Văn hóa / Thế giới văn hóa

3 bộ phim điện ảnh về sự đồng cảm và các vấn đề sức khỏe tinh thần

Điện ảnh có thể khiến bạn nhìn thế giới bằng một con mắt khác. Một bộ phim cho chúng ta cơ hội được đắm chìm vào cuộc đời của những con người mình chưa từng biết đến, giúp ta đồng cảm với những con người trong đời thực hay với chính bản thân trong những lúc tâm trí cằn cỗi.

Nói như đạo diễn Chun Wong, “điện ảnh là phương thuốc cần có của con người trong xã hội hiện đại”, nơi đại dịch vô cảm đã bám rễ sâu và lâu hơn bao giờ hết. Mad World, Kim Ji-young 1982, hay Like Stars on Earth không chỉ là những bộ phim dễ cảm, mà những nhân vật bước ra từ đó gần gũi đến mức họ có thể là một ai đó chúng ta từng gặp trong đời.

MAD WORLD (2017)

Một cách ngắn gọn thì Mad World là hành trình của một người đàn ông bị chấn thương tâm lý nặng nề vì thế giới mình đang sống. Sau khi được điều trị, anh ta trở về và phải tiếp tục nỗ lực để tồn tại trong thế giới luôn sẵn sàng khiến mình phát điên ấy.

Tùng (Dư Văn Lạc) từng là một chuyên gia về cổ phiếu, anh muốn bắt đầu lại cuộc sống với mong muốn hàn gắn với vị hôn thê Jenny (Phương Hạo Văn) và mối quan hệ với cha ruột (Tăng Chí Vỹ), người đã bỏ mặc mẹ con anh suốt thời gian dài. Trong khu tập thể ổ chuột chật hẹp điển hình của xã hội Hồng Kông đương đại, hai cha con Tùng khó có không gian sống đúng nghĩa. Nhưng xuyên qua ô cửa nhỏ gần như bị che kín tầm nhìn từ căn phòng của họ thì thế giới bên ngoài kia cũng chẳng rộng lớn hơn là bao. Hai cha con Tùng vừa phải chịu đựng những định kiến soi mói từ xã hội hạn hẹp, vừa phải vật lộn với cảm giác ngột ngạt bức bách bên trong. Bên trong đó có thể là diện tích bé nhỏ của gian phòng, mà cũng có thể là tâm trí luôn chực chờ bùng nổ của hai người đàn ông giữa việc học cách chấp nhận nương tựa vào nhau lẫn liên tục giày vò nhau bởi quá khứ.

phim điện ảnh Mad World

Bộ phim khá lúng túng trong việc đúc kết cái nhìn về mâu thuẫn nội tại cá nhân, giữa mối tương quan của câu chuyện gia đình, xã hội và sức khỏe tâm thần. Dẫu sao, Mad World vẫn phản ánh chân thực về vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội Hồng Kông, một chủ đề táo bạo và đầy dũng cảm đối với một tác phẩm điện ảnh đầu tay. Đặc biệt là những góc khuất ấn tượng về cuộc sinh tồn của những phận người bên trong một đô thị phát triển bằng những áp lực chồng chất.

Theo Timeout, đạo diễn Chun Wong và ê-kíp đã dành nhiều thời gian phỏng vấn người làm công tác xã hội, các bác sĩ và cả những trường hợp có hoàn cảnh tương tự nhân vật. Họ nghiệm ra khi càng dành thời gian cho ai đó ta càng nhận thấy những định kiến từng có về họ là sai lầm như thế nào. Nếu chúng ta không cố gắng để thấu hiểu, từ chối giúp đỡ mà chỉ muốn cô lập những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì vòng lẩn quẩn chỉ càng trở nên tồi tệ hơn. Động lực tạo ra bộ phim Mad World của Chun Wong chính vì điện ảnh là công cụ tuyệt vời để phá vỡ định kiến và gỡ bỏ nhãn mác của chúng ta về nhau.

phim về căn bệnh tâm lý
“Mad World” của đạo diễn Chun Wong phản ảnh chân thực vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội Hồng Kông.

KIM JI YOUNG 1982 (2019)

Theo chân cuốn sách best-seller, tác phẩm đầu tay của nữ tác giả Choo Nam Jo, Kim Ji-young 1982 phiên bản điện ảnh của nữ đạo diễn Kim Doyoung cũng tạo nên cơn sốt và cuộc tranh cãi không kém tại xứ sở kim chi. Khác với Mad World nhiều u uất, Kim Ji-young 1982 có phần tươi sáng và dễ cảm hơn, một kiểu mẫu điển hình về câu chuyện tình cảm và gia đình Hàn Quốc.

Tạm bỏ qua chủ đề nữ quyền, yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất của Kim Ji-Young 1982, phiên bản trên màn ảnh rất khác. Dù giữ nguyên cốt truyện nhưng bộ phim đã hoàn toàn đánh mất tinh thần vốn có, cũng như xa rời thông điệp mạnh mẽ từ trang sách. Bên cạnh tài diễn xuất của cặp đôi diễn viên Jung Yu-mi và Gong Yoo, điểm sáng còn lại của phim chính là mối quan tâm về sức khỏe tâm thần của người phụ nữ trong bối cảnh sống hiện đại – đối tượng luôn “bị” kỳ vọng phải đảm việc nhà, giỏi việc nước và biết làm đẹp trong mắt người khác. “Làm mẹ vất vả như thế nào thì cũng phải biết ăn diện chứ!” là lời nhận xét buột miệng từ một nhân vật rất phụ trong phim nhưng là nỗi ám ảnh kinh điển trong thực tế.

Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Kim Ji-young (Jung Yu-mi), cô gái sinh năm 1982, được nuôi dạy bởi một người mẹ tháo vát chấp nhận từ bỏ ước mơ của bản thân để gánh vác gia đình. Ji-young mất nhiều công sức để khẳng định giá trị và hoài bão trong một xã hội mặc nhiên nam giới có rất nhiều đặc quyền. Cô kết hôn với người đàn ông biết lắng nghe và thấu hiểu. Nhưng khi con gái ra đời, cô phải là người chọn từ bỏ hành trình đã phấn đấu để yên phận trong vai trò mà xã hội phân định. Tuy nhiên, tâm trí của Ji-young không yên ổn. Cô luôn bị xung đột giữa ý niệm về cuộc sống mình muốn và khuôn mẫu nên tuân theo. Những dồn nén tích tụ từ khi còn là một bé gái tới tuổi trưởng thành đến thời điểm bùng phát, Ji-young như bị nhập một cách bí ẩn vì có hành vi và suy nghĩ mất kiểm soát. Cô trở thành người cuối cùng được biết về căn bệnh tâm lý của mình.

phim Kim Ji Young 1982
Bộ phim “Kim Ji-young 1982” được chuyển thể dựa trên cuốn sách best-seller “Kim Ji-young: Born 1982” của Choo Nam Jo.

Điều khó khăn nhất của người bệnh là chấp nhận tình trạng của mình và đến gặp bác sĩ. Bất kỳ người phụ nữ nào đã đi làm, sinh con đều dễ dàng nhận ra một Kim Ji-young bên trong mình. Và nếu ai đó cũng từng rơi vào khủng hoảng thì cái ý nghĩ “tất cả đều là lỗi của tôi, người khác tìm được đường ra, tôi không tìm được đường ra, vậy nên tôi tụt lại phía sau” có khi lại vô cùng quen thuộc. Bộ phim an toàn, thiếu tính đột phá nhưng thành công trong việc lấy nước mắt và tạo sự đồng cảm lớn từ người xem. Nữ đạo diễn Kim Do-young đã liều lĩnh tháo gỡ xung đột của Ji-young bằng hình ảnh người chồng hiện đại mẫu mực Jung Dea-hyun (Gong Yoo), người biết xét mình và nỗ lực tìm giải pháp. Anh trở thành chỗ dựa của Ji-young, thúc đẩy cô chấp nhận trị liệu và cổ vũ cô làm điều mình thấy hạnh phúc. Đây là một trong những nhân tố gây ra tranh cãi của phim nhưng có thể là mấu chốt giúp bộ phim dẫn đầu phòng vé quốc gia khi ra mắt.

LIKE STARS ON EARTH (2007)

Ra đời trước Mad WorldKim Ji-young 1982 khá lâu, bộ phim Like Stars on Earth mang đến một thông điệp tiến bộ xoáy thẳng vào quan điểm giáo dục hà khắc và quá nhiều rào cản của xã hội Ấn Độ. Like Stars on Earth nhấn mạnh mỗi đứa trẻ đều là một điều đặc biệt, chúng xứng đáng được lắng nghe và được nuôi dưỡng theo những cách khác biệt.

Ishaan (Darsheel Safary) lên 8, là cậu bé năng động và nghịch ngợm, thích quan sát cuộc sống theo cách riêng và say sưa thể hiện những khám phá độc đáo, song lại không thấy hứng thú với việc đến trường, thường xuyên là đứa trẻ bị quở phạt, trách mắng đồng thời liên tục bị chế nhạo. Ishaan bất cần vẫn lém lỉnh dùng nhiều chiêu trò để đối phó việc học. Các lời than phiền ngày càng nhiều, kết quả điểm số ngày càng tồi tệ, Ishaan có nguy cơ ở lại lớp và có thể bị đuổi học, bố cậu đã nổi trận lôi đình và cảm thấy xấu hổ. Ông thất vọng vì sao cậu không được một phần như người anh trai tài giỏi. Ông phẫn nộ vì cậu không thể đáp ứng kỹ năng đọc viết cơ bản, điều đó khiến Ishaan bị đánh giá là đứa trẻ bất thường, khiếm khuyết. Ông tống khứ cậu vào trường nội trú.

Quyết định đó làm tổn thương Ishaan vì cậu đột ngột bị tách rời khỏi gia đình. Bị cô lập trong môi trường giáo dục khắc nghiệt, nơi dùng hình phạt để răn đe học sinh khiến Ishaan càng cảm thấy tuyệt vọng, trở nên lầm lì và mất hết sức sống. Cậu không còn cảm thấy hứng thú với thế giới quanh mình, kể cả việc chơi đùa cùng màu sắc. Thái độ của Ishaan gây chú ý với giáo viên nghệ thuật vừa chuyển đến Nikumhb (Aamir Khan), anh phát hiện cậu bé bị mắc chứng khó đọc. Nikumhb là người duy nhất tin rằng Ishaan cần được thấu hiểu và giúp đỡ. Tuy nhiên khao khát dùng nghệ thuật kết nối tâm hồn trẻ thơ và các sáng kiến giáo dục của anh gặp nhiều trắc trở khi phải đối đầu với quan điểm cổ hữu rằng nhà trường phải là nơi chuẩn bị tốt nhất cho những đứa trẻ bước vào đường đua cuộc đời, học tập là để cạnh tranh và đạt được thành công ngoài xã hội. Nhiệm vụ của trẻ là đến trường và có điểm số tốt, không ai quan tâm đến cảm xúc hay việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của chúng.

bộ phim về sức khỏe tinh thần
Ảnh: IMDb

Bộ phim đầu tay của Aamir Khan hơi thiếu tính súc tích nhưng lối thể hiện gần gũi, trực diện, phần nào tác động đến sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, gieo những cảm hứng mới mẻ trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ ở thời điểm đó. Xen lẫn với những lồng ghép fantasy thần tiên đáng yêu, Like stars on Earth mang đến những giai điệu rộn rã, tích cực. Diễn xuất lay động lòng người của Darsheel Safary khiến cậu bé trở thành ngôi sao lấp lánh nhất bộ phim.

Nhóm thực hiện

Bài: May Ngô 

Hình ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)