[Những cô gái theo đuổi giấc mơ] Hoa hậu Cascadeur Phi Ngọc Ánh – Sống là chinh phục
Gặp Phi Ngọc Ánh, bạn sẽ khó tin cô là nữ cascadeur thành công nhất hiện nay. Bạn sẽ dễ tin cô là hoa hậu, diễn viên hay nữ doanh nhân hơn, bởi Ánh chưa bao giờ ngừng thử thách bản thân mình.
Nhiều người hỏi tại sao tôi lại có được những thành công trong nghề cascadeur như hiện nay. Theo tôi, chỉ có một tiêu chí thôi, đó là đam mê và nỗ lực.Chỉ có lòng đam mê mới có thể khiến bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để làm những điều được xem là không bình thường. Làm được những điều mà người khác không làm được sẽ mang lại cho bạn cảm giác mê hoặc và khiến mình cứ muốn đi chinh phục những điều khó khăn nguy hiểm khác. Nghề này tôi luyện cho bạn sự kiên nhẫn, khả năng chịu đòn và phản ứng nhanh nhạy. Bạn có sự tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Do đó, khi đã dấn thân vào nghề cascadeur thì khó mà dứt ra được. Đó là lý do tại sao tôi vẫn trụ vững với nghề cho tới bây giờ.
“Chỉ có lòng đam mê mới khiến bạn vượt qua nỗi sợ hãi. Làm được những điều mà người khác không làm được sẽ mang lại cho bạn cảm giác mê hoặc và khiến mình cứ muốn đi chinh phục những điều khó khăn nguy hiểm khác”.
Niềm đam mê đó, với tôi không chỉ xuất hiện ngày một ngày hai mà được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Dù có lúc phải rẽ sang đường này đường kia nhưng tôi luôn biết đâu là con đường mà mình sẽ đi, sẽ chọn.
Tôi sinh ra trong gia đình có đông anh chị em và ba mẹ khá vất vả. Do đó, tôi luôn mong muốn làm gì đó để đỡ đần cho gia đình. 14 tuổi, tôi rời quê nhà ở Bình Dương để lên TP. HCM kiếm sống.
Thời gian đầu lên thành phố, tôi làm nghề chà bóng cho một cơ sở sản xuất tượng thạch cao (loại tượng để dành cho người ta chơi tô tượng). Làm được ba tháng thì tôi phải nghỉ vì bị viêm phổi. Sau đó tôi chuyển sang phụ bán shop thời trang và chị chủ thương tôi nên cho tôi vừa bán vừa đi học bổ túc.
Vừa làm vừa học, tôi vẫn không nguôi giấc mơ võ thuật được ấp ủ từ khi còn bé, từ những ngày được xem phim Bao Công và tôi rất thích nhân vật Triển Chiêu. 5 tuổi, tôi đã xin ba cho đi học võ. Tôi luôn nghĩ một ngày nào đó tôi cũng có thể đảm nhận những pha hành động ngầu như thế, thậm chí tôi có thể trở thành diễn viên đóng thế.
Vậy là song song với việc học và làm, tôi tiếp tục theo học Vovinam ở Phú Nhuận. Sau ba tháng, tôi có được vai đóng thế đầu tiên, cho một phim của Đức. Trước đây, tôi vốn sợ độ cao nhưng nghề cascadeur đã giúp tôi vượt qua nó. Để gắn bó với nghề, bạn phải không ngừng tập luyện và liên tục thử thách bản thân mình. Từ sau lần nhảy lầu một thành công, tôi lại thử sức với lầu hai, lầu ba.
Đã từng thực hiện không biết bao nhiêu pha hành động nhưng lần nào với tôi cũng là cảm xúc chinh phục thử thách thật khó tả. Đôi khi tôi có cảm giác mình vượt qua được nỗi sợ và giới hạn của bản thân. Đôi khi tôi cảm thấy khoảnh khắc ấy mang lại cho tôi sự tự do và niềm hạnh phúc quá lớn. Kỷ lục của tôi – cũng là kỷ lục nhảy lầu của cascadeur nữ hiện nay là rơi từ lầu thứ tư xuống đất.
Đầu tiên là cảm giác choáng ngợp vì sung sướng. Sau đó, bạn phải trấn tĩnh và tự đếm để đo lường độ cao và khoảng rơi của mình. 10, 9, 8, 7, 6, 5… bạn phải gồng cứng người lại và ôm lấy ngực để bảo vệ nội tạng. Sau đó nghiêng người khi rơi để tránh tổn thương. Nếu bạn không có kỹ thuật rơi mà để mình rơi tự do thì khi tiếp đất sẽ thật kinh khủng.
Hầu như lần nào cũng vậy, sau mỗi lần thực hiện những pha mạo hiểm thành công, bạn sẽ được vỡ òa trong tiếng hò reo của ê-kíp đoàn phim. Niềm hạnh phúc thót tim này tôi đã được nếm trải từ lần đầu đóng thế cho một diễn viên nước ngoài trong một cảnh té xe. Cảnh đó tôi ngồi trên xe máy, gặp chướng ngại vật phía trước và thắng lại, văng ra khỏi xe. Cảm giác của tôi lúc đó là hồi hộp lo sợ. Trước đó tôi có chạy thử và đề nghị đạo diễn quay thật, thực hiện duy nhất một lần. Khi tôi ngã xuống thì lăn ra và đạo diễn hô “cắt”, đạo diễn chạy lại kèm nỗi lo lắng cho cảnh thế đầu tay của cô gái.
Ngoài công việc cascadeur, Ngọc Ánh cũng thử sức với nghề diễn viên và đều tự mình thực hiện những pha nguy hiểm mà không cần diễn viên đóng thế.
Kể ra, màn té xe này không nguy hiểm và đáng ngại bằng màn ngã người vào kiếng xe hơi và đu dây từ nóc nhà xuống bằng tay không, không đeo bảo hộ. Hậu quả của lần ngã người vào kiếng xe hơi là những vết sẹo trên cổ tay của tôi, cùng vô số vết sẹo khác trong mười năm làm nghề mà mỗi lần trái gió trở trời là lại đau nhức. Tuy nhiên, đây cũng là nhân chứng nhắc lại cho tôi những giây phút huy hoàng được đắm mình trong đam mê và cống hiến.
Có hai điều tôi không bao giờ quên. Đầu tiên là lúc tôi thực hiện cảnh cháy nổ cho phim Luật rừng, đó là cảnh cháy nổ cuối cùng của chú Phương Khói Lửa, và sau đó chú ra đi mãi mãi. Điều thứ hai là khi tôi đoạt giải Nữ diễn viên hành động xuất sắc nhất châu Á. Khoảnh khắc này đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc ngọt ngào khi gặt hái được trái ngọt trên cái cây mà mình đã dày công gieo trồng. Đây là động lực cho tôi bước tiếp.
Ngoài sự dấn thân, chấp nhận thử thách thì tai nạn nghề nghiệp không phải là chuyện hiếm. Tất nhiên cơ thể của tôi không tránh khỏi thương tích, nhưng tôi luôn cố gắng bảo vệ gương mặt của mình một cách tối đa nhất. Có lẽ nhờ vậy nên tôi mới đăng quang cuộc thi Người đẹp hoa anh đào năm 2009, lúc này tôi mới vào nghề cascadeur một năm.
Các bạn cascadeur bên dưới cổ vũ rầm trời và đây cũng là lần đầu tiên một nữ cascadeur chiến thắng một cuộc thi nhan sắc. Thành thực mà nói, với nữ cascadeur, có nhan sắc là một điều hết sức thuận lợi, đặc biệt là khi tôi từ cascadeur trở thành diễn viên. Như vậy, tôi dễ dàng được lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn và nhà sản xuất. Tôi cũng dễ giao tiếp với mọi người trong công việc. Rắc rối nếu có là những lần tôi đến trường quay mà người ta không tin tôi là cascadeur. Dù vậy, chỉ có nhan sắc là chưa đủ. Phụ nữ cần có cái đầu thông minh nữa.
Nếu bạn hỏi con gái đi theo nghề cascadeur có gì khó khăn thì đầu tiên phải kể đến là về thể lực. Sức chịu đựng của phụ nữ không tốt bằng nam giới. Khi đi quay, bị trúng đòn đau là chuyện bình thường. Trong những ngày nhạy cảm, sức khỏe của bạn cũng không tốt bằng. Lúc này bạn sẽ dễ thấy chân tay đau nhức và tủi thân. Thú thật cũng có lúc Ánh nghĩ hay là thôi, mình không theo nghề này được nữa vì nó quá khắc nghiệt với nữ giới. Gia đình và bạn bè chẳng ai ủng hộ mình. Ai cũng lắc đầu khi thấy con gái mà suốt ngày đánh đấm, nhảy lầu, hiểm nguy rình rập mà không nói trước được điều gì cả. Đàn ông có ý định làm quen với mình cũng cảm thấy e ngại. Họ nói con gái mà không nữ tính chút nào. Đó là khó khăn lớn mà mình phải vượt qua về mặt tâm lý. Bạn phải chiến thắng những định kiến không tốt về nữ giới làm cascadeur.
Bài: Yến Lê
Ảnh: Lân Trần, A Phi, NVCC
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE