Những cánh bướm trước bão
Sáng, Sài Gòn ráo tạnh sau cơn mưa dầm đêm qua, chỉ còn chút se lạnh đầu ngày. Mọi thứ diễn ra bình thường như nó vốn dĩ. Nhưng cách đây gần 500km, hàng ngàn người dân vùng Nam Trung Bộ vẫn chưa hết bàng hoàng vì bão Damrey lại tiếp tục oằn mình vì lũ. Những ngày cuối năm toàn tin buồn.
Mây vệ tinh (Ảnh: NCHMF)
Sự bất lực của khoảng cách địa lý
Cách đây mấy ngày, người ta đã bắt đầu thấp thỏm vì tin cơn bão số 12 mang tên Damrey (bão Con Voi) sắp đổ bộ vùng biển Nam Trung Bộ (từ Nam Phú Yên tới Bắc Bình Thuận) là cơn bão kinh khủng nhất trong vòng 35 năm trở lại đây, với sức gió giật lên đến cấp 15. Thế nhưng, nghe thì nghe vậy, người ta vẫn không nghĩ nó đến nhanh như thế, tàn phá kinh khủng như thế.
Sáng hôm qua, lúc tôi vẫn còn ngái ngủ, chị bạn đã gửi cho xem clip gió giật đùng đùng, cây cối quằn quại bên ngoài khách sạn. Chị có việc phải đến Nha Trang đúng ngày bão tới. 4h sáng mưa ầm ầm, gió đập cửa như đòi vào trong, chị phải đẩy bàn ghế chặn cửa lại. Chị nhắn cho tôi thêm vài tin rồi dừng hẳn. Điện đã bị ngắt, điện thoại hết pin, sóng chập chờn. Tôi chỉ còn biết cầu mong chị được an toàn.
Cả ngày hôm qua, News Feed Facebook của tôi tràn ngập thông tin về bão, cập nhật từng giờ. Song song đó là những dòng trạng thái của bạn bè tôi, những người con xa quê không thể ngừng nỗi lo lắng, bất an cho gia đình đang ở trong tâm bão.
Ảnh: FB Nguyễn Chí Thiên
Cậu bạn tôi có nhà ở ngay trung tâm thành phố Nha Trang, mặc dù đó là một căn chung cư kiên cố nhưng cậu vẫn vô cùng bồn chồn. Đến nỗi bình thường cậu vốn hiền lành, vui tính nhưng nay cũng phải phát cáu khi đọc được thông tin nhiều du khách “háo hức” đón bão, ra biển chụp hình tự sướng, rộn ràng như sắp có lễ hội (?!).
Một cô bạn khác đến từ Đắk Lắk mỗi khi nghe tin cây đổ, nước dâng lại giật thót, bởi Tây Nguyên giờ đây đâu còn nhiều rừng, bão lớn đồng nghĩa với lũ quét, sạt lở, là ngập lụt, sập cầu, là con người bị cô lập, cây trái hoa màu bị tàn phá, nghèo khổ lại thêm chất chồng.
Quốc lộ 27C nối Nha Trang – Đà Lạt sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Henry Nguyen)
Bạn bè tôi ở khắp Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đứng ngồi không yên. Có đứa vừa nhận điện thoại của mẹ, mắt rơm rớm, bảo, nhà cửa tốc mái hết rồi, đồ đạc hư hỏng, cây cối trong vườn tan nát, mẹ tao vừa gọi điện vừa khóc mà tao không làm gì được mày ạ. Có đứa nhà ở Tuy Hòa, ngay chỗ làng hoa Phước Hậu, thở dài cái thượt, thôi rồi Tết này không có hoa để bán, coi như không còn Tết. Có đứa như ngồi trên đống lửa mà lại không dám gọi điện về, sợ ba mẹ rối. Nhưng vẫn chưa bằng những đứa không thể liên lạc được với gia đình, bất lực đến nhường nào.
Thằng bạn thân nhắn tin cho tôi: “Mai tao bắt xe về, mày ạ. Ở đây sốt ruột quá, tao không thể làm việc gì khác”.
Ảnh: FB Nguyễn Chí Thiên
Tôi có thể hiểu được cảm xúc của tụi nó, thứ cảm xúc cứ cuộn lên trong lòng và tâm trí không thể thôi nghĩ về những người thân yêu đang trải qua giây phút khó khăn. Cách đây không lâu, Sài Gòn dù chỉ bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, nhưng nửa đêm gió rít rất kinh khủng. Tôi bật dậy lúc 2 giờ sáng, nhìn mưa trắng xóa ngoài cửa, nghe tiếng mấy tấm tôn lật phật liên hồi từ phía công trình đang xây dở bên kia đường, lòng cứ cồn cào, nôn nao. Tôi cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống. Giờ này có nên gọi cho mẹ không? Ba tôi hay ngủ ngoài vườn, mưa gió thế này có sao không? Nhà tôi cách đây 90 cây số…
Trong đầu tôi lúc đó hiện rõ mồn một cảnh tượng cách đây gần 20 năm, cũng trong một đêm mưa bão, anh chị họ sống gần đó ôm tập vở chạy qua nhà tôi, nước mắt hòa với nước mưa, mếu máo nói với mẹ tôi: nhà tụi con bị bay mái rồi. Hai bác tôi cũng ôm đồ theo sau. 4 con người co ro với nỗi kinh hoàng còn hằn trên nét mặt. Hình ảnh đó đã mãi mãi ám ảnh tâm trí tôi, nó khiến tôi e sợ thiên nhiên và luôn luôn lo lắng mỗi khi mưa bão kéo đến.
Bạn không đi đôi giày của họ, làm sao bạn hiểu những điều họ đang trải qua?
Đêm qua, một đồng nghiệp nhắn cho tôi: “Chị đang định kêu gọi quyên góp, hỗ trợ người dân vùng bão, mà sao thấy mọi người có vẻ thờ ơ quá em ạ”. Tôi ngạc nhiên, đâu nào, bạn bè em đều rất quan tâm đấy chứ. “Thể chẳng lẽ chỉ có bạn bè chị là như vậy. Hay tại vì bạn chị là người thành phố, còn bạn em đều là người xa quê?”.
Có lẽ, chị đúng một phần.
Vấn đề không nằm ở chỗ họ là người thành phố hay là người ở tỉnh, vấn đề là người ta không thể hiểu, hoặc cho dù có cố gắng hiểu cũng khó mà cảm nhận rõ ràng những điều chưa từng trải qua, những điều đang diễn ra ở cách xa mình hàng trăm cây số.
Người ta vẫn phải đi xem concert của nhóm nhạc thần tượng, vẫn theo dõi các cuộc thi hoa hậu, vẫn bàn luận sôi nổi về trận bóng đá mới diễn ra, vẫn lo chuyện ung thư, bệnh tật… Cũng như tôi, tôi vẫn phải đi chợ, nấu ăn, vẫn phải làm những công việc quen thuộc hay như anh bạn phóng viên của tôi, chạy tin bão Damrey chưa xong đã phải xách máy sang hội nghị APEC. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Người ta không thể bỏ lỡ sinh hoạt hàng ngày hay những sự kiện mà mình quan tâm chỉ vì một cơn bão, nhất là cơn bão đó không ảnh hưởng đến mình. Hơn nữa, như nhiều người vẫn nói, ngồi đọc tin cả ngày thì cũng có làm được gì đâu?
Nhưng mà, tôi tự hỏi, cho dù không thể hiện ra, nhưng chí ít người ta vẫn nghĩ đến phải không? Chắc là họ không hoàn toàn lờ đi chuyện những người sống cùng một đất nước với mình đang phải gánh chịu thiên tai, đúng không?
Buổi sáng, báo đưa tin 5 người chết. Buổi trưa, 10 người chết. Cuối ngày, 20 người chết. Ngày hôm nay, con số lên đến 29 người chết, 29 người mất tích, gần 40.000 nhà tốc mái và hư hỏng, hơn 600 nhà bị đổ sập; cây cối gãy đổ ngổn ngang, đập thủy điện xả lũ, một khoảng trời bị cô lập, không điện, nước, thức ăn…
Ảnh: FB Nguyễn Chí Thiên
Tôi ngồi lặng nhìn cơn mưa đang xô mấy chậu cây ngoài ban công, lòng cứ tan hoang thế nào. Trong khi tôi ngồi ở đây, an toàn trong căn phòng ấm áp, thì biết bao nhiêu người đang buốt lạnh, đang trắng tay, đang mất đi người thân của mình. Ngay cả khi quấn chiếc mền ấm, tôi cũng thấy không đành lòng. Tôi vừa biết ơn lại vừa tội lỗi, như thể tôi có lỗi rất nhiều với những người khốn khó ngoài kia.
Vậy nên, tôi tin rằng bạn, sau khi đã đắm chìm trong âm nhạc của thần tượng, đã thoả mãn với chiến thắng của đội bóng mình hâm mộ, đã làm xong tất cả những thứ cần làm trong ngày, sẽ vẫn dành thời gian để nghĩ về những người ở vùng tâm bão. Bạn có thể quyên góp những thứ mình có, từ quần áo, tiền bạc, thức ăn… hoặc cũng chỉ cần một lời hỏi thăm, đôi ba tin nhắn, một cuộc điện thoại hay đơn giản là một dòng chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy để mọi người biết rằng bạn có quan tâm, ngay cả khi bạn vốn không quen thể hiện mình. Hãy để những người như chị đồng nghiệp của tôi, có thể tự tin kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Đừng để những người con xa nhà thấy lạc lõng. Đừng để những người đã mất mát quá nhiều phải chống chọi trong đơn độc.
Một cánh bướm cũng có thể tạo nên cơn bão
Có một điều không thể phủ nhận rằng, thiên tai đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, khó lường hơn. Năm ngoái, cơn lũ lịch sử nhấn chìm miền Trung, cướp đi mạng sống của 30 con người cùng tất cả của cải của một vùng đất vốn đã cỗi cằn, nghèo khó. Năm nay, lũ quét ở Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên khiến 33 người chết và mất tích, 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi. Cơn bàng hoàng chưa dứt, ngay lập tức, siêu bão Damrey tấn công Nam Trung Bộ, quét sạch mọi thứ nó đi qua…
Khánh Hòa tan hoang sau cơn bão (Ảnh: Dân Trí)
Vẫn biết Việt Nam là một trong những nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới, nhưng vấn đề đã không còn nằm trong phạm vi quy luật thời tiết nữa. Tất cả chính là biểu hiện của tình trạng biến đổi khí hậu nặng nề.
Chắc chắn bạn cũng đã nhận ra những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu ngay trên chính mảnh đất Sài Gòn này. Đó chính là tần suất mưa và khô hạn bất thường, mùa mưa có xu hướng ngắn đi và xuất hiện mưa trái mùa. Sài Gòn đã không còn hai mùa mưa nắng nữa mà sẽ là chuỗi thời tiết bất định xen kẽ. Sẽ có những ngày oi bức đến điên người, đề rồi ngày hôm sau mưa tầm tã trắng trời trắng đất, kéo theo là nước dâng, là triều cường, là ngập lụt, là bệnh thời tiết…
Những hình mẫu thời tiết quen thuộc mà ông bà ta chỉ dạy sẽ không còn nữa. Tất cả những thay đổi thất thường này đều vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết và tiên đoán của chúng ta. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời nhà vật lý học Geoffrey West rằng, “biến đổi khí hậu không phải là cách gọi thay thế của hiện tượng ấm lên toàn cầu nữa mà nó phản ánh tính hỗn loạn của cả nhiệt độ đại dương và bầu khí quyển Trái Đất”. Chính luồng không khí lạnh phía Bắc tràn xuống cùng với độ nóng ẩm cao của biển Đông đã khiến cho bão Damrey trở nên hung dữ hơn và ngày càng mạnh khi tiến vào đất liền, thay vì tiến triển theo hướng ngược lại.
Ảnh: FB Nguyễn Chí Thiên
Vốn dĩ, biến đổi khí hậu là một chu trình tự nhiên dựa trên thay đổi bức xạ khí quyển, bao gồm biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của Trái Đất, quá trình kiến tạo núi, kiến tạo trôi dạt lục địa và sự thay đổi nồng độ khí nhà kính… Tuy nhiên, hệ thống khí hậu của Trái Đất có thể mất hàng thế kỷ hoặc lâu hơn để phản ứng hoàn toàn với những biến đổi từ bên ngoài. Cho đến khi có sự xuất hiện của loài người chúng ta.
Nhà vật lý Geoffrey West cho rằng, sự hỗn loạn mang lại bởi ấm lên toàn cầu là cái giá chúng ta phải trả cho nền văn minh ngày nay. Các yếu tố nhân sinh như gia tăng dân số, tăng lượng CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch tạo thành các sol khí tồn tại trong khí quyển (sol khí – hay aerosol – là những phần lơ lửng phân tán trong không khí với kích thước <1 micro mét, tương đối bền, khó lắng và là nguồn gốc tạo ra các tác nhân ngưng tụ thành mây, mưa), các hoạt động sử dụng đất, phá rừng hay bất cứ hành động nào tác động đến hệ sinh thái cũng dẫn đến suy giảm tầng ô zôn và khiến cho sự hỗn loạn trở nên nặng nề.
Nói dông dài như vậy cũng chỉ để bạn biết rằng, cơn bão hôm qua không hẳn là không liên quan đến bạn, đến tôi, mà nó là hệ quả của tất cả chúng ta. Nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đã đặt vấn đề về Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly Effect): Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas? Có đấy. Và tất cả mọi thứ chúng ta đang làm đều liên quan đến nhau.
Hôm nay bạn tắt bớt bóng đèn, đi bộ nhiều hơn, bạn gọi một ly nước thủy tinh không có ống hút, từ chối món ăn đựng trong hộp nhựa… nghĩa là bạn đang góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, là bạn đang giúp những người ở vùng rốn bão bớt đi nguy cơ đối mặt với những cơn thịnh nộ trời giáng, là bạn đang giúp chính bản thân và gia đình mình thoát khỏi hiểm họa thiên tai trong tương lai.
Trước những cơn bão, chúng ta đều bé nhỏ, yếu ớt như những cánh bướm trong gió. Vậy nên, hãy luôn là những cánh bướm mà không gây ra bất kỳ cơn bão nào.
Bài: Đông Quân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)