Nhọc nhằn giới nữ trong dòng phim trinh thám
Xuất hiện muộn mằn trong lịch sử điện ảnh, các nữ thanh tra, thám tử còn phải đi qua một hành trình dài trước khi thoát khỏi bóng của nam giới trong dòng phim trinh thám.
Dòng phim trinh thám luôn thuộc nhóm những phim được khán giả quan tâm nhiều nhất, và vẫn là một trong những lựa chọn đầu tiên của các đài truyền hình và hãng phim điện ảnh khi lựa chọn kịch bản. Tuy nhiên, nếu đem so truyền hình và điện ảnh với một thể loại nghệ thuật kể chuyện khác là văn học, có thể thấy một thực tế rằng những nhân vật nữ thám tử hay thanh tra trong hai ngành nghệ thuật nghe nhìn được sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều.
Các nữ thám tử đã xuất hiện trong văn chương từ năm 1864 với nhân vật quý bà Gladden của tác giả Andrew Forrester. Sau đó vài thập kỷ, Agatha Christie – nữ nhà văn trinh thám lừng danh – đã phát triển nhân vật bà Marple sắc sảo luôn nhanh chân hơn cánh nam giới khi tìm thủ phạm trong giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Trong khi đó, phải tới tận năm 1965, nữ thám tử đầu tiên mới được xuất hiện trên truyền hình. Đó là nhân vật Honey West (do nữ diễn viên Anne Francis thủ vai), một phụ nữ quyến rũ, gợi cảm và biết cách sử dụng lợi thế đó của mình để phá án. Tuy nhân vật này đã bị nhiều nhà phê bình theo trường phái nữ quyền coi là ví dụ cho việc một nhân vật nữ sinh ra để phục vụ cho nhu cầu xem phim của phái mạnh hơn là tôn vinh giá trị của phụ nữ, đây vẫn là dấu mốc quan trọng để từ đó hàng loạt nhân vật nữ thám tử, thanh tra được đưa lên màn ảnh.
Quá trình thoát khỏi cái bóng của nam giới
Nghề thanh tra, thám tử ngay cả trong đời sống cũng thường được mặc định là nghề dành cho đàn ông. Có rất nhiều lý do hình thành nên định kiến này. Trước hết, vì đây là một nghề ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho sức khỏe thân thể và tính mạng. Thứ hai, đây là nghề không phù hợp cho những ai muốn có cuộc sống gia đình và sự nghiệp cân bằng. Thứ ba, người ta cho rằng đây là nghề nghiệp cần trí tuệ, tư duy logic và không được phép cảm tính. Phụ nữ, đáng tiếc thay, được coi là phái yếu và cần bảo vệ chứ không nên xông pha, cần phải chăm sóc gia đình chứ không nên dành thời gian cho sự nghiệp. Đồng thời, họ cũng bị mặc định là kém thông minh, kém tư duy logic và cảm tính hơn nam giới.
Chính vì thế, kể cả khi nhận thức về vai trò của phụ nữ trong các ngành nghề tăng lên, phụ nữ xuất hiện trong phim trinh thám điều tra nhiều hơn, vai trò của họ vẫn lệ thuộc các nhân vật nam. Ví dụ nổi bật chính là loạt phim Charlie’s Angels (Những thiên thần của Charlie), khi ba cô gái thông minh, can đảm và giỏi giang lại hoàn toàn lệ thuộc vào một người đàn ông giấu mặt có tên là Charlie. Hay về sau, dù Jodie Foster đã biến bộ phim The Silence of the Lambs thành kinh điển, cô vẫn đảm nhận vai một nữ thanh tra cần sự giúp đỡ của một gã tù nhân tâm thần để phá án.
Có rất ít phim hoặc loạt phim truyền hình nhiều tập trong giai đoạn thập niên 1990 nhấn mạnh vào vai trò của các thanh tra nữ khi đặt họ cạnh các đồng nghiệp nam. Và nếu họ được chú ý, các nhà làm phim cũng đồng thời nhấn mạnh vào những yếu tố cản trở họ trong một môi trường nghề nghiệp đa số là nam giới. Tuy nhiên, bắt đầu từ đây, người ta đã thấy được sự thay đổi lớn trong cách xây dựng nhân vật. Trong loạt phim The X-Files (Hồ sơ tuyệt mật) ăn khách, nhân vật Dana Scully đã được đưa lên làm đối trọng với đồng sự của cô là Fox Mulder. Tuy nhiên, để miêu tả sự thành công của một nữ thanh tra trên phim, người ta thường phải miêu tả họ mạnh mẽ, khô cứng như một người đàn ông.
Thời của những con người đời thực
Bước sang thế kỷ 21, hình ảnh các nữ thanh tra thám tử trong phim truyền hình và điện ảnh đã được cải thiện rõ rệt. Sự thành công của những loạt phim với các nữ thám tử là nhân vật trung tâm cho thấy khán giả đã không còn muốn nhìn thấy những người phụ nữ hoặc đem ngoại hình ra làm thế mạnh hoặc phải cư xử như một đồng nghiệp nam. Veronica Mars, nữ thám tử trong bộ phim truyền hình cùng tên được khắc họa như một phụ nữ sắc sảo, linh hoạt, tự tin nhưng vẫn rất nữ tính. Tương tự, nữ thanh tra Lilly Rush trong Cold Case là một người có trí thông minh đặc biệt giúp cô lật lại được những vụ án bế tắc nhiều năm, nhưng vẫn là một người phụ nữ đầy cảm xúc.
Sự chuyển biến trong cách xây dựng nhân vật của dòng phim trinh thám trên thực tế không chỉ xảy ra với nữ giới. Các thanh tra và thám tử trên màn ảnh đã dần chuyển đổi từ những hình ảnh lý tưởng không tì vết, hoặc những người kỳ quái thành những con người không giống bất kỳ ai. Khi việc phụ nữ trở thành thanh tra và thám tử trong đời thường trở nên phổ biến hơn, trên phim họ cũng không còn được xây dựng như những nhân vật có tính cách đặc biệt nữa.
Các nhà làm phim cũng nỗ lực kể về những người phụ nữ làm công việc này theo hướng toàn diện và đi vào chiều sâu hơn. Các nhân vật trong phim bên cạnh việc là người phục vụ cho công việc, cũng được miêu tả như những con người có câu chuyện riêng, có số phận riêng, và có một thế giới nội tâm phong phú. Họ trở nên “con người” hơn trước đây, và cũng gần gũi với khán giả hơn bao giờ hết.
Nói như vậy không có nghĩa là những định kiến về nữ giới đã hoàn toàn mất đi trong dòng phim điều tra hình sự, trinh thám. Vẫn còn đó những nhân vật nữ dù giỏi giang vẫn lệ thuộc vào một người đồng cấp hoặc lãnh đạo nam, vẫn còn đó những nhân vật nữ thanh tra được đưa vào để thu hút khán giả nam giới bằng thân hình bốc lửa. Tuy nhiên, khán giả đã hiểu về nữ giới nhiều hơn xưa, và tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm với nhân vật chính là các nữ thanh tra, thám tử đáng để chúng ta theo dõi.
Bài: Huy Phương
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE