Chào Quang, lâu lắm mới lại có dịp trò chuyện cùng Quang, kể từ show “Nón” với Khải. Gần đây, Quang về Việt Nam diễn thường hơn, hay Quang có dự định chuyển hẳn về quê hương?
Tôi vẫn biểu diễn nhiều ở nước ngoài liên tục, tính đến nay cũng phải vài chục nước. Thật ra diễn ở nước ngoài rất thích, bởi khán giả rất quan tâm và biết thưởng thức giá trị âm nhạc dân tộc. Nhưng sau này, tôi tự cảm thấy mình nên về nước nhiều hơn bởi cái chất Việt trong mình rất mạnh, nếu không tìm về cội nguộn thì hơi… phí. Nhạc của tôi là sự pha trộn bởi cả tính truyền thống và hiện đại nên khán giả sẽ đón nhận với một tư duy khác.
Theo Quang, thời điểm bây giờ khán giả đón nhận nhạc của Quang có khác trước không?
Vâng. Có thể nói lượng khán giả đã tăng, họ bắt đầu quan tâm, mở lòng hơn với thể loại nhạc mang âm hưởng dân tộc này và thưởng thức với một thái độ trân trọng hơn trước. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, dù có nhiều hơn nhưng thật ra vẫn là chưa đủ với con số mình kỳ vọng. Nhưng cái gì cũng phải có thời gian phải không chị?
So với khán giả nước ngoài thì sao?
Dĩ nhiên, khán giả nước ngoài vẫn quan tâm nhiều hơn bởi đây là thể loại nhạc lạ đối với họ, cũng bởi họ tò mò và muốn tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc và nhạc truyền thống. Tuy nhiên, gần đây khán giả Việt đã thấy hứng thú hơn bởi nhạc của tôi gần gũi hơn với nhịp thở của thời đại mà vẫn có hồn dân tộc trong đó. Nó khiến người Việt dễ thẩm thấu, dễ đồng điệu.
Khi biểu diễn ở nước ngoài, tôi chơi nhạc mang tính dân gian nhiều hơn. Nhưng với khán giả trong nước, nếu nhạc truyền thống quá lại dễ gây buồn ngủ. Vì vậy, tôi kết hợp với nhạc đương đại, bởi đôi tai khán giả luôn mong muốn những điều thú vị, thích những thứ gây hưng phấn, có thể chạm vào nhiều giác quan. Tất nhiên âm nhạc nói chung có nhiều chiều kích khác nhau. Nhưng nếu để biểu diễn trên sân khấu, tôi sẽ luôn chọn những yếu tố cảm xúc gây kích thích như về nhịp điệu, kỹ thuật hát…
Công nhận Quang có một giọng hát rất ngọt mang nhiều cảm xúc. Nó khiến khán giản nhanh chóng quên đi thực tại và chìm đắm vào một không gian riêng của Quang.
Tôi chưa từng học thanh nhạc ở đâu cả, đều là 100% tự nhiên đấy. Các thầy giáo thanh nhạc bên Hà Lan có bảo tôi học thêm về kỹ thuật thanh nhạc như jazz, nhưng tôi nghĩ không cần bởi giọng tôi đặc biệt là ở sự tự nhiên, mộc mạc, không trau chuốt. Có thể nói, giọng tôi có quãng âm rộng và bản thân lại nhạy về âm thanh, có bản năng tốt, nghĩa là chỉ cần nghe là có thể bắt chước hát theo. Chẳng hạn như tiếng của người dân tộc Mông, Tày tôi đều có thể hát theo được ngay. Tôi nghĩ đó là điều may mắn vì được trời phú cho giọng hát, nó giúp tôi bay bổng hơn trong âm nhạc.
BÀI LIÊN QUAN
Ngoài ra, khán giả còn ngưỡng mộ bởi Quang có biệt tài có thể chơi nhiều nhạc cụ một lúc và học theo rất nhanh…
Vâng, tất nhiên tôi cũng cần có thời gian học hỏi, trau dồi. Tôi đi nhiều, đến những vùng sâu vùng xa để tìm hiểu về các giai điệu, nhạc cụ dân tộc. Mỗi nơi đều có bản sắc riêng với nhiều điều thú vị và truyền cảm hứng cho tôi. Sự đa dạng trong nhạc cụ cũng giúp âm nhạc của tôi phong phú và nhiều cảm xúc hơn.
Trong những chuyến đi đó, Quang có thấy sự mai một của nhạc cụ dân tộc?
Những bản làng dân tộc xa xôi nơi tôi đến hiện giờ phần lớn đều Kinh hóa, điều này quả thật đáng buồn. Các nhạc cụ dân tộc được truyền lại từ đời trước nhiều khi chỉ còn dùng để làm vật trang trí trong nhà. Nếu có chỉ dành cho khách du lịch. Tôi thấy tiếc tự nghĩ sao mình không đến từ mười mấy năm trước.
Biểu diễn nhạc dân tộc ở nước ngoài với mục đích là để quảng bá bản sắc dân tộc Việt, nhưng theo Quang, biểu diễn nhạc dân tộc ở Việt Nam ngoài thưởng thức còn có ý nghĩa nào khác?
Chị hỏi hay đấy. Thị hiếu của khán giả trẻ bây giờ khác hẳn. Họ nghe nhạc hiện đại phương Tây và nhạc điện tử nhiều. Nếu biểu diễn nhạc dân tộc thuần túy thì không ai nghe cả, cho thế hệ trước càng không vì mình không thể bằng những nghệ sĩ gạo cội khác. Bởi vậy, tôi kết hợp nhạc đương đại mà vẫn giữ được âm hưởng, tinh túy dân tộc trong đó, vừa để tạo dấu ấn cá nhân của mình, vừa để tạo nên sự lạ lẫm, đổi mới đối với người nghe. Nó sẽ kích thích trí tò mò cho khán giả để họ biết đến nhạc cụ Việt và tiếp tục phát triển nhạc dân tộc trên nền tảng sẵn có.
Đi nhiều, cảm thụ và gắn bó với âm nhạc có chiều sâu hơn, Quang có thấy con người mình dần thay đổi tích cực hơn xưa bởi người ta bảo, nghệ sĩ thường có tính cách hơi… “lạ”?
Thật ra cũng tùy vào mỗi người. Nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn, mà cái tôi lớn quá thường tạo nên rào cản cho chính bản thân và sự nghiệp của họ. Như tôi trước kia cũng vậy, tính cách cũng thất thường, người ta hay bảo mong manh và thường dễ bị tổn thương lắm. Mà như vậy ảnh hưởng đến tính sáng tạo, đến cảm xúc cá nhân rất lớn. Bây giờ, tôi nghĩ lại thấy tiếc khoảng thời gian 10 năm trước, lúc ấy tôi thậm chí còn mông lung với tương lai của mình, không biết mình muốn gì bởi ngay từ đầu tiên, nghiên cứu âm nhạc dân tộc đâu phải con đường tôi chọn. Mãi sau này, cứ tiếp tục học, tôi mới yêu và đam mê nó. Bởi vậy, thời gian này tôi đi nhiều, cố gắng trở về với thiên nhiên nhiều hơn. Lúc ấy, tôi cảm thấy tự do, tinh thần thoải mái, hào sảng hơn, sáng tác cũng có chiều sâu và có tính thiền nhiều hơn. Những chuyến đi như vậy giúp lời bài hát của tôi trở nên tinh khiết và chân thật hơn. Song song đó, tôi tập yoga đều đặn, giúp giữ cân bằng nội tâm và điều tiết được cảm xúc. Tôi thấy mình sống khoan thai, tự tại hơn.
Cảm ơn Quang đã chia sẻ!
—
Xem thêm
Auto-Tune đã cách mạng hóa âm nhạc như thế nào?
5 phim tài liệu âm nhạc “bóc trần” đời sống của người nghệ sĩ
Nhóm thực hiện
Bài: Hương T Ảnh: Barack Huy, Đào Thanh Hưng Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE