Nghệ thuật đưa ta khám phá mình, để rồi ta hồi sinh…
“Viết tự thuật để tự thú, hoặc để phản tính, hoặc để tự bày mình với mọi người theo kiểu một tác phẩm nghệ thuật, có thể đó chính là nỗ lực hồi sinh…” – Maurice Blanchot (Văn tự của thảm họa).
Viết là hành vi sáng tạo cổ xưa nhất của loài người, bất kỳ ai biết chữ đều có thể viết. Viết như sự truyền lưu ký ức, trải nghiệm. Suốt thời gian dịch bệnh, rất nhiều người đã cứu cánh cho sức khỏe tinh thần của họ qua việc sáng tạo nghệ thuật. Nhưng sáng tạo nghệ thuật đâu chỉ là tô màu hay hòa âm một bản nhạc vui vẻ xoa dịu bản thân. Sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt bằng sự viết, còn là cuộc đối diện, sự phơi bày các ẩn giấu thầm kín của tâm tư và hãi sợ. Viết là cuộc sáng tạo mà kẻ viết tự đưa mình đi khám phá “một kẻ khác” hay chính bản ngã bị che giấu của mình. Trong tiến trình sáng tác văn chương Việt Nam, đối diện quá khứ, truy tìm bản ngã, phục sinh… không thể không nhắc đến Đoàn Minh Phượng và Linda Lê.
Đoàn Minh Phượng là một nhà văn, đạo diễn đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam. Bằng nghệ thuật, chị liên tục truy vấn sự tồn tại của con người trong các mối quan hệ với kẻ khác, với những gì còn lại của lịch sử đọng trong ký ức cá nhân, với hoàn cảnh những người ly hương. Linda Lê cũng là một nhà văn đặc biệt. Chị tự nhận mình viết trong lối viết “chuyển di”, con người tha hương và xa lạ hóa với chính đời sống, bị vĩnh viễn trục xuất và lưu đày không còn quê hương mà lại phải liên tục hoài vọng về thuở ban đầu ấy. Viết, với hai nhà văn này, là cuộc “tự ăn mình”, phơi bày những ngã rẽ tâm tư mà ý thức thường che đậy khi con người tỏ ra tỉnh táo dưới mặt trời. Viết là tái sinh vào cõi mộng, là sự cho phép con người sống dậy và tồn tại trong dĩ vãng hay tương lai vô tận có thể trùng ngộ.
Viết như Đoàn Minh Phượng, cụ thể trong cuốn Và khi tro bụi, là hé lộ một tâm tư thầm kín, mà khả năng ngôn ngữ của loài người chưa thể chỉ mặt, đặt tên. Gọi tên nỗi ám ảnh bằng ngôn ngữ cũng là cách thức kẻ sáng tạo cho phép mình được sống cho trọn vẹn những thầm kín. Trong cuốn sách này, nhân vật chính An Mi hiện lên giữa sự vô thường của đời sống, cô đã mất chồng và đang tiến gần tới việc tự sát. Mở đầu cuốn sách là hình ảnh An Mi nằm trên chiếc ghế nơi đoàn tàu – di chuyển trên các toa thép sắt này là một biểu tượng cho việc từ bỏ kết nối và đi đứng trên mặt đất cỏ hoa. An Mi chìm đắm trong những ý tưởng quyên sinh vì đối với cô, chồng là người duy nhất cô yêu thương, là lý do để cô sống đến nay. Song, có gì đó nhen nhóm trong tâm trí khiến cô trì hoãn ý định thêm vài năm để ngắm nhìn thế giới và tìm hiểu thêm về chính mình. Rồi trên không gian của những toa tàu, cô nhớ lại khao khát được viết.
Khởi đầu như một phương thức chữa lành đau đớn, viết đã trở thành một hành trình giúp cô tự tìm lại được chính mình, rằng từ thuở ra đời mình cũng có nhiều hạnh phúc. Và viết giúp cô trùng ngộ một cuốn nhật ký của nhân vật kỳ lạ, bị cuốn hút bởi bí ẩn đời sống của anh ta – kẻ tự cho rằng vì phạm tội giết mẹ nên vĩnh viễn bị trục xuất khỏi đời.
Nhưng có lẽ do cùng là kẻ viết chạm vào tâm hồn nhau qua con chữ, cô hồ nghi “tội ác” trong nhật ký kia và quyết định tự mình tìm ra sự thật, vì cô không tin anh ta là tội đồ giết mẹ. An Mi cuối cùng khám phá rằng chính trong sự bất toàn của cuộc sống, con người có thể bị tổn thương và tự nhận lỗi về chính mình dù bản thân hắn không hề làm ra tội ấy. Cô nhận ra hàng bao nhiêu năm, chính cô cũng đã tự đổ tội cho mình nên mới tìm cách chết đi. Cuối cuốn sách, cô thực sự đã trầm mình tự vẫn, nhưng ngay lúc đó, sự sống vùng lên từ chính những “sáng tác” của cô. Cô nhận ra có muôn vàn cách để nối dài sự sống. Sự sống của cô, sự viết của cô là sự tiếp nối sức mạnh từ tổ tiên nơi quê hương cô đã quên, từ người mẹ ruột và đứa em đã bảo vệ cô lúc chiến tranh. Sáng tạo đã mang cô đến những bản ngã và khả năng khác mà cuộc đời cô có thể, vì thế, cô quyết định sống với sự hiện diện của vô số người đã yêu thương cô trong tâm trí và con chữ.
Xem thêm
• 6 tựa sách hay về chủ đề LGBTQ+ cho tháng tự hào
• [Review sách hay] Giáo dục tình cảm – Ảo mộng tiêu tan
Còn với Linda Lê, một nhà văn đặc biệt thường mang lại cảm giác về lời nguyền nguyên thủy: con người bị trục xuất khỏi Eden, mãi mãi thiên di… thì viết lại là cách hiện thực hóa nỗi đau, sự tha phương của phận người. Lối viết của Linda Lê thường mang cảm giác u tối, tái tạo thế giới trầm buồn, nơi có những con người không được xã hội lưu tâm – đó là những người điên, những người phấn đấu hết mình cho ước mơ mà không thể thành danh, hay những người đánh mất ước mơ mà họ mong muốn từ thời trẻ. Mấy ai trong chúng ta không có một phần đau đớn như những nhân vật mà Linda Lê đã dựng nên, khi tuổi trẻ dần trôi đi và ta đánh rơi nhiều hoài bão, quên mất con người ta muốn trở thành, tình yêu ta từng gắn bó. Viết với Linda Lê là sự tự mình cho phép “tâm trí” giãi bày ra hết tất cả trải nghiệm, cảm xúc đã đè nén bao năm; viết cũng là thể hiện ra những thân phận buồn bã cô không thể dừng lại giúp đỡ hay đối thoại trong quá khứ; cũng như để những cố nhân của cô một lần nữa được sống lại và chia sẻ tâm tư với người sống.
Trong Vượt sóng (OEuvres Vives), Linda Lê ẩn dụ rằng sự tìm kiếm mà nhà báo Antoine Sorel thực hiện để tìm ra sự thật về cái chết của nhà văn ở thành phố Le Havre cũng là cuộc tìm kiếm sự thật phía sau các khái niệm như: sáng tạo, chữa lành, cuộc sống… Nhiều nhà nghiên cứu nói Antoine Sorel chính là “cái tôi” khác của Linda Lê bởi nhân vật này chứa các ký ức của bà trong năm tháng sống tại Havre, cũng như có các quan điểm suy tư tương đồng rất nhiều với các bài viết mang tính truy vấn ý nghĩa sự sống của bà. Càng đọc cuốn sách, người đọc sẽ càng nhận thấy các khơi gợi về những lớp bí ẩn quanh việc thực hiện sáng tạo, mà cụ thể hơn là sáng tạo văn chương, cũng như khám phá bí ẩn của một tâm hồn khác trong những cuốn sách của nhà văn vắn số. Dần dần, ý nghĩa của sự viết được truyền lại. Viết là thả trôi hết những khả năng vô hạn của đời sống thành một thế giới để dâng cho không chỉ chính bản thân kẻ viết mà còn cho đời sau.
Xem thêm
• Tại sao cần có nghệ thuật trong cuộc sống?Tại sao cần có nghệ thuật trong cuộc sống?
• [Review sách hay] Flow – Dòng chảy: Đi tìm sức sáng tạo, sự thăng hoa và hạnh phúc
• Liệu nghệ sĩ có phải đảm nhận trách nhiệm “giáo dục” trong sáng tạo nghệ thuật?
Sau khi trang sách gấp lại, sự viết và cuộc sáng tạo nào có khép màn! Mà thật ra lúc đó, sự viết và tác phẩm văn chương mới có đời sống tự do của nó. Nó sẽ sống lâu hơn chính tác giả, nó sẽ chứa tất cả thân phận và linh hồn của tác giả để một người đọc ở một châu lục khác, một thời đại khác cũng có thể đồng cảm. Khi bắt đầu sáng tác, ta có thể sợ hãi, dù là sự sợ hãi thầm kín, rằng sẽ không có ai hiểu được tâm tư ta gửi vào tác phẩm, thậm chí sẽ có người phản đối. Nhưng với những người làm nghệ thuật, với những ai có tâm hồn như Linda Lê hay Đoàn Minh Phượng, thì viết hay sáng tạo trước nhất là để tự khám phá chính mình. Và rồi chúng ta sẽ nhận ra chúng ta không phải là những kẻ duy nhất sở hữu một loại nỗi đau hay hạnh phúc trong toàn bộ lịch sử con người – ta không cô đơn. Càng viết, chúng ta càng không đơn độc, chúng ta tái kết nối với vô số con người qua vô tận không – thời gian. Sự trùng hợp trong lối viết của Đoàn Minh Phượng và Linda Lê có lẽ là vì họ cùng tìm kiếm một thứ được gọi là thế giới tâm tư của những người đàn bà phải xa rời cố hương, hay ít nhất là những người đã từng sống và trải qua kinh nghiệm làm đàn bà trong văn hóa Việt Nam nhưng rồi lại để kết nối này trôi lạc mất khỏi phận mình. Họ là những người đã đối diện với hoàn cảnh bi đát của chiến tranh, phải rời bỏ quê hương không hẹn ngày hội ngộ. Nhưng may mắn thay, nhờ có sự viết mà họ gặp lại và kết nối được với cố hương, với người xưa, với chính bản thân họ trong năm tháng cũ, rồi họ được tái sinh với tâm hồn hoàn thiện và sáng rõ hơn.
Tất cả những niềm vui, hạnh phúc trong đời người rồi sẽ qua đi, ta có thể đánh mất cả hình ảnh của những người ta từng cố khắc ghi trong tâm trí, nhưng nhờ có nghệ thuật và sự thực hành nghệ thuật, chúng ta luôn có thể một lần nữa gặp lại họ. Hãy sáng tạo đi để ta tự nhận ra những tâm tư bí ẩn ở sâu trong lòng mình, ta hạnh ngộ với con người trong quá khứ của ta, như hoài bão ta ngày trẻ… để rồi ta biết mình nên làm gì để hạnh phúc hôm nay. Viết là một hành trình sáng tạo giúp chúng ta nhận ra rằng chữa lành là khi ta đối diện được với tất cả những gì đã đọng lại trong tâm trí mình như truyền thống gia đình, chuyện người tình xưa, người từng làm ta hạnh phúc…
Viết, như thế, là hành trình để chúng ta hồi sinh.
* Bài viết là lá thư gửi đến tâm hồn Linda Lê, chị đã mất vào 9/5/2022, nhưng với con chữ, chị sẽ hồi sinh. Con chữ của chị sẽ chữa lành cho nhiều người khác cũng như khiến vô số người tiếp tục sáng tác nghệ thuật.
Bài: Vương An Nguyên
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE