Những bộ phim điện ảnh chủ đề Luân Hồi – Nhân Quả đáng nhớ
Nhiều bộ phim điện ảnh châu Á không chỉ khiến cả thế giới ngạc nhiên thích thú và chiêm nghiệm, mà còn khiến chúng ta thấm thía nhiều giá trị nhân văn, tích cực.
Hiện tại, Hollywood lên ngôi. Các bộ phim điện ảnh đến từ Hoa Kỳ thường mang nặng tính giải trí – cháy nổ đùng đoàng, dễ kiếm tiền, dễ xem, chóng quên. Mỗi năm, Holywood xuất xưởng hàng trăm bộ phim nhưng đều chung một mục đích, chung một công thức, chung một mẫu số, dễ rơi vào tình trạng lối mòn. Ngược lại, điện ảnh châu Á luôn là một báu vật vừa khiêm tốn lại vừa tỏa ra ánh sáng bền bỉ. Nhiều bộ phim hay châu Á không chỉ khiến cả thế giới ngạc nhiên thích thú và chiêm nghiệm, mà còn khiến chúng ta thấm thía nhiều giá trị nhân văn, tích cực.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin được chia sẻ với bạn đọc yêu điện ảnh những báu vật đến từ châu Á, cụ thể là hai cường quốc điện ảnh hùng mạnh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chọn chủ đề vừa gần gũi, dễ hiểu lại vừa hướng thiện, sâu sắc, những bộ phim Luân Hồi – Nhân Quả sau hẳn sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
1. Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân
Ảnh: BBVietnam
Là một trong những kiệt tác đáng nhớ của điện ảnh châu Á, cũng là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn bậc thầy Kim Ki-Duk, Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân (Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring) nhịp nhàng, dịu dàng, dẫn dắt người xem dạo bước qua bốn mùa của một đời người, tượng trưng cho sinh, lão, bệnh, tử, đồng thời cũng là vòng luân hồi đầy thăng trầm trong thế giới chúng ta đang tồn tại.
Bộ phim giản dị và tươi đẹp với phong cảnh chùa chiền, thiên nhiên. Đắm chìm trong vẻ đẹp bốn mùa đầy màu sắc, mỗi mùa mang một nét thi vị riêng, người xem nhẩn nha chiêm nghiệm sự phát triển tính cách – bản năng của nhân vật, đồng thời cũng như đang soi lại những Tốt – Xấu bên trong chính mình.
Ảnh: IMDb
Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân lồng ghép vô vàn hình ảnh ẩn dụ – hoán dụ về những chuẩn mực đạo đức, hành xử của con người, đồng thời, không ngần ngại chỉ ra cho người xem thấy được con người là một sinh vật sống động và tự nhiên đến thế nào, với đầy đủ những hỉ nộ ái ố, dễ bị sa ngã, và cũng dễ giác ngộ ra sao.
Đạo diễn bậc thầy và đặc biệt “quý hiếm” Kim Ki-Duk, như hòn sỏi hòn đá, ông ngao du sơn thủy, quan sát cuộc sống, hòa vào cuộc sống, là chính cuộc sống. Ông cảm nhận mặt tốt cũng như mặt xấu, phần con cũng như phần người, phần bản năng ngu muội cũng như phần thức tỉnh hướng thiện của những người xa lạ ông có duyên gặp gỡ. Tất cả những bài học cuộc sống nhặt nhạnh được, ông xây dựng nên Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân. Đây là bộ phim tự nhiên và đẹp tựa hơi thở cuộc sống, trong trẻo như tuyết, sáng tựa ban mai. Nhiều triết lý sống tưởng như hàn lâm được Kim Ki-Duk biểu đạt một cách nhân ái và dễ cảm thụ, cứ vậy nhẹ nhàng mơn man lan tỏa, thấm vào tâm can người xem.
Phim của Kim Ki-Duk, không chỉ khác biệt và hướng thiện, đáng trọng hơn, là những tác phẩm điện ảnh đẹp, chịu hòa mình với mọi thân phận trong xã hội, hoàn toàn không kén người xem.
2. Lời Thú Tội
Ảnh: Dhaka Movie
Rất lâu rồi, tôi mới xem được một bộ phim điện ảnh đương đại Nhật Bản giá trị và mới lạ, đó là Kokuhaku, hay Confessions, tựa tiếng Việt là Lời thú tội. Không chỉ phá vỡ nhiều điểm ước lệ truyền thống trong phong cách làm phim kiểu Nhật, vui thú hơn, bộ phim là màn cân não đầy cam go, nhanh và không thể đoán trước, không chỉ trong phạm vi các nhân vật thuộc Confessions.
Chọn bối cảnh là trường tiểu học, với mối quan hệ – thù hận giữa giáo viên với học sinh, Confessions mở ra cho người xem thấy trái tim toang hoác, mục rỗng vì thương tổn của xã hội. Ẩn giấu bên dưới bề nổi của những nụ cười hòa đồng, những thành tích học tập thượng hạng, là một thế giới tâm hồn hoàn toàn cô quạnh, đơn côi. Chính sự cô đơn đã biến con người ta thành những thực thể lạnh lẽo, dễ dàng thực hiện những điều tàn ác, ám ảnh nhất.
Ảnh: Japan Society
Đạo diễn Confessions, Tetsuya Nakashima (từng quen thuộc với người yêu phim ảnh qua bộ phim The World Of Kanako), hẳn là người có một trái tim cực lành lặn và mạnh khỏe trong một thế giới bệnh hoạn, sứt mẻ. Ông chắc tay, tĩnh tâm, và thấu cảm, đã chọn đối tượng sát nhân – nhân vật phản diện – ở lứa tuổi học đường. Xuyên suốt bộ phim, từ cảm giác căm phẫn bộc phát đầy bản năng lúc đầu, dần về sau, người xem được đạo diễn dẫn dắt đến sự cảm thông, thương xót và không chút thù hận. Xem Confession, tôi ngỡ ngàng nhận ra, tôi không chỉ quan sát bộ phim, mà còn đang quan sát phần Con đang vùng vẫy một cách hoang dại bên trong mình. Liệu chúng ta có đang nhân danh sự đồng cảm với nỗi đau vô bờ bến của nhân vật cô giáo – người mẹ trong phim mà để phần bản năng của mình thắng thế, muốn cùng người mẹ “trả thù” những kẻ sát nhân, là chính học trò nhỏ của mình? Lũ tội đồ mang danh học trò đó, cũng chính là những nạn nhân vô cùng đáng thương đang vô vọng chống chọi với thế giới của những người lớn cô đơn, ích kỉ đến lạnh lùng.
Confessions là bộ phim sôi sục cảm xúc. Tôi muốn bạn xem bộ phim này, để bạn cũng có được trải nghiệm kì lạ giống như tôi, đó là “thấy được” phần Con bên trong thân tâm chúng ta, xem nó hiện diện, nó vùng vẫy, nó dữ dội đến mức nào.
Thế giới này, vòng luẩn quẩn tội ác – trả thù đều đến từ sự cô đơn, cảm giác bị bỏ lại.
3. Departures
Ảnh: Amazon
Đối nghịch với Confession đầy “máu lửa” và mới lạ, Departures – Khởi hành, là bộ phim điện ảnh thuần chất Nhật, êm ái tựa cánh hoa anh đào. Đây cũng là bộ phim tôn vinh ngành nghề truyền thống độc nhất vô nhị, vừa cao quý lại vừa dễ bị hiểu lầm – xa lánh ở Nhật Bản. Đó là nghề gì, mời bạn tìm hiểu ở Departures.Tôi vẫn thường khuyên bạn bè mình tìm đến Departures mỗi khi tâm trạng u uất, bi quan nhất. Thất tình ư, mất việc ư, tăng cân ư, lĩnh lương chậm ư…? Hãy tìm đến Departures! Tinh thần bộ phim sẽ xua tan mọi điều tiêu cực đang vẫy vùng bên trong mỗi người.
Departures là câu chuyện cuộc sống cảm động, tươi sáng, đầy tình người. Bộ phim kể về một nhạc công cello sống ở Tokyo bị mất việc, được người bạn đời của mình động viên khích lệ, cả hai đã dọn về một vùng quê để bắt đầu cuộc sống mới. Cuộc sống vốn đầy những bất ngờ, tựa như món quà phù hợp dành tặng người xứng đáng vậy. Ở vùng hẻo lánh này, người nhạc công mất việc có duyên với một công việc mới, nửa kì dị đáng kiêng kị lại vô cùng ấm áp và nhân văn. Người nhạc công không còn buồn nữa. Tại vùng quê này, anh và người vợ của mình tìm lại được nhiều cảm hứng trong trẻo với cuộc sống vốn dĩ luôn bình yên và tràn đầy vui thú. Và cuộc sống của người nhạc công, vốn dĩ tưởng như đứt đoạn rồi bế tắc, nay bỗng sang một trang mới, đầy hứng khởi, thêm muôn vàn yêu thương.
Ảnh: psy317wongchanfai
Không chỉ đẹp và ấm áp những thông điệp giản dị mà ý nghĩa, Departures còn ngập tràn âm nhạc bay bổng từ Beethoven cho đến Joe Hisaishi. Hình tượng hoa anh đào xuất hiện nhẹ nhàng xuyên suốt bộ phim, nhắc nhở chúng ta cuộc sống luôn màu hồng và luôn nở hoa, nếu chúng ta chịu ngẩng đầu lên ngắm cánh hoa anh đào đang rung rinh bay trong gió.
Và tất nhiên, mọi kết thúc là để bắt đầu.
4. Pieta
Ảnh: bbsmovie
Với bộ phim điện ảnh về đề tài Nhân – Quả cuối cùng, chúng ta quay về với tiền bối Kim Ki-Duk, qua tác phẩm gai góc, đơn côi, nhức nhối Pieta.
Đều xứng là hai kiệt tác, tuy nhiên, Pieta lại “một trời một vực” với Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân, theo nghĩa đen. Pieta không có “địa hình” núi non chùa chiền đẹp tựa bộ phim kia, cũng không mang tính thiền. Pieta đúng nghĩa khô cằn sỏi đá hoang dã dữ dội. Bộ phim đề cập đến những thân phận nghèo hèn thấp kém tụt sâu lại trong lòng đất nước Hàn Quốc hiện đại hào nhoáng.
Ở “góc chết” nhỏ đó, người lao động kiệt quệ, gắng sức vô vọng vượt qua qua cảnh nghèo nàn. Vì nhiều lý do mà họ phải chấp nhận vay nặng lãi. Và đối tượng cho vay nặng lãi là một ác quỷ vô nhân tính. Mọi thảm cảnh nảy sinh từ đây. Nửa đầu bộ phim, người xem kinh hãi chứng kiến kẻ cho vay nặng lãi trừng trị không thương xót những ai không thể trả tiền cho hắn một cách lạnh lùng, nhẫn tâm. Ác không để đâu cho hết. Hàng loạt những câu hỏi rơi rụng trong đầu người xem, tại sao con người ta có thể ác với nhau đến vậy. Và rồi kết luận, đó là một con quỷ đội lốt người. Đạo diễn Kim Ki-Duk cần mẫn đẩy cảm xúc người xem lên đến đỉnh điểm của sự sợ hãi và khinh ghét kẻ thủ ác, rồi sau đó, nhẹ nhàng dìu dắt người xem đi sâu vào tâm tư của con thú dữ. Càng hiểu về nội tâm kẻ ác, người xem càng thấy chua xót, thương cảm. Cội nguồn của cái ác lạnh lẽo ngày hôm nay vốn dĩ đều có nguyên nhân của nó. Ai cũng đều đáng thương cả.
Ảnh: Saskatoon Fantastic Film Festival
Với Pieta, đạo diễn Kim Ki-Duk không ngại ngần bộc lộ nhiều mặt tối của cuộc sống. Cuộc sống cay nghiệt, cuộc sống cộc cằn, cuộc sống cũng lóe lên sự hồi tâm chuyển ý, song cuộc sống đã không biết tha thứ. Bộ phim buồn, ám ảnh, tang thương, dã man đỉnh điểm, xong cũng khao khát yêu thương đến vô vọng, mù quáng.
Thù hận gối lên thù hận. Cái ác trả giá bằng cái ác.Tuy nhiên, sau những triệt tiêu, cuối cùng, chỉ còn lại những tổn thương đơn độc, nhức nhối.
Bài: CHQCQ (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)