Những quả ngọt
Theo số liệu từ nền tảng thống kê Box Office Vietnam, tổng doanh thu phòng vé Việt Nam tính từ tháng 1 đến hết tháng 12 đã vượt mốc 4.600 tỷ đồng. Thị trường điện ảnh nội địa trong năm nay ghi nhận sự bứt phá với 5 bộ phim đạt doanh thu trên “trăm tỷ”, trong đó hai cái tên nổi bật nhất là Mai và Lật mặt 7: Một điều ước.
Bộ phim Mai đã thu về 551,2 tỷ đồng, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán trùng với ngày lễ tình nhân, trở thành một hiện tượng phòng vé. Với thành tích ấn tượng từ Mai, Trấn Thành chính thức trở thành đạo diễn đầu tiên tại Việt Nam chạm mốc nghìn tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó, Lật mặt 7 tiếp tục duy trì vị thế thống trị dịp lễ 30/4 – 1/5 với 482,7 tỷ đồng. Trong hai năm liên tiếp, các phần phim của series Lật mặt đã giữ vững ngôi vị đầu bảng doanh thu, khiến không ít đối thủ phải “kính nể”.
Mặc dù số lượng phim đạt 100 tỷ có giảm so với năm ngoái, nhưng Mai và Lật mặt 7 đã tạo nên những cột mốc mới khi trở thành hai bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Cả hai đã đóng góp hơn 1.030 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng doanh thu của thị trường điện ảnh năm nay.
Bên cạnh hai gương mặt nổi bật nêu trên, điện ảnh Việt cũng chứng kiến sự thành công bất ngờ của Đào, phở và piano. Bộ phim đã thu hút sự chú ý nhờ hiệu ứng truyền miệng và thu về hơn 20 tỷ đồng. Điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đối với các phim về chiến tranh, lịch sử Việt Nam, nhất là khi tình yêu nước đang được lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ qua các phương tiện truyền thông.
Năm 2024 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của thể loại kinh dị khai thác chất liệu dân gian. Mặc dù trước đây, phim kinh dị thường bị gắn mác là “khó nuốt” và ít có sức cạnh tranh, nhưng năm nay thể loại này đã chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể trở thành một “món ăn” hấp dẫn, chiếm lĩnh sự quan tâm của đông đảo khán giả. Các tác phẩm như Quỷ cẩu, Ma da, Cám, và Linh miêu lần lượt phá vỡ những kỷ lục doanh thu ấn tượng.
Trong đó, Quỷ cẩu và Ma da ghi nhận mức doanh thu hơn trăm tỷ. Cám kết thúc hành trình phòng vé với 96 tỷ đồng, trong khi Linh miêu vượt qua cột mốc 80 tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự yêu thích của khán giả đối với thể loại kinh dị, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà làm phim phải không ngừng cải tiến và điều chỉnh kịch bản để tạo ra những bước đột phá hơn nữa trong tương lai và tránh đi đường mòn.
Mùa phim cuối năm, phòng vé Việt có màn bứt phá ngoạn mục với nhiều bộ phim ăn khách. Chị dâu, với sự góp mặt của Việt Hương, Hồng Đào và Ngọc Trinh, đã lập cú hit phòng vé khi thu về 35 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày công chiếu. Thành công của bộ phim không chỉ đến từ câu chuyện cảm động về mối quan hệ chị dâu – em chồng, mà còn nhờ vào màn thể hiện ấn tượng của dàn diễn viên và phản hồi tích cực từ người xem. Dù không đầu tư quá nhiều vào bối cảnh, Chị dâu vẫn chinh phục khán giả bằng sự chân thật trong cách kể chuyện và những tình huống gần gũi, dễ đồng cảm.
Cùng lúc đó, Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh, ra mắt vào dịp Giáng sinh, lại thu hút một lượng lớn khán giả trẻ. Trước đó, Ngày xưa có một chuyện tình, một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Công Tử Bạc Liêu dù không chiến thắng về mặt doanh thu nhưng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, phần nào khẳng định sức hấp dẫn không thể phủ nhận của dòng phim lấy bối cảnh thời xưa.
Song song với dòng phim thương mại, điện ảnh Việt cũng chứng kiến sự thành công của dòng phim độc lập, nghệ thuật khi có đến hai bộ phim Việt nhận giải thưởng quốc tế danh giá trong năm nay: Mưa trên cánh bướm và Cu li không bao giờ khóc.
Những trái đắng
Bên cạnh những thành công, thị trường điện ảnh trong nước năm qua cũng không thiếu những cú ngã ngựa nặng nề. Nhiều bộ phim khi ra mắt đã nhận phải phản ứng tiêu cực từ khán giả do kịch bản yếu, nội dung không thuyết phục. Nửa đầu năm, 9 bộ phim đã khiến nhà sản xuất phải chịu thua lỗ nặng, bao gồm Trà (Lê Hoàng), Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường), Quý cô thừa kế 2 (Hoàng Duy), Cái giá của hạnh phúc (Nguyễn Ngọc Lâm), B4S – Trước giờ yêu (Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy), Đóa hoa mong manh (Mai Thu Huyền), Án mạng lầu 4 (Nguyễn Hữu Tuấn), Móng vuốt (Lê Thanh Sơn) và Mùa Hè đẹp nhất (Vũ Khắc Tuận).
Theo thống kê từ Moveek, trong số 11 bộ phim thương mại được phát hành trong nửa đầu năm 2024, tám bộ phim ghi nhận lỗ, với bảy bộ phim thu về khoảng 6 tỷ đồng trở xuống. Trong số đó, Đóa hoa mong manh gây bất ngờ khi mặc dù được đầu tư lớn, chỉ thu vỏn vẹn 430 triệu đồng, rơi vào nhóm những bộ phim có doanh thu thấp kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt.
Bước sang nửa cuối năm, có thêm 4 phim Việt rơi vào tình trạng thất thu phòng vé. Các tác phẩm như Domino: Lối thoát cuối cùng (Nguyễn Phúc Huy Cương), Biệt đội hot girl (Vĩnh Khương), Cu li không bao giờ khóc (Phạm Ngọc Lân) và Giải cứu anh thầy (Nguyễn Phi Phi Anh) đều phải ngậm ngùi rút khỏi rạp với doanh thu thất vọng. Đây chưa kể đến các phim tài liệu như Bóng đá nữ Việt Nam, chuyện lần đầu kể, cũng không đạt được sự chú ý như kỳ vọng.
Dù được xếp vào nhóm những phim nghệ thuật đáng chú ý và giành được giải thưởng quan trọng như “Tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Berlin cùng một số giải thưởng quốc tế nhỏ khác, nhưng Cu li không bao giờ khóc lại chỉ thu về khoảng 750 triệu đồng sau 2 tháng trình chiếu, với số lượng suất chiếu hạn chế. Sự thiếu quan tâm của khán giả Việt đối với những dự án độc lập như Cu li không bao giờ khóc không phải là điều quá khó hiểu, đặc biệt khi thị trường hiện nay ưa chuộng các bộ phim bom tấn, kinh dị hay drama, vốn có sức hấp dẫn lớn hơn.
Tương tự, Giải cứu anh thầy của Nguyễn Phi Phi Anh cũng không thể thoát khỏi thất bại. Dù được phát hành dưới hình thức “chiếu mù” – một phương thức khá mới lạ tại Việt Nam, bộ phim này chỉ thu về khoảng 140 triệu đồng. Hai bộ phim hành động Domino: Lối thoát cuối cùng và Biệt đội hot girl cũng không thoát khỏi tình trạng ế ẩm. Đặc biệt, Biệt đội hot girl chỉ thu vỏn vẹn 68 triệu đồng, mức doanh thu thấp kỷ lục. Dù hai bộ phim này đều có ngân sách lớn, với phần quay ở nước ngoài và sử dụng nhiều CGI, kỹ xảo, nhưng thể loại hành động không còn thu hút khán giả trong năm 2024.
Tính đến hiện tại, năm 2024 đã chứng kiến sự “sàng lọc” mạnh mẽ trên thị trường điện ảnh Việt, với 13 tác phẩm chịu thất bại, chiếm tỷ lệ 52% trong tổng doanh thu phòng vé. Đa phần các phim bị chê vì cốt truyện thiếu chiều sâu, diễn xuất chưa thuyết phục và tổng thể chưa đủ sức hút. Một ngoại lệ hiếm hoi là Sáng đèn, tuy nhận được sự đón nhận khả quan, nhưng vẫn phải rút khỏi rạp vì sự cạnh tranh quá khốc liệt trong mùa Tết.
Xem thêm
•Những lý do bạn không thể bỏ lỡ loạt phim Ghibli tại rạp Việt tháng 12 này
•[Review phim] “Who Is She”: Hành trình truyền cảm hứng của bà ngoại tuổi 20
•[Review phim] “Cửu Trọng Tử”: Hành trình kịch tính về sự báo thù, cứu chuộc và tìm lại công bằng
Thay đổi chiến lược để đi đường dài
Khi xem xét kỹ hơn, có thể thấy rằng những bộ phim thành công trong năm nay chủ yếu xoay quanh các chủ đề quen thuộc như hài kịch, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa với ít sự đổi mới táo bạo. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng khi các nhà sản xuất dù cố gắng khám phá các thể loại mới như thây ma, ma cà rồng, phim trinh thám… vẫn cố gắng đảm bảo an toàn bằng cách lồng ghép thêm các yếu tố hài hước hoặc hành động đơn giản.
Mặt khác, sự xuất hiện của dàn diễn viên quen thuộc vào mỗi dịp Tết, kỳ lễ nhất định dù mang tới sự an tâm nhưng đôi khi cũng gây “ngán” cho khán giả. Hiện tại, danh sách bảo đảm doanh thu phòng vé tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, với những cái tên như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ và Nguyễn Quang Dũng. “Thế trận” này cho thấy rằng nền điện ảnh Việt Nam chưa có đủ sự đa dạng và bền vững để phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, một lợi thế là phim Việt Nam hiện đang thống trị các rạp chiếu nội địa với ưu ái lớn về số lượng suất chiếu từ các nhà rạp địa phương. Thị trường trong nước trình chiếu nhiều thể loại phong phú quanh năm – từ phim hài và chính kịch đến phim kinh dị và nghệ thuật, thậm chí còn làm lu mờ cả những bộ phim bom tấn của Hollywood.
Các tác phẩm nội địa thường mang đậm hơi thở văn hóa, phong tục tập quán và những câu chuyện gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân. Điều này giúp khán giả dễ dàng tìm thấy chính mình trong các câu chuyện của nhân vật, từ đó tạo ra sự kết nối mạnh mẽ. Đây cũng là công thức làm nên thương hiệu của đạo diễn tay ngang như Trấn Thành. Các nhà phê bình cho rằng cách kể chuyện của anh rất thẳng thắn và dễ hiểu, nhưng lại gây được tiếng vang sâu sắc với khán giả. Những câu chuyện gia đình mà anh kể phản ánh cuộc sống thường ngày, khiến chúng dễ đồng cảm và hấp dẫn về mặt cảm xúc.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trần Thành chỉ là một trong nhiều con đường tiềm năng để thu hút người xem. Bản chất của một bộ phim thành công nằm ở khả năng khơi gợi cảm xúc – hài kịch phải khơi gợi tiếng cười, kinh dị phải khiến người xem rùng mình và phim chính kịch gia đình phải phản ánh cuộc sống thực. Khán giả ngày nay rất tinh ý; họ tìm kiếm tính chân thực trong những bộ phim họ chọn xem và nhanh chóng rời đi nếu kỳ vọng của họ không được đáp ứng. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các nhà làm phim trong việc khám phá nhiều phương pháp và phong cách kể chuyện khác nhau, vì không có công thức duy nhất nào đảm bảo thành công lâu dài.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp