BÀI LIÊN QUAN
5 tuổi, lần đầu tiên Lê Mai Anh tham gia lớp dance sport tại Nhà thiếu nhi TP.HCM và nhen nhóm tình yêu với nhảy múa. 10 tuổi, Mai Anh thi đậu trường Múa TP.HCM. Lúc đó, nhà không có điều kiện, mẹ đắn đo, bảo hay là thôi, không học nữa. Thế là cô bé Mai Anh khóc hết nước mắt, suốt mấy ngày liền vừa khóc vừa năn nỉ mẹ. Thương con, xiêu lòng, mẹ đành chạy vạy lo cho chị đi học. 7 năm học múa song song với học văn hóa ở 2 trường khác nhau, thời gian eo hẹp, mệt nhọc đủ đường, vậy mà Mai Anh vẫn tốt nghiệp loại ưu và trở thành giảng viên trẻ nhất của trường Múa TP.HCM vào năm 18 tuổi. Sau đó, cô nàng mê múa nhận được học bổng 2 năm sang Pháp, rồi tự thân đi tìm cơ hội. Mai Anh có hẳn 7 năm theo đuổi múa đương đại nơi xứ người. Giờ đây, khi đã trở về Việt Nam, sau những tháng ngày rực rỡ, Mai Anh lại chọn cho mình một cuộc sống không ồn ào, không hào nhoáng, chỉ tập trung dạy múa, thỉnh thoảng tổ chức vài buổi diễn nho nhỏ. Với chị, còn được múa nghĩa là còn được sống với giấc mơ đời mình.
Lê Mai Anh là nghệ sĩ múa đương đại, hiện đang làm Giảng viên trường Múa TP.HCM và Viện Âm nhạc & Biểu diễn nghệ thuật Erato.
Lần đầu tiên nhận ra mình thích múa, cảm giác như thế nào nhỉ?
Cái lần tôi khóc lóc xin mẹ cho đi học múa năm 10 tuổi ấy, lúc đó tôi đã thích múa rồi, nhưng cũng không biết tại sao lại thích nhiều như vậy nữa. Chỉ là, được múa thì vui lắm. Sau này, càng tập luyện nhiều, tôi lại càng hiểu, càng thấy ý nghĩa, thấy thương múa, thương nghề hơn. Múa là cách tôi tự sự, kể lại câu chuyện của mình. Vui tôi cũng múa, buồn tôi cũng múa, có những điều không bộc lộ được, tôi cũng thể hiện qua những động tác múa. Khi bước lên sân khấu, dưới ánh đèn, dù cho xung quanh có rất nhiều người, dù cho khán giả đang nhìn tôi, nhưng lúc đó chỉ còn lại tôi trong thế giới của âm nhạc và chuyển động mà thôi.
Tôi nghe nói, người học múa sẽ thường xuyên bị chấn thương, đó có phải khó khăn lớn nhất của chị?
Chuyện chấn thương, chảy máu thì như cơm bữa rồi. Có khi múa hăng say trên nền bê tông, quên luôn cả đau, tới lúc tôi nhìn xuống mới thấy chân chảy máu. Nhưng chấn thương không khiến mình nản, càng đau lại càng phải tập nhiều hơn.
Thực ra, khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ. Khi được nhận học bổng, tôi mới bắt đầu học tiếng Pháp. Đến khi qua Pháp, tôi vẫn phải học tiếng thêm 9 tháng nữa. Trước đó, tôi chỉ có thể bắt chước động tác của thầy. Mỗi lần tới động tác cúi đầu, tôi toàn phải ngẩng đầu lên nhìn vì chẳng hiểu thầy nói gì (cười). Mệt nhất là học về lịch sử múa (cũng chính là lịch sử phương Tây). Vì tôi là người châu Á duy nhất trong lớp, nên người ta học 5 thì tôi phải học 10 mới theo kịp.
Hơn nữa, tôi cũng phải tự trang trải cuộc sống. Làm nail, phục vụ, pha chế cà phê, giữ trẻ… việc nào tôi cũng đã làm qua, thậm chí làm nhiều việc cùng lúc. Tôi học cả ngày, vừa ló mặt ra khỏi trường lại đi làm thêm, có khi làm đến 12 giờ đêm, vừa mệt, vừa mất thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Cũng nhiều lúc nản, nhiều lúc đắn đo và đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Vậy tại sao chị vẫn không bỏ cuộc?
Tại vì tôi mê múa quá. Tôi cứ tự nhủ, phải học được cái mới để còn về truyền đạt lại (hồi đó ở Việt Nam chưa có múa đương đại), nên cứ cố thôi. Nghề múa này cần nhất là đam mê, không mê không theo được. Lớp của tôi có 24 người, sau 7 năm chỉ còn có 2 người, gộp 3 lớp lại được 6 người, rơi rụng hết cả. Tôi thấy may mắn vì mình vẫn trụ lại được.
Đâu là động lực lớn nhất để chị theo đuổi nghề múa suốt ngần ấy năm?
Động lực do mình tự tạo ra! Bản thân không cố gắng, không tiến về phía trước thì không ai có thể thực hiện ước mơ thay cho mình. Tôi không nghĩ “đam mê” là thứ gì đó quá to tát, đơn giản là bạn muốn làm và khi làm thì bạn vui. Nó xuất phát từ tận đáy lòng mình, bất ngờ, không thể biết trước. Một ngày nào đó, bạn biết bạn “mê” rồi, “mê” rất tự nhiên, và cái tự nhiên đó là điều đẹp nhất. Nó cho bạn sức mạnh để gắn bó với nó suốt đời.
Chị xác định được sở thích từ rất sớm và hết lòng theo đuổi nó. Vậy chị nghĩ thế nào về những người không thể xác định được mình muốn gì, hoặc vì nhiều lý do mà từ bỏ ước mơ của mình?
Nhưng những người chưa xác định được mình muốn gì sẽ có thể học nhiều thứ, làm nhiều nghề, có cơ hội thử sức, trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, nhưng rủi ro là công việc sẽ không ổn định, dễ thay đổi, cho đến khi họ tìm được điều phù hợp với mình. Còn những người đã có ước mơ mà vẫn thay đổi bởi tác động bên ngoài, đó là vì họ ước mơ chưa đủ.
Hiện nay, có nhiều chương trình về nghệ thuật biểu diễn, cũng có nhiều bạn trẻ nổi danh từ rất sớm, chị đánh giá như thế nào về sự phát triển của múa trong bối cảnh hiện tại?
Tôi có cảm giác các bạn trẻ bây giờ học múa dễ dàng quá, không khó khăn như chúng tôi lúc trước. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà lại thiếu nghị lực hơn. Các bạn học được một chút, múa được một chút là có thể chụp hình, đăng lên mạng xã hội và ảo tưởng về bản thân. Các bạn cũng hay đánh đồng việc học tập ý tưởng từ các clip múa trên youtube của nước ngoài. Không phải cứ làm giống nghĩa là học tập. Các bạn hãy đặt ý tưởng đó trong bối cảnh văn hóa, trong câu chuyện cá nhân để sáng tạo ra những thứ của riêng mình.
Dù đã có gia đình nhưng chị vẫn có thể theo đuổi công việc mơ ước của mình. Bí quyết của chị là gì?
Một phần, tôi có bố mẹ, chồng con thấu hiểu và hỗ trợ. Một phần, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho cả gia đình lẫn múa. Quan trọng là biết cách sắp xếp hợp lý. Bạn không nhất thiết phải từ bỏ đam mê khi có gia đình. Hòa hợp cả hai sẽ giúp bạn sống hạnh phúc hơn!
Mai Anh không cảm thấy vất vả khi vừa phải theo đuổi đam mê, vừa chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Đôi khi cô mang cả những nhóc tì đến phòng tập để mẹ con múa cùng nhau.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Sơn Trần, NVCC Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE