Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nguyễn Thúy Hằng – Khi sương mờ, lúc khí tan!

Sinh ra trong giai đoạn chuyển giao giữa cũ và mới, giữa những tư tưởng thủ cựu và cái nhìn biến động không ngừng nghỉ của thời đại, Thúy Hằng chính là hình ảnh của một nghệ sĩ đương đại thế hệ mới.

Nghệ sĩ sắp đặt, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1978 tại Quận 5, Sài Gòn, trong một gia đình được giáo dục nghiêm khắc từ cách ăn mặc đến ứng xử, nhưng ngược lại cũng đầm ấm, hài hước và có sự phóng khoáng của người miền Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố, chị chọn đi theo hai con đường song song: làm nghệ thuật thị giác và văn chương. “Mặc dù làm việc trong hai loại hình này, nhưng tôi không nghĩ đó là một khuôn khổ mà mình nhất định phải theo. Tôi vẫn hay kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, phim, nhạc và xem nó như một hình thức để làm sao đạt tới ý niệm mà mình muốn một cách tốt nhất”, Hằng chia sẻ. Và quả thật, ở chị là sự dung hòa của nhiều yếu tố tưởng chừng rất khác biệt, đưa người thưởng thức các tác phẩm của chị đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác.

Điều tôi ấn tượng nhất trong các tác phẩm của Hằng làm là hình ảnh The Warriors – Những chiến binh, cũng là tên gọi của sắp đặt cá nhân lớn nhất chị cho ra mắt khán giả vào tháng 5/2015. 49 hình nhân có khung sắt, bọc vải được Thúy Hằng tỉ mẩn thực hiện từ hơn 6.000m vải xô, gần 700kg sắt gân từ những vựa ve chai và không thể nhớ hết bao nhiêu ký màu nhuộm. Giống như chị chia sẻ thời điểm đó: “Chúng song hành bền bỉ, phơi dưới nắng mưa. Ba ngày, bảy ngày tuần tự từng công đoạn lõi sườn bọc vải, nhuộm vải… Trông có vẻ đông đúc và giống nhau, nhưng thực chất mỗi cá nhân lại mang trong mình bản thể khác biệt. Có những cá nhân nhỏ bé, đơn độc giữa đám đông, có những cá nhân hùng hổ… Cuộc sống thật ra là một cuộc chiến!”.

Lâu lâu lại thấy chị “tung tăng” ở một nhịp sống khác: lúc ở Anh trong một hành trình trải nghiệm vài tháng, khi thì lại là “miền đất hứa” – nước Mỹ xa xôi học và làm việc vài năm. Chị lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc, và với Hằng, không có “cuộc dạo chơi” nào trong thế giới tưởng chừng như phù phiếm đó.

cô gái ngồi trên chiếc ghế bên cạnh tác phẩm điêu khắc

So với thời điểm của 6 năm trước, chị ở thời điểm này dường như có rất nhiều thay đổi?

Khác nhiều chứ! Nếu trước đây tôi là người đi tìm con đường của riêng mình trong tất cả mọi việc thì giờ đây dường như con đường ấy đang ở trước mặt, tôi cứ thế bước đi thôi. Sau khi mẹ mất, tôi không còn quá nhiều ràng buộc và phải đi đến cùng con đường nghệ thuật mà mình đã chọn. Không còn quá nhiều lo lắng, suy tư nữa, lối đi hiện tại của tôi đã rõ ràng hơn rất nhiều, và việc của mình là: cứ thế mà bước thôi.

Nhiều người sẽ luôn nghĩ, nghệ sĩ đương đại là những người… không bình thường lắm. Chị thấy có đúng không?

Không đúng trong trường hợp của tôi (cười). Hình ảnh người nghệ sĩ mà tôi muốn hướng đến không phải là kiểu nghệ sĩ “điên điên khùng khùng” như mọi người hay nói (cười). Tôi phóng khoáng, lãng mạn và yêu những điều thi vị hơn. Tôi cũng là người có sự thực tế chứ không phải lúc nào cũng “chân không chạm đất”.

Điều lãng mạn nhất mà chị từng làm?

Lao động rất cực chỉ để đến một nơi nào đó mình rất thích và ăn một cây kem ngon thì có tính là lãng mạn không? (cười). Tôi nghĩ không có một sự lãng mạn nào thi vị hơn là sống thực với cuộc sống của mình. Bạn phải tin rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng có hoa đẹp, quả thơm. Ngay cả khi là một nghệ sĩ, bạn cũng phải lao động để có thể mua một cây kem ngon. Biết chấp nhận và vui vẻ với điều đó tôi nghĩ rằng là một sự lãng mạn.

Làm nghệ thuật đương đại ở thời điểm hiện tại hẳn có rất nhiều áp lực. Chị có thể chia sẻ một chút về điều này?

Không chỉ ở thời này, nghệ sĩ ở thời điểm nào cũng có áp lực. Nhưng ở giai đoạn này, nhất là đối với những nghệ sĩ “middle career” giống như tôi thì có rất nhiều. Họ phải làm cùng lúc quá nhiều việc, vừa phải khẳng định bản thân qua tác phẩm nghệ thuật, vừa phải tiến lên theo tư duy của thời cuộc hiện tại. Chúng tôi không phải là những người sinh ra trong thời chiến, thế nên để hiểu đất nước, hình thành nên những tư tưởng nguồn gốc, mình phải đọc và tìm hiểm thêm rất nhiều để những tác phẩm có chiều sâu. Đồng thời mình cũng không bị kéo tuột trong những ký ức đau buồn mà buộc phải phát triển.

Có thời gian tôi nghĩ thị trường nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại quá nhỏ để có thể vùng vẫy, thỏa sức sáng tạo. Tôi muốn nó phải phát triển nhiều hơn, cần được “mang ra ngoài”. Nhưng mang ra ngoài ở đây không có nghĩa là phải đi ra nước ngoài, phải “sính ngoại”, mà làm sao để nhiều người nước ngoài biết được câu chuyện Việt Nam hơn. Tôi muốn thông qua những tác phẩm của mình để thế giới biết suy nghĩ, tri thức của người Việt Nam giờ đây đã phát triển xa đến đâu chứ không phải nhắc đến Việt Nam ai cũng chỉ biết đến chiến tranh hay… phở nữa.

Hiện nay có trào lưu của một số nghệ sĩ Việt Nam hoặc Việt kiều về nước thích dùng chiến tranh Việt Nam, những đề tài về lịch sử, văn hóa để làm tác phẩm. Điều này cũng tốt về mặt nghiên cứu, nó giúp cho người thưởng thức có thêm những kiến thức nhất định. Đó cũng là cách chia sẻ cái nhìn của người nghệ sĩ với Việt Nam. Chưa kể, về mặt thương mại, những tác phẩm này cũng “dễ bán” hơn ở thị trường quốc tế, bởi vì như tôi đã chia sẻ ở trên, hầu như thế giới chỉ biết đến Việt Nam qua những cuộc chiến tranh mà thôi.

Bản thân tôi không thích tư tưởng thuộc địa này. Việt Nam ở thời điểm hiện tại có quá nhiều điều thú vị, mới mẻ, nhiều chất liệu hiện đại để nghệ sĩ có thể khai thác. Và với những sáng tác của mình, tôi muốn mang đến những định nghĩa mới về Việt Nam trên một bình diện rộng hơn.

nghệ sĩ nguyễn thúy hằng bên cạnh tác phẩm điêu khắc của cô

Một người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này có cô đơn không?

Nhiều người sẽ nghĩ lao động nghệ thuật vốn nhẹ nhàng ấy mà, nhưng với tôi, đây là một loại hình lao động ngốn hết toàn bộ năng lượng của một người: từ thể chất đến tinh thần. Ngoài sắp đặt nghệ thuật, tôi còn là một người viết. Và tôi muốn làm được nhiều điều có ích cho cộng đồng hơn từ nghệ thuật, ví dụ thành lập một quỹ hỗ trợ cho các nữ họa sĩ, những sinh viên nữ theo đuổi ngành nghệ thuật. Tôi cũng không có khái niệm làm nghệ thuật cho vui, rảnh thì làm. Nó thực sự là con đường dẫn đến những điều lớn hơn mà bạn có thể thay đổi.

Xét về một mặt nào đó tôi cũng rất lẻ loi vì mình chỉ là một nhân tố rất nhỏ trong cộng đồng những người muốn thay đổi quan niệm sống đã quá ăn sâu vào tâm trí người Việt. Nhưng tôi không cô đơn vì may mắn có những người bạn có thể chia sẻ với mình những tư tưởng này. Khi một người phụ nữ không đi theo “barem” của những người xung quanh như là phải kết hôn, có con… tất nhiên thời gian đầu giữa họ và những người xung quanh sẽ có những khoảng cách nhất định. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng là mình thoải mái với chuyện đó. Bởi vậy với tôi, sống như thế là chuyện đương nhiên (cười).

Sắp tới, công chúng có thể chờ đợi để thưởng thức những dự án mới nào từ chị?

Vào ngày 26/4, tôi sẽ kết hợp với Vin Gallery giới thiệu triển lãm sắp đặt Khi sương mờ lúc khí tan – một triển lãm có thể nói là sự đột phá của cá nhân tôi từ trước đến nay. Không chỉ tinh tế hơn trong việc sử dụng chất liệu, màu sắc mà còn là tính triết lý của tác phẩm. Bản thân tôi là người không theo đạo, nhưng càng về sau này tôi lại càng thấy những tư tưởng của mình rất gần với tinh thần của Phật giáo. Bộ tác phẩm sắp đặt này là sự nghiệm về chữ “khổ” thứ tám mà nhà Phật chỉ ra, đó là ái biệt ly khổ. Mình phải biết buông bỏ thôi, ngay cả những người thân yêu, vật thân yêu nhất sẽ đến lúc rời bỏ ta. Và ta phải chấp nhận chính mình trong hành trình đó!

Xem thêm

Hành trình của Show nghệ thuật đương đại “Nón”

Triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn tại Frieze London

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Trang Ảnh: Thuận Lâm Hiếu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)