng lưới thần kinh chạy quanh phức tạp, hay cũng có thể là con “đỉa đói” bám quanh thân người nung núc, để ngày nào đó no say mọc ra tứ chi trở thành con người. Trong Jay hình thành một sự phản kháng mơ hồ với con gái mình, và hẳn nhiên là hậu quả trực tiếp vì sự mất kết nối với cha mẹ, cũng như nỗi đau anh phải trải qua trong một đời sống khi chính bây giờ, với vợ, anh cũng cảm thấy không còn như xưa.
Nếu Yuki là người mở ra vòng tròn của những ước mơ đi hoang, của sự khát khao vươn tới cao vọng nhưng rồi đứt đoạn bởi sự yếm thế cũng như ngây thơ; thì Jay là người khép lại chính vòng tròn đó, với thứ Chẳng có gì, với Nó giờ đây đã được gọi tên và được giải quyết một cách thấu đáo bằng việc gặp lại và tha thứ cho nhau. Jay giờ đây hiểu ra những gì bà buộc phải chịu, bởi chính áp lực quá tải của việc mong được công nhận, của việc tự giải phóng mình như một mưu cầu… mọi thứ đã được nối lại và được hiểu rõ. Ngây thơ như nàng khép lại như thế, vừa đen tối mà cũng tươi sáng một cách đáng ngờ, khi đẹp một nỗi thương đau.
Với cuốn tiểu thuyết đầu tay vô cùng đặc sắc, Rowan Hisayo Buchanan để lại rất nhiều dấu ấn khi đặc tả một cộng đồng người yếm thế trong việc truy tìm căn tính, truyền đi nỗi đau, cũng như sau cùng là sự tha thứ và thấu hiểu nhau. Ngôn từ của cô đạt được tác dụng cần thiết trong những hình tượng có phần đặc biệt, tạo nên bước khởi đầu cho những tác phẩm ấn tượng tiếp theo.
Ngây Thơ Như Nàng
Bài: Ngô Thuận Phát
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE