Nhiều truyện khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể để hoặc bước lên sàn diễn như kịch Thiên thần nhỏ của tôi hoặc chuẩn bị khởi quay như Cô gái đến từ hôm qua và nhiều dự án khác. Nhưng với nhà văn ăn khách nhất hiện nay, câu chuyện làm nghề không đơn giản là những con số bán vé ở rạp xi-nê hay lượng sách phát hành. Ông dành cho tạp chí thời trang ELLE cuộc trò chuyện về sách và phim, cũng như tình cảm đặc biệt của ông về loài chó – vật nuôi quen thuộc trong nhà.
.
Truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho ta cảm giác gần gũi bởi những nhân vật và cảnh vật quen thuộc xung quanh. Trong truyện mới “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” in lần đầu hơn 100.000 bản, anh viết về 5 con chó trong nhà anh. Được biết, khi truyện hoàn thành thì một chú chó cũng qua đời. Nếu lỡ không may, chú chó ấy mất sớm hơn, liệu anh có hoàn thành tác phẩm này được không?
Tôi nghĩ là tôi sẽ bỏ dở cuốn sách. Khi chú chó Êmê qua đời, tôi đã bùi ngùi viết những dòng này trong bản thảo lưu trong máy tính, ngay dưới dòng cuối cùng: “Khi cuốn sách này đang ở nhà in, Êmê – con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, con chó hào hiệp và nghệ sĩ nhất mà tôi được biết – đã đột ngột qua đời trong nỗi buồn thương vô hạn của tôi. Nếu Êmê ra đi sớm hơn, chắc chắn tôi sẽ không đủ bình tĩnh để hoàn thành cuốn sách này. Có lẽ Êmê cũng biết như thế. Vĩnh biệt con, Êmê thân yêu! Chú sẽ nhớ con lắm đó!”. Đoạn văn này phản ánh chính xác tâm trạng của tôi ngay cả bây giờ.
Trong nhiều tác phẩm của anh, các chú chó, mèo xuất hiện khá đều và đóng vai trò quan trọng. Xin hỏi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh là người yêu thú nuôi và có tình cảm đặc biệt dành cho chúng, vậy những vật nuôi này dành tình cảm thế nào với anh?
Trong tác phẩm Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, tôi có trích dẫn một câu nói của nữ diễn viên người Mỹ Martha Scott: “Nếu bạn đối xử với con chó như một con người, nó sẽ đối xử với bạn như một con chó”. Câu nói của Martha Scott tuyệt vời đến mức tôi xin mượn nó để trả lời cho câu hỏi của bạn.
Ngoài chó, mèo, anh sẽ chọn loài thú nào khác làm vật nuôi? Và nếu đưa vào tác phẩm mới sẽ viết, anh chọn con vật nào?
Tôi chưa thể nói trước, vì chính tôi cũng không chắc mình sẽ cảm thấy hứng thú tiếp theo với con vật nào. Những gì thấy thích thú thì tôi đã viết rồi. Nhưng tôi tin rằng một nhà văn chuyên viết về tuổi thơ sẽ không ngừng yêu thích viết về các con vật, không chỉ vì chúng là bạn của trẻ em mà còn vì chúng dạy ta cách yêu thương!
Thế giới của anh trong trang sách vừa đẹp vừa hoang sơ lại cũng là một hành trình. Anh “vẽ” thế giới ấy như thế để người khác đọc hay để chính anh sống trọn những mê man của riêng mình?
Trước tiên là tôi viết cho chính mình. Tôi yêu tuổi thơ, tiếc nuối và bất lực khi nhận ra càng ngày tôi càng rời xa nó. Viết những cuốn sách là cách để tôi kéo tuổi thơ gần lại. Và tôi chia sẻ cảm xúc của tôi với bạn đọc, như chia sẻ một giấc mộng. Các bạn đọc đa cảm ấy, họ cũng yêu tuổi thơ của mình nên họ sẵn sàng lên chuyến tàu ký ức của tôi. Giống như nỗi náo nức trong thơ Chim Trắng: “Lên chuyến xe lam về Tiên Thủy/Xem năm mười bốn mất hay còn”.
Và hẳn là thế giới đó cũng mang anh thoát khỏi những va đập của đời sống thường nhật?
Tuổi thơ là thế giới trong trẻo. Nhưng nhân vật trẻ thơ là những nhân vật hồn nhiên. Viết về thế giới đó mỗi ngày, tiếp xúc với các nhân vật trẻ em đó mỗi ngày, nhà văn giống như sống trong một bầu khí quyển vô trùng, “lây nhiễm” cả cách nhìn đời trong sáng của các nhân vật, nhờ vậy những va đập trong đời sống thường nhật cũng trở nên nhẹ nhõm hơn.
Đứng tên trên 100 đầu sách và gần như đều là best-seller, đã có lúc nào anh rơi vào trạng thái bão hòa?
Rất may là tôi chưa từng rơi vào trạng thái này. Khi đã bão hòa, mọi khát khao sáng tạo coi như kết thúc. Nhà văn sẽ mất động lực, sẽ không còn cảm hứng để sáng tác. Tôi thì vẫn còn nhiều đề tài muốn thử sức, nhiều ấp ủ muốn thực hiện. Đối với tôi, thực lòng mà nói, “in trên 100 cuốn sách” hay “sách bestseller” chỉ là con số thống kê. Những con số đó không tác động gì đến tôi. Khi bắt tay viết một cuốn sách mới, bao giờ tôi cũng có cảm giác hào hứng và hồi hộp như đang viết tác phẩm đầu tay.
BÀI LIÊN QUAN
Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” rõ ràng là anh viết về Quảng Nam quê anh và tuổi thơ mình ở đó. Còn phim của Victor Vũ quay ở Phú Yên, đến nay người xem phim gán mác cho Phú Yên là xứ “hoa vàng cỏ xanh”. Anh nghĩ thế nào về việc quảng bá hình ảnh một vùng đất thông qua văn học và điện ảnh?
Văn học và điện ảnh ngoài chức năng nghệ thuật còn là phương tiện quảng bá tuyệt vời cho một vùng đất, một quốc gia. Ai đọc Tô Hoài đều muốn một lần đến làng Nghĩa Đô. Ai yêu thơ Quang Dũng đều muốn đặt chân đến Sơn Tây, đến những địa danh trong bài thơ “Tây Tiến” như Mường Lát, Mai Châu,…
Từ bé, tôi đã yêu nước Pháp qua tiểu thuyết Victor Hugo, yêu nước Mỹ qua văn Mark Twain, lớn lên yêu nước Nga qua Gogol, Pushkin. Mới năm ngoái đây thôi, tôi chọn phương tiện ô tô để đi suốt 18 tiếng từ thành phố Dallas (tiểu bang Texas) qua thành phố Orlando (tiểu bang Florida), thay vì đi máy bay chỉ mất có 3 tiếng đồng hồ chỉ vì tôi muốn tận mắt nhìn thấy dòng sông Mississippi mà tôi từng đọc trong truyện của Mark Twain, William Faulkner,… và từng xem trong các bộ phim của Mỹ.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
__
Xem thêm:
Phim điện ảnh Việt Nam: Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Nhà văn Thuận & “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – cô Mén đất mũi
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE