Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nguyễn Thị Thụy Vũ – Xông vào cơn bụi hồng

[Tạp chí ELLE tháng 5/2017] Phía sau sự giản dị của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đó là tầng tầng lớp lớp số phận kẹt trong những khúc mắc cuộc đời - bức bối, đa đoan và mải miết kiếm tìm một lối thoát.

Cùng với Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương và Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã tạo thành bộ ngũ nữ văn sĩ nổi tiếng trước 1975. Mỗi cây bút, mỗi màu sắc và lối đi của Thụy Vũ là tả chân câu chuyện của các nhân vật đến từ nhiều tầng lớp thay vì quẩn quanh với chuyện tình ái lâm ly như đa phần các cây bút nữ. Từ gia đình một ông Phủ về hưu hết thời trong Khung rêu, ba cô nữ sinh tại trường công lập tỉnh lẻ trong Thú hoang, xóm lao động nghèo trong Cho trận gió kinh thiên, cô đào hát bội tài sắc Năm Thàng bỏ đi tu trước biến cố cuộc đời trong Lòng trần đến giới bán phấn buôn hương, các mẹ Mỹ và chuyện phá thai, những giấc mơ bị cưỡng hiếp, những người đàn bà bán trôn nuôi miệng luôn ám ảnh nỗi sợ hãi một ngày nào đó mông teo ngực nhão không còn kiếm ra tiền, đói nghèo sẽ tới, bệnh hoạn sẽ cướp đi cuộc sống,… trong Lao vào lửa, Ngọn pháo bông.

Tất cả họ, dù là ai, thuộc tầng lớp nào, kẹt ở đâu trong khúc mắc cuộc đời, đều hiện lên trên trang viết của Thụy Vũ sống động, tươi mới. Bà không phẩm bình họ đáng thương hay đáng trách, chỉ lẳng lặng vẽ lại chân dung từng người, gom góp lại thành chân dung của một “nhóm người” trong suốt những năm vừa viết văn, vừa đi dạy tiếng Anh cho các cô gái snack bar để kiếm sống. Không ngợi ca phụ nữ, cũng chẳng tô hồng họ, không nói về nữ quyền mà giọng văn Thụy Vũ vẫn cứ tràn đầy nữ tính, đầy sự thấu cảm và sẻ chia.

Những nhân vật của Thụy Vũ, dù thuộc đề tài nào thì hầu hết đều mang trong lòng một cơn bão, chực chờ xổ khỏi không khí ngột ngạt, rồi sẽ bộc lộ thành hành động với mức độ khác nhau tùy điều kiện và sự gan góc. “Từ hồi còn nhỏ tôi đã phải chịu đựng một ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam. Nguyên nhân chánh của sự suy sụp bệ rạc này thì ai cũng biết: chiến tranh. (…) Tôi không hề có ý định làm công việc của nhà xã hội học hay của nhà đạo đức học. (…) Tôi cũng không có ý định phân tích các nguyên nhân, và nhất là phê phán một ai hay một điều gì. Cho riêng tôi, tôi chỉ muốn dựng lại cái thế giới khốn đốn đã bao trùm tôi cho đến ngày nay. Tôi chỉ muốn mô tả một hiện tượng xã hội hoàn toàn thân thuộc mà thôi. Tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật?”- Thụy Vũ viết vậy trong lời tựa Khung rêu. Thụy Vũ có thái độ sống rạch ròi và bình thản. Như cách bà viết. Viết vì cần phải thế, vì đó là sinh kế, chân chính và nhọc nhằn. “Tôi phải ôm cả một bao gạo về nhà rồi mới yên lòng vào viện sanh được. Mà sanh rồi nghỉ 3 ngày lại bắt tay viết tiếp dù trước đó đã cố gắng sắp xếp với các chủ báo”. Sau năm 1975, gia cảnh của Thụy Vũ cũng chẳng khá khẩm hơn. Mỗi ngày bà thức dậy từ 4h30 sáng, lo cơm nước cho con, rồi rút điện, khóa cửa để các con ở nhà, bắt xe từ Thủ Đức vô Sài Gòn đi bán vé xe. Các con bà, đứa lớn nhất 5 tuổi, trông hai đứa còn lại, một tàn tật không cử động được. 8h tối về đến nhà, nhìn con nheo nhóc trong bãi nước tiểu, nước mắt rơi mà chẳng biết làm cách nào… Bà nói, nhẹ tênh: “Rồi thì mọi chuyện cũng qua!“.

Tôi từng là địa chủ mà. Tôi không ủng hộ người nông dân nhưng tôi cũng không phê phán họ. Tôi chỉ viết những gì mình cần phải viết, những gì mà tôi biết là sẽ cuốn độc giả của mình đến trang sách cuối cùng”. Trong thời cuộc nhá nhem, không phải cây bút nào cũng giữ được sự khẳng khái như Thụy Vũ!

Xem thêm

Virginia Woolf, người đặt nền móng cho lý thuyết phê bình nữ quyền luận trong văn học

Những cuốn sách hay để tặng và đọc cùng mẹ

Sài Gòn trong truyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Nhóm thực hiện

Thiên Di - Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)