Người phụ nữ đứng sau thành công cuộc thi Hoa hậu Thế giới
Không phải là người sáng lập ra Miss World nhưng bà Julia Morley mới là nhân tố giúp cho cuộc thi này trở thành truyền thống không thể thiếu trong suốt sáu thập kỷ.
Ấn tượng đầu chưa đẹp
Ít ai biết rằng Miss World cũng từng vấp phải những chỉ trích và tranh cãi xung quanh việc đưa những cô gái xinh đẹp vào một đấu trường.
Khi ra đời, Miss World được khởi xướng chỉ với mục đích quảng bá cho những bộ áo tắm gợi cảm. Đó là ý tưởng ban đầu của ông Eric Morley, một người làm quan hệ công chúng. Không ngờ rằng kế hoạch thu hút những mỹ nhân đẹp nhất về một điểm lại tạo hiệu ứng không ngờ trong mắt công chúng. Ông đã quyết định biến Miss World – Hoa hậu Thế giới trở thành sự kiện thường niên.
Năm 1954, cuộc thi lần đầu tiên được diễn ra với sự tham gia của 26 thí sinh đến từ 26 quốc gia trên thế giới. Choáng ngợp bởi những người đẹp nhưng người ta không khỏi băn khoăn về ý nghĩa thực sự phía sau sự kiện này. Nhất là với hình ảnh Hoa hậu Thế giới đầu tiên, Kiki Haakonson lại được trao vương miện khi đang vận bộ đồ tắm hai mảnh.
Khi phong trào tôn vinh nữ quyền và bình đẳng giới phát triển thì cuộc thi Hoa hậu Thế giới chẳng khác gì một cái gai trước mắt. Họ cho rằng việc đánh giá phụ nữ thông qua sắc đẹp thật chẳng khác nào một sự xúc phạm nhân phẩm và tại đây con người được đối xử giống như một món hàng.
Tầm nhìn của một bà nội trợ
Mặc dù Kiki Haakonson là hoa hậu đầu tiên và cũng là cuối cùng phải đeo vương miện trong một bộ đồ hai mảnh nhưng điều đó vẫn chưa đủ để khiến Miss World trở thành sự kiện được mong đợi hàng năm. Cuộc thi rất cần có một tầm nhìn mới để xóa bỏ ý nghĩ phụ nữ chỉ cần có nhan sắc để được xem trọng.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các thí sinh của cuộc thi đã được đánh giá kĩ lưỡng hơn, hình thể là một chuyện nhưng sau cùng trí tuệ mới là điều đáng nói. Không chỉ người mẫu hay diễn viên mới tham gia thi mà sau này cũng có rất nhiều cô gái đến từ tầng lớp tri thức đến thử sức. Hoa hậu Thế giới đầu tiên của Ấn Độ, Reita Feria vừa rất xinh đẹp nhưng cũng giỏi giang không kém với bằng chứng nhận hành nghề bác sĩ hạng ưu.
Nhưng có vẻ như thế vẫn chưa đủ với đám đông khi mà vào năm 1970, Miss World lần đầu tiên phải đối mặt với những người biểu tình vì nữ quyền. Rõ ràng cuộc thi mới chỉ dừng ở mức danh tiếng mà lại hoàn toàn thiếu đi ảnh hưởng tích cực.
Đến năm 1972, Eric Morley mới chính thức mời phu nhân của mình là bà Julia Morley, cũng là một người làm trong ngành giải trí cùng tham gia vào công tác tổ chức cho Miss World. Như vậy bà Julia hoàn toàn có thể vực dậy và phát triển di sản này, nhất là khi chẳng ai có thể tôn trọng phụ nữ hơn một người phụ nữ cả.
Beauty With A Purpose – Sắc đẹp với một mục tiêu là thay đổi đầu tiên và cũng là cuộc cách mạng lớn nhất mà Julia Morley mang lại cho Hoa hậu Thế giới. Đây là dự án mà thông qua cuộc thi, các thí sinh sẽ phải tự lên ý tưởng cho công việc từ thiện ở quê nhà. Miss World sẽ giúp gây quỹ thực hiện cho các dự án này, điều quan trọng là tính khả thi và ý nghĩa đằng sau nó.
“Không nhất thiết cô gái thông minh nhất phải chiến thắng. Tôi muốn cô gái ấy phải là người dễ hợp tác nhất trong thời gian đương nhiệm, phải là người không sợ lấm bẩn, không ngại ngần bế một đứa trẻ trong khu ổ chuột của Haiti”.
Beauty With A Purpose đã đem về hàng trăm triệu bảng nhằm hiện thực hóa các dự án từ thiện, nhân đạo. Chi trả dịch vụ y tế cho trẻ em, gây quỹ cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay cứu lấy những cánh rừng đang có nguy cơ bị chặt phá,… chỉ là một số ít những điều thiết thực mà Miss World đã đem lại cho thế giới. Đúng như lời bà Morley đã phát biểu: “Vẻ đẹp chân thực nhất của Hoa hậu Thế giới chính là sắc đẹp với một mục tiêu”.
Không cần trực tiếp đến những vùng khó khăn nhưng Julia Morley lại biết sử dụng đầu óc của mình để nhân rộng việc tốt. Trên cương vị là Chủ tịch của Tổ chức Hoa hậu Thế giới, bà thường xuyên được trao giải thưởng cho những cống hiến của mình.
Julia Morley lên nhận giải thưởng nhân đạo Variety Humanitarian Award năm 2016.
Khi được chồng đề nghị công việc, Julia thừa nhận rằng mình chỉ là một người mẹ, một bà nội trợ không hơn. Nhưng có khi chính những trải nghiệm rất đời thường của bà lại đem đến ý nghĩa chân thực nhất cho Hoa hậu Thế giới. Eric Morley chắc chắc sẽ không hối tiếc khi để phu nhân kế thừa di sản.
—
Xem thêm
Những thiệt thòi & thành tích của Lan Khuê tại Miss World 2015
Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)