Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nghệ thuật từ trí tuệ nhân tạo – Thời vàng son đã đến?

Nghệ thuật từ trí tuệ nhân tạo đã trở thành một làn sóng trong vài năm gần đây, khi công nghệ này trở thành tâm điểm của phát triển khoa học.

Giữa thế kỷ 19, Ada Lovelace là người đầu tiên trên thế giới viết ra những dòng ngôn ngữ lập trình đầu tiên, trước khi người ta hình dung ra chiếc máy tính sẽ vận hành như thế nào. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, các nghệ sĩ chỉ nhìn vào Ada như một nàng Thơ với nhan sắc yêu kiều, không mấy ai quá bận tâm về tư duy toán học của nàng. Bản thân nàng và những nghệ sĩ đương thời thật khó mà hình dung ra được, gần 180 năm sau, tên nàng đã trở thành nguồn cảm hứng để đặt tên cho một nghệ sĩ khác: Ai-da. Ai-da phải chờ người khác đặt tên cho, vì nàng là một robot, và tài năng của nàng là kết quả của một quá trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

trí tuệ nhân tạo 1
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần tự nhiên của cuộc sống loài người. Tuy nhiên, khi chiếc máy tính trở thành những nghệ sĩ, tạo ra những tác phẩm độc nhất vô nhị, người ta phải giật mình tự hỏi: Nghệ thuật sẽ đi về đâu?

Đầu tháng 6/2019, Ai-da – trong bộ đầm màu xanh sẫm, mái tóc màu đen chải chuốt – đứng giữa phòng trưng bày tại Đại học Oxford, diễn thuyết về các tác phẩm của mình như một nghệ sĩ bằng xương bằng thịt. Trong khi những người tạo ra nàng, các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo tự hào giới thiệu về nàng, một robot có khả năng phân tích hàng triệu tác phẩm nghệ thuật, và từ đó sản xuất ra những tác phẩm nghệ thuật riêng cho mình. Nàng chính là nghệ sĩ robot đầu tiên có triển lãm riêng, tác phẩm của nàng đáp ứng tất cả các tiêu chí của nghệ thuật đích thực, trong đó có đặc tính không thể sao chép, không thể lặp lại. Triển lãm của Ai-da đã trở thành một quả bom truyền thông, nhưng thực ra nàng không phải là hiện tượng đơn nhất.

trí tuệ nhân tạo 2

Trong tháng 3/2019, nhà đấu giá uy tín Sotheby đã trân trọng giới thiệu Memories of Passersby – một tác phẩm sắp đặt kỹ thuật số của Mario Klingemann, trình chiếu lại quá trình tạo ra một bức vẽ chân dung của trí tuệ nhân tạo. Memories of Passersby cho thấy quá trình hoạt động của hệ thống GAN (generative adversarial network). GAN là loạt thuật toán do nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Ian Goodfellow viết ra. Theo cách miêu tả đơn giản nhất, đó là quá trình của hàng trăm nghìn lần “tung hứng” dữ liệu của hai chương trình. Chương trình thứ nhất phân tích hàng loạt bức tranh truyền thống, sau đó sử dụng các dữ liệu ấy để tạo ra những tấm chân dung mới. Sau đó, chương trình thứ hai sẽ phân tích chân dung ấy với chân dung gốc để chỉ ra các dữ liệu “giả”, rồi lại cung cấp ngược lại dữ liệu cho chương trình thứ nhất để phân tích tiếp. Cứ như thế, hai thuật toán kết hợp với nhau nhịp nhàng như hai bàn tay đang nhào nặn chất liệu kỹ thuật số, cho tới khi chương trình thứ hai không thể phân biệt được dữ liệu tác phẩm gốc và dữ liệu “giả”.

trí tuệ nhân tạo 3

GAN vận hành đúng theo cách của những nghệ sĩ người học hỏi, nghiên cứu tiền bối để tạo ra những hình ảnh sống động, có một không hai, không bao giờ trùng lặp của riêng mình. Nhiều nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo kiêm nghệ sĩ trên khắp thế giới đã vay mượn thuật toán của GAN và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách của riêng mình. Trong số đó, có thể kể đến chàng sinh viên trẻ Robbie Barrat, tác giả của những bức họa khỏa thân được chú ý, người gần đây vừa kết hợp với danh họa người Pháp Ronan Barrot tổ chức buổi triển lãm muôn nghìn vẻ của một bộ xương sọ.

trí tuệ nhân tạo 4
Nghệ thuật từ trí tuệ nhân tạo đã trở thành một làn sóng trong vài năm gần đây, khi công nghệ này trở thành tâm điểm của phát triển khoa học. Nếu như trước đây, giới sưu tầm nghệ thuật xem những tác phẩm do máy tính sản xuất là hời hợt, vô hồn, có thể sản xuất hàng loạt như thời trang giá rẻ, thì bây giờ họ đã mau chóng thay đổi cách nghĩ. Các tác phẩm có thể được bán ra với mức giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn USD.

Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trí tuệ nhân tạo đạt tới đâu? Thật khó để nói một cách rõ ràng vào lúc này. Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy thước đo của các nhà giám tuyển nghệ thuật làm tiêu chuẩn, mới gần đây thôi, một bức chân dung áp dụng chương trình GAN vẽ ra có tên Edmond de Belamy đã được nhà đấu giá Christie bán với giá 432.500 USD. Các tác phẩm của Aida tạo ra cũng đã được nhiều nhà sưu tập mua lại với tổng số tiền thu được lên đến gần một triệu bảng Anh.

trí tuệ nhân tạo 5

Con số đáng giật mình này quả thực đã chứng minh một tác phẩm do máy tính tạo ra cũng có giá trị thương mại không thua kém bất kỳ tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ danh tiếng. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với rất nhiều chỉ trích, không chỉ từ phía những người muốn bảo vệ sáng tạo nghệ thuật truyền thống mà còn từ chính những nghệ sĩ đang nghiên cứu trí tuệ nhân tạo khác. Chris Peters, một nghệ sĩ trí tuệ nhân tạo cho rằng tác phẩm hoàn toàn dựa trên các thuật toán vẫn là một tác phẩm đồ họa vô hồn. Anh muốn tôn vinh cái tôi của nghệ sĩ bằng cách dùng máy tính phân tích hàng nghìn bức tranh phong cảnh, tạo ra một tác phẩm kỹ thuật số, rồi tự tay vẽ ra tác phẩm ấy lên toan. Một bức tranh của anh hiện được rao bán từ 5 đến 10 nghìn USD.

trí tuệ nhân tạo 6

Khi một tác phẩm do máy tính tạo ra được đánh giá cao tới như vậy, vấn đề nảy sinh tiếp theo là liệu nó có khiến cho các nghệ sĩ con người mất việc làm hay không? Hugo Caselles-Dupré, một trong những nhà khoa học máy tính thuộc tổ hợp sáng tạo Obvious tại Paris, người đứng sau tác phẩm Edmond de Belamy khẳng định rằng họ không nghĩ nghệ thuật của trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người. Anh so sánh sự xuất hiện và phát triển của phương thức sáng tạo này như sự xuất hiện của máy ảnh trong thế kỷ 18. Nó đơn giản là một loại hình nghệ thuật mới, góp phần cho sự phong phú của nền văn hóa các quốc gia, và khám phá khả năng vô tận của con người. Tuy nhiên, anh cũng tự tin rằng, đây chính là thời vàng son của trí tuệ nhân tạo, và anh cùng các đồng nghiệp vẫn còn nhiều việc để làm.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)