Văn hóa / Thế giới văn hóa

11 bộ phim cảm động nhất mọi thời đại

Lấy đề tài tình yêu, gia đình, chiến tranh, các tác phẩm dưới đây được đánh giá là những bộ phim cảm động nhất khi đem lại giá trị nhân văn sâu sắc.

Không đi theo lối mòn của những tác phẩm tình cảm ủy mị hay theo đuổi cuộc sống vị lai phi thực tế, đạo diễn Satyajit Ray, Michael Haneke, Lars von Trier và nhiều đạo diễn khác đã chọn con đường riêng. Bằng chất liệu đời thường cùng cách khai thác mới mẻ, những bộ phim cảm động dưới đây sẽ mang đến cho bạn cách nhìn chân thực về cuộc sống, khác xa với một vẻ đẹp hoàn hảo mà các tác phẩm khác thêu dệt nên.

The sweet hereafter – Tương lai ngọt ngào (1997)

Tại thị trấn nhỏ ở British Columbia, một vụ tại nạn xe buýt đã cướp đi mạng sống của tất cả trẻ em trên chuyến xe, duy chỉ có Nicole (Sarah Polley thủ vai) may mắn sống sót. Một thời gian sau, một luật sư tên Mitchell Stephens (Ian Holm thủ vai) từ ngoài thị trấn đến và đề nghị giúp đỡ người dân ở đây kiện nhà sản xuất xe buýt và bắt họ phải chịu trách nhiệm về tai nạn thương tâm trên.

Bộ phim không dừng lại ở đó khi càng về sau, nhiều sự thật bất ngờ được bật mí. Nicole, người duy nhất còn sống sau tai nạn, là một nhạc sĩ đầy tham vọng. Nhưng cuộc sống dường như quá tàn nhẫn với cô khi Nicole bị chính cha ruột của mình (Tom McCamus) xâm hại. Nicole từng mong muốn mình chết đi cùng những trẻ em trong vụ tai nạn kia. Với cô, cái chết là sự giải thoát hơn là sống trong sự dày vò.

Phim cảm động 2
(Ảnh: Taste of cinema)

Butterfly Tongues – Ngôn ngữ của những cánh bướm (1999)

Butterfly Tongues là một phim cảm động về đề tài chiến tranh kể về Moncho (Manuel Lozano), một cậu bé sống ở vùng Galicia của Tây Ban Nha trong thời gian xảy ra nội chiến. Do bệnh hen suyễn, Moncho bắt đầu đi học trễ hơn các bạn cùng lứa tuổi. Moncho khá nhút nhát vì cậu sợ sẽ bị thầy Don Gregorio sẽ đánh cậu, một thường lệ ở trường học vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, không những Don Gregorio không đánh Moncho mà còn trở thành một người bạn tốt của cậu. Don dành thời gian rảnh rỗi cùng Moncho bắt bướm và thông qua những câu chuyện, Don dạy Moncho biết yêu mọi thứ xung quanh mình. Don quen biết cha của Moncho (Gonzalo Martín Uriarte) khi cả hai đều là thành viên bí mật của Đảng Cộng hòa do phe dân tộc Francisco Franco đứng đầu vào thời điểm đó. Bộ phim diễn tả cuộc sống loạn lạc trong bối cảnh chính trị bất ổn đối lập với những giây phút yên bình của trẻ thơ để thấy rằng, chẳng có gì hạnh phúc hơn được sống trong hòa bình.

Phim cảm động 1
(Ảnh: Taste of cinema)

Ali: Fear eats the soul – Nỗi sợ gặm nhấm tâm hồn (1974)

Trong số những nhà làm phim nổi lên trong phong trào New Wave của thập niên 1970, đạo diễn Rainer Werner Fassbinder là ngôi sao sáng giá nhất khi cho ra đời hơn 40 bộ phim và một số vở kịch ngắn chỉ trong chưa đầy 15 năm. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Rainer là Ali: Fear eats the soul, một bộ phim cảm động về tình yêu của hai người thuộc hai chủng tộc.

Ra đời trong bối cảnh cuộc tấn công khủng bố tại Thế vận hội Munich năm 1872 tại Berlin, bộ phim nói về mối quan hệ giữa Emmi, một góa phụ 60 tuổi và Ali, một người Ma-rốc nhập cư đang trải qua những năm cuối của tuổi 30. Cả hai gặp nhau trong một quán bar và tình cờ được mọi người ghép cặp khiêu vũ cùng nhau.

Mối quan hệ của hai con người cách biệt tuổi tác và khác biệt chủng tộc này nhận về không ít sự phản đối từ gia đình và đồng nghiệp của Emmi. Sự phân biệt chủng tộc ảnh hưởng rất lớn đến Ali nhưng nhờ tình yêu mạnh mẽ của Emmi, cả hai đã vượt qua cái nhìn kỳ thị của xã hội. Tại thời điểm lúc bấy giờ, chuyện tình cảm của Emmi và Ali không phải là câu chuyện hiếm gặp. Nhưng dù bạn là người Đức hay Ma-rốc, sức mạnh của tình yêu có thể đưa bạn thoát khỏi cái nhìn soi xét của thế giới ngoài kia.

Phim cảm động 3
(Ảnh: Taste of cinema)

Cries and Whispers – Tiếng khóc và lời thì thầm (1975)

Khá ít đạo diễn khai thác chiều sâu của đời sống tâm hồn như Ingmar Bergman. Đặc biệt hơn cả, Ingmar chưa bao giờ đánh đổi giá trị nghệ thuật với giá trị thương mại. Trong các tác phẩm của mình, nghệ thuật vẫn là điều kiện tiên quyết của nhà đạo diễn tài ba và Cries and Whispers chính là tác phẩm thể hiện rõ nhất.

Bộ phim nói về Agnes (Harriett Andersson) đang sống những ngày cuối cùng vì căn bệnh ung thư. Hai chị em của Agnes là Karin (Ingrid Thulin) và Maria (Liv Ullmann) đến thăm cô tại căn nhà thời thơ ấu của họ ở ngoại ô Thụy Điển. Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài ấm áp, Karin và Maria dường như không hề quan tâm đến cô em gái bệnh tật mà vì một mục đích khác. Chỉ có Anna (Kari Sylwan), người giúp việc của Agnes là người thực sự lo lắng cho cô. Con gái của Anna đã qua đời vài năm trước, vì vậy Anna có thể hiểu được nỗi đau mà Agnes đang phải trải qua.

Phim cảm động 4
(Ảnh: Flickr)

Pather Panchali (1955)

Satyajit Ray là đạo diễn nhân văn vĩ đại từ giữa thế kỷ 20 tại tiểu lục địa Ấn Độ. Sinh ra ở Calcutta, một vùng thuộc địa của Anh vào năm 1921, Ray lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Lớn lên, Ray tham gia sản xuất phim, nhất là thể loại phim cảm động về thực tế đời sống và đề cao giá trị nhân văn.

Pather Panchali là bộ phim cảm động về gia đình Roy, một gia đình nghèo khổ sống trong các khu rừng của vùng Bengal, Ấn Độ. Người cha, Harihar là một linh mục dành phần lớn thời gian sống xa nhà. Trong khi đó, người mẹ, Sarbajaya phải chăm sóc đứa con gái Durga và con trai Apu bằng những đồng lương ít ỏi. Bộ phim có sức mạnh động viên to lớn với những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống, rằng, dù cuộc sống có thử thách bạn bao nhiêu, chỉ cần có hy vọng, một ánh sáng yếu ớt trong bóng tối vẫn có thể cho bạn thấy tương lai đầy.

Phim cảm động 5
(Ảnh: Taste of cinema)

Amour – Câu chuyện tình yêu (2012)

Giống với những nhà làm phim kể trên, đạo diễn Michael Haneke không bị xem là quá ủy mị hay cố tình lấy nước mắt của khán giả. Ống kính của Michael đơn giản thể hiện sự thật trần trụi và không che đậy chúng bởi những điều hào nhoáng. Các tác phẩm của Michael luôn có chút gì đó lạnh lùng nhưng lại rất thật, cũng chính điều này đã làm nên phong cách riêng biệt của đạo diễn người Áo.

Amour kể là bộ phim cảm động kể về cặp vợ chồng Anne và Georges (Emmanuelle Riva và Jean-Louis Trintignant). Cả hai đều là giáo viên piano về hưu và đang sống ở Paris. Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng gia bỗng chốc thay đổi khi Anne hai lần bị đột quỵ. Anne trải qua một cuộc phẫu thuật khiến cho nửa cơ thể bên phải của bà bị tê liệt và phải di chuyển bằng xe lăn kể từ đó. Tôn trọng mong muốn của Anne, Georges không đưa bà đến một nhà dưỡng lão mà tự mình chăm sóc bà. Trong một lúc nóng giận vì Anna nhả lại thức ăn, Georges không kìm chế được và đã đánh Anna. Hành động này khiến Georges cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận.

Bộ phim khiến khán giả không ngừng suy nghĩ về quỹ thời gian hữu hạn của cuộc đời khi chứng kiến hai nhân vật chính đến dần với cái chết không thể tránh khỏi. Haneke muốn nhắn nhủ, ngay cả tình yêu to lớn đến bao nhiêu cũng không đủ để ngăn chặn nỗi đau và tổn thương mà thời gian vô tình mang đến. Vì vậy, hãy biết trân trọng cuộc sống và hãy yêu khi còn có thể.

Phim cảm động 6
(Ảnh: Taste of cinema)

Mary và Max (2009)

Trong tất cả 5 bộ phim của đạo diễn phim hoạt hình tài ba Adam Elliot, Mary and Max là tác phẩm được yêu thích nhất. Năm 1978, Mary, một cô gái trẻ đến từ Mount Waverly, Úc, đang phải trải qua cuộc sống cô đơn và tẻ nhạt. Mary bị gia đình từ bỏ và không ai muốn kết bạn với cô vì vết bớt trên gương mặt. Trong lúc tuyệt vọng với những người xung quanh, Mary đã tìm thấy một danh bạ điện thoại ở Thành phố New York. Cô đã chọn ngẫu nhiên một người và viết thư gửi đến địa chỉ có sẵn.

Người nhận thư là Max, một người đàn ông 44 tuổi bị béo phì và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khiến anh không thể kết thân với người khác. Max khá bất ngờ và lo lắng khi nhận được thư từ Mary nhưng anh vẫn quyết định hồi âm. Chính định mệnh này đã đưa hai tâm hồn cô đơn đến gần với nhau hơn. Mary và Max chính là ánh sáng hy vọng và là niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống có quá nhiều đau thương của đối phương. Việc tìm được một người có thể yêu những mặt không tốt của bạn không phải là điều dễ dàng. Elliott đã cho ta thấy rằng bất chấp sự khác biệt, điều duy nhất giúp chúng ta hiểu và tôn trọng lẫn nhau là chính chúng ta.

Phim cảm động 7
(Ảnh: Taste of cinema)

The elephant man – Người voi (1980)

David Lynch không phải là một đạo diễn gắn mình với đề tài tâm lý xã hội. Tuy nhiên, The elephant man là tác phẩm đi ngược lại với phong cách thường thấy của ông. Joseph Merrick (thường được gọi là “John”) là một người đàn ông có gương mặt bị biến dạng được giữ làm “vật triển lãm” trong một chương trình lưu động ở thành phố London. Một ngày nọ, John được bác sĩ phẫu thuật Frederick Treves (Anthony Hopkins) giải thoát và đưa ông đi cùng. Dù thống đốc của bệnh viện chống lại Frederick và nói rằng John không thể chữa được và yêu cầu Frederick phải đuổi John đi nhưng anh vẫn giữ người bạn đặc biệt này bên cạnh. Đây là lần đầu tiên người đàn ông đáng thương John cảm nhận được tình thương và tình bạn sau nhiều năm sống trong cái nhìn kỳ thị của mọi người.

Trong khi Frederick tranh luận để John ở lại bệnh viện, John bị bắt cóc và mang về rạp xiếc. John tìm cách trốn thoát và bị truy đuổi ra ga Liverpool. Giữa sân ga, John hét lên “Tôi không phải là động vật! Tôi là một con người!”, tiếng kêu đau đớn từ sâu thẳm của một linh hồn bị tra tấn. Cuộc sống ngắn ngủi của Joseph Merrick là một bi kịch, nhưng David Lynch đã khéo léo lồng ghép giá trị nhân văn vào nhân vật của mình. Những khoảnh khắc cuối cùng của bộ phim, khi John chìm vào giấc ngủ, anh đã nhìn thấy sự bình yên mà bấy lâu anh tìm kiếm.

Phim cảm động 8
(Ảnh: Taste of cinema)

Dancer in the dark – Vũ công trong màn đêm (2000)

Đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier  từ lâu đã xuất sắc với những nhân vật nghèo khổ, đáng thương và Dance in the dark là một ví dụ. Selma (Björk) là một người nhập cư Séc sống ở Hoa Kỳ cùng với con gái Gene. Cô làm việc tại một nhà máy và dành chút thời gian rảnh rỗi để tham gia một vở nhạc kịch ở địa phương.

Không thể mua được nhà riêng, Selma và Gene sống trong một chiếc xe kéo của Bill Houston (David Morse), một cảnh sát trong thị trấn. May mắn chưa mỉm cười với mẹ con Selma khi cả hai mắc phải căn bệnh thoái hóa do di truyền khiến họ suy giảm thị lực dần dần. Selma đã chấp nhận sống trong bóng tối nhưng cô vẫn cố gắng tiết kiệm tiền để Gene phẫu thuật. Mặc dù Selma có thể sống trong đam mê với nhạc kịch nhưng điều kiện thực tế không cho phép cô làm điều đó. Triver đã khéo léo bóc trần cuộc sống khó khăn của những người nhập cư ở Mỹ đằng sau vẻ xa hoa thường thấy ở những bộ phim Hollywood khác.

Phim cảm động 9
(Ảnh: Taste of cinema)

Tokyo Story – Câu chuyện ở Tokyo(1953)

Tokyo Story là phim cảm động về đề tài gia đình của đạo diễn Yasujirō Ozu. Shūkichi và Tomi Hirayama (Chishū Ryū và Chieko Higashiyama) là một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu sống ở Tây Nam Nhật Bản với cô con gái Kyōko. Shūkichi và Tomi quyết định lên Tokyo để thăm người con trai đang làm bác sĩ nha khoa và người con gái làm thợ cắt tóc.

Tuy nhiên, vì quá bận rộn nên hai người con không thể dành thời gian cho cha mẹ. Cả hai đành phải đi lang thang trên đường phố của thủ đô Tokyo mà không có con bên cạnh. Đây là một câu chuyện đau lòng nhưng có thật ở hầu hết các thành phố lớn. Khi cuộc sống trở nên hối hả và áp lực kiếm tiền ngày càng lớn, chúng ta càng có ít thời gian dành cho gia đình.

Phim cảm động 10
(Ảnh: Taste of cinema)

 Grave of the Fireflies – Mộ đom đóm (1988)

Mộ đom đóm là một bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng về đề tài chiến tranh được hãng phim Ghibli sản xuất năm 1988. Bộ phim cảm động này là tác phẩm được Takahata Isao chấp bút viết kịch bản và làm đạo diễn. Mộ đom đóm được làm ra như một lời xin lỗi của Takahata Isao dành cho người em gái đã mất.

Bộ phim tái hiện đất nước Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai và kể lại câu chuyện đầy đau thương và mất mát của hai anh em Seita và Setsuko. Mẹ của Seita đã qua đời sau một cuộc thả bom dữ dội của không quân Mỹ tại thành phố Kobe. Người cha đang phục vụ trong Hải quân Nhật cũng đã hy sinh khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh.

Sau khoảng thời gian sống trong sự thờ ơ, ghẻ lạnh của chính những người họ hàng, Seita đã dẫn em gái bỏ trốn đến một căn hầm trú bom bị bỏ hoang. Vì thiếu thốn thức ăn nên Seita phải ăn cắp đồ và bị đánh đập. Khi Setsuko bị ốm nặng, Seita đưa cô bé đến bệnh viện và bác sĩ đã chẩn đoán Setsuko đang bị thiếu ăn trầm trọng. Dù có thể mua đồ ăn cho em gái nhưng khi Seita trở về, Setsuko đã không qua khỏi. Một thời gian sau, Seita cũng qua đời tại nhà ga Sannomiya.

Phim cảm động 12
(Ảnh: Taste of cinema)
Phim cảm động 13
(Ảnh: Japanese Studio)

Không chỉ là bộ phim cảm động tái hiện lại hoàn cảnh lúc đó của đạo diễn Takahata Isao và em gái, Mộ đom đóm còn thể hiện nhiều tầng ý nghĩa khác nhau về văn hóa của Nhật Bản – miêu tả bi kịch của chiến tranh hơn là ca ngợi những người anh hùng. Bên cạnh đó, nhiều người xem bộ phim như một lời cảnh báo về sự nguy hiểm khi con người quá đề cao lòng tự trọng của bản thân.

Phim cảm động 11
(Ảnh: Taste of cinema)

Xem thêm:

Ngày của Mẹ sắp tới, hãy cùng mẹ xem ngay những bộ phim gia đình thú vị này!

Liên hoan phim Cannes đồng hành cùng chủ nghĩa nữ quyền

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Taste of cinema)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)