Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nỗ lực phục dựng văn hóa Việt đầy ấn tượng của ê-kíp “Người Vợ Cuối Cùng”

"Người Vợ Cuối Cùng" - bộ phim điện ảnh đậm chất Việt nhất năm 2023 - được xây dựng bởi vị đạo diễn tài năng Victor Vũ cùng một ê-kíp chất lượng, am hiểu văn hóa và truyền thống của con người Việt Nam.

Người Vợ Cuối Cùng là tác phẩm điện ảnh mới nhất của Victor Vũ, thuộc thể loại tâm lý – tình cảm. Đây cũng là lần thứ hai nam đạo diễn khai thác thể loại cổ trang sau 10 năm kể từ Thiên Mệnh Anh Hùng. Bộ phim kể về Linh (Kaity Nguyễn), người vợ thứ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Cuộc đời làm vợ lẽ nhà hào môn của cô bỗng dậy sóng khi vô tình gặp lại Nhân (Thuận Nguyễn) – mối tình đầu.

người vợ cuối cùng

Sau những ngày đầu tiên ra rạp, Người Vợ Cuối Cùng không chỉ mang đến một câu chuyện tình đầy cảm xúc mà còn thu hút sự chú ý của khán giả bởi nỗ lực phục dựng bối cảnh thời phong kiến. Những khung hình nịnh mắt và chỉn chu đúng chất Victor Vũ cho thấy ê-kíp Người Vợ Cuối Cùng đã có một cách tiếp cận đầy cẩn trọng để đảm bảo rằng bộ phim sẽ mang đậm nét văn hóa Việt.

Đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ rằng anh và ê-kíp đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có Kỹ Thuật Của Người An Nam (Technique du peuple Annamite) để nghiên cứu cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người Việt thời xưa. Phần nhìn được phục dựng công phu này được thể hiện rõ ở một số cảnh quay giàu tính văn hóa: cảnh đám cưới, ngày nhà quan làm cỗ giỗ, phiên chợ huyện, và cảnh sinh hoạt văn nghệ múa rối nước.

cảnh sinh hoạt

Vào ngày Linh lên xe hoa về nhà quan, đám cưới được diễn ra linh đình dưới sự dõi theo của đông đảo bà con làng Cua Ngộp. Điều kỳ lạ là chú rể không hề xuất hiện mà thay vào đó là một bà thầy đang hát chầu văn để… xua đuổi tà ma. Đây là một sáng tạo mang tính châm biếm của ê-kíp Người Vợ Cuối Cùng, bởi lẽ không ai dùng loại hình nghệ thuật này để trừ tà, lại còn trong khuôn khổ một lễ cưới. Cái nghịch lý ấy khiến cả dân làng vừa thắc mắc, vừa lén lút chê cười sự “làm màu” của gia đình quan. Người thể hiện phân đoạn chầu văn trong lễ cưới chính là NSND Thanh Ngoan.

cảnh đám cưới người vợ cuối cùng

Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ thêm, xung quanh ê-kíp luôn có đội ngũ tư vấn để giúp xây dựng một thế giới gần gũi nhất với thời đại bộ phim đang diễn ra. Trong phủ quan, tất cả đồ đạc làm từ gốm sứ như chén, dĩa, bình hoa… đều được đặt làm riêng và vẽ tay tỉ mỉ mô phỏng theo hoa văn thời nhà Nguyễn. Ngoài tông màu nâu được sử dụng phổ biến tại những bộ phim cổ trang, Giám đốc Mỹ thuật Ghia Ci Fam của Người Vợ Cuối Cùng còn khéo léo kết hợp các màu sắc tươi trẻ khác như xanh, đỏ, vàng vào các chi tiết nhỏ trên rèm cửa, nội thất… để tạo nên sự đồng cảm và kết nối với người xem hiện đại.

đám giỗ

Cảnh đám giỗ là một phân đoạn mang đến bước ngoặt quan trọng trong nội dung phim và được đạo diễn Victor Vũ chăm chút vô cùng kỹ lưỡng. Từ cách sắp xếp mâm trên chiếu dưới đến những câu bông đùa về vai trò của người vợ, có thể thấy đây không chỉ là khung cảnh phản ánh văn hoá đời sống và sinh hoạt của người xưa, mà còn ẩn ý về sự bất công đối với phận phụ nữ “tam tòng tứ đức”.


Xem thêm

• Tình Yêu Vô Diện: “F4 Thái Lan” nên duyên với mỹ nhân “Tuổi Nổi Loạn”

• Ê-kíp phim “Yêu Lại Vợ Ngầu” xuất hiện và gây bất ngờ cho khán giả trong xuất chiếu ngẫu nhiên tại Việt Nam

• Kẻ ăn hồn: Câu chuyện chưa từng kể về cổ thuật bí ẩn ở làng Địa Ngục


Phiên chợ huyện – nơi Linh tình cờ gặp lại Nhân và tình yêu của họ được đánh thức – cũng là một trong những bối cảnh được đội ngũ sản xuất Người Vợ Cuối Cùng chú tâm xây dựng. Đạo diễn Victor Vũ cho biết, khi nghiên cứu các hình ảnh tư liệu, đạo diễn Victor Vũ nhận ra người xưa rất thường xuyên đội nón. Chính vì thế, ê-kíp Người Vợ Cuối Cùng đã chuẩn bị rất nhiều loại nón khác nhau cho các diễn viên, tất cả đều được làm thủ công với những vết xước, vết ố màu để trông thật tự nhiên. Với sự tham gia của hơn 200 diễn viên quần chúng, Victor Vũ đã đưa người xem trở về quá khứ và trải nghiệm những buổi họp chợ tấp nập và bình dị.

chợ huyện trong người vợ cuối cùng

Phân cảnh múa rối nước dù chỉ xuất hiện như một chi tiết nhỏ trong Người Vợ Cuối Cùng nhưng cũng mang đến sự hấp dẫn đặc biệt cho người xem. Đạo diễn Victor Vũ đã tạo ra một đêm văn nghệ độc đáo và chân thực nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật lâu đời tại Việt Nam vốn được sáng tạo để người nông dân giải tỏa mệt nhọc sau những giờ làm việc vất vả trên ruộng đồng. Cảnh quay này cũng được thiết kế một cách tỉ mỉ để tạo nên sự đối lập với không khí trong nhà quan: làng Cua Ngộp bình yên, mộc mạc với tông màu ấm và phủ quan sang trọng, cầu kỳ nhưng nhuốm màu lạnh lẽo.

người vợ cuối cùng 1

Để tạo nên những thước phim đậm chất Bắc Bộ cổ xưa, đoàn phim Người Vợ Cuối Cùng đã sử dụng nhiều bối cảnh nổi tiếng như Hồ Ba Bể – Bắc Kạn, Đình Vân – trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của nhân dân làng Vân Cốc xưa cũng như nay, Đình So – ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam được xây dựng từ năm 1673…

Phần tạo hình của các nhân vật cũng khá ấn tượng. Phục sức của ba người vợ nhà quan tri huyện (thủ vai bởi NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Kaity Nguyễn) đều phản ánh đúng tinh thần “sáng tạo trong khuôn khổ” của Victor Vũ: kết hợp từ áo ngũ thân tay thụng, ngũ thân tay chẽn, hoạ tiết trên vải, kiềng cổ, kiềng tay, chuỗi hạt xếp tầng, trâm cài tóc… cho đến những kiểu tóc bới chải lật, tóc vấn trần bỏ đuôi gà, tóc búi bánh lái… Áo của quan huyện có những hình thêu cầu kỳ trong khung vuông nằm giữa ngực. Thám tử Kiên (Quốc Huy) gây ấn tượng với tạo hình đội nón, đeo kiếm trên lưng ngựa. Người thuộc tầng lớp thường dân như Nhân lại mặc quần áo mang chất liệu vải thô, hơi nhăn, màu nâu hoặc xám nhưng bạc màu, cũ kỹ…

quốc huy

Cái hay của Người Vợ Cuối Cùng là không khẳng định bộ phim hoàn toàn sát sử hoặc thuần túy miền Bắc, mà nỗ lực tôn vinh nét đẹp văn hoá của cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Cộng hưởng với những yếu tố sáng tạo và phóng tác cho phù hợp với hơi thở hiện đại, bộ phim đem lại cho khán giả một trải nghiệm vừa thẩm mỹ, vừa điện ảnh, lại rất Việt Nam.

nét đẹp văn hóa trong người vợ cuối cùng

Có thể nhận xét rằng, bộ phim đậm chất Việt nhất năm 2023 lại đến từ một đạo diễn đã sinh sống từ nhỏ tại nước ngoài. Qua đó chúng ta có thể một phần hiểu được sự trân trọng nguồn cội của Victor Vũ và sự tinh tế, quan sát tỉ mỉ của anh đối với văn hóa truyền thống của đất nước. Sự hòa hợp giữa bối cảnh, tạo hình nhân vật, trang phục và câu chuyện tạo nên một bộ phim cổ trang Việt Nam đã rất lâu chưa được làm chỉn chu trên màn ảnh rộng, mang đến cho khán giả một trải nghiệm mới mẻ và nhiều cảm xúc.

Nhóm thực hiện

Bài: ELLE Feature Team

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)