22 bộ phim dưới đây không chỉ hứa hẹn mang lại tiếng cười và niềm vui cho bạn, mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tình yêu, sự sẻ chia và phép màu trong mùa Giáng sinh. Những câu chuyện này sẽ giúp bạn tận hưởng không khí lễ hội trọn vẹn, tạo nên những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, bạn bè và những người thân yêu!
1. While You Were Sleeping (1995)
While You Were Sleeping (tựa Việt: Khi Chàng Say Giấc) là một bộ phim hài lãng mạn lý tưởng cho mùa Giáng sinh. Câu chuyện xoay quanh việc Lucy Moderatz (Sandra Bullock) – một nữ nhân viên thu phí tàu điện ngầm thầm thương trộm nhớ Peter Callaghan (Peter Gallagher) – hành khách điển trai cô gặp mỗi ngày trên chuyến tàu mình bán vé suốt một năm trời.
Ngày nọ, Lucy cứu Peter khỏi một tai nạn khi anh vô tình ngã xuống đường ray và rơi vào hôn mê. Tại bệnh viện, do sự nhầm lẫn, gia đình Callaghan tin rằng Lucy chính là vị hôn thê của Peter. Vì không muốn mọi người trong gia đình Peter thất vọng trong những ngày cận kề Giáng sinh, đồng thời vì Peter chính là “crush” của mình, Lucy bất đắc dĩ phải giả làm người yêu của anh chàng và dần gắn bó với gia đình ấm áp này. Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên phức tạp khi Lucy gặp Jack Callaghan (Bill Pullman) – em trai của Peter, người bắt đầu nghi ngờ về câu chuyện của cô. Nhưng qua thời gian, giữa Lucy và Jack lại nảy sinh một mối quan hệ tình cảm bất ngờ và chân thành.
Dù nội dung và mạch phim của While You Were Sleeping không quá bất ngờ hay nổi bật, song điều khiến bộ phim này hấp dẫn chính là sự ngọt ngào và lãng mạn đặc trưng chỉ có thể tìm thấy trong những bộ phim Âu Mỹ vào những năm 90. Tập trung khai thác vào tình yêu chân thật, sâu sắc và pha một chút kỳ ảo như các bộ phim lãng mạn kinh điển cùng thời như Pretty Woman (1990) hay Sleepless in Seattle (1993), While You Were Sleeping đã tỏa sáng nhờ sự tinh tế trong cách kể chuyện và diễn xuất xuất sắc của Sandra Bullock và Bill Pullman. Vai diễn Lucy Moderatz còn góp phần đưa tên tuổi của Sandra Bullock sang một bước ngoặt mới, khiến công chúng thêm phần yêu mến vẻ đẹp và khả năng diễn xuất của cô.
Bộ phim không sử dụng những tình tiết xung đột dữ dội hay những cảnh quay phức tạp để tạo cao trào mà được xây dựng trên bối cảnh và không khí gia đình ấm áp, hứa hẹn sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một câu chuyện nhẹ nhàng và giàu cảm xúc cho dịp Giáng sinh.
2. Tangerine (2015)
Tangerine (tựa Việt: Những Cô Gái Da Màu) là tác phẩm điện ảnh độc lập có kinh phí siêu thấp (vỏn vẹn 100.000 USD), xoay quanh câu chuyện đêm Giáng sinh của hai cô gái bán hoa chuyển giới và được đạo diễn Sean Baker quay hoàn toàn bằng chiếc điện thoại iPhone 5S.
Bộ phim mở đầu bằng một câu thoại cực kỳ ấn tượng: “Giáng sinh vui vẻ nhé, con khốn” chen ngang giai điệu du dương của ca khúc Toyland, ngay lập tức thiết lập tông điệu của phim: gai góc, chân thực nhưng không kém phần hài hước. Nó phá vỡ hình ảnh quen thuộc về Giáng sinh – thời điểm thường gắn liền với không khí ấm áp và thanh bình, từ đó đưa khán giả gia nhập vào thế giới sôi động và đầy hỗn loạn của những người vốn được cho là “bên lề xã hội” tại Los Angeles.
Sin-Dee Rella (Kitana Kiki Rodriguez) – một cô gái bán hoa chuyển giới vừa ra tù phát hiện Chester (James Ransone) – bạn trai kiêm quản lý của cô đã lừa dối mình để đến với một cô gái khác. Phẫn nộ và đau đớn, Sin-Dee quyết tâm đi khắp các con phố của Los Angeles để tìm ra kẻ đã phá hoại hạnh phúc của cô. Cùng đồng hành với Sin-Dee là Alexandra (Mya Taylor) – một cô gái chuyển giới và là người bạn thân nhất của cô. Dù Sin-Dee nóng nảy và bốc đồng, Alexandra vẫn luôn bên cạnh, giúp nữ chính đối diện với thực tế và cùng nhau vượt qua những khó khăn. Mối quan hệ của cặp đôi là điểm sáng trong phim, thể hiện tình bạn sâu sắc giữa những con người ở nhóm yếu thế đang phải vật lộn với định kiến xã hội và chính cuộc sống của họ.
Thông qua những tình huống hài hước, Tangerine đã khéo léo vẽ lên bức tranh chân thật về cuộc sống của những người chuyển giới, đặc biệt là trong ngành mại dâm ở Mỹ. Bộ phim không ngần ngại đề cập đến những thử thách mà cộng đồng người chuyển giới phải đối mặt, từ bạo lực, sự phân biệt cho đến những ước mơ không thể thành hiện thực. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ làm nền để tôn vinh sức mạnh và giá trị của họ, từ đó gửi đi các thông điệp vô cùng sâu sắc đến người xem. Bên cạnh đó, các kỹ thuật tiền kỳ và hậu kỳ được đạo diễn Sean Baker áp dụng cho bộ phim khi thiết bị quay chỉ là 1 chiếc iPhone 5S đã khiến giới phê bình khen ngợi, đánh giá cao.
Tangerine đã xuất sắc nhận được 4 đề cử tại Independent Spirit Awards (Giải thưởng danh giá nhất dành cho các phim độc lập), trong đó có đề cử Phim hay nhất và giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Mya Taylor.
BÀI LIÊN QUAN
Chuyện ít bàn về phim Giáng Sinh
3. Bad Santa (2003)
Bad Santa (tựa Việt: Ông Già Noel Xấu Tính) là một bộ phim hài táo bạo, hoàn toàn khác biệt so với những bộ phim Giáng sinh truyền thống. Câu chuyện xoay quanh Willie T. Stokes (Billy Bob Thornton) – một tên trộm chuyên nghiệp. Mỗi dịp Giáng sinh, Willie cùng đồng phạm Marcus (Tony Cox) thực hiện một kế hoạch quen thuộc: giả làm ông già Noel để đột nhập vào các trung tâm thương mại và lấy trộm tiền từ két sắt. Mọi chuyện tưởng chừng sẽ tiếp tục theo đúng kế hoạch cho đến khi họ đến một trung tâm thương mại ở Phoenix, nơi Willie gặp Thurman Merman (Brett Kelly) – một cậu bé ngây thơ và cô đơn vẫn tin vào phép màu của Giáng sinh, cùng với Sue (Lauren Graham) – một cô phục vụ quán bar. Chính sự xuất hiện của hai người này đã dần khiến Willie nhận ra ý nghĩa thật sự của đêm Giáng sinh và bắt đầu thay đổi bản thân.
Mặc dù đi ngược lại với hình ảnh lung linh, lãng mạn của mùa lễ hội, Bad Santa vẫn mang đến thông điệp về sự cứu rỗi, khả năng thay đổi và cảm hóa con người, ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Bộ phim trở nên đặc biệt vì nó phá vỡ mọi quy chuẩn truyền thống của thể loại phim mùa lễ hội, với một ông già Noel xấu tính và phá cách đến mức không giống ai.
4. The Family Stone (2005)
The Family Stone (tựa Việt: Gia Đình Nhà Stone) là một bộ phim gia đình hài hước và lãng mạn, xoay quanh những mâu thuẫn và tình huống dở khóc dở cười xảy ra khi một gia đình đông đúc và lập dị tụ họp trong dịp Giáng sinh. Câu chuyện bắt đầu khi Everett Stone (Dermot Mulroney) đưa bạn gái Meredith Morton (Sarah Jessica Parker) về ra mắt gia đình nhân dịp lễ Giáng sinh. Meredith là một doanh nhân thành đạt nhưng có tính cách cầu toàn và bảo thủ, điều này khiến cô không thể hòa nhập với gia đình Stone, vốn có lối sống thoải mái và phóng khoáng. Mẹ của Everett và các thành viên khác trong gia đình đều tỏ ra dè dặt, thậm chí lạnh nhạt với Meredith, khiến cô cảm thấy áp lực khi phải cố gắng giành được sự chấp nhận từ gia đình Stone. Trong tình thế khó khăn này, Meredith đành nhờ cậy cô em gái xinh đẹp Julie đến tham gia buổi lễ Giáng sinh cùng mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Julie càng làm mọi chuyện thêm phức tạp khi cô chiếm được cảm tình của gia đình Stone và bắt đầu nảy sinh tình cảm với Everett. Cùng lúc đó, Ben (Luke Wilson) – em trai Everett – lại có một sự kết nối đặc biệt và cảm tình với Meredith.
Qua những tình huống khó xử và dở khóc dở cười trong gia đình Stone, nữ chính Meredith dần nhận ra rằng điều quan trọng trong cuộc sống không phải là việc chúng ta cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo hay làm hài lòng tất cả mọi người, mà là dũng cảm chấp nhận và yêu thương bản thân. Những câu chuyện xoay quanh em gái Julie và Ben đã giúp Meredith nhận ra những điều mà trước đây cô chưa bao giờ chú ý. Càng trải qua những xung đột và rắc rối, Meredith càng hiểu một gia đình lành mạnh không đòi hỏi các thành viên phải giống hệt nhau mới có thể trở nên hòa hợp, mà chính sự thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau mới là yếu tố quan trọng nhất. Đây đồng thời là thông điệp bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả: dù gia đình chúng ta có thể không hoàn hảo, nhưng chỉ cần mọi người học cách lắng nghe và chia sẻ, chúng ta sẽ luôn tìm thấy một mái ấm thực sự để trở về và dựa vào.
Câu chuyện gia đình và tình yêu nhẹ nhàng, ấm áp của The Family Stone hứa hẹn sẽ đem đến nhiều tiếng cười và cả những giọt nước mắt xúc động cho khán giả trong mùa Giáng sinh năm nay.
5. Little Women (2019)
Little Women (tựa Việt: Những Cô Gái Nhỏ Bé) là một bộ phim chính kịch của Mỹ, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Louisa May Alcott. Bối cảnh phim là cuộc Nội chiến Mỹ vào những năm 1860, xoay quanh cuộc sống của bốn chị em nhà March: Jo (Saoirse Ronan), Meg (Emma Watson), Amy (Florence Pugh) và Beth (Eliza Scanlen). Phim khắc họa hành trình trưởng thành của các cô gái từ những ngày thơ ấu vô tư cho đến khi họ trở thành những người phụ nữ mạnh mẽ, phải học cách đối diện với những thử thách trong cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp.
Mỗi chị em nhà March đều mang trong mình những ước mơ và hoài bão riêng: Jo mạnh mẽ và độc lập, khao khát trở thành nhà văn; Meg dịu dàng, mong ước có một gia đình hạnh phúc; Amy đầy tham vọng, đam mê hội họa và mơ ước một cuộc sống xa hoa còn Beth, hiền lành và yêu âm nhạc, luôn dành tình yêu thương cho gia đình. Bộ phim không theo trình tự thời gian tuyến tính mà thay vào đó đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giúp người xem hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong tâm hồn và cuộc sống của các nhân vật theo thời gian. Little Women mang đến một cái nhìn mới mẻ nhưng vẫn trung thành với tinh thần của nguyên tác, khiến khán giả vừa cảm động vừa suy ngẫm về ý nghĩa của tình yêu, sự hy sinh và khát vọng tự do.
Ra mắt tháng vào tháng 12/2019 tại Mỹ, Little Women nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Bộ phim nhận 91/100 điểm trên Metacritic và 95% bình luận tích cực trên Rotten Tomatoes. Little Women cũng xuất sắc nhận 6 đề cử giải Oscar dành cho phim xuất sắc, nữ chính (Saoirse Ronan), nữ phụ (Florence Pugh), kịch bản chuyển thể (Greta Gerwig), trang phục (Jacqueline Durran) và nhạc nền (Alexandre Desplat).
6. Happiest Season (2020)
Happiest Season (tựa Việt: Mùa Hạnh Phúc Nhất) là một bộ phim hài lãng mạn đáng xem vào mùa Giáng sinh. Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi khai thác mối quan hệ đồng tính trong bối cảnh lễ hội gia đình truyền thống.
Bộ phim xoay quanh chuyện tình của cặp đôi Abby Holland (Kristen Stewart) và Harper Caldwell (Mackenzie Davis). Abby rất mong muốn cầu hôn Harper vào dịp Giáng sinh, đặc biệt là khi cả hai sẽ đến thăm gia đình của Harper trong kỳ nghỉ này. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi Harper tiết lộ rằng cô chưa thể công khai với gia đình về xu hướng tính dục của mình và mối quan hệ với Abby. Harper luôn muốn làm hài lòng bố mẹ, đặc biệt là người cha Ted Caldwell (Victor Garber) – một chính trị gia đang tranh cử chức thị trưởng. Khi đến nhà Harper, Abby buộc phải giả vờ là bạn cùng phòng bình thường của Harper, trong khi Harper giới thiệu mình là người độc thân. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm tại bữa tiệc Giáng sinh do gia đình Harper tổ chức. Abby cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi Harper tiếp tục phủ nhận mối quan hệ của họ để giữ lấy hình ảnh hoàn hảo trước mặt gia đình. John (Dan Levy) – bạn thân của Abby đã đến hỗ trợ tinh thần và khuyến khích cô đối mặt với sự thật. Mọi chuyện dần trở nên cao trào khi Sloane (Alison Brie), chị gái của Harper, tiết lộ mối quan hệ giữa Abby và Harper với gia đình. Harper ban đầu phủ nhận để bảo vệ hình ảnh của mình khiến Abby quyết định ra đi. Tuy nhiên sau đó, Harper nhận ra cô không thể tiếp tục che giấu và đánh mất người mình yêu. Harper cuối cùng đã dũng cảm công khai với gia đình về xu hướng tính dục của mình.
Hai nhân vật chính trong phim được xây dựng dựa trên hai hình mẫu phổ biến trong một mối quan hệ tình cảm. Abby đại diện cho sự tự do, phóng khoáng trong tình yêu, không ngại thể hiện bản thân và mong muốn có một mối quan hệ công khai. Trong khi, Harper lại đại diện cho sự sợ hãi và lo lắng với những ánh nhìn từ bên ngoài về mối quan hệ. Và từ cặp đôi này, Happiest Season đã truyền tải thông điệp rằng tình yêu thực sự là sự chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, từ đó trở nên hòa hợp và cùng hướng về những điều tích cực. Đồng thời, bộ phim còn khai thác một cách rõ nét những khó khăn cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt và gửi lời động viên công khai: tất cả chúng ta đều có quyền được sống thật với cảm xúc của bản thân và quyền được hạnh phúc một cách không giấu giếm, sợ hãi vì bản sắc và tình yêu của mình.
7. The Holiday (2006)
The Holiday (tựa Việt: Nơi Tình Yêu Bắt Đầu) là bộ phim hài lãng mạn kinh điển luôn nằm trong danh sách phim Giáng sinh hay nhất mọi thời đại. Câu chuyện xoay quanh hai người phụ nữ đến từ hai đất nước khác nhau, Iris (Kate Winslet) sống ở Anh và Amanda (Cameron Diaz) sống ở Mỹ. Cả hai đều đang trải qua những khủng hoảng trong chuyện tình cảm.
Để thoát khỏi cuộc sống căng thẳng và nỗi buồn sau những mối quan hệ đổ vỡ, Iris và Amanda quyết định hoán đổi nhà trong kỳ nghỉ Giáng sinh thông qua một trang web. Iris đến sống trong căn biệt thự sang trọng của Amanda ở Los Angeles, trong khi Amanda tìm thấy sự ấm cúng tại ngôi nhà nhỏ của Iris ở vùng quê nước Anh. Trong suốt thời gian này, cả hai không chỉ tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ mà còn gặp gỡ những con người đặc biệt: Amanda làm quen với Graham (Jude Law) – anh trai quyến rũ của Iris, còn Iris tìm thấy sự đồng điệu và niềm vui bên Miles (Jack Black) – một nhà soạn nhạc hài hước. Qua những mối quan hệ mới và những khoảnh khắc lãng mạn, họ học cách yêu thương bản thân, chữa lành vết thương lòng và mở lòng đón nhận những cơ hội mới trong tình yêu.
Bộ phim hứa hẹn sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho mùa lễ hội cuối năm với những thông điệp ấm áp về tình yêu, sự hàn gắn và khởi đầu.
8. Scrooge (1951)
Scrooge (tựa Việt: Giáng Sinh Yêu Thương) là một bộ phim kinh điển dựa trên tiểu thuyết A Christmas Carol (tựa Việt: Bài Ca Giáng Sinh) của nhà văn nổi tiếng Charles Dickens. Phim kể về hành trình thay đổi của Ebenezer Scrooge (Alastair Sim) – một lão già keo kiệt, lạnh lùng, luôn khinh thường mọi người và đặc biệt ghét Giáng sinh. Vào đêm Giáng sinh, Scrooge bị ám bởi hồn ma của người bạn cũ Jacob Marley (Michael Hordern) – người cảnh báo ông về số phận khủng khiếp nếu tiếp tục sống ích kỷ. Ngay sau đó, Scrooge được ba hồn ma của Quá khứ, Hiện tại và Tương lai đến thăm. Ba hồn ma này đưa ông trở về những ký ức thời trẻ đầy nuối tiếc, cho ông thấy những niềm vui giản đơn mà ông đã bỏ lỡ, đồng thời hé lộ một tương lai cô độc đáng sợ nếu Scrooge không thay đổi bản tính của mình. Sau khi chứng kiến hậu quả từ sự vô tâm của mình, Scrooge tỉnh dậy vào sáng Giáng sinh với một trái tim tràn đầy hối cải. Ông trở nên hào phóng, đối xử tử tế với mọi người xung quanh, đặc biệt là gia đình của người nhân viên nghèo khó Bob Cratchit (Mervyn Johns).
Scrooge mang đến một thông điệp sâu sắc về giá trị cá nhân và sức mạnh của lòng nhân ái. Bộ phim nhấn mạnh rằng mỗi người đều có khả năng thay đổi nếu họ nhận thức được những sai lầm của mình và biết mở lòng với những giá trị của tình yêu thương, lòng nhân ái. Đồng thời, Scrooge còn nhắc nhở rằng khi bạn quan tâm người khác, bạn có thể làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
9. Elf (2003)
Elf (tựa Việt: Chàng Tiên Đáng Yêu) là một bộ phim hài Giáng sinh nổi tiếng. Bộ phim khai thác sâu về câu chuyện của Buddy (Will Ferrell) – một cậu bé bị bỏ rơi được ông già Noel mang về nuôi dưỡng. Dù được sống trong tình yêu thương của đại gia đình Elf nhưng Buddy vẫn cảm thấy lạc lõng bởi thân hình quá to lớn của mình so với mọi người.
Sau khi ông già Noel tiết lộ sự thật, Buddy quyết định trở về quê hương để tìm gặp gia đình. Mặc dù bị cha mẹ ruồng bỏ và không được chào đón, nhưng với tình yêu thương và sự chân thành của mình, Buddy đã dần chinh phục được trái tim của cha, mẹ kế và những đứa em từng ghét bỏ mình. Không dừng lại ở đó, khi chứng kiến cuộc sống xa hoa, vật chất đã làm con người lãng quên đi ý nghĩa thực sự của đêm Giáng sinh, Buddy quyết định mang đến một lễ Giáng sinh kỳ diệu cho tất cả mọi người.
Với những thông điệp nhẹ nhàng về tình cảm gia đình và phép màu diệu kỳ của lễ Giáng sinh, Elf đã trở thành một bộ phim Giáng sinh kinh điển phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi.
10. It‘s A Wonderful Life (1946)
It’s a Wonderful Life (tựa Việt: Cuộc Sống Tươi Đẹp) là một bộ phim điện ảnh Mỹ được chuyển thể từ truyện ngắn The Greatest Gift (tựa Việt: Món Quà Tuyệt Vời Nhất) của nhà văn Philip Van Doren, được sản xuất vào năm 1946 – 1 năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc. Đây là phim được bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì “tính văn hóa, lịch sử và tín hiệu thẩm mỹ”.
It’s a Wonderful Life mở đầu bằng cuộc đối thoại giữa Chúa và thiên thần Clarence Odbody – người được giao nhiệm vụ cứu mạng George Bailey (James Stewart) – một người đàn ông tốt bụng có ý định tự tử vào đêm Giáng sinh – để đổi lấy đôi cánh thiên thần.
Như bao thanh niên Mỹ thời đó, George Bailey ước mơ được đi thật xa và rời khỏi thị trấn Bedford Falls để làm những điều vĩ đại. Tuy nhiên, ước mơ vĩnh viễn sẽ chỉ là ước mơ vì những yếu tố khách quan đã mãi mãi níu chân chàng trai trẻ nơi dải đất này. Anh không thể sang châu Âu vì đám tang của cha, không thể đi học đại học vì phải tiếp quản ngân hàng của gia đình, rồi anh lấy vợ và sinh con, cột chặt bản thân mình vào thị trấn Bedford Falls. Thậm chí, anh còn không thể ra trận và lập nên chiến tích gì vì bị hư tai trái. Khi gặp khó khăn tài chính và đối mặt với nguy cơ phải vào tù, George tuyệt vọng cầu xin Chúa và quyết định tự tử. Thiên thần Clarence đã cứu anh và cho anh thấy một thế giới không có sự hiện diện của mình. Trong thế giới này, mọi thứ đều trở nên tồi tệ: bạn bè, gia đình, những người từng được George giúp đỡ và thị trấn Bedford Falls đều mất đi sự hạnh phúc. Lúc này, George nhận ra sự hiện diện của mình trên cuộc đời này đáng quý đến nhường nào. Anh quay trở lại cuộc đời mình hằng căm ghét bằng một niềm hớn hở khác thường. Và phép màu đêm Giáng sinh xuất hiện, người trong thị trấn Bedford Falls khi nghe vợ anh kể về khó khăn hiện tại của George đều đến quyên góp với tất cả tiền bạc mà họ có và cùng nhau hát vang bài Old Lang Syne đón mừng Giáng sinh.
Đã hơn 70 năm trôi qua nhưng It’s A Wonderful Life vẫn giữ được sức hấp dẫn và trở thành một tác phẩm kinh điển trong mùa Giáng sinh. Mỗi dịp lễ hội, bộ phim vẫn tiếp tục được phát sóng và đón nhận bởi khán giả mọi lứa tuổi bởi thông điệp sâu sắc về giá trị của cuộc sống, sự hy sinh và tình yêu thương. Bộ phim được Viện điện ảnh Mỹ xếp vào vị trí số 11 trong top 100 phim vĩ đại nhất mọi thời đại vào tháng 6/1998. Năm 2003, It’s A Wonderful Life được Radio Times bình chọn là Phim Giáng sinh hay nhất mọi thời đại và Bộ phim có nụ hôn kiểu Giáng sinh đẹp nhất.
11. Love Actually (2003)
Love Actually (tựa Việt: Tình Yêu Thật Sự) là một bộ phim tình cảm lãng mạn nổi tiếng của Anh, diễn ra tại London trong suốt 5 tuần trước Giáng sinh. Bộ phim kể về nhiều câu chuyện tình yêu khác nhau, tất cả đều liên kết với nhau bằng những mối quan hệ gần gũi như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay thậm chí là “người quen của người quen”. Trong phim, bạn sẽ gặp một loạt nhân vật với những câu chuyện riêng biệt: Một nghệ sĩ Rock & Roll đã hết thời, cố gắng quay lại với sự giúp đỡ của người quản lý. Một nhà văn trở về nhà và phát hiện bạn gái của mình đang ngoại tình với chính em trai ruột. Một đôi vợ chồng mới cưới chuẩn bị đi hưởng tuần trăng mật. Một người chồng buồn bã nói lời vĩnh biệt vợ trong đám tang của cô. Một cặp diễn viên đóng thế trong một bộ phim nóng bỏng lại nảy sinh tình cảm trong sáng. Một chàng trai lập dị thất bại trong việc tán tỉnh phụ nữ tại cửa hàng ăn uống. Một vị Thủ tướng mới nhậm chức phải lòng người giúp việc của mình. Một phụ nữ yêu đơn phương đồng nghiệp mà không dám thổ lộ.
Dù mỗi câu chuyện có những tình huống khác nhau, nhưng tất cả đều gắn kết với nhau trong một cách nào đó, thông qua những mối quan hệ thân thiết. Cuối phim, có những nhân vật tìm được hạnh phúc bên nhau, trong khi những người khác vẫn cô đơn, nhưng họ không cảm thấy hối tiếc vì đã can đảm theo đuổi tình yêu, bất kể kết quả ra sao.
Nghệ thuật của phim nằm ở điểm đạo diễn Richard Curtis đã xây dựng cấu trúc đa tuyến (interwoven narratives) để kể các câu chuyện khác nhau như những mảnh ghép độc lập, nhưng lại có sự kết nối với nhau theo một nghĩa nào đó, tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về tình yêu và các mối quan hệ trong cuộc sống.
Love Actually gửi gắm thông điệp rằng tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, dù ở bất kỳ hình thức nào. Đó có thể là tình yêu lãng mạn, tình cảm gia đình, tình bạn, hay đơn giản chỉ là những khoảnh khắc yêu thương hằng ngày, đúng như câu thoại trong phim của nhân vật tân Thủ tướng Anh David (Hugh Grant): “Nếu chú ý, tôi có cảm giác bạn sẽ thấy rằng tình yêu thật sự đang ở quanh ta”.
Xem thêm
•Những trích dẫn hay nhất từ 7 bộ phim Giáng Sinh
•10 bộ phim Hàn Quốc lý tưởng để xem trong dịp Giáng sinh
•16 bộ phim tình cảm lãng mạn để xem cùng người yêu trong đêm Giáng sinh
12. How The Grinch Stole Christmas (2000)
How The Grinch Stole Christmas (tựa Việt: Kẻ Đánh Cắp Giáng Sinh) là tác phẩm bất hủ làm nên tên tuổi của nam diễn viên nổi tiếng Jim Carrey – người được mệnh danh là “ông hoàng của dòng phim hài”, thu về 345 triệu đô trên toàn cầu và là một trong những bộ phim được xem nhiều nhất trên thế giới vào dịp Giáng sinh.
Bộ phim kể về Grinch – một sinh vật màu xanh lá cây, sống một mình trên đỉnh núi Crumpit gần thị trấn Whoville. Grinch căm ghét Giáng sinh vì những tổn thương trong quá khứ và quyết định sẽ đánh cắp Giáng sinh của người dân Whoville, những người luôn vui vẻ và yêu thích lễ hội này. Vào đêm Giáng sinh, Grinch cải trang thành ông già Noel và cùng chú chó Max bắt đầu lẻn vào các nhà dân để lấy đi quà, đồ trang trí và thức ăn.
Tuy nhiên, khi Grinch gặp cô bé Cindy Lou Who (Taylor Momsen) – một cô bé đáng yêu luôn tin rằng Giáng sinh không chỉ là quà tặng và vật chất, mà còn là tình yêu và sự gắn kết, trái tim của Grinch bắt đầu thay đổi. Cuối cùng, Grinch nhận ra rằng Giáng sinh không chỉ là dịp để ông già Noel trao tặng những món quà mà còn là niềm vui trong sự sẻ chia và tình thân. Phim kết thúc với thông điệp cảm động về sự tha thứ và bao dung khi Grinch đã hiểu được ý nghĩa thực sự của lễ Giáng sinh một cách sâu sắc.
How The Grinch Stole Christmas nổi bật với màn hóa thân ấn tượng của Jim Carrey cùng sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố hài hước và cảm xúc đưa người xem vào thế giới kỳ ảo đầy sắc màu của Whoville, giúp bộ phim trở thành một tác phẩm kinh điển mỗi dịp lễ hội.
13. Home Alone (1990)
Home Alone (tựa Việt: Ở Nhà Một Mình) là một bộ phim kinh điển trên thế giới và thường được phát lại vào mỗi dịp Giáng sinh, xoay quanh câu chuyện về cậu bé Kevin McCallister (Macaulay Culkin) – một cậu nhóc 8 tuổi tinh nghịch và thông minh. Vào đêm trước chuyến du lịch Giáng sinh của cả gia đình đến Paris, Kevin có một cuộc cãi vã với anh chị và ước rằng gia đình mình hãy biến mất. Sáng hôm sau, trong lúc vội vàng ra sân bay, gia đình McCallister vô tình bỏ quên Kevin ở nhà một mình mà không hề hay biết. Ban đầu, Kevin tận hưởng sự tự do và vui vẻ khi được ở nhà một mình, được làm mọi thứ cậu bé yêu thích mà không bị ai ngăn cản. Tuy nhiên, niềm vui của Kevin nhanh chóng bị gián đoạn khi hai tên trộm vụng về Harry (Joe Pesci) và Marv (Daniel Stern) nhắm đến ngôi nhà của cậu. Để bảo vệ ngôi nhà, Kevin đã lên kế hoạch bày ra hàng loạt cái bẫy sáng tạo và hài hước để đối phó với hai tên trộm ngốc nghếch.
Home Alone đã luôn được yêu thích qua nhiều thế hệ nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa các yếu tố hài hước, kịch tính và những giá trị nhân văn sâu sắc về tình cảm gia đình. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh thành công nhất của nam diễn viên Macaulay Culkin. Đầu tháng 12/2023, Macaulay Culkin chính thức được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, còn Home Alone là bộ phim đứng thứ ba trong số các phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, theo kênh truyền hình HBO.
14. The Santa Clause (1994)
The Santa Clause (tựa Việt: Ông Già Tuyết) là một bộ phim hài gia đình vui nhộn và ấm áp xoay quanh câu chuyện của Scott Calvin (Tim Allen) – một nhân viên bán hàng đã ly dị và không mấy gần gũi với cậu con trai Charlie (Eric Lloyd). Vào đêm Giáng sinh, Scott vô tình làm ông già Noel trượt ngã khỏi mái nhà của mình và phát hiện ra rằng khi khoác lên mình bộ đồ của ông già Noel, anh sẽ phải đảm nhận vai trò này.
Dù ban đầu khá hoài nghi và miễn cưỡng, Scott nhanh chóng bị cuốn vào thế giới phép thuật của Bắc Cực – nơi anh gặp những chú yêu tinh chăm chỉ và khám phá ra các nhiệm vụ của ông già Noel. Khi Scott dần biến thành ông già Noel thật sự với bộ râu trắng và chiếc bụng tròn, mọi người xung quanh, bao gồm cả gia đình và đồng nghiệp đều nghĩ rằng anh đang mất trí. Tuy nhiên, nhờ tình yêu thương của cậu con trai Charlie và những trải nghiệm kỳ diệu, Scott bắt đầu chấp nhận vai trò mới.
Từ đó, Scott dần nhận ra rằng mối quan hệ với con trai mình quan trọng hơn tất cả những vật chất hay danh vọng anh từng theo đuổi. Mặc dù có lúc Scott cảm thấy bối rối trước những thay đổi kỳ lạ trong cơ thể và cuộc sống, nhưng tình yêu thương và sự hỗ trợ từ Charlie đã giúp anh tìm ra giá trị thực sự mình đang tìm kiếm.
Nhờ thông điệp ý nghĩa về gia đình và kịch bản thú vị, The Santa Clause đã xuất sắc lọt top 10 bộ phim Giáng sinh có doanh thu cao nhất mọi thời đại với doanh thu 190 triệu USD trên toàn cầu.
15. Last Christmas (2019)
Last Christmas (tựa Việt: Giáng Sinh Năm Ấy) là một bộ phim tình cảm lãng mạn lấy cảm hứng từ ca khúc Giáng sinh kinh điển cùng tên của nhóm nhạc Wham! do giọng ca George Michael thể hiện chính. Phim xoay quanh câu chuyện của Kate (Emilia Clarke) – một cô gái trẻ sống ở London với cuộc sống bế tắc và hỗn độn. Kate làm việc tại một cửa hàng bán đồ trang trí Giáng sinh nhưng cô không còn tin vào phép màu của nó sau một loạt biến cố trong cuộc sống, bao gồm cả ca phẫu thuật tim suýt lấy đi mạng sống của cô.
Mọi thứ dần thay đổi khi Kate gặp Tom (Henry Golding) – một chàng trai bí ẩn với tính cách lạc quan và ấm áp. Tom luôn xuất hiện một cách bất ngờ và khuyến khích Kate “ngẩng đầu lên” để nhìn thấy những điều tốt đẹp xung quanh mình. Nhờ Tom, Kate dần thay đổi, bắt đầu sống tích cực hơn, hàn gắn những mối quan hệ cũ và tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, bộ phim mang đến một cú twist bất ngờ khi mọi chuyện bắt đầu tốt đẹp với Kate thì cũng là lúc Tom biến mất. Khi lần theo dấu vết của anh, Kate phát hiện Tom thật ra đã chết một năm trước và anh cũng chính là người đã hiến tim cứu cô trước khi qua đời. Những hình ảnh của Tom mà cô nhìn thấy trước giờ đều là ảo giác, do trái tim được ghép trong ngực cô mang lại. Ý thức được món quà của Tom và sức mạnh tiềm ẩn của bản thân, Kate quyết tâm sống hết mình từ đó về sau.
Last Christmas không chỉ là một câu chuyện tình yêu lãng mạn mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về sự tha thứ, tự chấp nhận và sống hết mình với hiện tại. Phim để lại trong lòng khán giả cảm giác ấm áp và niềm tin vào những phép màu của cuộc sống, đặc biệt là sự diệu kỳ của lễ Giáng sinh.
16. Miracle On 34th Street (1947)
Miracle On 34th Street (tựa Việt: Phép Màu Trên Phố 34) là một bộ phim Giáng sinh kinh điển, mang đến một câu chuyện ấm áp về niềm tin và phép màu. Phim bắt đầu khi Kris Kringle (Edmund Gwenn) – một ông lão tốt bụng, vô tình được thuê làm ông già Noel cho cửa hàng bách hóa nổi tiếng Macy’s ở New York, sau khi người đóng vai trước đó say rượu. Kris nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng và đồng nghiệp nhờ sự chân thành và tấm lòng hào phóng của mình.
Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu nảy sinh khi Kris tự nhận mình là ông già Noel thật sự, điều này khiến mọi người nghi ngờ về sự tỉnh táo của ông. Doris Walker (Maureen O’Hara) – một người mẹ đơn thân làm việc tại Macy’s, là người rất thực tế và không tin vào những điều kỳ diệu. Cô dạy con gái nhỏ Susan (Natalie Wood) rằng ông già Noel và các câu chuyện thần thoại chỉ là hư cấu.
Tuy nhiên, dần dần, qua những hành động tử tế và lời nói đầy cảm hứng, Kris Kringle đã thay đổi cách nhìn của Doris và Susan về thế giới xung quanh. Khi Kris bị đưa ra tòa với cáo buộc mất trí, kết quả của vụ kiện khiến mọi người tin vào sự tồn tại của ông già Noel, trái tim của các nhân vật trong phim đã dần “ấm” lên và họ bắt đầu tin vào những điều tốt đẹp và phép màu trong cuộc sống.
Miracle on 34th Street đã gửi gắm một lời nhắc nhở đầy cảm hứng về sức mạnh của niềm tin, đặc biệt là trong những điều tưởng như không thể. Bộ phim là hành trình mà ông già Noel chứng minh cho cô bé Susan rằng trí tưởng tượng chính là chìa khóa để mở ra những ước mơ và hy vọng. Đồng thời, ông đã cho thế giới thấy rằng, dù ông già Noel có thể không theo cách ta tưởng, nhưng vẫn có thể luôn tồn tại bằng những hành động đầy ý nghĩa và sự chân thành, và điều kỳ diệu luôn có thể nằm ở những điều giản dị nhất.
Vai diễn của Edmund Gwenn trong phim được giới phê bình cho là một trong những vai diễn đỉnh cao nhất. Cho đến tận ngày nay, vai diễn ông già Noel của ông trong bộ phim Miracle on 34th Street vẫn được đánh giá là ông già Noel xuất sắc nhất trên màn ảnh. Khi nhận tượng vàng Oscar, Edmund đã nói: “Giờ thì tôi tin có Santa Claus trên đời”.
17. The Shop Around The Corner (1940)
The Shop Around The Corner (tựa Việt: Cửa Hàng Bên Ngã Rẽ) là một bộ phim tình cảm lãng mạn kinh điển kể về câu chuyện của Alfred Kralik (James Stewart) và Klara Novak (Margaret Sullavan). Cả hai cùng làm việc tại một cửa hàng đồ da nhỏ ở Budapest thuộc sở hữu của ông Hugo Matuschek (Frank Morgan). Mặc dù là đồng nghiệp nhưng Alfred và Klara “không đội trời chung”, luôn mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã trong công việc. Tuy nhiên, điều họ không hề biết là ngoài đời, họ chính là những người bạn tâm giao qua thư từ ẩn danh, đều đặn trao đổi những lá thư chân thành và đầy tình cảm mà không biết danh tính thật sự của nhau.
Câu chuyện trở nên phức tạp khi Alfred phát hiện ra rằng Klara chính là người bạn tâm thư mà anh đã yêu thầm qua những lá thư mà cả hai viết cho nhau suốt một thời gian dài. Dần dần, Alfred bắt đầu thay đổi cách nhìn về Klara và tìm cách chinh phục trái tim cô nhưng anh không thể tiết lộ sự thật quá sớm vì sợ làm Klara thất vọng.
Vào thời điểm này, mô-típ “oan gia ngõ hẹp” trong các bộ phim tình cảm và việc xây dựng mối quan hệ từ các câu chuyện ẩn danh là điều vô cùng mới mẻ. Vì vậy, với sự kết hợp giữa hài hước, cảm xúc lãng mạn và phong cách kể chuyện tinh tế của Lubitsch, bộ phim đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong lịch sử điện ảnh và là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim sau này, bao gồm cả tác phẩm nổi tiếng You’ve Got Mail (1998).
18. White Christmas (1954)
White Christmas là một bộ phim nhạc kịch và tình cảm lãng mạn của Mỹ, được ra mắt vào năm 1954. Phim kể về câu chuyện của Bob Wallace (Bing Crosby) và Phil Davis (Danny Kaye) – hai nghệ sĩ nhạc kịch nổi tiếng từng phục vụ trong quân đội thời điểm Thế chiến II. Sau khi chiến tranh kết thúc, họ hợp tác để tổ chức một chương trình ca nhạc mừng Giáng sinh. Trong chuyến đi đến Vermont để biểu diễn, họ gặp hai chị em Judy (Vera-Ellen) và Betty Haynes (Rosemary Clooney) – những người đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong ngành giải trí.
Khi Bob và Phil phát hiện ra rằng khách sạn nơi họ sắp biểu diễn gặp khó khăn tài chính và có thể phải đóng cửa, họ quyết định giúp đỡ để cứu khách sạn bằng cách tổ chức một buổi diễn đặc biệt vào dịp Giáng sinh. Câu chuyện tình cảm lãng mạn dần nảy sinh giữa Bob và Betty, đồng thời giữa Phil và Judy. Cuối cùng, bộ phim khép lại với một màn trình diễn hoành tráng và một “Giáng sinh trắng” (White Christmas) như trong những giấc mơ, mang lại một kết thúc hạnh phúc cho tất cả các nhân vật.
White Christmas nổi bật với những bài hát Giáng sinh bất hủ, đặc biệt là bài hát chủ đề White Christmas được thể hiện lần đầu tiên bởi Bing Crosby đã trở thành một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng nhất mọi thời đại.
19. Carol (2015)
Carol (tựa Việt: Chuyện Tình Carol) là một bộ phim tình cảm lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết The Price of Salt của nhà văn Patricia Highsmith. Lấy bối cảnh New York thập niên 1950 – giai đoạn đầy căng thẳng và xung đột trong xã hội Mỹ, đặc biệt là về mặt văn hóa và giá trị xã hội, khi những vấn đề về giới tính, xu hướng tính dục và tự do cá nhân đang phải đối mặt với những rào cản lớn về mặt pháp lý. Carol đã khắc họa một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, tinh tế nhưng sâu sắc, không quá cao trào hay bi kịch, nhưng đủ để làm nổi bật lên khao khát tự do và hạnh phúc của những người phụ nữ đang sống trong thế giới đầy định kiến.
Bộ phim kể về mối tình lãng mạn giữa Carol (Cate Blanchett) – một phụ nữ giàu có đang trải qua cuộc ly hôn khó khăn với chồng mình và Thesere (Rooney Mara) – một cô gái trẻ đang làm việc tại một cửa hàng đồ chơi. Cả hai gặp nhau khi Therese đang phục vụ trong một cửa hàng bán đồ chơi và Carol đến mua quà Giáng sinh cho con gái nhỏ. Kể từ lần gặp gỡ đó, họ kết bạn và thường xuyên gặp nhau dưới ánh mắt nghi kỵ của người chồng mà Carol sắp ly dị. Người chồng giàu có không ngừng tìm cách cản trở mối quan hệ, hòng kéo Carol về bên mình. Dẫu vậy, dưới cái giá lạnh mùa Đông, hai trái tim vốn thờ ơ với cuộc sống vẫn dần được sưởi ấm khi tình yêu nảy nở trong lòng mình.
Một điểm Carol đã truyền tải vô cùng tốt và xúc tích trong phim đó là dựa trên nhân vật của Carol và Thesere để làm nổi bật hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Mặc dù Carol là một người phụ nữ mạnh mẽ, có sự nghiệp riêng, tài chính tốt và vô cùng độc lập, nhưng cô luôn bị người khác chỉ trích vì là mẹ đơn thân và chịu áp lực vô cùng lớn trong việc nuôi dạy con cái. Còn Therese là một cô gái trẻ đầy tài năng nhưng được xem tựa như một “sản phẩm” của xã hội thập niên 1950, khi những người phụ nữ trong độ tuổi xuân thì như Therese lại bị áp đặt kỳ vọng tuân theo những chuẩn mực về tình yêu, hôn nhân một cách rập khuôn. Từ đó, mối quan hệ của cả hai như một cuộc hành trình của hai người phụ nữ đang khám phá bản thân, đấu tranh vì tình yêu và dũng cảm sống theo những giá trị thật, vượt khỏi những định kiến xã hội trong thời kỳ đó.
Về mặt hình ảnh, phim sử dụng một bảng màu ấm áp, thường là các tông màu đỏ, vàng, nâu và xanh lam làm chủ đạo – những gam màu mang tính biểu tượng của điện ảnh Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước, vừa tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, vừa có chút gì đó lãng mạn và hoài niệm, vừa vặn cho việc tận hưởng không khí Giáng sinh đang cận kề. Qua bộ phim, chúng ta còn thấy được một New York nên thơ và trữ tình trong từng khung hình, kết hợp với giai điệu jazz nhẹ nhàng, du dương – các yếu tố đã góp phần giúp Carol đạt được vô số giải thưởng tại thời điểm công chiếu. Bộ phim xuất sắc đứng đầu danh sách bình chọn 30 phim do 100 chuyên gia điện ảnh của Viện phim Anh thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hoan phim LGBT London – Liên hoan phim về đề tài đồng tính, song tính và chuyển giới lớn nhất châu Âu.
20. Meet Me In St. Louis (1944)
Meet Me In St. Louis (tựa Việt: Hẹn Nhau Ngày Đó Ở St. Louis) là một bộ phim nhạc kịch lãng mạn do đạo diễn Vincente Minnelli thực hiện. Phim lấy bối cảnh nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và xoay quanh câu chuyện của gia đình Smith sống tại St. Louis, Missouri, trong thời gian chuẩn bị cho Triển lãm Thế giới St. Louis năm 1904.
Trong gia đình Smith, cô con gái lớn Esther Smith (Judy Garland) là một người trẻ mơ mộng, đầy hy vọng về tương lai và tình yêu, nhưng cuộc sống của cô bị xáo trộn khi nhận tin người cha (Leon Ames) có thể phải chuyển công tác đến New York, điều này đồng nghĩa với việc họ phải rời xa St. Louis, nơi mà gia đình đã gắn bó từ lâu. Thông báo này khiến Esther và các thành viên trong gia đình cảm thấy bối rối, lo lắng và phải đối mặt với cảm giác mất mát.
Bên cạnh đó, John Truitt (Tom Drake) là chàng trai hàng xóm Esther Smith thầm yêu, nhưng cô không dám bày tỏ tình cảm của mình. Dù đã có những khoảnh khắc gần gũi và thân mật với John, Esther luôn lo lắng rằng những thay đổi trong cuộc sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Ngược lại, dù John thật lòng có tình cảm với Esther, nhưng anh lại không dám nói ra vì sợ sẽ làm cô thêm lo lắng về tương lai sắp tới. Anh nhận thấy Esther đang rất bối rối và cảm thấy lúng túng, nên quyết định giữ khoảng cách. Khi Esther cảm thấy thất vọng và nghĩ rằng tình yêu của mình sẽ không có cơ hội, John vẫn âm thầm ở bên, hỗ trợ và an ủi cô trong những lúc khó khăn.
Mặt khác, mỗi thành viên trong gia đình Smith đều có những cách riêng để đối mặt với sự thay đổi đột ngột này. Các cảnh trong phim thường xuyên có các bài hát vui tươi, như bài hát nổi tiếng Have Yourself a Merry Little Christmas cất lên trong bối cảnh gia đình đang chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, khiến mạch phim trở nên vô cùng nhẹ nhàng và ấm áp.
Meet Me in St. Louis đã làm nổi bật những câu chuyện về gia đình và tình yêu đậm tính thời đại, lãng mạn của nước Mỹ đầu thế kỷ 20. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa, Meet Me in St. Louis đã trở thành một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Mỹ và là lựa chọn yêu thích của khán giả trên khắp thế giới trong dịp lễ Giáng sinh.
21. The Apartment (1960)
The Apartment (tựa Việt: Căn Hộ Tình Yêu) là một bộ phim hài tình cảm nổi tiếng của đạo diễn Billy Wilder. Câu chuyện xoay quanh C.C. Baxter (Jack Lemmon) – một nhân viên văn phòng có vị trí khiêm tốn tại một công ty bảo hiểm lớn ở New York. Để mong có cơ hội thăng tiến, Baxter đồng ý cho các sếp sử dụng căn hộ của mình làm nơi hẹn hò bí mật. Anh hy vọng hành động này sẽ giúp mình được chú ý và tạo điều kiện thuận lợi trong công việc.
Tuy nhiên, cuộc sống của Baxter ngày càng trở nên phức tạp khi anh phải đối mặt với sự cô đơn và những mối quan hệ rắc rối với các sếp. Mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi Baxter phát hiện rằng Fran Kubelik (Shirley MacLaine) – cô gái anh thầm yêu và làm việc cùng, đang có quan hệ tình cảm với một trong những sếp của anh.
Khi Baxter nhận ra Fran đang phải chịu đựng một mối quan hệ đầy tổn thương, anh quyết định giúp đỡ cô thoát khỏi tình cảnh này. Trong quá trình đó, cả hai dần dần nhận ra tình cảm chân thành mà họ dành cho nhau. Mối quan hệ giữa Baxter và Fran, dù bắt đầu trong những tình huống dở khóc dở cười, dần trở thành một câu chuyện tình yêu ấm áp và cảm động.
The Apartment là sự kết hợp giữa những tình tiết hài hước và cảm xúc sâu lắng, khắc họa một cách tinh tế cuộc sống của những người cô đơn trong xã hội hiện đại. Với sự diễn xuất tuyệt vời của Jack Lemmon và Shirley MacLaine, The Apartment đã trở thành một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Mỹ, giành được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm cả giải Oscar.
BÀI LIÊN QUAN
22. Fanny and Alexander (1982)
Fanny and Alexander (tựa Việt: Fanny và Alexander) là một bộ phim mang đậm chất tự sự và tâm lý của đạo diễn Ingmar Bergman. Phim kể về câu chuyện của hai anh em Fanny (Pernilla Allwin) và Alexander (Bertil Guve) sống cùng gia đình ở một thị trấn nhỏ tại Thụy Điển vào đầu thế kỷ 20. Mở đầu phim, gia đình của Fanny và Alexander là một hình mẫu lý tưởng về sự ấm cúng, yêu thương. Cha của họ là Alexander Sr. (Allan Edwall) – một nghệ sĩ kịch giàu cảm xúc và mẹ họ là Emilie (Ewa Fröling) – một phụ nữ xinh đẹp và mạnh mẽ, cả gia đình 4 người đã vô cùng gắn bó và yêu thương nhau.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc này nhanh chóng bị xáo trộn khi người cha qua đời. Để rồi, cuộc sống của hai đứa trẻ thay đổi hoàn toàn khi mẹ của họ tái hôn với Edvard Vergerus (Jan Malmsjö) – một giám mục lạnh lùng và tàn nhẫn. Edvard là người đàn ông đầy quyền lực, nghiêm khắc và độc đoán, không chỉ kiểm soát nghiêm ngặt lên bà Emilie mà còn đe dọa tinh thần Fanny và Alexander. Sự tàn bạo của ông ta dần biến ngôi nhà mới thành một địa ngục, khiến cuộc sống của hai đứa trẻ trở nên đầy sự đe dọa và sợ hãi. Bộ phim còn kết hợp với yếu tố thiên nhiên kỳ ảo, để rồi dựa vào đây, các nhân vật yếu thế có thể phản kháng và tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Dù sống cùng người cha dượng độc hại, tình cảm giữa Fanny và Alexander không hề suy giảm. Fanny mang tính cách nhẹ nhàng và dễ tổn thương, luôn tìm đến anh trai Alexander để được bảo vệ và che chở. Trong khi đó, Alexander dù còn nhỏ tuổi đã luôn cố gắng thể hiện sự mạnh mẽ để bảo vệ em gái. Một trong những phân cảnh quan trọng thể hiện sự gắn kết của họ là khi Alexander quyết định đối đầu với người cha dượng Edvard. Cậu bé không chỉ chiến đấu vì chính bản thân, mà còn vì Fanny và gia đình. Khi cảm thấy hoàn toàn không thể chịu đựng nổi, cả hai anh em bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ những thế lực siêu nhiên trong những giấc mơ và ảo giác kỳ lạ. Điều này đồng thời phản ánh sự khao khát được yêu thương và được tự do của những đứa trẻ trong một thế giới quá tàn nhẫn và đầy bất công.
Fanny and Alexander là một đứa con tinh thần của đạo diễn Ingmar Bergman – một trong những nhà làm phim vĩ đại và có ảnh hưởng lớn nhất của nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Trong bộ phim này, Bergman đã khéo léo kết hợp giữa tâm lý học và trí tưởng tượng để khai thác các khía cạnh về mối quan hệ gia đình, sự trưởng thành và tác động của những biến cố lớn lên tâm hồn của con người. Bergman đã làm mờ ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng, khiến cái đẹp và sự u ám thường xuyên đan xen nhau, phản ánh bản chất phức tạp của cuộc sống. Trong khi đó, bảng màu phim lại tạo nên bầu không khí theo từng giai đoạn vô cùng rõ ràng. Màu sắc ấm áp trong những cảnh mở đầu đại diện cho một gia đình hạnh phúc, nhưng khi người cha dượng Edvard xuất hiện, màu phim trở nên tối tăm và lạnh lẽo, thể hiện rõ sự đối lập giữa hạnh phúc và đau buồn.
Với sự khéo léo trong cách xây dựng cốt truyện và hình ảnh, bộ phim xuất sắc nhận về nhiều lời khen ngợi và giành được nhiều giải thưởng lớn, bao gồm 4 giải Oscar.
Nhóm thực hiện
Bài: Thiên Thanh
Tham khảo: Vogue