Sức khỏe tinh thần trong đời sống hiện đại
Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của xã hội, hiện đại hóa, toàn cầu hóa không những làm cuộc sống ngày càng tiện nghi đầy đủ, mà đồng thời còn mang lại những vẫn đề tiêu cực khác. Con người đang phải chịu áp lực rất lớn từ vấn đề môi trường, thảm họa thiên tai, nghèo đói, dịch bệnh, stress, phân biệt đối xử… Đặc biệt, sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã đẩy nhanh tiết tấu cuộc sống, con người ngày càng bị cuốn theo vòng xoáy công việc, tiền bạc, danh vọng. Ảnh hưởng từ những mặt tiêu cực của xã hội hiện đại, áp lực của công việc gây nên tình trạng cô lập xã hội, buồn phiền, lo âu, có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc và những vấn đề khác.
Mặc dù vậy, đã có một thời gian sức khỏe tâm thần vẫn chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc như sức khỏe vật lý.
Khi nghe đến từ “sức khỏe”, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu của hầu hết mọi người là sức khỏe thể chất – tập thể dục, ăn uống lành mạnh… nhưng họ ít khi đề cập đến sức khỏe tinh thần của mình. Mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất thường bị hiểu nhầm bởi vì tâm trí và cơ thể được coi là hai thực thể riêng biệt, nhưng bằng chứng là hai thực thể này có mối liên kết chặt chẽ. Sức khỏe tâm thần kém sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các quyết định mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, các biến chứng sức khỏe khác như béo phì, suy yếu hệ thống miễn dịch…
Theo nghiên cứu cho thấy, sức khỏe tâm thần chính là chìa khóa của bộ máy thần kinh con người, giúp chúng ta làm chủ được hành động của mình, có sự thích ứng cao đối với mọi hoàn cảnh, thiết lập và duy trì tốt mối quan hệ với người khác. Tương tự, nếu chúng ta mắc những căn bệnh liên quan đến thể chất, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tinh thần.
Nghệ thuật là phương thuốc chữa lành
Nhắc đến nghệ thuật, có lẽ đại đa số mọi người sẽ liên tưởng ngay những tác phẩm cao siêu, trừu tượng, phức tạp, nhưng “nghệ thuật” thực tế lại ở gần hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Cuộc sống của con người vẫn luôn được bao quanh bởi nghệ thuật và nó chính là nền tảng cơ bản nhất tạo nên một cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nghệ thuật thị giác có thể là một bức tranh tường trên một tòa nhà, một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng trong viện bảo tàng, một bức ảnh chụp bằng điện thoại thông minh hoặc một bức vẽ bằng bút chì màu nguệch ngoạc của một đứa trẻ. Nó cũng có thể là thời trang, layout trang điểm ấn tượng, kiến trúc, thiết kế nội thất… Nghệ thuật còn xuất hiện dưới dạng âm nhạc, vở kịch, khiêu vũ, phim, các buổi biểu diễn đường phố. Nghệ thuật là văn thơ được viết ra, là sự kết hợp hương vị và cách trang trí của những món ăn.
“Nghệ thuật có sức mạnh giúp chúng ta vượt ra khỏi những khả năng thiên nhiên đã ban tặng. Nghệ thuật giúp chúng ta bù đắp vài điểm yếu bẩm sinh – trong trường hợp này, ta hiểu đó là những khiếm khuyết trong tâm hồn, chứ không phải khiếm khuyết về cơ thể”, triết gia Alain de Botton cùng nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật John Armstrong nhận định trong tác phấm Art as Therapy.
BÀI LIÊN QUAN
Một trong những mục đích sâu xa nhất của nghệ thuật, hơn cả việc phục vụ niềm đam mê cái đẹp đơn thuần, chính là trị liệu cho tâm hồn. Khi chúng ta vẽ một bức tranh, trải nghiệm bất kỳ hình thức nào của nghệ thuật, đó không đơn thuần chỉ là một hoạt động thể chất, mà con người buộc phải tạo ra mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, tập trung vào nhận thức, trí tưởng tượng và cảm xúc của chính mình. Giữa bao nhiêu áp lực trong cuộc sống hằng ngày, làm sao để chúng ta lắng nghe được tiếng nói từ con tim? Đôi khi thật khó thể hiện những gì chúng ta cảm nhận, đó là lý do tại sao nghệ thuật là một chiếc cầu trung gian, đưa những tác giả, những người trải nghiệm nghệ thuật tham gia vào cuộc đối thoại với tác phẩm, từ đó khám phá những cảm nghĩ, cảm xúc mà bản thân đang trải qua, học cách giao tiếp với chính mình và với người khác. Đến với nghệ thuật, ta khắc họa thế giới quan bên trong và tạm quên đi thế giới bên ngoài.
Vì lẽ đó, con người có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng thông qua các hình thức nghệ thuật. Giáo sư Semir Zeki, nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học London, khẳng định rằng khi chúng ta nhìn chằm chằm vào những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, não bộ sẽ được kích thích tăng mức độ dopamine như khi chúng ta yêu. Âm nhạc có thể gây ảnh hưởng mạnh tới tâm trạng của chúng ta, giúp bồi dưỡng những trạng thái tích cực như sự hăng hái, phấn khởi và lạc quan, yêu đời, làm giảm những trạng thái lo âu, chán nản, tức giận… Theo nghiên cứu khoa học về cơ sở sinh lý học thần kinh (the neurobiological basis) của nghệ thuật, hội họa có thể giúp người bệnh chủ động giải phóng những cảm xúc tiêu cực, thúc đẩy những phản ứng của cơ thể để thích nghi với sự căng thẳng, thay vì thụ động chờ đợi thời gian chữa lành những vết thương tâm lý.
Con người bẩm sinh đã có óc sáng tạo, và tất cả những gì bạn cần làm khi đến với nghệ thuật là trung thực với bản thân và cảm xúc của mình. Một khi bạn thỏa sức sáng tạo, người nghệ sĩ bên trong bạn sẽ nhanh chóng thức giấc. Trước cả khi loài người được hình thành, nghệ thuật vốn dĩ đã tồn tại và chính tự nhiên đã mang đến thế giới này hình thức nghệ thuật đầu tiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên, với màu sắc rực rỡ, hoàng hôn tráng lệ và âm thanh huyền diệu, là những gì đã kích hoạt khía cạnh sáng tạo, nghệ thuật của con người.
Giống như ngôn ngữ và tiếng cười, nghệ thuật là một hành vi tự nhiên, cơ bản và sáng tạo nghệ thuật là một hành vi nguyên thủy. Tất cả chúng ta sinh ra đều có một năng lực nhất định để sáng tạo và thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật. Chúng ta cần nghệ thuật vì nó khiến chúng ta trở thành con người hoàn chỉnh, nó cho con người sức mạnh để nhào nặn và định hình cuộc sống. Ngay từ đầu lịch sử được ghi lại của nhiều nền văn hóa, loài người đã sử dụng nghệ thuật và biểu hiện sáng tạo như một chất xúc tác mạnh mẽ trong quá trình chữa bệnh.
Nghệ thuật chữa lành Nỗi đau mất mẹ của nghệ sĩ Hom Nguyen
Tuy sinh ra trên đất Pháp, Hom Nguyen có một tuổi thơ giao thoa hai nền văn hóa khi ông sống cùng mẹ – một người phụ nữ Hà Nội khép kín, không nói được tiếng Pháp trong một căn hộ khiêm tốn tại Paris.
Trong ký ức của anh, đẹp đẽ nhất vẫn là những buổi sáng thức dậy thấy mùi thơm nồi phở trong bếp ngào ngạt. Mẹ vừa nấu vừa giảng giải cho ông về chuyện nấu ăn của quê mẹ, nơi mà sự cân bằng, kết nối của các cung bậc gia vị rất được đề cao. Quá đau buồn khi mẹ mất, Hom Nguyen quyết định thu mình trong xưởng và bắt đầu làm việc mình yêu thích nhất: vẽ. Cứ tập trung vẽ một cách bản năng nhất, Hom Nguyen bắt đầu dựng chân dung khổ lớn những yếu nhân mà mẹ anh từng ngưỡng mộ, rồi sau đó, theo dòng cảm xúc, bất kì gương mặt nào chợt xuất hiện trong tiềm thức đều được họa sĩ nắm bắt cảm xúc, từ dáng vẻ tới ánh mắt và đổ lên những tấm toan.
Ở độ tuổi 40, Hom Nguyen đã chính thức trở về với bản ngã nghệ thuật trong tâm hồn mình, tự tạo nên phong cách vẽ chân dung tự do, gồm hàng trăm đường nét đan xen, không đầu không cuối.
“Nghệ thuật có thể đem lại một điểm nhìn lý tưởng để ta quan sát khổ đau của mình”, trích trong Art as Therapy.
Nghệ thuật còn nhắc nhở chúng ta rằng “nỗi buồn là một phần thiết yếu cho một cuộc sống tốt đẹp”. Hướng tới nghệ thuật có thể không làm giảm bớt nỗi đau hay thực sự đưa ra một giải pháp cụ thể mà bạn đang tìm kiếm, nhưng nó là điểm tựa để bạn đối phó với những mất mát đó. Bởi trong quá trình sáng tạo không ngừng, chúng ta học được cách chủ động đối mặt với cảm xúc của bản thân, nhìn ngắm, nghiền ngẫm và biến chúng thành điều đẹp đẽ. Hom Nguyen trở về với nghệ thuật, xem nghệ thuật là người bạn tâm giao giúp anh cảm thấy bớt cô đơn trong nỗi đau khổ của chính mình. Những nét vẽ tuôn ra giấy tạo thành những tác phẩm dần khẳng định vị trí vững chắc là nền tảng để anh tìm kiếm những điều ý nghĩa trong sự phức tạp của cuộc sống.
vũ trụ sắc màu của KONGO
Nghệ sĩ Graffiti Cyril Kongo – Mr. Colorful và là “thầy phù thủy” trên mọi chất liệu, đã luôn cống hiến hết mình vì tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống một cách phóng khoáng. Ông tin rằng nghệ thuật là sự hiện diện tất yếu trong cuộc sống của con người, và ai cũng có quyền được thưởng thức nghệ thuật.
Kongo bắt đầu tiếp xúc Graffiti khi sống tại Congo, đất nước có tinh thần rất lạc quan và yêu màu sắc, yêu cái đẹp. Cũng từ đây, ông có rất nhiều người bạn địa phương. Kongo chia sẻ: “Khi tôi 16 tuổi, hip-hop bước vào cuộc sống của tôi thông qua những người bạn vừa trở về từ New York với phong cách và thể loại âm nhạc mới. Năng lượng tích cực của họ rất lớn. Graffiti là một yếu tố của hip-hop, và một cách tự nhiên, tôi đã bị nó cuốn hút”. Ông luôn muốn mang đến những năng lượng tích cực nhất đến cho cộng đồng với tư cách là một nghệ sĩ, đồng thời chứng minh nghệ thuật mà ông theo đuổi – “graffiti” xứng đáng được công nhận không kém gì các loại hình nghệ thuật khác.
Kỹ năng chơi màu tài tình của Kongo thể hiện rõ nét trong mọi tác phẩm mà ông tạo ra. Các bức tranh Graffiti luôn được pha trộn bởi rất nhiều sắc màu, nóng lạnh đan xen đem lại hiệu ừng bắt mắt, và ẩn sâu trong cách dùng màu chứa đầy những dụng ý của nghệ sĩ. Kongo khai thác năng lượng rung động của các bảng màu, các sắc độ, đưa tâm hồn người thưởng tranh đến chốn yên bình để họ có thể nghỉ ngơi và nạp năng lượng.
Trong nghệ thuật, sức mạnh chữa lành của màu sắc là không thể phủ nhận và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Màu sắc ảnh hưởng đến những thay đổi sinh lý ở cấp độ tế bào, có thể kích thích thị giác, vị giác, xúc giác và đôi khi là cả thính giác, ngăn chặn các hormone gây căng thẳng và tiết ra các hormone chữa bệnh như serotonin và oxytocin. Màu sắc kết nối chúng ta với những nơi sâu xa hơn trong tâm trí, và đưa chúng ta đi qua những nơi còn mắc kẹt trong tâm hồn để khám phá ra cảm giác vui vẻ ẩn nấp sâu trong chúng ta.
Kongo có những thói quen thể hiện sự chú trọng đến nguồn năng lượng và thế giới tinh thần. Mỗi buổi sáng, gia đình Kongo sẽ cùng nhau ngồi thiền 30 phút để tĩnh tâm, kiểm soát cảm xúc và tạo ra trạng thái tích cực nhất cho ngày mới. Với thế giới nội tâm và tinh thần phong phú, Kongo sáng tác nhiều về những chủ đề có phần trừu tượng như tình yêu, lòng biết ơn, tinh thần tận hưởng cuộc sống hay BST Quantum Physics, vật lý lượng tử – lĩnh vực khoa học được kỳ vọng trong tương lai sẽ giải thích được quy luật vận hành của vũ trụ và sức mạnh của những ý định, cảm xúc. Ngoài ra, những chi tiết như dấu thập với thông điệp “Count your blessings- Trân trọng những điều tốt đẹp”, xuất hiện hầu hết trong các tác phẩm của Kongo, cũng thể hiện dấu ấn tinh thần sâu sắc của người nghệ sĩ.
Bản chất của sáng tạo nghệ thuật không phải là để định nghĩa cho đẹp hay xấu, mà đóng vai trò là “phương tiện truyền tải”, vì thế, quá trình sáng tạo và kết nối vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Các tác phẩm nghệ thuật không cần lộng lẫy hay đặc sắc, điều duy nhất mà chúng ta cần quan tâm chính là những giá trị ẩn chứa bên trong. Mỗi tác phẩm sẽ đưa ta đến gần hơn với những trải nghiệm diễn ra trong quá khứ, những suy nghĩ giấu kín trong tiềm thức hay những ước mơ, khát vọng.
Nghệ thuật giúp mở ra những cảm xúc mà con người muốn trốn tránh, không dám đối diện và buộc chúng ta phải cố gắng suy nghĩ về chúng. Thậm chí, trong quá trình sáng tạo, đôi khi chúng ta lại nảy lên những ý tưởng khác hoàn toàn với dự tính ban đầu, và định hướng dòng chảy suy tư trong chính mình. Đó là sức mạnh của nghệ thuật: vừa là nhân chứng, vừa hoan nghênh giá trị của những cảm xúc rất đỗi bình thường, mà chúng ta vẫn luôn bỏ qua bởi những bộn bề lo toan trong cuộc sống.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE