Khám phá hòn đảo Zanzibar đầy hoang dại và sống động qua ống kính của nhiếp ảnh gia Machano
Với một địa điểm còn khá lạ lẫm như đảo Zanzibar, nhiếp ảnh gia Machano đã thành công truyền tải từng hơi thở cuộc sống nơi đây qua lăng kính của mình.
Ashraki Mussa Machano là một nhiếp ảnh gia tài năng đến từ đất nước Tanzania. Hiện những bức ảnh “rất đời” của anh về quê hương đã vượt ra khỏi vùng lãnh thổ Tanzania và nhận được nhiều sự tán dương từ giới yêu nghệ thuật. Thông qua Ash Gallery – một phòng triển lãm do anh thành lập vào năm 2013 và bằng tài nghệ của bản thân, Machano đã đưa người xem đến gần hơn với những văn hóa độc đáo của châu Phi cũng như khai phá một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ về hòn đảo Zanzibar mà chưa ai biết đến. Không giới hạn bản thân vào các bức ảnh chụp thiên nhiên thông thường, Machano còn được biết đến như một nhiếp ảnh gia đường phố, một nghệ sĩ điệu nghệ về ảnh chân dung, và một nhiếp ảnh gia kiến trúc tài ba. Với công cụ là chiếc máy ảnh Nikon D7200 format DX, từng hơi thở cuộc sống ở thị trấn Stone – một phần lịch sử của thành phố Zanzibar – đã được ghi lại một cách rất tự nhiên qua ống kính của Machano. Trên cương vị một người con của mảnh đất này, anh đã thổi vào các bức ảnh những góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, độc đáo về một thành phố Zanzibar đầy hoang dại.
Chỉ mới ở tuổi 27 nhưng Machano đã chứng minh được nhiếp ảnh là một sự nghiệp xứng đáng được theo đuổi tại mảnh đất cằn cỗi này. Với những cống hiến đó, gần đây anh đã vinh dự nhận giải nhì trong cuộc thi ảnh về Ngày Di sản thế giới Châu Phi của UNESCO. Trang My Modern Met đã có dịp được phỏng vấn chàng thủ lĩnh tài ba của Ash Gallery để hiểu thêm về cảm hứng, đam mê nhiếp ảnh và những dự định tương lai của Machano đối với Ash Gallery.
ĐIều gì thu hút bạn về nhiếp ảnh và từ khi nào bạn quyết định trở thành một thợ nhiếp ảnh chuyên nghiệp?
Khi tôi còn học ở trường, bố tôi đã mang về nhà một cái máy ảnh từ tiệm đồ điện của ông ấy. Ông bán tất cả các thiết bị điện tử gồm cả máy ảnh nên ông đã đem về nhà một cái cho gia đình. Đó là một báu vật, bản thân cái máy như một tác phẩm nghệ thuật vậy. Không ai dám đụng vào nó cả. Cha tôi không có hứng thú về nhiếp ảnh, nhưng ông nghĩ gia đình tôi nên có một cái ở nhà. Và một người họ hàng đã chỉ tôi cách sử dụng nó. Mặc dù ở thời điểm đó rất khó và cũng tốn nhiều tiền bạc để rửa film nữa, nhưng trong tôi bắt đầu nhen nhóm một sở thích mới. Khi chị tôi đến Anh vào năm 2008, chị đã mua về nhà một máy ảnh kỹ thuật số và tôi bắt đầu dùng nó để chụp lại cuộc sống xung quanh.
Hơn nữa, vào năm 2009, việc tiếp cận với Internet trở nên dễ dàng hơn. Tôi bắt đầu tiết kiệm tiền để đến một tiệm internet cafe ở Mkunazini gần Nhà hàng Lukeman và tìm kiếm hình ảnh trên Google, tôi cứ xem hết tấm ảnh này sang tấm khác. Những người khác thì xem đá banh còn tôi thì không. Việc tìm hình khi đó đã giúp tôi mường tượng một bức ảnh đẹp là như thế nào, điều gì sẽ thổi hồn vào bức ảnh, cũng như làm sao để kết nối vật trong ảnh với người xem. Tôi đã từng chụp hình trong các buổi họp mặt gia đình, bạn bè, trường học và những sự kiện ở địa phương. Tôi đã bán một vài tấm ảnh của mình ở Zanzibar. Khi đó, tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Vì sao anh lại mở ra Ash Gallery?
Ban đầu, đó chỉ là một ý tưởng, một mong muốn mà vài người trong nhóm chúng tôi đề xuất để phát triển kỹ năng nhiếp ảnh cũng như tìm kiếm thêm nhiều nhiếp ảnh gia hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi tạo ra một website và lên kế hoạch về các buổi triển lãm ảnh, nơi mọi người có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật hoặc mua chúng nếu thích.
Anh yêu thích kiểu ảnh nào và vì sao?
Tôi từng thực hiện nhiều kiểu chụp ảnh lắm: chụp ảnh chân dung, ảnh đường phố, thiên nhiên và cả kiến trúc nữa. Năm ngoái, cùng với nhóm của mình ở Nam Phi, tôi đã có cơ hội đến chụp ảnh ở Công viên Quốc gia Saadani, ở phía Bắc Bagamoyo, ngay trên bờ biển của Tazania. Quả thật đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi thêm về việc chụp ảnh safari và đồng thời phát triển kỹ năng chụp ảnh thiên nhiên.
Liệu việc chụp ảnh ở Zanzibar có bất kỳ thử thách nào không?
Người Zanzibar thường rất cẩn trọng trong việc bị chụp hình. Họ không muốn bị coi như là động vật hay một loại hàng hóa. Vì vậy, chụp ảnh đường phố ở đây không hề dễ dàng, thậm chí đối với người bản địa như tôi. Bạn phải dành thời gian để lắng nghe câu chuyện của họ. Bạn phải xem nhiếp ảnh như cách để bạn kể lại câu chuyện đó. Và bạn cũng phải làm cho họ hiểu nhiếp ảnh theo khía cạnh như thế.
Anh nghĩ, việc là một người dân địa phương của Zanzibar đã hỗ trợ hoạt động nhiếp ảnh của anh như thế nào?
Đầu tiên, dĩ nhiên tôi nói được tiếng Swahili – ngôn ngữ của người Zanzibar. Đây là thứ tiếng được dạy trên khắp đất nước tôi. Ngoài ra, Swahili cũng là ngôn ngữ đầu tiên của người Zanzibar nữa, là ngôn ngữ mà tôi sử dụng ở nhà. Nên ngay từ khi tôi chuyện với họ, họ đã xem tôi là đồng hương. Có lẽ do vậy mà họ nhận ra rằng, nếu có một người muốn truyền tải câu chuyện của họ thông qua nhiếp ảnh, người đó chỉ có thể là tôi và những người bạn của tôi thôi.
Anh hy vọng người xem hiểu được điều gì về Zanzibar thông qua các bức ảnh của mình?
Zanzibar là một hòn đảo nhỏ, và thậm chí Pemba còn nhỏ hơn. Nhưng đây là một hòn đảo rất phong phú với nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ nhiều nơi như châu Phi, Oman, vùng Trung Đông, cho tới Ấn Độ và cả châu Âu nữa. Vì vậy, tôi muốn những bức ảnh của mình có thể khám phá cũng như thể hiện được sự đa dạng và giàu bản sắc đó đến người xem.
Anh nghĩ sai lầm lớn nhất của người nước ngoài khi nghĩ về Zanzibar là gì?
Bắt đầu từ đâu bây giờ nhỉ? Ai cũng đi du lịch với nhiều lý do khác nhau. Một vài người đến Zanzibar chỉ vì ở đây bãi biển rất đẹp. Vài người khác lại đến đây để khám phá văn hóa hoặc mua sắm. Cũng có những du khách đến Zanzibar chỉ vì hiếu kỳ về cái tên của nó thôi. Tuy nhiên, bất kể họ đến đây với lý do gì đi chăng nữa thì tôi cũng muốn họ có được nhiều trải nghiệm đa dạng. Tôi muốn họ thấy và cảm nhận được Zanzibar theo cách mà họ chưa tưởng tượng tới. Nếu đầu tiên họ chỉ đến vì biển thôi thì tôi muốn khuyến khích họ xuống thị trấn để tham quan văn hóa nữa. Còn nếu ý định của họ là mua sắm và khám phá văn hóa thì tôi lại muốn giới thiệu thêm với họ về những bãi biển hút mắt trong xanh của Zanzibar. Tôi hy vọng các bức ảnh của Ash Gallery sẽ khiến du khách thập phương cảm nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân nơi đây.
Việc nhận được giải nhì trong cuộc thi ảnh về Ngày Di sản thế giới châu Phi của UNESCO đã mang lại ý nghĩa như thế nào cho bản thân anh?
Đây là một sự thay đổi lớn trong cuộc chơi của tôi. Rất khó để giải thích được những gì giải thưởng này mang lại cho các tác phẩm của tôi. Đầu tiên, nó giúp những bức ảnh của tôi đến gần với công chúng hơn. Thứ hai, nó khuyến khích các vị khách du lịch nghĩ về việc tham quan safari ở Zanzibar cũng tương tự như việc mua sắm hay chụp hình trên phố vậy. Thật ra, cũng có rất nhiều cảnh đẹp để bạn chụp ảnh lại và khám phá đấy! Nhưng cũng như khi bạn du lịch ở bất cứ đâu, vẫn tốt hơn nếu bạn có một hướng dẫn viên. Trong trường hợp đó, hòn đảo Zanzibar của tôi sẽ đóng vai trò như một người chỉ dẫn – một người có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống người Tanzania thông qua cả nhiếp ảnh và thực tế, để bạn có thể nắm bắt được chính xác tinh thần của đất nước tôi và cả châu Phi nữa.
Tôi cũng nghĩ điều này sẽ giúp du khách thập phương nhớ về Ash Gallery như một nơi phải đến nếu bạn cần sự chỉ dẫn về chụp ảnh safari ở Zanzibar. Cuối cùng, giải thưởng của UNESCO là sự công nhận cho những công sức tôi đã đóng góp cho Zanzibar. Nó nói lên rằng, những gì tôi đang làm là hoàn toàn xứng đáng. Việc ghi nhận các tư liệu, ca ngợi và bảo tồn những di sản kiến trúc, văn hóa và môi trường ở đây là một điều gì đó phải làm. Và chia sẻ những hình ảnh đó ra ngoài thế giới cũng là một việc làm ý nghĩa.
—
Xem thêm:
Lịch sử như sống lại qua 40 bức ảnh phục chế màu ngoạn mục
Những bức ảnh ngoạn mục chiến thắng cuộc thi của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên năm 2018
Lược dịch: Như Trần
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ My Modern Met
Ảnh: My Modern Met