Văn hóa / Thế giới văn hóa

5 bộ phim Hàn lấy bối cảnh những sự kiện có thật trong lịch sử

Ngoài việc sở hữu dàn diễn viên tài năng và xinh đẹp, một trong những yếu tố góp phần khiến phim Hàn trở nên thành công như hiện nay là kịch bản thú vị, độc đáo. Đặc biệt, những bộ phim có nội dung tái hiện lịch sử luôn được đầu tư tỉ mỉ, chỉn chu để mang đến cho khán giả những góc nhìn chân thật về những thời kỳ đáng chú ý của Hàn Quốc.

Biết sử qua phim cũng là một hình thức học hỏi hiệu quả, điều này đòi hỏi biên kịch phải có kiến thức lịch sử tốt cùng khả năng viết lách vững để khơi gợi sự hứng thú ở người xem mà không sa đà quá nhiều vào việc kể lể nhàm chán. Do đó, những tác phẩm tái hiện lịch sử của Hàn Quốc đều có một sức hút nhất định vì nó vừa phản ánh chân thật quá khứ, vừa có những yếu tố hư cấu vừa phải của một bộ phim truyền hình hoặc phim điện ảnh để thể hiện trọn vẹn một giai đoạn lịch sử cụ thể. Nếu bạn yêu thích xứ sở kim chi, 5 bộ phim dưới đây có thể giúp bạn hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và phong cách sống của người Hàn từ xưa đến nay.

1. The Hymn of Death

phim The Hymn of Death lấy bối cảnh từ sự kiện có thật
Ảnh: Hancinema

Lấy bối cảnh vào những năm 1920, The Hymn of Death kể về chuyện tình có thật giữa Yoon Shim Deok (Shin Hye Sun thủ vai) – nữ ca sĩ soprano đầu tiên của Triều Tiên với Kim Woo Jin (Lee Jong Suk thủ vai) – nhà soạn kịch tài ba, hai người gặp nhau tại Đại học Waseda, Nhật Bản, họ phải lòng nhau sau một thời gian tiếp xúc với đối phương. 

Tuy nhiên, họ không thể thành đôi vì Lee Woo Jin đã kết hôn, dù đó chỉ là cuộc hôn nhân sắp đặt và cuộc đời của anh đã bị cha mình định đoạt kể từ khi được sinh ra. Đây cũng là chi tiết có thật và là khởi nguồn cho mọi bi kịch của hai người họ. Mặc dù hoàn cảnh trớ trêu, điểm tinh tế và đáng chú ý của bộ phim được thể hiện ở chỗ Woo Jin và Shim Deok đều cố gắng làm đúng với đạo đức của thành phần trí thức trong xã hội lúc bấy giờ, chẳng hạn như khi Woo Jin nhận ra mình có tình cảm với Shim Deok, anh đã tránh tiếp xúc với cô, đồng thời mời cô ấy đến thăm gia đình để Shim Deok biết rằng anh đã có vợ. Người vợ của Woo Jin cũng không phải là kiểu nữ phụ phản diện mưu mô thường thấy trong đa số các phim Hàn, cô ấy hiểu rõ rằng Woo Jin không yêu mình và chính cô cũng là nạn nhân của lệ tảo hôn trong thời Joseon. Câu chuyện này đã mở ra một thông điệp rằng đôi khi những điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy đến với người tốt, vì vậy chúng ta cần học cách đối mặt, chấp nhận những khó khăn và buông bỏ những điều không nằm trong tầm kiểm soát của mình. 

Sau đó nhiều năm, cả hai có cơ hội gặp lại nhau và tiếp tục mối quan hệ còn dang dở. The Hymn of Death đã khắc họa tình yêu của Woo Jin và Shim Deok vượt ra khỏi tình cảm trai gái thông thường, họ là tri kỷ và có sự đồng điệu trong nghệ thuật.

The Hymn of Death không chỉ kể lại câu chuyện tình cảm của một cặp đôi bị ngăn cấm trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ, mà nó còn thể hiện những bất công, định kiến mà nhiều người phải đối mặt vào thời điểm đó. Diễn xuất tài tình của Lee Jong Suk và Shin Hye Sun – nữ diễn viên nổi tiếng với vai chính trong Mr. Queen – sẽ mang đến cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc xuyên suốt bộ phim.

2. Reply 1988

phim Reply 1988 lấy bối cảnh từ sự kiện có thật
Ảnh: Hancinema

Series Reply gồm 3 phim: Reply 1988, Reply 1994 Reply 1997 được sản xuất bởi đài tvN. Kể từ khi ra mắt đến nay, series này thành công đến mức rating chưa bao giờ giảm qua từng tập và đạt được điểm số số IMDb khủng – 9.1/10 (Reply 1988).

Ký ức về quá khứ luôn khơi gợi cho con người nhiều cảm xúc thương nhớ và bồi hồi, và Reply 1988 đã thành công trong việc tái hiện lại những khoảnh khắc và ký ức đẹp đẽ nhất của nhiều người vào khoảng thời gian cuối thập niên 80.  Nếu như Reply 1994 Reply 1997 chủ yếu xoay quanh các vấn đề tình bạn, những rung động trong các mối quan hệ bạn bè thì Reply 1988 lại tập trung khai thác yếu tố tình cảm gia đình. Như tên gọi, bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc năm 1988 – năm Hàn Quốc là nước chủ nhà của Thế vận hội mùa Hè 1988 và cũng là thời điểm xảy ra nhiều phong trào biểu tình đòi quyền dân chủ của sinh viên. Tuy đây là khoảng thời gian xảy ra nhiều biến động, phim lại tập trung khai thác quá trình trưởng thành của các cô cậu thiếu niên và cuộc sống của những gia đình ở xóm nghèo Ssangmun Dong giữa lòng Seoul sầm uất. 

5 gia đình của nhóm bạn gồm Duk Sun, Jung Hwan (Ryu Junyeol), Choi Taek (Park Bo Gum) Sun Woo (Go Kyung Pyo) và Dong Ryung (Lee Dong Hwi) sẽ cho bạn cảm nhận nhiều giá trị sâu sắc của cuộc sống. Chẳng hạn như người bố của Duk Sun (Sung Dong Il) luôn tỏ ra cộc cằn và khó chịu với mọi thành viên trong nhà, nhưng thực tế ông rất quan tâm đến gia đình của mình. Ông sẵn sàng đi đôi giày không vừa kích cỡ trong đám cưới của con gái mà không một lời phàn nàn, hay mẹ của Duk Sun (Lee Il Hwa) có thể bỏ hết lòng tự trọng của mình để cầu xin cảnh sát đừng bắt Bora (Ryu Hye Young) – người con cả của bà – vì cô tham gia vào cuộc biểu tình sinh viên.

Cái nghèo đã buộc những người con của xóm Ssangmun Dong phải trở nên trưởng thành và hiểu chuyện hơn tuổi rất nhiều. Không Internet, không có sự can thiệp của công nghệ hiện đại, không có vai phản diện… những thước phim bình dị của Reply 1988 chắc chắn sẽ làm bạn “khóc một dòng sông” vì những cảm xúc quá đỗi chân thật. 


Xem thêm

• Những bộ phim Mỹ hay nhất mọi thời đại giành được tượng vàng Oscar

• Thường thức tinh hoa phim ảnh quốc tế qua 11 bộ phim “lọt top” trên Rotten Tomatoes

• 4 bộ phim hay nhất về cuộc đời của các huyền thoại âm nhạc


3. Crash Landing on You

phim Crash Landing on You lấy bối cảnh từ sự kiện có thật
Ảnh: Hancinema

Sức hút của Crash Landing on You không cần phải bàn cãi khi đây là bộ phim se duyên cho cặp đôi quyền lực của Kbiz – Son Ye Jin và Hyun Bin. Trong phim, Son Ye Jin vào vai Yoon Seri, một nữ thừa kế tập đoàn tài chính người Hàn Quốc bị mẹ kế và các anh trai cùng cha khác mẹ ghét bỏ và luôn tìm cách hãm hại cô. Do vậy, thay vì tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, cô thành lập công ty riêng về lĩnh vực thời trang và làm đẹp. Trước khi ra mắt sản phẩm dành cho thể thao mạo hiểm, cô đã tự mình thử nghiệm bằng cách đi dù lượn và không may bị một cơn lốc cuốn đến Triều Tiên. Cô tình cờ được Đại úy Triều Tiên Ri Jeong Hyeok cứu giúp,  giấu thân phận để trở về Hàn Quốc.

Trên thực tế, không nhân vật nào tên Seri ở ngoài đời lạc sang Triều Tiên và gặp được Đại úy Ri như trong phim, nhưng biên kịch của bộ phim đã tiết lộ rằng cô đã lấy cảm hứng từ câu chuyện của nữ diễn viên Jung Yang. Năm 2008, trong một lần đi nghỉ dưỡng, Jung Yang và bạn bè đã bị lạc qua biên giới phía Bắc giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, đây là một việc rất nguy hiểm khi ai đó tự ý vượt khỏi lãnh thổ Hàn Quốc sang Triều Tiên và ngược lại. Rất may cô đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cứu hộ mà không gặp bất kì chấn thương nào.

4. Youth of May

phim Youth Of May lấy bối cảnh từ sự kiện có thật
Ảnh: Hancinema

Youth of May là bộ phim lãng mạn kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa sinh viên y khoa Hwang Hee Tae (Lee Do Hyun) và y tá Kim Myung Hee (Go Min Si). Hai người yêu nhau trong khoảng thời gian chính trị, xã hội Hàn Quốc đang có những biến động lớn, khi các cuộc biểu tình sinh viên dần trở thành một cuộc nổi dậy bạo lực có vũ trang vào tháng 5 năm 1980 – tương ứng với phong trào dân chủ Gwangju trong lịch sử. 

Kim Myung Hee là một nữ thực tập sinh y tá ấp ủ giấc mơ được đến Đức du học, tuy nhiên cô quá nghèo để có thể mua được vé máy bay sang nước ngoài. Lee Soo Ryeon – bạn thân của cô đã đề nghị sẽ cho cô vay tiền với điều kiện Myung Hee phải đến xem mắt thay cho Soo Ryeon. Từ đây, cô gặp Hee Tae và họ nhanh chóng phải lòng nhau. Nhưng bố của Hee Tae – Hwang Ki Nam (Oh Man Seok) – không từ thủ đoạn nào để có thể đạt được quyền lực chính trị trong tay, kể cả ép buộc Soo Ryeon kết hôn với Hee Tae, tra tấn bạn thân của Hee Tae, hay thậm chí là giết con trai mình nếu cần. Có thể thấy Hwang Ki Nam chính là nhân vật điển hình đại diện cho chế độ độc tài tàn bạo trong tình trạng hỗn loạn lúc bấy giờ. 

Tình yêu của Hee Tae và Myung Hee như một ánh sáng soi rọi cho bối cảnh tăm tối xung quanh họ, khi bạo lực, xung đột, ly tán diễn ra khắp nơi. Có lẽ, đó cũng là thông điệp mà Youth of May muốn gửi cho khán giả, rằng hãy yêu nhau một cách đẹp đẽ như cách mà Hee Tae và Myung Hee đã dành trọn tình yêu và tuổi trẻ cho nhau vào tháng Năm, không màng bất kỳ khó khăn nào.


Xem thêm

• 6 bộ phim Hàn khiến bạn chỉ muốn đi du lịch ngay và luôn 

• 5 nền công nghiệp điện ảnh lớn cạnh tranh với Hollywood

• 7 tựa phim Thái Lan hay nhất của “ngọc nữ” Baifern Pimchanok


5. Move to Heaven

phim Move to Heaven lấy bối cảnh từ sự kiện có thật
Ảnh: Hancinema

Dù không có những câu chuyện tình yêu hay những cuộc tranh giành quyền lực, tài sản, Move to Heaven chắc chắn sẽ khiến bạn phải rơi nước mắt bởi nội dung vô cùng xúc động. 

Khai thác góc nhìn mới lạ, phim kể về Han Geu Roo (Tang Joon Sang) – cậu thanh niên mắc chứng Asperger (chứng rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng, là một dạng của tự kỷ) – đi theo cha mình để thu dọn di vật của người chết. Công việc của họ là sắp xếp và thu gom lại những gì mà người đã khuất để lại, từ đó đoán ra cách họ đã sống như thế nào trước khi mất và giúp họ đạt được di nguyện cuối cùng nếu có thể.

Tuy nhiên, bố của Geu Roo không may qua đời khiến cậu cảm thấy mất mát rất lớn. Cậu phải đến sống cùng người chú mới ra tù chưa một lần gặp mặt là Sang Gu (Lee Je Hoon). Ban đầu, Sang Gu làm việc cùng Geu Roo chỉ vì muốn thừa hưởng khối tài sản của anh trai mình để lại, nhưng thông qua hành trình đi thu dọn cùng Geu Roo, Sang Gu đã nhận ra cuộc sống này còn rất nhiều điều tốt đẹp mà từ trước đến nay anh chưa được biết. 

Vậy bộ phim này có liên quan gì đến sự kiện có thật? Kịch bản Move to Heaven đã được viết ra dựa trên cảm hứng từ cuốn sách Things Left Behind của tác giả Kim Sae Byul – người dọn dẹp di vật “bằng xương bằng thịt” ngoài đời. Hầu hết các trường hợp trong phim đều dựa trên các vụ mà anh Sae Byul đã thu dọn. Ngoài ra, cái chết của cha Geu Roo cũng dựa trên một vụ sập cửa hàng bách hóa Sampoong vào năm 1995. 

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)