Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nhà thờ Đức Bà Paris: Tình trạng còn mất của các di sản quan trọng sau hỏa hoạn

Được xây dựng trong hơn 1 thế kỷ, trải qua hơn 8 thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là một trong những biểu tượng của Paris cũng như nước Pháp. Trận hỏa hoạn vừa rồi khiến nhiều chuyên gia lo lắng cho số phận của các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ.

Vừa qua, thế giới đã chứng kiến một thảm họa lịch sử, vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris.

Nhà thờ Đức Bà Paris được vua Louis IX cho xây dựng vào năm 1163, trải qua quá trình hoàn thiện 200 năm dưới bàn tay tài ba của vô số kiến trúc sư, thợ mộc, thợ cắt đá, nghệ nhân, họa sĩ… Nhà thờ cao 70m, là một trong những biểu tượng của Paris cũng như nước Pháp, bởi lẽ đây là kiệt tác kiến trúc Gothic và là một trong những di tích vĩ đại còn sót lại từ thời Trung cổ.

Một trong những nét tiêu biểu của kiến trúc nhà thờ là những ô cửa kính muôn hồng nghìn tía được thiệt kế tỉ mỉ, lắp ghép từ nhiều mảng kính nhuộm màu. Chính những cửa kính này tạo nên không gian lung linh huyền ảo bên trong nhà thờ khi ánh sáng luồn qua, cùng với những họa tiết Gothic cầu kì và tinh tế khiến nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng trên toàn thế giới.

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ, nhà thờ Đức Bà Paris cong là một kho tàng những cổ vật quý báu, bao gồm các bức tượng thánh, thánh giá, chén thánh, áo choàng Napoleon mặc lúc đăng cơ, trang sức đồng, vàng, đá quý… Đặc biệt, bên dưới nhà thờ còn có tàn tích của một hầm mộ cổ đại, được các nhà khoa học xác nhận là một công trình kiến trúc thời La Mã.

Nhà thờ được xây dựng bằng kỹ thuật trụ chống, giúp củng cố kết cấu tòa tháp và ngăn chặn mái vòm sụp đổ. Tuy nhiên, những trụ chống này đã không cứu được vòm mái thoát khỏi sự hư hại nặng nề sau vụ hỏa hoạn vừa rồi. Vụ hỏa hoạn đã phá hủy hai phần ba mái nhà thờ, gây nguy hiểm cho bộ sưu tập các di vật và tác phẩm nghệ thuật trong tòa nhà.

Cùng ELLE Việt Nam điểm lại những di sản quan trọng cũng như tình trạng của chúng cho đến thời điểm hiện tại của nhà thờ Đức Bà Paris.

1. Vương miện gai – cổ vật tôn giáo

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Một trong những báu vật quý giá nhất của nhà thờ – thánh tích Vương miện gai, cổ vật được cho là đã được Chúa Jesus đeo lúc đóng đinh – đã được cứu khỏi ngọn lửa. Theo Stephen Murray, giáo sư danh dự về kiến ​​trúc Gothic và nghệ thuật thời trung cổ tại Đại học Columbia, chiếc vương miện được lưu giữ tại nhà thờ Đức Bà có chứa những mảnh vỡ của cổ vật gốc.

Nhà thờ Đức Bà Paris cũng có một mảnh gỗ được cho là một mảnh của thập tự giá và chiếc đinh được dùng để đóng đinh Chúa.

2. Cửa sổ hoa hồng

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Nhà thờ Đức Bà Paris có ba cửa sổ hoa hồng được ghép từ những tấm kính màu, có hình cánh hoa, kể về các câu chuyện tôn giáo, bao gồm những cảnh trong Cựu Ước và Tân Ước, những câu chuyện về cuộc sống của Mười Hai Tông Đồ và sự phục sinh của Chúa Jesus. Đây là một trong những chi tiết thu hút đông đảo khách du lịch cho Nhà thờ Đức Bà Paris.

Benoist de Sinety, một giám mục của Tổng giáo phận Paris, cho biết nhiệt độ cao đã làm hỏng các cửa sổ, làm tan chảy lớp chì giữ tấm panel của chúng.

3. Thánh tích các vị thánh bảo hộ Paris

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Ngọn tháp chứa các thánh tích của Thánh Denis và Thánh Geneviève, các vị thánh bảo hộ Paris đã chính thức sụp đổ.

Theo truyền thuyết, Thánh Denis, một vị tử đạo ở thế kỷ thứ ba, thường được tái hiện với hình tượng khi ngài tử đạo – không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của mình với nón giám mục. Thánh Geneviève thường được ghi nhận là đã cứu Paris bằng cách sử dụng sức mạnh lời nguyện để chuyển hướng tấn công của Attila, vua của người Huns, ra khỏi thành phố vào năm 451.

Gregory Bryda, một giáo sư về nghệ thuật và kiến ​​trúc thời trung cổ phương Tây tại Barnard, cho biết các thánh tích bao gồm xương, răng hoặc tóc của cả hai vị thánh, được một tổng giám mục đặt vào năm 1935 để bảo hộ tòa nhà.

4. Phòng trưng bày các vị vua

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Nhà thờ Đức Bà Paris có một bộ sưu tập các bức tượng quan trọng – những tượng đá hùng vĩ các vị vua trong Cựu Ước – dọc theo lối vào. Nó được gọi là Phòng trưng bày các vị vua. Tình trạng của những bức tượng hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhưng trước vụ hỏa hoạn, chúng cũng đã trải qua một giai đoạn khó khăn.

Trong cuộc Cách mạng Pháp, các thế lực thù địch với chế độ quân chủ đã nhầm các bức tượng là các vị vua của Pháp chứ không phải của Judea cổ đại. Sục sôi lòng nhiệt thành cách mạng, họ kéo những bức tượng vào Quảng trường Nhà thờ và chặt đầu họ bằng máy chém vào năm 1793. Theo thời báo New York Times, hai mươi trong số những cái đầu được điêu khắc vào thế kỷ 13 đó đã được phát hiện vào năm 1977 trong một bức tường ở một khu phố khác của Paris.

5. Chuông và đàn Organ

nhà thờ Đức Bà Paris
(Ảnh: Wikipedia)

Các học giả cũng chỉ ra các nhạc cụ của nhà thờ cũng là một trong các tác phẩm nghệ thuật có nguy cơ bị phá hủy. Điều đó cũng bao gồm những chiếc chuông nhà thờ, mà cái lớn nhất trong số đó có từ năm 1681 và đã sống sót sau cuộc Cách mạng Pháp. Chiếc chuông đã rung chuyển vào những thời khắc quan trọng trong Lịch sử Pháp, bao gồm việc đánh dấu sự kết thúc của cả hại cuộc Chiến tranh thế giới.

The Great Organ, chiếc đàn organ lớn nhất của nhà thờ, có niên đại từ thế kỷ 19, chứa hơn 8.000 ống từ những năm 1200 và được coi là ví dụ điển hình nhất của Romantic organs, một đóng góp đặc biệt của Pháp cho thế giới organ. Những thứ này góp lại cho phép một nhạc sĩ duy nhất tạo ra những bản giao hưởng của âm thanh.

Bertrand Cattiaux, một nhà chế tác đàn organ, người đã làm việc trong một dự án phục hồi nhạc cụ lớn vào những năm 1990, cho biết chiếc đàn này thoạt nhìn lần đầu đã rất đáng nhớ. Một thành viên của nhân viên nhà thờ đã gọi điện cho ông vào sáng thứ Ba và thông báo không có ống nào bị phá hủy. Nhưng dẫu sao cũng có rất nhiều nguy cơ mà không thể được đảm bảo. Ông sẽ đến thăm nhà thờ trong một vài ngày tới để đánh giá thiệt hại.

Nguyên nhân vụ cháy hiện vẫn chưa xác định được. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ khởi động một chiến dịch tài trợ quốc gia thậm chí là toàn cầu để tái tạo và trùng tu lại nhà thờ Đức Bà Paris.

Xem thêm

Nhà thờ Đức Bà Paris – Hơn cả ý nghĩa của trái tim thành phố

NTK Riccardo Tisci, Clare Waight Keller chia sẻ về vụ cháy lớn ở Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Huyết Vy Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)